CÁC CẤP ĐỘ Ý THỨC CỦA CON NGƯỜI

DAVID R. HAWKINS

Trích: Power vs Force, Trường Năng Lượng Và Những Nhân Tố Quyết Định Tinh Thần, Sức Khỏe Con Người; Việt dịch: Quế Chi – Hoàng Lan; NXB. Thế Giới; Công ty CP Sách Thái Hà, 2020

BBT – Bài viết dưới đây được trích từ Chương 4 của tác phẩm Power vs. Force của tiến sĩ David R. Hawkins (1927 – 2012). Ông là nhà tâm thần học, bác sĩ, là người thầy tâm linh và là nhà nghiên cứu về ý thức nổi tiếng thế giới. Tác phẩm này là thành quả của nhiều thập kỷ nghiên cứu và tìm tòi dưới ống kính soi rọi sắc sảo của những phát hiện mang tính cách mạng trong vật lý học cao cấp và hệ vận động phi tuyến. Trong chương này, tác giả trình bày về các cấp độ ý thức của con người dưới dạng thang cấp độ của trường năng lượng, đi từ cấp độ thấp nhất là 20 – Nhục nhã cho đến cấp độ cao nhất là 700-1000 – Khai sáng.

Biết được các cấp độ năng lượng này giúp chúng ta có kiến thức bước đầu để hiểu và đánh giá lại những khuôn mẫu thói quen trong hành động của mình, nhằm học hỏi và nâng cấp mình trên nấc thang tiến hóa chung của nhân loại, không ngoài mục đích gì khác là có được cuộc sống an vui, hạnh phúc ngay tại đây và bây giờ không chỉ cho bản thân mà còn đem lại niềm vui và hạnh phúc cho những người xung quanh. BBT Cùng Sống An Vui xin trân trọng trích giới thiệu đến quý đọc giả.

???

Qua nhiều năm thực hiện nghiên cứu này, hàng triệu lần xác định điểm hiệu chỉnh đã tạo nên một loạt đa dạng các giá trị tương ứng xác đáng với một bộ các thái độ và cảm xúc được công nhận rộng rãi, được khu biệt hóa bằng những trường năng lượng điểm hút cụ thể, rất giống với hình ảnh những trường điện từ hút các mạt sắt lại với nhau. Để dễ hiểu, cũng như đảm bảo sự chính xác chủ quan và lâm sàng, chúng tôi đã áp dụng cách phân loại dưới đây cho các trường năng lượng này. 

Quan trọng là bạn phải nhớ rằng các điểm hiệu chỉnh – không thể hiện mức tăng theo cấp số cộng, mà theo hàm logarit. Do đó, cấp độ 300 không phải là gấp đôi của 150; mà là lũy thừa bậc 300 của 10 (10^300). Do đó, chỉ cần tăng một vài điểm là đã có sự chênh lệch lớn về năng lượng; tỉ lệ gia tăng năng lượng khi chúng ta tiến lên trên thang độ này do đó là rất lớn. 

Những cách tự thể hiện của các loại cấp độ ý thức con người rất sâu sắc và có tác động sâu rộng; ảnh hưởng của chúng vừa to lớn vừa tỉnh tế. Mọi cấp độ dưới 200 đều có tính hủy hoại cuộc sống của cả cá nhân lẫn xã hội; ngược lại, mọi cấp độ trên 200 đều là những biểu hiện có tính xây dựng của năng lượng. Cấp độ then chốt là 200, nó là bản lề phân chia giữa những khu vực chung của lực (hoặc cái sai) với sức mạnh (hoặc cái đúng). 

Để miêu tả sự liên quan về mặt cảm xúc của các vùng năng lượng ý thức, cũng nên nhớ rằng chúng hiếm khi được biểu hiện như những trạng thái đơn thuần của một cá nhân. Một người có thể hoạt động ở cấp độ này trong một lĩnh vực nào đó của cuộc sống nhưng hoàn toàn có thể ở cấp độ khác trong một lĩnh vực khác. Điểm ý thức tổng quát của một cá nhân là tổng toàn bộ tác động của tất cả các cấp độ này.

