BUÔNG BỎ Ý NIỆM

HT. THÍCH NHẤT HẠNH

Trích "Hơi thở nuôi dưỡng và trị liệu"; Thích Chân Pháp Niệm dịch; VHPG

Trong kinh Kim Cương (Vajracchedika Prajnāparamita Sutra), đức Thế Tôn dạy chúng ta buông bỏ những ý niệm về ngã, nhân, chúng sanh và thọ giả.

Ngài dạy rằng nếu ta buông bỏ được bốn ý niệm này thì sẽ chạm tới được niết bàn và ta được giải thoát, tự do ra khỏi những lo âu, ghen tỵ, phiền muộn và sợ hãi. Trong kinh Kim Cương, chúng ta tìm thấy những câu nói được lặp đi lặp lại rất nhiều lần như: ”…cái ta gọi là những hành động thánh thiện thực ra không thật sự là hành động thánh thiện, cho nên chúng mới
đích thực là những hành động thánh thiện. Bồ tát không phải là bồ tát, cho nên mới là bồ tát đích thực.” ”’A’ không phải là ‘A,’ cho nên ‘A’ mới thật sự là ‘A”’
. Đây là một công thức theo thể loại biện chứng của kinh Kim Cương.

Khi nhìn vào bông hoa, ta thấy bông hoa chỉ được làm bằng những yếu tố không phải hoa, thì ngay trong giây phút ấy ta tiếp xúc được với thực tại của bông hoa. Nếu ta thấy được ”A” không phải là ”A,” thì ta đích thực thấy ”A” trong bản chất chân thật của nó. Thông thường ta bị kẹt vào những ý niệm rằng ”A” chỉ có thể là ”A,” A không thể là ”B.” Đó là vì ta bị kẹt vào ý niệm ngã. Nhưng theo phương thức biện chứng của kinh Kim Cương, thì không phải như vậy. Nếu nhìn thật sâu vào ”A,” ta sẽ khám phá ra ”A” chỉ được làm bằng những yếu tố không phải ”A.” Phương thức biện chứng này giúp ta tiếp xúc được bản chất chân thật của thực tại mà không bị đánh lừa bởi tướng.

Khi nhìn vào tự thân, ta thấy có một cái ngã và ta đồng nhất mình với cái ngã đó. Nếu biết nhìn sâu thì sẽ thấy rằng mình được làm ra bằng những yếu tố không phải mình, như yếu tố: cha, mẹ, tổ tiên, không khí, đất đai, mây, sức nóng, thực phẩm, giáo dục, tâm thức cộng đồng, văn hóa, chiến tranh v.v….

Thấy được như thế tức là tiếp xúc được với thực tại vô ngã của tự thân. Lúc bấy giờ ta không ngại ngùng sử dụng danh từ ”ngã- ta- tôi” nữa, bởi vì ta đã vượt thoát được ý niệm ngã. Đức Thế Tôn đã sử dụng những danh từ như ”Tôi,” ”Anh,” ”Ngã.” Thỉnh thoảng Bụt mời thầy Ananda- thị giả của Ngài đi chơi, leo núi Linh Thứu… Ngài nói: ”Thầy Ananda, thầy muốn leo núi Linh Thứu với tôi không? Thầy trò chúng ta sẽ cùng leo núi với nhau.” Rõ ràng là đức Thế Tôn đã sử dụng những danh từ ”thầy,” ”tôi” và ”chúng ta” và Ngài không bị kẹt vào ý niệm ngã. Có lần tôi cống hiến cho đại chúng bài kệ thực tập nghe chuông,

”Lắng lòng nghe, lắng lòng nghe
Tiếng chuông huyền diệu đưa về nhất tâm.”

