BỐN CHUYỂN TÂM – NHỮNG KHỔ ĐAU CỦA SINH TỬ LUÂN HỒI

Trích: Lời Vàng Của Thầy Tôi

Tác giả: Patrul Rinpoche 

Nhóm Longchenpa chuyển Việt ngữ 2004

Viet Nalanda Foundation

21/04/2025
17 lượt xem

——-💥💥💥——-

Thấu hiểu rằng những hoạt động thế gian đều vô nghĩa,
Với lòng đại bi, Ngài nỗ lực chỉ vì lợi lạc của chúng sinh.
Không đắm nhiễm sinh tử hay Niết bàn, Ngài hoằng hóa con đường Đại Thừa.
Bậc Thầy Vô song, con đảnh lễ dưới chân Ngài !

—💥—

Như ta đã chỉ ra từ trước, hiện giờ chúng ta có một đời người được phú bẩm với những điều kiện tự do và thuận duyên rất khó tìm, nhưng cuộc đời này sẽ không kéo dài. Chẳng bao lâu nữa, chúng ta sẽ phải chịu sức mạnh chi phối của sự vô thường và cái chết. Nếu sau đó chúng ta biến mất đi như ngọn lửa tàn lụi hay nước bốc hơi, thì mọi sự thế là xong hết. Nhưng sau cái chết, chúng ta không sẽ không tan biến thành không có gì. Chúng ta bị buộc tái sinh – và điều đó có nghĩa là ta sẽ vẫn phải ở trong sinh tử, không có chỗ nào khác ngoài nơi đó.

Thuật ngữ samsara, tức bánh xe hay vòng quay của sự hiện hữu, được dùng ở đây để ngụ ý một sự xoay vòng từ nơi này sang nơi khác trong một vòng tròn, giống như một bánh xe bằng gốm, hay bánh xe của một cái máy xay nước vậy. Khi một con ruồi bị bẫy trong một cái chai đóng kín thì dù có bay chỗ nào chăng nữa nó cũng không thể thoát ra được. Tương tự như vậy, dù ta được sinh trong cõi cao hay thấp, ta cũng chẳng hề nằm ngoài vòng luân hồi sinh tử. Phần trên cái chai giống như những cõi cao của thiên giới hay con người, và phần dưới giống như ba cõi bất hạnh. Vòng luân hồi giống như một vòng tròn, vì ta cứ mãi xoay vòng, tái sinh hết nơi này đến nơi khác trong sáu cõi do bởi hậu quả của những hành nghiệp của chính mình, và những hành nghiệp, cho dù thiện hay ác, đều bị ô nhiễm bởi sự bám chấp.

Từ vô thủy nhẫn cho đến ngày nay, chúng ta đã từng lang thang trong thế giới luân hồi. Mỗi một chúng sinh trong đó, không loại trừ ai, đều có những rang buộc về luyến ái, hận thù và lãnh đạm đối với những chúng sinh khác. Ai cũng đã từng là cha và mẹ của các chúng sinh khác. Trong Kinh điển có nói rằng nếu ta tính lùi lại những thế hệ các bà mẹ trong gia đình mình rồi nói rằng: “Người ấy là mẹ của mẹ tôi; mẹ của mẹ của mẹ tôi là người này và người này…” và cứ tiếp tục tính theo cách thức như vậy, dùng những viên đất nhỏ bằng hột cây bách xù để đếm số người thì toàn thể đất được dùng sẽ hết sạch trước khi bạn đếm xong số lượng các bà mẹ. Như Ngài Nagarjuna (Long Thọ) nói:

Chúng ta sẽ dùng hết đất khi cố gắng tính đếm những bà mẹ của mình
Bằng những viên đất sét nhỏ bằng hột bách xù.