Bản thang đo các cấp độ ý thức của con người theo nghiên cứu của Tiến sĩ David R. Hawkins – Nguồn: Internet

Cấp độ năng lượng 200: Can đảm

Ở cấp độ 200, sức mạnh lần đầu tiên thực sự xuất hiện. Khi thử nghiệm các đối tượng với tất cả các cấp độ dưới 200, chúng tôi nhận thấy, như đã được kiểm chứng, là tất cả bọn họ đều thử yếu. Mọi người đều thử mạnh với những trường năng lượng hỗ trợ sự sống ở cấp độ trên 200. Đây là mức tới hạn phân biệt ảnh hưởng tiêu cực và tích cực đối với cuộc sống. Ở cấp độ Can đảm, người ta đạt được sức mạnh thực sự; do đó, nó cũng là cấp độ truyền sức mạnh. Đây là khu vực của sự khám phá, của thành tựu, của sự ngoan cường, và lòng kiên định. Ở những cấp độ thấp hơn, người ta nhìn cuộc đời bằng con mắt vô vọng, buồn rầu, sợ hãi hoặc bực bội; nhưng ở cấp độ Can đảm này, người ta thấy cuộc sống thú vị, thử thách và tràn đầy kích thích. 

Can đảm tức là sẵn sàng thử những điều mới và đối mặt với những thăng trầm của cuộc đời. Ở cấp độ củng cố sức mạnh này, người ta có thể đối diện và giải quyết ổn thỏa những cơ hội của cuộc sống. Ở cấp độ này, con người có năng lượng để học hỏi những kỹ năng nghề nghiệp mới, có năng lượng để phát triển và trau dồi bản thân, có khả năng đối mặt với nỗi sợ và những yếu kém trong tính cách và vẫn vươn lên bất chấp những điều đó; lo âu cũng không tự tung tự tác như ở những cấp độ ý thức thấp hơn. Những chướng ngại đánh bại con người có cấp độ ý thức dưới 200 giờ đây trở thành những yếu tố kích thích đối với những người đã phát triển đến cấp độ đầu tiên của sức mạnh thực sự này. 

Những người ở cấp độ này lấy từ cuộc đời bao nhiêu năng lượng thì trả lại cuộc đời bấy nhiêu; ở cấp độ thấp hơn tập thể cũng như cá nhân hút năng lượng của xã hội mà không trả lại. Vì những thành tựu tạo ra phản hồi tích cực, tự thưởng bản thân và lòng tự tôn nhanh chóng trở thành một liều thuốc bổ tự thân. Đây chính là xuất phát điểm của năng suất. Ý thức tập thể của loài người duy trì ở cấp độ 190 trong nhiều thế kỷ, và kỳ lạ là nó chỉ mới nhảy lên cấp độ 204 hiện thời trong vài thập kỷ gần đây. 

Cấp độ năng lượng 250: Trung dung 

Năng lượng trở nên rất tích cực khi chúng ta đạt đến cấp độ mà chúng tôi gọi là Trung dung, vì nó được tụ lại nhờ sự giải phóng khỏi những cấp bậc ý thức thấp hơn. Dưới mức 250, ý thức có xu hướng nhìn nhận mọi sự theo hướng nhị nguyên và xác định quan điểm một cách cứng nhắc, đó là trở ngại trong một thế giới vốn phức tạp và đa tầng chồng chéo chứ không phải chỉ có trắng và đen. 