Chữ nhất tâm trong bài kệ này được dịch sang tiếng Anh là ”true self,” nghĩa là cái chân ngã. Dịch trọn câu là ”…tiếng chuông huyền diệu đưa tôi về với cái chân ngã- con người chân thật của tôi.” Khi nghe bài kệ này, nhiều người thiền sinh Tây Phương đã hiểu lầm và ngần ngại sử dụng nó chỉ vì cái chữ chân ngã- ‘‘true self’’. Sở dĩ họ ngần ngại là có thể vì họ chưa hiểu hoặc còn bị kẹt vào ngôn từ và khái niệm, còn bị kẹt vào cái nhìn nhị nguyên, phân biệt. Nếu trong mỗi giây mỗi phút của đời sống hàng ngày, ta nuôi dưỡng được cái thấy vô ngã, tương tức được thường xuyên, an trú được trong định về vô ngã, thì ta thấy rằng ngã chỉ được làm bằng những yếu tố không phải ngã và ta có thể mặc nhiên sử dụng những danh từ như ”ngã,” ”tôi,” ”anh” và ”chúng ta,” mà không bị kẹt vào chúng. Đó là trí tuệ vô phân biệt (vô phân biệt trí). Có được trí tuệ này thì ta vượt thoát tất cả mọi khổ đau ách nạn, sợ hãi và vướng mắc. Biện chứng pháp của kinh Kim Cương là phương pháp mầu nhiệm có công năng giúp ta thực tập nhìn sâu vào lòng sự vật một cách thấu đáo và trọn vẹn để không bị kẹt vào các danh ngôn, tướng trạng và ý niệm. Ý niệm đầu tiên trong kinh Kim Cương mà Bụt dạy chúng ta thực tập buông bỏ là ý niệm ngã. Điều này có thể được thực hiện bằng cách nhìn của biện chứng pháp của kinh Kim Cương. Nếu vị bồ tát nghĩ rằng mình là bồ tát, thì vị ấy chưa phải là bồ tát đích thực; bởi vì nghĩ như thế tức là còn bị kẹt vào tâm phân biệt- còn bị kẹt vào ý niệm ngã, nhân và chúng sanh. Khi một vị bồ tát cứu độ cho chúng sanh và thấy rằng mình đang cứu độ cho chúng sanh, thấy rằng có chúng sanh để độ, thì vị ấy chưa phải là một vị bồ tát đích thực. Khi mình giúp người khác và thấy rằng mình đang giúp họ, thì mình chưa thật sự giúp họ. Mình chỉ đang giúp chính mình, mình chỉ đang tô điểm cho cái bản ngã của chính mình và có khi nó là một trạng thái trá hình của tâm. Nếu ta phát tâm cúng dường với ý niệm rằng mình là người cúng dường (thí chủ) và người kia là kẻ nhận sự cúng dường, thì đó không phải là sự cúng dường đích thực theo tinh thần bố thí ba la mật (dana paramita), một trong sáu phép thực tập để vượt qua bờ bên kia- gọi là lục độ ba la mật.

Paramita nghĩa là ”vượt qua bờ bên kia.” Bố thí là một phép thực tập trong sáu phép thực tập ba la mật có công năng giúp ta vượt qua dòng sông của sinh tử, của khổ đau để tới được với bến bờ an lạc, giải thoát và hạnh phúc.

Vì vậy phép cúng dường (bố thí) phải được thực hiện theo tinh thần xả, nghĩa là bố thí mà không mong cầu sự đền đáp, không mong cầu được người kia mang ơn; bố thí mà không thấy mình bố thí và người được bố thí, thì đó mới đích thực là bố thí. Đây là sự bố thí theo tinh thần vô ngã, không và tương tức, nghĩa là không có sự phân biệt giữa người bố thí, vật bố thí và người tiếp nhận sự bố thí. Đó gọi là phép thực tập bố thí theo giáo lý tam luân không tịch. Mình cùng với vật bố thí và người tiếp nhận phải là mộttrống rỗng, nghĩa là chị có hành động bố thí mà không có chủ thể bố thí và đối tượng bố thí. Như khi tôi nói về phép trao truyền của giáo lý tánh không giữa ta với tổ tiên ta- thấy rằng ta có mặt trong ông bà tổ tiên và ông bà tổ tiên cũng có mặt trong ta hoặc ví dụ bàn tay phải giúp bàn tay trái khi bàn tay trái bị thương là ý ấy. Trong liên hệ tình thương, những hành động hiến tặng niềm vui, hạnh phúc và giúp người mình thương chuyển hóa khổ đau đều phải được thực hiện theo tinh thần xả- nghĩa là không phân biệt, không kỳ thị giữa ta và người; phải thấy rằng tất cả đều biểu hiện trong cùng một thực tại nhiệm mầu. Nếu ta bố thí theo tinh thần xả, trí vô phân biệt, thì đó mới đích thực là bố thí ba la mật. Bố thí như vậy thì ta vượt qua được bờ bên kia liền lập tức, bởi vì vô phân biệt trí là thứ trí tuệ siêu việt, nó giúp ta không bị vướng, không bị kẹt vào ý niệm ta và người. Ta vượt thoát được các ý niệm về ngã và phi ngã và đạt tới tự do lớn.

Các nhà tâm lý trị liệu trước hết là phải tìm cách giúp các bệnh nhân trở thành một con người khỏe mạnh cả thân lẫn tâm. Nếu nhìn thật sâu, ta sẽ thấy rằng khoa tâm lý trị liệu đều có cùng một mục tiêu như thiền tập. Cả hai đều có cùng một mục đích là giúp người ta biết rõ về chính bản thân mình.

