CÂY CỐI CŨNG LUÂN HỒI
Trích: Nhà Sư và Khu Vườn, Lắng Nghe Giáo Lý Loài Hoa; Việt dịch: Hồng Hà; NXB Phụ nữ Việt Nam, 2024
Năm ngoái, tôi đã đem một cây chuông tuyết Nhật Bản (1) về trồng. Chẳng là, một lần vô tình trông thấy chuông tuyết trắng muốt nở rộ trên rừng Saryeoni, đảo Jeju, tôi đã luôn mong muốn có thêm loài cây này làm bạn. Sau khi hỏi thăm nhiều nơi, cuối cùng tôi cũng tìm được một cây tương đối lâu năm và đem về trồng gần chính điện. Đáng tiếc, chưa qua mùa hè mà cây đã vội vã ra đi. Dĩ nhiên, lỗi phần nhiều là tại tôi. Mang cây trưởng thành về, đáng lẽ phải lưu ý tưới bón thường xuyên vào đợt nắng hạn nhưng tôi lại lơ là, bất cẩn nên mới thành ra nông nỗi ấy. Mỗi lần nghĩ lại, tôi đều ân hận vô cùng vì hành động của mình.
Mùa đông vừa rồi trời lạnh thấu xương. Đợt rét đậm rét hại kéo dài đến hơn một tháng, khiến cho đường ống nước và hệ thống sưởi liên tục gặp sự cố, phải sửa chữa nhiều lần. Cái lạnh ấy làm tôi đặc biệt lo lắng cho cây cối ngoài vườn đang phải trân mình trước giá rét. Giữa thế gian đã đóng băng, những nụ hoa cũng đóng băng trong giấc ngủ.
Tới lúc xuân sang, trời ấm lên, tôi đợi hoài đợi mãi mà hồng mai vẫn bặt tin. Trông nụ lên dày tôi những tưởng hoa sẽ nở rộ nhưng hóa ra hầu hết các nụ đều đã chết cóng. Những nụ nở được chỉ là số ít sống sót. Nhận ra vấn đề, tôi vội vàng đi kiểm tra những cây còn lại thì than ôi, tất cả đều như vậy! Hèn chi đợi mãi mà chẳng thấy hoa đâu…
Thật đáng tiếc nhưng năm nay tôi không thể trọn vẹn thưởng thức hồng mai mất rồi. Cũng nhân chuyện này mà tôi nhận ra hóa ra hồng mai chịu rét không giỏi bằng thanh mai. Quả thực, thanh mai chính là loài hoa quật cường nhất. Nếu không kiên cường vượt qua giá lạnh, thì tới mùa xuân thanh mai đã chẳng ngát hương.
Sợ cây hồng mai trước phòng học cũng chịu chung số phận nên tôi đã tận tâm chăm sóc nhưng cuối cùng nó vẫn chẳng vượt qua nổi cái lạnh, chỉ chết dần chết mòn. Chẳng dễ gì để về được đến đây, vậy mà chưa đầy mấy năm nó đã ra đi…
Trong vườn còn có cây tuyết mai tôi vô cùng yêu quý. Thế nhưng gần ngày Phật đản, tôi buộc phải dời nó đi chỗ khác vì lúc sửa lại mái chính điện cần không gian cho máy móc làm việc. Không dễ gì để đưa ra quyết định ấy vì cây mới bám rễ, cành lá đang lên tươi tốt, nhưng để sửa chùa tôi vẫn buộc phải đồng ý. Đến lúc tôi mang dụng cụ chuyên dụng ra thì cây đã bị bứng lên mất rồi. Đáng lẽ lúc bứng phải bứng cả một phần đất xung quanh nhưng họ lại dùng sức mạnh của máy móc mà nhổ mỗi rễ lên. Chuyện đã rồi, tức giận chẳng ích gì. Tôi vội vàng chuyển cây tới một nơi đất tốt, tỉa bớt cành, tưới nước, bón phân, nhưng cuối cùng, lá vẫn héo, cây chẳng thể hồi sinh. Quá đau lòng, suốt một thời gian dài tôi chẳng nỡ nhìn về hướng ấy. Vì lý do này lý do kia mà nhiều cây mai trong vườn chùa đã phải bỏ mạng. Nhưng may mắn là hồng mai trước chính điện cành lá vẫn tươi tốt, hẳn sẽ bình an vô sự.
Trải qua chuyện này, tôi chợt nghĩ có lẽ cây cối cũng luân hồi. Dẫu đến đây cùng ngày cùng tháng cùng năm, nhưng có cây bám rễ sống tốt, cũng có cây lại vội vã ra đi. Phải mấy lần đổi chủ, hồng mai mới đến được với chùa chúng tôi. Những tưởng kiếp nổi trôi đã tìm được bến đỗ, những tưởng cuối cùng cũng được sống an bình, vậy mà chẳng được mấy bữa chúng đều từ giã cõi trần. Có lẽ âu cũng tại gặp nhầm người chủ…
Đối với cây cối, được trồng ở đâu liền có thể bén rễ, trở thành cổ thụ ngay tại đó đúng là điều tuyệt vời nhất. Ngay cả trong trường hợp bị dời đi chỗ khác, nếu gặp đúng chủ nhân, có lẽ cây vẫn sẽ được đối xử tử tế và tận hưởng cuộc đời vẻ vang. Cách đây vài năm, trong một lần dọn vườn, tôi tình cờ phát hiện ra cây du Nhật Bản * nằm nghiêng ngả, thân thì bị chặt đứt. Ngay lập tức tôi lấy dụng cụ, chuyển nó sang một vị trí tốt hơn. Nhờ được chỉnh trang lại dáng vóc và chăm sóc tử tế mà cái cây xấu xí như cây dại ngày nào giờ đã trở thành một đại thụ cao nhã được người người tán thưởng. Như vậy, số phận của cây cối thay đổi tùy thuộc vào người chúng gặp và nơi chúng sống – hay có thể nói, cây cối cũng trải qua luân hồi.
Có thân cây
Trở thành cuốn sách.
Có thân cây
Hóa thành bàn học.
Lại có thân cây
Biến thành giường ngủ.
Chú thích
1. Tên tiếng Anh: Japanese snowbell, tên khoa học: Styrax japonicus. Có nguồn gốc từ Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản, cao từ 10-15 mét, có khả năng chịu lạnh và ô nhiễm tốt. Hoa màu trắng, hương nồng, thường nở thành chùm chúc xuống dưới giống hình chiếc chuông vào khoảng tháng Năm, tháng Sáu.
2. Tên khoa học: Ulmus davidiana var. japonica. Chủ yếu mọc ở vùng Đông Bắc Á và Nhật Bản, cao khoảng từ 15-30 mét, có sức sống mãnh liệt và khả năng chống ô nhiễm tốt. Ngoài ra, vỏ cây có tác dụng chống ung thư, chống viêm tốt, có thể sử dụng để chữa các bệnh về mũi như viêm xoang, viêm mũi, đồng thời cũng có hiệu quả trong việc làm giảm căng thẳng và mắt ngủ.