Việc xác định như thế tạo ra sự phân cực và đến lượt mình, phân cực lại tạo ra sự đối lập và chia rẽ. Như trong võ thuật, một vị trí, tư thế cứng nhắc sẽ trở thành một điểm sơ hở; thứ gì không dẻo dai rất có khả năng bị bẻ gãy. Vượt thoát khỏi những chướng ngại hoặc những sự đối lập làm tiêu tán năng lượng của con người, tinh thần Trung dung tạo điều kiện cho sự linh hoạt và phi phán xét, cho những đánh giá thực tế về các vấn đề. Trung dung có nghĩa là tương đối không bám chấp vào kết quả; không đạt được mục đích không còn bị xem là thất bại, là điều gì đó đáng sợ hoặc đáng thất vọng nữa. 

Ở cấp Trung dung, người ta có thể nói: “Ồ, nếu không nhận được công việc này thì tôi có thể nhận công việc khác.” Đó là khởi đầu cho sự tự tin nội tại; cảm nhận được sức mạnh, nên người đó không dễ gì bị hăm dọa. Người ta không có động lực phải chứng tỏ bất cứ điều gì. Một thái độ điển hình của cấp độ 250 là quan niệm cuộc sống này, cùng với những thăng trầm của nó, cơ bản là sẽ ổn thỏa nếu người ta có thể linh hoạt theo hoàn cảnh. 

Người Trung dung có cảm giác an yên hạnh phúc; dấu ấn của cấp độ này là khả năng tự tin sống trong đời. Do đó, theo kinh nghiệm, đây là cấp độ an toàn. Người ở cấp độ này rất dễ sống hòa thuận với mọi người, tạo cảm giác an toàn khi ở bên và làm việc cùng họ, vì họ không thích xung đột, ganh đua hoặc tội lỗi. Họ thoải mái và cơ bản là không khó chịu. Thái độ này là phi phán xét và không dẫn đến bất cứ nhu cầu nào đối với việc kiểm soát hành vi của người khác. Đổi lại, vì người Trung dung coi trọng sự tự do, nên rất khó kiểm soát họ. 

Cấp độ năng lượng 310: Sẵn sàng 

Cấp độ năng lượng rất tích cực này có thể được xem như một cánh cổng dẫn đến những cấp độ cao hơn. Trong khi, ví dụ, những việc được hoàn thành một cách tương đối khá ở cấp độ Trung dung, thì ở cấp độ Sẵn sàng, công việc được hoàn thành tốt và việc thành công trong mọi nỗ lực là chuyện thường xuyên. Quá trình trưởng thành diễn ra nhanh chóng; đó là những người quyết tâm phấn đấu. Cấp độ Sẵn sàng ngầm ý rằng người ta đã vượt qua được trở ngại tinh thần đối với cuộc sống và cam kết dự phần vào cuộc sống. Dưới điểm hiệu chỉnh 200, con người có xu hướng suy nghĩ hạn hẹp, nhưng đến cấp độ 310, họ có đầu óc rất cởi mở. Ở cấp độ này, con người trở nên thân thiện một cách chân thành. Những thành công về địa vị xã hội và kinh tế sẽ tự động kéo đến. Người Sẵn sàng dù bị thất nghiệp cũng không nao núng tinh thần, vì họ sẽ nhận bất cứ công việc nào khi cần, hoặc tạo ra một sự nghiệp hoặc tự tạo ra công việc cho bản thân. Họ không cảm thấy xấu hổ với những công việc tạp vụ hoặc bắt đầu từ dưới đáy. Bản tính họ là thích giúp đỡ người khác và có tinh thần xây dựng xã hội. Họ cũng sẵn sàng đối mặt với những vấn đề tỉnh thần và không có trở ngại lớn nào trong việc học hỏi. 

