CÁI TÔI: TÂM TRẠNG PHỔ BIẾN CỦA NHÂN LOẠI

ECKHART TOLLE

Trích: Địa Đàng Mới; Phương Liên - Minh Đức sưu tầm và dịch - NXB Văn Hóa Văn Nghệ

Từ ngữ, bất kể được phát âm nói nên lời hay không thốt ra như ý nghĩ, hầu như có thể mê hoặc bạn. Bạn dễ dàng đánh mất chính mình trong ngôn ngữ, mê muội trong niềm tin tuyệt đối rằng khi bạn gắn một từ cho một thứ gì đó, bạn biết nó là cái gì. Sự thật là: Bạn không biết nó là cái gì cả. Bạn chỉ phủ lên điều bí ẩn một nhãn hiệu. Mọi thứ, con chim, cái cây, ngay cả một hòn đá đơn sơ, và chắc chắn một con người, rốt cục không thể biết được. Đó là vì có chiều sâu không thể dò thấy đáy. Tất cả những gì chúng ta có thể quan sát, trải nghiệm, nghĩ đến, đều là bề mặt của hiện thực, nhỏ hơn cả đỉnh một tảng băng chìm.

Dưới bề mặt hiện hữu, mọi thứ không chỉ liên hệ với mọi thứ khác, mà còn với Nguồn cội của mọi sự sống ngoài sự sống đã có. Ngay cả một hòn đá, và dễ hơn là một bông hoa hay cánh chim, cũng cho bạn biết cách trở về với Thượng đế, với Nguồn cội, với chính bạn. Khi bạn nhìn nó hoặc giữ nó trong tay và mặc kệ nó không gán ghép từ ngữ hay nhãn hiệu nào cho nó, một cảm giác kinh sợ, thán phục, dấy lên trong lòng bạn. Bản chất của nó thầm lặng tự giao tiếp với bạn và phản chiếu bản chất riêng của bạn trở về với bạn. Đây là thứ mà những nghệ sĩ vĩ đại cảm nhận được và thành công khi chuyển tải vào nghệ thuật của họ. Van Gogh không nói: “Đấy chỉ là một cái ghế cũ”. Ông nhìn ngắm, nhìn ngắm và nhìn ngắm. Ông cảm nhận Bản chất của cái ghế. Sau đó ông ngồi trước khung vải và nhặt cọ lên. Bản thân cái ghế bán được chừng vài dollar. Bức tranh vẽ cái ghế ấy ngày nay được bán với giá hơn 25 triệu dollar.

Khi bạn không che phủ thế giới bằng từ ngữ và nhãn hiệu, sự kỳ diệu lại quay về với cuộc sống, điều đã mất đi từ lâu khi con người thay vì sử dụng lại bị ý tưởng chi phối. Sự sâu sắc lại trở về với cuộc sống của bạn. Mọi thứ lấy lại vẻ tươi tắn, mới mẻ. Và điều kỳ diệu nhất là sự trải nghiệm của bản ngã chân thực của bạn đi trước bất kỳ từ ngữ, ý tưởng, nhãn hiệu trí tuệ hay hình ảnh nào. Để có được điều này, bạn cần phải tháo gỡ cảm giác về cái Tôi của bạn, về Bản ngã, khỏi tất cả mọi thứ rối rắm, nghĩa là, xác nhận lại. Sự tháo gỡ này chính là điều tập sách này hướng tới.

Bạn càng nhanh nhảu gán ghép nhãn hiệu tinh thần hay lời nói với mọi vật, sự việc hay con người, hiện thực của bạn càng trở nên nông cạn, mòn mỏi và thiếu sức sống, điều kỳ diệu của cuộc sống vẫn không ngừng trải ra bên trong và xung quanh bạn. Như thế, có thể có được trí thông minh, nhưng mất đi trí huệ, và cả hạnh phúc, tình yêu, sức sáng tạo và sức sống. Những thứ này bị che giấu trong khoảng không tĩnh lặng giữa nhận thức và diễn giải. Dĩ nhiên ta phải dùng đến từ ngữ và ý tưởng. Chúng có vẻ đẹp riêng – nhưng liệu có cần thiết phải giam mình trong đó?