Nghĩa là người ta phải thực tập có mặt đích thực và ý thức rõ ràng những gì đang xảy ra trong tự thân và chung quanh. Nếu người ta không nhận diện được những gì đang xảy ra trong họ đứng về cả hai phương diện thân và tâm, thì làm sao họ có thể nhận diện được sự có mặt của người khác? Có những người trong chúng ta không có khả năng nhận diện sự có mặt của người khác vì họ không có mặt đích thực trong giây phút hiện tại. Chúng ta không có khả năng nhận diện sự vận hành của thân thể, cảm thọ, tri giác và các đối tượng của tri giác- tức là năm uẩn. Mục tiêu thứ hai của khoa tâm lý trị liệu là thiết lập sự tương quan giữa mình với những người khác; mà căn bản đầu tiên là nhận diện sự có mặt của chính mình. Sau khi ta hoàn toàn có mặt, thì ta nhận diện được sự có mặt của người khác quanh ta. Ta không chỉ nhận diện sự có mặt của người kia qua thể xác, mà cả tâm lý vui buồn của người kia nữa, nghĩa là đồng giao đồng cảm được với người kia về cả hai phương diện thân và tâm. Biết rằng mình là người phàm phu còn mang những nỗi vui, buồn, hờn giận, khổ đau và biết rằng người khác cũng khổ đau như mình. Khi mình hiểu được chính mình, thì mình bắt đầu hiểu được người khác.

Mục tiêu thứ ba của khoa tâm lý trị liệu là làm sao để thiết lập được mối liên hệ trên căn bản của tình thương đích thực (từ bi), chứ không phải để lợi dụng, làm tình làm tội, gây chiến hoặc hại người. Nếu mối liên hệ của quý vị được đặt trên nền tảng của từ bi thì sẽ chuyển hóa được khổ đau, đem lại hạnh phúc cho chính mình và cho những người thương của mình. Các nhà tâm lý trị liệu đều đồng ý với ba mục tiêu, ba quan điểm này. Trong thiền tập, hành giả thực hiện ba mục tiêu này bằng nếp sống chánh niệm qua cách thở, đi, đứng, nằm, ngồi, ăn cơm và làm việc v.v…

Trong khi thực tập thở vào và thở ra có chánh niệm, hành giả ý thức được sự vận hành của hơi thở, thân thể và các cảm thọ. Hành giả ý thức được sự có mặt của những khổ đau, phiền năo cũng như những thao thức, hy vọng trong thân tâm. Đây là sự quán niệm về tự thân. Chánh niệm có khả năng giúp ta tiếp xúc được với chính mình một cách sâu sắc. Chánh niệm có khả năng giúp ta nhận diện được sự có mặt của những người khác quanh ta và cảm nhận được nỗi khổ niềm đau, sự lo sợ và hy vọng của họ. Khi yếu tố hiểu có mặt thì yếu tố thương có mặt. Hiểu là bản chất của thương.