Ở cấp độ này, ngay từ lúc lọt lòng, lòng tự tôn của người đó đã rất cao và được củng cố bởi những phản hồi tích cực của xã hội dưới hình thức sự công nhận, cảm kích và phần thưởng. Sẵn sàng nghĩa là thấu hiểu và hồi đáp lại những nhu cầu của người khác. Những người Sẵn sàng là những người xây dựng hoặc đóng góp cho xã hội. Với khả năng vượt qua nghịch cảnh và học hỏi từ kinh nghiệm, họ thường trở thành người tự trau dồi, tự hoàn thiện bản thân. Họ buông bỏ lòng Kiêu hãnh, họ sẵn sàng nhìn vào những yếu kém của mình và học hỏi người khác. Ở cấp độ Sẵn sàng, con người trở thành những sinh viên xuất sắc. Họ dễ chỉ bảo và đem tới nguồn năng lượng đáng kể cho xã hội. 

Cấp độ năng lượng 350: Chấp nhận 

Ở cấp độ nhận thức này diễn ra một sự biến chuyển quan trọng, với một điều tâm niệm rằng bản thân mình chính là nguồn cơn, là tác giả của trải nghiệm trong đời. Nhận lãnh trách nhiệm như thế là một điểm đặc trưng ở cấp độ tiến hóa này, nó được đánh dấu bởi khả năng sống hài hòa với những lực tác động của cuộc sống. 

Tất cả những người dưới điểm 200 có xu hướng bất lực và xem bản thân là nạn nhân, hoàn toàn chịu sự đưa đẩy của cuộc đời. Điều này bắt nguồn từ niềm tin cho rằng hạnh phúc hay trắc trở là “do bên ngoài”. Một bước nhảy vọt – lấy lại sức mạnh của chính người đó – được hoàn thiện ở cấp độ Chấp nhận, với nhận thức rằng hạnh phúc tại tâm. Ở cấp độ tiến hóa hơn này, không có gì “ở ngoài kia” có khả năng khiến người ta hạnh phúc, và tình yêu không phải là thứ gì đó được người khác ban cho hay tước bỏ, mà nó được tạo ra trong chính bản thân mình. 

Không nên đánh đồng Chấp nhận với thụ động, một dấu hiệu của Thờ ơ. Hình thức Chấp nhận này cho phép chúng ta dấn thân vào cuộc sống theo đúng kiểu của cuộc sống, mà không cố gắng uốn nắn nó theo một chương trình nào hết. Chấp nhận đi kèm với một sự bình yên cảm xúc mà ở đó người ta mở rộng khả năng thu nhận và vượt qua sự chối bỏ. Lúc này, người ta nhìn mọi sự như nó vốn thế mà không bóp méo hoặc hiểu sai; bối cảnh của trải nghiệm được mở rộng để họ có thể “nhìn thấy toàn bộ bức tranh”. Về bản chất, Chấp nhận liên quan đến sự cân bằng, cân đối, hài hòa và đúng mực. 

Cá nhân ở cấp độ Chấp nhận không thích tranh cãi đúng sai, thay vì thế họ chăm chú giải quyết vấn để và tìm ra giải pháp cho vấn đề. Khó khăn không khiến họ khó chịu hay nhụt chí. Những mục tiêu dài hạn được ưu tiên hơn mục tiêu ngắn hạn; tự kỷ luật và làm chủ bản thân là đức tính nổi bật ở họ. 

Ở cấp độ Chấp nhận, chúng ta không bị xung đột hay phân cực; chúng ta nhận ra rằng người khác và chúng ta có quyền ngang nhau, và chúng ta vinh danh sự bình đẳng. Trong khi những cấp độ thấp hơn có đặc trưng là cứng nhắc, thì ở cấp độ này, sự hòa hợp xã hội bắt đầu xuất hiện như một hình thức giải quyết vấn đề. Do đó, cấp độ này không có sự phân biệt hay cố chấp vị kỷ mà tâm niệm rằng bình đẳng không loại trừ sự đa dạng. Chấp nhận mang tính bao dung thay vì chối bỏ. 