Từ ngữ làm giảm nhẹ hiện thực mà trí tuệ con người có thể nắm bắt được, vốn cũng không nhiều lắm. Ngôn ngữ bao gồm năm âm cơ bản do các dây thanh âm sinh ra. Đó là những nguyên âm a, e, i, o, u. Những thanh khác là phụ âm sinh ra do áp suất không khí như s, f, g, v.v… Bạn có tin sự kết hợp vài âm thanh cơ bản lại có thể giải trình bạn là ai, hay mục đích tối thượng của trời đất, hay thậm chí cái cây, tảng đá là gì trong ý nghĩa sâu thẳm của nó?

CÁI TÔI ẢO TƯỞNG

Từ “tôi” tiêu biểu cho sai lầm lớn nhất hay sự thật sâu sắc nhất, tùy theo cách nó được dùng như thế nào. Theo cách sử dụng chính thống, nó không chỉ là một trong những từ được dùng thường xuyên nhất trong ngôn ngữ (cùng với những từ liên quan như “của tôi”, “chính tôi”) mà còn là một trong những từ lừa dối nhất. Trong cách sử dụng thông thường, “tôi” tiêu biểu cho sai lầm nguyên thủy, một sự hiểu lầm về con người bạn, một ảo tưởng về bản thể. Đây là cái tôi. Ảo tưởng về bản thân này là điều mà Albert Einstein, người đã thấu hiểu sâu sắc không chỉ hiện thực không gian và thời gian mà còn về bản chất con người, coi là “ảo ảnh quang học về nhận thức”. Bản ngã ảo tưởng đó về sau trở thành nền tảng cho mọi diễn dịch xa hơn, hoặc hiểu sai hơn về hiện thực, tất cả quá trình tư duy, tương tác và các mối quan hệ. Hiện thực của bạn trở thành một ảnh xạ của ảo tưởng nguyên thủy.

Tin mừng là: Nếu bạn có thể nhận diện ảo tưởng là ảo tưởng, ảo tưởng sẽ tan biến. Công nhận ảo tưởng cũng chính là chấm dứt nó. Sự sống còn của ảo tưởng tùy thuộc vào sự lầm lẫn của bạn giữa nó với hiện thực. Khi hiểu ra con người bạn không phải là, hiện thực về con người bạn đang là sẽ tự hiển hiện. Đây là điều xảy ra khi bạn thong thả và cẩn thận đọc chương này và chương kế tiếp, đề cập đến tính cơ học của bản ngã sai lầm mà chúng ta gọi là cái tôi. Thế thì đâu là bản chất của bản ngã ảo tưởng này?

Bạn muốn nhắc đến điều gì khi nói “tôi” không phải là con người bạn đang là. Chiều sâu vô hạn của con người bạn đang là bị lẫn lộn với một thanh âm sinh ra từ những dây thanh âm hoặc ý tưởng về “tôi” trong tâm trí bạn và bất cứ điều gì mà “tôi” xác nhận. Thế thì “tôi” thường dùng và những từ liên quan đến “tôi” như “của tôi”, “chính tôi” nhắc tới điều gì?

Khi một đứa trẻ biết rằng một chuỗi thanh âm được tạo ra bởi những dây thanh âm của cha mẹ chính là tên của nó, đứa trẻ bắt đầu đánh đồng một từ, mà trong tâm trí đã trở thành một ý tưởng với con người nó đang là. Ở giai đoạn này, một số trẻ tự coi mình là người thứ ba. “Johnny đói”. Không lâu sau đó, chúng học được từ ma thuật “tôi” và đánh đồng nó với tên của chúng, cũng đã được đánh đồng với con người chúng đang là. Rồi những ý tưởng khác kéo đến hòa nhập với ý-tưởng-tôi nguyên thủy. Bước kế tiếp là những ý tưởng về tôi và của tôi chỉ định nhiều thứ theo cách nào đó là một phần của “tôi”. Đây là sự xác nhận các đối tượng, nghĩa là những thứ được đầu tư, nhưng rốt cục những ý tưởng đại diện cho các thứ, với cảm nhận về bản ngã, từ đó rút ra một bản thể từ chúng. Khi đồ chơi “của tôi” bị hư gẫy hoặc bị lấy mất, trong tôi liền xuất hiện tâm trạng hết sức khổ sở. Không chỉ bởi vì bất kỳ giá trị nội tại nào của món đồ chơi ấy – đứa trẻ sẽ nhanh chóng mất đi sự yêu thích và thay thế món đồ chơi ấy bằng một món đồ chơi khác, đối tượng khác – mà còn vì ý tưởng về “của tôi”. Món đồ chơi trở thành một phần trong sự phát triển cảm nhận về bản thân của đứa trẻ, về “tôi”.