Trải qua suốt vòng luân hồi từ vô thủy cho tới nay, không có một sinh thái (life form) nào mà ta đã chưa từng sinh ra trong đó. Đã bao lần những dục vọng của ta khiến đầu và tứ chi ta đứt rời. Nếu có thể chất đống ở tại một nơi tất cả những tứ chi ta đã mất khi ta làm thân kiến và những côn trùng khác thì đống tứ chi ấy còn cao hơn Núi Tu Di. Những giọt nước mắt mà ta đã khóc bởi cái lạnh, cái đói và cái khát khi ta không có cái ăn, cái mặc, những giọt nước mắt ấy có thể tạo thành một đại dương còn lớn hơn tất cả những đại dương bao quanh trái đất này. Ngay cả tất cả số đồng đỏ mà ta từng nuốt trong các cõi địa ngục còn lớn hơn cả bốn đại dương. Thế nhưng tất cả chúng sinh bị cột chặt vào các cõi sinh tử bởi dục vọng và bám chấp sẽ còn phải chịu đựng thêm nữa những đau khổ trong vòng luân hồi vô tận này, trong tâm họ chẳng hề có chút hối hận dù chỉ trong chốc lát.

Ngay cả nếu nhờ kết quả may mắn của một vài thiện hạnh, chúng ta có thể được trường thọ, có được thân thể hoàn hảo, của cải và sự vinh quang của vua cõi Trời Đế Thích (Indra) hay Phạm Thiên (Brahma), thì cuối cùng chúng ta vẫn không thể trì hoãn được cái chết; và sau cái chết chúng ta lại phải chịu đựng những đau khổ của các cõi thấp hơn. Trong đời này, những điều kiện thuận lợi nhỏ bé của quyền lực, của cải, sức khoẻ và những thứ khác mà ta vui hưởng có thể lừa phỉnh ta trong một ít năm, ít tháng hay ít ngày. Nhưng một khi kết quả của mọi thiện hạnh nào ta đã tạo được những trạng thái hạnh phúc này bị cạn kiệt, thì dù có muốn hay không, ta sẽ phải trải qua sự bần cùng và khốn khó, hay trải qua những đau khổ không thể chịu đựng nổi trong những cõi thấp.

Có ý nghĩa gì không trong loại hạnh phúc đó? Nó như một giấc mộng chỉ ngừng lại giữa chừng khi bạn tỉnh giấc. Những ai có vẻ sung sướng và thoải mái vào lúc này nhờ vào kết quả của một vài thiện hạnh không đáng kể, họ cũng sẽ không thể kéo dài được tình trạng thoải mái và sung sướng đó hơn một khắc nào một khi kết quả của thiện hạnh đó đã cạn kiệt. Có những vị vua trời, ngồi cao ngất trên những ngai bằng châu báu, dàn trải với những thứ lụa là tuyệt trần, vui hưởng mọi lạc thú của năm giác quan. Nhưng, một khi thọ mạng của họ cạn kiệt thì trong nháy mắt, họ bị đắm chìm trong đau khổ và đâm đầu xuống nền kim khí nóng như thiêu như đốt của địa ngục. Ngay cả những vị thần mặt trời và thần mặt trăng, là những vị đã chiếu sáng bốn đại lục, cuối cùng cũng có thể bị tái sinh ở một nơi nào đó ngay giữa những đại lục kia, trong bóng tối sâu dày tới nỗi họ không thể thấy tứ chi của chính họ duỗi ra hay gập lại.

Vì thế chớ nên đặt sự kỳ vọng của mình vào những niềm vui trước mắt của cõi luân hồi. Hãy mang quyết rằng, ngay trong đời này, ta sẽ giải thoát chính mình khỏi biển khổ và đạt được chân hạnh phúc, một hạnh phúc thường hằng của Phật Quả viên mãn. Hãy đưa tâm niệm này vào công phu hành trì của bạn, áp dụng những phương pháp đúng đắn khi bắt đầu thời công phu, khi hành trì phần chính yếu của công phu và lúc kết thúc công phu…

Càng quán chiếu về những điều này và những đoạn văn tương tự khác, ta sẽ càng nhận ra rằng cho dù sinh ra ở đâu; từ đỉnh cao của sự sống xuống tới địa ngục sâu thẳm nhất, tất cả đều không có ngay cả một giây phúc hạnh phúc thực sự. Mọi sự đều vô nghĩa. Hãy suy ngẫm về luân hồi sinh tử và những đau khổ của sinh tử cho tới khi không còn tham muốn gì về cõi luân hồi nữa, giống như người đau gan được mời ăn một món thức ăn có nhiều mỡ béo vậy.