Đức Thế Tôn đã cống hiến cho chúng ta những phương pháp thực tập rất cụ thể để chuyển hóa khổ đau, vun trồng an lạc và hạnh phúc. Hạnh phúc có thể được diễn tả như là trạng thái sức khỏe thuộc về tâm. Khi tâm ta bị trấn ngự bởi tâm hành mặc cảm tự ti, thì ta không có hạnh phúc. Khi các bệnh nhân bị mặc cảm tự ti trấn ngự, các nhà tâm lý trị liệu phải tìm cách giúp họ phát huy ngược lại, nghĩa là làm cho tâm tự hào, tự tôn trong họ phát triển. Nhưng theo lời dạy của đức Thế Tôn, tâm hành tự hào, tự tôn cũng là một loại tâm hành mặc cảm. Mặc cảm tự tôn cũng là một trạng thái của tâm bệnh. Chúng ta đã mất đi khả năng tiếp xúc trực tiếp với thực tại và chúng ta tưởng tượng, vẽ vời ra rất nhiều điều về chính ta rồi đồng nhất ta với những điều đã tạo tác ấy. Con người càng ngày càng xem thường các loài sinh sống khác. Cho rằng các loài động vật được tạo ra là để cho loài người ăn thịt, tiêu thụ và chúng ta- là loài người có đầy quyền uy trong tay để thao tác, giết hại và tàn phá đối với các loài động vật, thực vật và đất đá. Chúng ta càng ngày càng mất đi sự kính trọng đối với mọi loài chúng sanh trong đó có các loài cỏ cây và đất đá. Ngoài hai mặc cảm tự tôn và tự ti, ta có thêm một loại mặc cảm khác, gọi là mặc cảm ngang bằng. Theo lời dạy của đức Thế Tôn, loại mặc cảm này cũng là một thứ bệnh, bởi vì nó được căn cứ trên ý niệm ngã. Cho rằng ”Tôi bằng anh ấy. Tôi không thua kém gì anh ấy cả.” Nghe cũng có lý lắm, thấy mình không bị kẹt vào mặc cảm hơn người, không bị kẹt vào mặc cảm thua người, nhưng cho rằng mình bằng người cũng là một mặc cảm, cũng bị kẹt như thường, vì mình đang bị kẹt vào ý niệm ngã. Nói tóm lại, tất cả ba mặc cảm (ba mạn) đều là bệnh, bởi vì chúng được căn cứ trên ý niệm ngã. Theo lời Bụt dạy, tự cho mình hơn người, thua người hoặc bằng người đều là những nhận thức sai lầm. Cái thấy đúng đắn nhất vượt ngoài những ý niệm trên, trong đạo Bụt gọi là bình đẳng tánh trí. Đây là loại trí tuệ giúp ta thấy được rằng bản thân mình nương vào các hiện hữu khác, yếu tố khác của sự sống mà biểu hiện. Nếu người này có hạt giống giác ngộ (Phật tánh), thì mình cũng có. Nếu người này có khả năng đạt tới toàn giác, thì mình cũng có khả năng đạt tới toàn giác. Nếu người này có khả năng sống an lạc, hạnh phúc và thương yêu, thì mình cũng có, bởi vì mình được biểu hiện trên cùng một nền tảng. Sau khi đạt tới toàn giác, đức Thế Tôn đã tuyên bố rằng tất cả chúng sanh đều có tính Giác Ngộ (Phật tính). Người nói rằng ai cũng có khả năng giác ngộ, có khả năng thành Bụt. Vì vậy chúng ta nên lấy đi cái mặc cảm tự ti để cho tính Bụt trong ta được hiển lộ. Nếu quán chiếu cho sâu sắc thì sẽ thấy rằng ta cũng là một vị Bụt. Nếu nhìn trên bình diện tích môn, ta nghĩ rằng mình không phải là Bụt; nhưng nếu nhìn trên bình diện bản môn thì sẽ thấy rằng mình đã là Bụt, mình vốn đã an trú trong niết bàn tịch tĩnh, trong thế giới bất sinh bất diệt, không tới không đi, không có sự bắt đầu cũng không có sự chấm dứt. Trong kinh Đại Niết Bàn, Bụt có dạy rằng, ”Các pháp vốn đã an trú trong tự tính niết bàn của nó…” Ta biết rằng sóng cũng chính là nước. Ta không thể lấy sóng ra khỏi nước hoặc lấy nước ra khỏi sóng. Trong bình diện bản môn, thì bản tính của ta đã là niết bàn. Niết bàn là sự tắt ngấm, là sự vắng lặng của tất cả các khái niệm, ý niệm như ý niệm về sinh diệt, có không, đến đi, một khác… Niết bàn là bản chất của không sinh, không diệt, không có không không, không đến không đi, không một không khác, nó vượt thoát tất cả các khái niệm, ý niệm. Trạng thái giác ngộ đó gọi là bình đẳng tánh trí. Bình đẳng tánh trí tức là trí tuệ không phân biệt, không kỳ thị, là trí tối thắng và bất cứ chúng sanh nào cũng có. Nó không phải khái niệm bình đẳng hay gọi là mặc cảm bằng người được căn cứ trên ý niệm của ngã chấp mà người ta thường nghĩ. Vô phân biệt trí chỉ có thể đạt tới được khi nào ta buông bỏ được ý niệm ngã.

Nếu ý niệm ngã còn có mặt trong ta và ta bị kẹt vào nó, tức là ta chưa chạm tới được trí vô phân biệt, trí bình đẳng trong ta vốn là bản tính vắng lặng, sáng ngời của tự tâm, của niết bàn tối thượng.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. THIỀN VỀ BẢN TÍNH CỦA TÂM
  2. ẢNH HƯỞNG TÍCH CỰC CỦA THIỀN LÊN NÃO BỘ DƯỚI GÓC NHÌN KHOA HỌC
  3. CHO CON TRẺ “MỘT LIỀU THIÊN NHIÊN”

Bài viết khác của tác giả

  1. QUÁN CHIẾU VỀ SỰ SI MÊ
  2. ÁP DỤNG GIÁO LÝ TƯƠNG TỨC TRONG CÔNG VIỆC KINH DOANH
  3. TRỊ LIỆU CÁC MỐI QUAN HỆ TRONG GIA ĐÌNH

Bài viết mới

  1. TRAO MỘT LỜI KHEN
  2. CÁI NHÌN CỦA NGƯỜI KHÁC CÓ THỂ CỨU CHỮA HAY GIẾT CHẾT TA
  3. HẠNH PHÚC VÌ BIẾT ĐỦ