Cấp độ năng lượng 400: Lý trí 

Trí tuệ và lý trí nổi lên khi người ta đã vượt qua khuynh hướng cảm tính của những cấp độ thấp hơn. Cấp độ Lý trí có khả năng giải quyết những khối lượng dữ liệu phức tạp, cồng kềnh; đưa ra những quyết định nhanh chóng, đúng đắn; thấu hiểu những phức tạp của các mối quan hệ, sự chuyển hóa và những khác biệt vi tế; vận dụng thành thục, khéo léo các biểu tượng để thể hiện những khái niệm trừu tượng, điều ngày càng trở nên quan trọng. Đây là cấp độ của khoa học, y học, cũng như của khả năng bối cảnh hóa và thấu hiểu ở mức cao. Tri thức và giáo dục được coi là một nguồn vốn. Tri thức và thông tin là những công cụ chính để đạt được thành tựu, đó là dấu ấn của cấp độ 400. Đó là cấp độ của những người đạt giải Nobel, của những chính khách xuất chúng và của những quan tòa tối cao. Einstein, Freud và nhiều nhà tư tưởng vĩ đại khác trong lịch sử cũng đạt điểm này. Các tác giả được kể tên trong Great Books of the Western World (Những cuốn sách vĩ đại của thế giới phương Tây) cũng đạt điểm hiệu chỉnh này. 

Thiếu sót của những người ở cấp độ này là họ không phân biệt rõ ràng được biểu tượng và những gì chúng đại diện, và họ bị lẫn lộn giữa thế giới chủ quan và khách quan, điều này giới hạn sự hiểu biết về quan hệ nhân quả. Ở cấp độ này, rất dễ thấy cây mà không thấy rừng, rất dễ mê đắm vào những khái niệm và lý thuyết, để rồi cuối cùng rơi vào khuynh hướng duy lý trí và bỏ lỡ bản chất tinh túy của sự việc. Quá tập trung vào kiến thức có thể đi vào ngõ cụt. Cấp độ Lý trí bị giới hạn trong lối tư duy đó nên nó không có khả năng nhận thức sâu sắc về bản chất căn cốt hoặc về điểm tới hạn của một vấn đề phức tạp. Và nhìn chung nó không quan tâm đến bối cảnh. 

Bản thân Lý trí không đem tới một chỉ dẫn hướng tới chân lý. Nó đưa ra hàng tấn thông tin và tài liệu, nhưng không có khả năng giải quyết những mâu thuẫn trong dữ liệu và các kết luận. Tự thân tất cả những lý luận triết học đều nghe có về rất thuyết phục. Mặc dù Lý trí rất có hiệu quả trong một thế giới kỹ thuật, nơi các phương pháp logic chiếm ưu thế, nhưng bản thân Lý trí, ngược đời thay, lại là chướng ngại chính để đạt đến những cấp độ ý thức cao hơn. Tương đối hiếm người vượt qua được cấp độ này – chỉ 4% dân số thế giới. 

Cấp độ năng lượng 500: Tình yêu 

Tình yêu được bàn ở đây không giống như thứ tình yêu được truyền thông rộng rãi trong xã hội. Ngược lại, nhìn chung thế giới coi tình yêu là một cảm xúc mãnh liệt kết hợp với hấp dẫn thể xác, sự sở hữu, kiểm soát, nghiện ngập, tính dâm dục, và tính mới lạ. Nó thường phù phiếm và phập phù, bóng bẩy và suy yếu đi khi điều kiện thay đổi. Khi không được thỏa mãn, cảm xúc này thường bộc lộ một nỗi tức giận ngầm ẩn và một sự phụ thuộc đã được ngụy trang. 

Người ta hay nghe thấy chuyện tình yêu biến thành lòng căm thù nhưng đó lại chẳng phải là tình yêu mà là một sự ràng buộc và tình cảm dễ gây nghiện. Lòng căm bắt nguồn từ Kiêu hãnh, chứ không phải từ Tình yêu thương. Trong một mối quan hệ như thế chẳng bao giờ có Tình yêu.