Đừng nên bằng lòng với việc chỉ đơn thuần nghe nói về những đau khổ này và có được những hiểu biết theo tri kiến. Hãy thấu hiểu những điều đó qua dòng tâm thức và kinh nghiệm những đau khổ ấy với toàn bộ trí tưởng tượng cho tới khi nào ta có thể thực sự có niềm tin vào những điều đó. Khi có được sự xác quyết này thì việc tránh không phạm ác hạnh và việc phải tích lũy thiện hạnh sẽ đến với ta một cách tự nhiên không cần ép buộc.

Nanda, người anh em họ của Đức Phật, rất luyến ái người vợ và không muốn từ bỏ thế gian. Mặc dù Đức Phật, bằng phương tiện thiện xảo, đã thuyết phục ông hãy bước chân trên con đường Đạo Pháp và trở thành một tăng sĩ, ông ta đã không tuân theo giới luật. Ông sắp bỏ trốn thì Đức Phật dùng thần lực đem ông lên một đỉnh núi tuyết và cho ông ta thấy một con khỉ cái một mắt.

Đức Phật hỏi Nanda: “Ông thấy Pundarika vợ của ông và con khỉ này ai đẹp hơn?”

Nanda trả lời: “Vợ con, nàng đẹp hơn gấp trăm, gấp ngàn lần!”

“Được rồi,” Đức Phật trả lời. “Bây giờ chúng ta hãy lên cõi Trời.”

Khi đến nơi, Đức Phật ngồi xuống và bảo Nanda đi một vòng xem xét. Mỗi một vị trời sống trong cung điện riêng, chung quanh có nhiều thiên nữ trẻ, và hưởng thụ những khoái lạc, hạnh phúc và sự dư dật không thể nghĩ bàn. Tuy nhiên, có một cung điện có nhiều thiên nữ nhưng không có vị trời nào. Nanda hỏi tại sao, và được trả lời: “Trong cõi người, có một người đàn ông tên Nanda, một người anh em họ của Đức Phật, đang tuân giữ giới luật tu viện. Hành động này sẽ dẫn ông ta tái sinh vào cõi thiên, và khi đó cung điện này sẽ là của ông ta.”

Nanda vui mừng khôn xiết. Khi trở lại với Đức Phật, Phật hỏi, “Ông có thấy cõi trời chưa?”

“Tất nhiên là con thấy rồi!”

“Tốt. Ông thấy vợ ông hay những thiên nữ trẻ ai đẹp hơn?”

“Những người con gái của các chư thiên đẹp hơn nhiều,” Nanda trả lời: “Quả thực, sắc đẹp của họ vượt xa sắc đẹp của Pundarika cũng như sắc đẹp của Pundarika vượt xa con khỉ một mắt mà chúng ta thấy trước đó.”

Khi trở về thế gian, Nanda giữ gìn giới luật tu viện thật hoàn hảo.

Sau đó Đức Phật nói với những tu sĩ: “Nanda đã từ bỏ cuộc sống thế gian để được sinh vào những cõi trời,” Ngài nói, “Nhưng tất cả các ông trở thành tu sĩ để vượt thoát đau khổ. Các ông và ông ta không cùng một con đường. Đừng nói chuyện với ông ta nữa. Không nên thân mật với ông ta. Thậm chí không nên ngồi cùng chỗ với ông ta!”

Tất cả tu sĩ vâng lời, và Nanda rất bối rối. Ông nghĩ: “Ananda là em trai ta; tối thiểu nó vẫn còn chút tình cảm với ta.” Nhưng khi ông ta đi gặp em, Ananda đứng dậy và bỏ đi. Nanda hỏi tại sao, và Ananda thuật lại những điều Đức Phật đã nói. Nanda rất đau khổ.

Cuối cùng Đức Phật đến với ông và nói, “Nanda, ông có muốn đi thăm các địa ngục không?” Nanda đồng ý, và Đức Phật đưa cả hai xuống đó bằng thần lực. “Hãy đi và quan sát chung quanh,” Ngài nói.

Vì vậy, Nanda bắt đầu thám hiểm, thăm tất cả cảnh giới của địa ngục cho tới khi ông đi qua một nơi có một cái vạc trống không, trong đó có một ngọn lửa cháy kêu tanh tách và rất đông thuộc hạ của Diêm Vương đang vây quanh. Ông hỏi họ tại sao trong cái vạc không có ai.