Và khi đứa trẻ lớn lên, ý-tưởng-tôi nguyên thủy thu hút những ý tưởng khác đến với nó: Nó được xác nhận với một giới tính, những vật sở hữu, cơ thể nhận-biết-bằng-giác-quan, quốc tịch, chủng tộc, tôn giáo, chuyên môn. Những thứ khác mà “tôi” xác nhận là những vai trò – mẹ, cha, chồng, vợ, v.v… quan điểm hay kiến thức tích lũy, sở thích yêu ghét, và cả những điều đã từng xảy ra với “tôi” trong quá khứ, ký ức về những ý tưởng xác định rõ hơn cảm nhận về bản thân của tôi như “tôi và đồ chơi của tôi”. Đây chỉ là một số thứ mà con người rút ra từ đó cảm nhận về nhân thân. Rốt cục chúng không là gì khác ngoài những ý tưởng gắn bó với nhau một cách không ổn định do tất cả đều bị phong tỏa bởi cảm nhận về bản thân. Cấu trúc trí tuệ này là những gì bạn thường ám chỉ khi nói “tôi”. Ngắn gọn hơn: Phần lớn thời gian không phải bạn là người phát ngôn khi nói hay nghĩ “tôi” mà là một khía cạnh nào đó của cấu trúc trí tuệ này, bản thân cái tôi. Khi bạn tỉnh ngộ, bạn vẫn dùng từ “tôi”, nhưng nó xuất phát từ một nơi sâu lắng hơn nhiều trong con người bạn.

Hầu hết mọi người vẫn hoàn toàn đồng cảm với dòng chảy không ngừng của trí tuệ, những tư duy sôi động, hầu hết đều lặp đi lặp lại và thiếu chủ đích. Không có “tôi” nào thoát khỏi những tiến trình tư duy và cảm xúc đi kèm với chúng. Đây là ý nghĩa của sự tồn tại vô thức tâm linh. Khi nói rằng có một tiếng nói trong đầu họ chưa bao giờ ngừng phát biểu, con người bảo: “Tiếng nói nào?” hoặc cáu kỉnh chối bay điều đó, điều mà đương nhiên là tiếng nói, là kẻ suy tư, là trí tuệ không ai thấy được. Hầu như nó có thể bị coi như một thực thể đã tước quyền sở hữu của họ.

Một số người chưa bao giờ quên lần đầu tiên họ không đồng cảm với những tư tưởng của mình và từ đó trải nghiệm ngắn hạn sự chuyển đổi từ đồng nhất với nội dung chứa đựng trong trí tuệ đến trạng thái nhận biết cơ sở nền tảng. Đối với nhiều người khác điều này xảy ra một cách tinh tế đến độ rất khó nhận ra, hoặc họ chỉ nhận thấy một cảm xúc hạnh phúc tràn trề hay tâm hồn cực kỳ thư thái mà không rõ lý do vì sao.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. Ý NGHĨA CỦA SỰ VÂNG PHỤC(PHẦN 1)
  2. PHÁ VỠ THÁI ĐỘ TỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỐI KHỔ ĐAU
  3. VƯỢT QUA KHUÔN KHỔ TƯ DUY

Bài viết mới

  1. NUÔI DƯỠNG TRÍ TÒ MÒ
  2. HIỂU VỀ NỖI ĐAU KHỔ CỦA CHÚNG TA
  3. LỜI RĂN DẠY CỦA KHỔNG TỬ