Cấp độ 500 đặc trưng bởi sự phát triển của một Tình yêu vô điều kiện, không đổi thay và vĩnh cửu. Nó không lên xuống thất thường vì nguồn yêu thương trong chính con người đang yêu ấy không phụ thuộc vào những điều lạ bên ngoài. Yêu thương là một trạng thái tồn tại. Nó là một phương cách để liên hệ với thế giới, phương cách ấy vị tha, nâng niu và săn sóc. Tình yêu không mang tính lý trí và không diễn ra từ trong trí não. Tình yêu khởi phát từ tự tim. Nó có khả năng nâng người khác lên và đạt được những chiến tích lớn lao vì sự thuần khiết trong động cơ của nó.

Khi đến cấp độ phát triển này, khả năng nhận thức cái cốt lõi trở nên nổi trội; bản chất của một vấn đề trở thành trung tâm chú ý. Vì đã vượt qua cấp độ lý trí, nên cấp độ này yêu cầu khả năng trực nhận tính tổng thể của một vấn đề và khả năng mở rộng bối cảnh cực lớn, đặc biệt là trong mối liên quan đến thời gian và quá trình. Lý trí chỉ làm việc với những chi tiết riêng lẻ, trong khi Tình yêu giải quyết cái tổng thể. Khả năng này, thường được gán cho là trực cảm, là khả năng nắm bắt nhạy bén mà không cần dựa vào quá trình suy luận biểu tượng một cách tuần tự. Hiện tượng rõ ràng là mơ hồ này thực tế lại khá ổn định; nó ở liền với sự giải phóng đáng kể chất endorphin trong não. 

Tình yêu không màng quan điểm, bởi thế nó mang tính toàn cầu, nó vượt trên cả sự phân chia vị thế. Do đó, nó có thể là “một với cái khác”, vì không còn rào cản nào nữa. Tình yêu do đó mang tính bao trùm và không ngừng mở rộng cảm thức về bản thể. Nó xua tan sự tiêu cực bằng cách đặt đối tượng vào trong một bối cảnh khác thay vì tấn công. 

Đây là cấp độ của hạnh phúc thực sự, nhưng mặc dù thế giới rất hào hứng với chủ đề Tình yêu và tất cả những tôn giáo trường tồn đều đạt điểm hiệu chỉnh 500 hoặc hơn, thật thú vị khi biết rằng chỉ có 4% dân số thế giới từng đạt được mức tiến hóa ý thức ấy. Trong đó, chỉ 0,4% đạt được cấp độ tình yêu vô điều kiện ở mức 540.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. TẦN SỐ NĂNG LƯỢNG CỦA CON NGƯỜI: BÍ MẬT ĐỂ HẠNH PHÚC VÀ TRƯỜNG THỌ
  2. NĂNG LƯỢNG YÊU THƯƠNG

Bài viết khác của tác giả

  1. SỰ HÌNH THÀNH TÍNH CÁCH VÀ CÁC ĐẶC ĐIỂM CỦA TÍNH CÁCH TÍCH CỰC THEO ĐỊNH CHUẨN CỦA Bs.Ts. DAVID R. HAWKINS
  2. NIỀM HÂN HOAN VÀ SỰ XUẤT THẦN MANG TÍNH SIÊU VƯỢT
  3. CHỨNG KIẾN VÀ QUAN SÁT KHÔNG DÍNH MẮC

Bài viết mới

  1. SỬ DỤNG HIỆU QUẢ SIÊU NĂNG LỰC QUYỀN LỰC & TÁC ĐỘNG
  2. CÂU TRẢ LỜI ĐÃ CÓ SẮN TRONG CÂU HỎI – PHẬT GIÁO TRONG THẾ GIỚI TÂN TIẾN NGÀY NAY
  3. THẦY VÀ ĐỆ TỬ