“Có một người em họ trẻ tuổi của Đức Phật tên là Nanda,” họ trả lời: “Ông ta đang thực hành giới luật tu viện với ý định được tái sinh làm một vị trời. Sau khi hưởng thụ hạnh phúc của cõi trời, khi công đức đã cạn kiệt, ông ta sẽ tái sinh vào đây.”

Nanda hoảng sợ. Khi trở về ông ta suy nghĩ kỹ về các sự việc. Trong tương lai được sinh vào cõi trời và sau đó kết thúc ở các cõi địa ngục thì chẳng có ý nghĩa gì hết, vì thế ông nuôi dưỡng một quyết tâm thực sự để tìm cách thoát khỏi luân hồi. Khi đã nhìn tận mắt các cõi địa ngục, ông không bao giờ làm bất kỳ điều gì vi phạm giới luật dù nhỏ nhặt nhất, và Đức Phật tán thán ông là đệ tử tuyệt hảo nhất trong việc thu thúc các căn – không cho phép mình bị cám dỗ bởi những đối tượng của các giác quan…

Để thực sự thực hành và kinh nghiệm được Phật Pháp, điều thiết yếu là ta phải nhận ra rằng mọi sự trong luân hồi thì hoàn toàn vô nghĩa. Cách duy nhất để phát triển nhận thức đó là phải thiền quán về những nỗi thống khổ và tai họa của luân hồi. Hãy quán chiếu cho đến khi đạt được sự hiểu biết và niềm tin tưởng sâu xa rằng toàn bộ cõi luân hồi ngập tràn đau khổ.

Khi công phu thiền định đã thật sự bén rễ trong ta, ta sẽ có dấu hiệu như Geshe Langri Thangpa. Một ngày nọ, một trong những vị thị giả thân cận nói với Ngài: “Người ta gọi Ngài là Langri Thangpa Mặt Sầu Não” (Langri Thangpa Tang – diện).

“Làm sao mặt ta có thể tươi sáng và vui vẻ được khi ta nghĩ về tất cả các nỗi khổ trong ba cõi luân hồi?” Vị Geshe trả lời.

Người ta nói rằng Ngài Langri Thangpa chỉ từng cười có một lần. Ngài thấy một con chuột đang cố di chuyển một viên lam ngọc trên mạn đà la của Ngài. Nhưng một mình nó không thể nhấc nổi viên ngọc, nên nó gọi: “Tsik! Tsik!” và con chuột khác chạy đến. Một con đẩy viên ngọc trong khi con kia kéo. Điều đó khiến Ngài Langri Thangpa mỉm cười.

Công phu thiền quán về những nỗi đau khổ của luân hồi là nền tảng và là sự hỗ trợ giúp cho tất cả những phẩm tính tốt đẹp trên con đường tu tập Đạo Pháp. Công phu thiền định này sẽ xoay chuyển tâm ta hướng về Pháp. Sẽ cho ta niềm tin vào luật nhân quả trong tất cả những việc ta làm. Sẽ khiến ta quay lưng lại với những mục đích của cuộc đời này. Và sẽ khiến ta cảm nhận lòng từ và bi đối với tất cả chúng sinh.

Chính Đức Phật, trong ba lần chuyển Pháp luân, đã bắt đầu bằng những lời dạy sau: “Hỡi chư tỷ kheo, cuộc đời này là đau khổ.” Điều đó cho thấy việc ta nhận thức ra được những đau khổ trong cõi luân hồi này thật sự quan trọng đến ngần nào.

Vì vậy, hãy hành trì tu tập cho tới khi có được hoàn toàn niềm tin tưởng và sự xác quyết rằng luân hồi là đau khổ.

Nhìn thấy luân hồi là đau khổ, nhưng con vẫn còn khao khát vòng sinh tử.

Sợ hãi vực thẳm của cõi thấp, nhưng con tiếp tục làm điều sai trái.
Xin hãy từ bi gia hộ cho con và những kẻ lạc lối như con.
Để chúng con có thể thành thật từ bỏ những đa đoan của cuộc đời này.
——-💥💥💥——