CHẠM VÀO TRÁI TIM

DAININ KATAGIRI

Trích: Trở Về Yên Lặng-Thiền trong đời sống hàng ngày; Người dịch: Thái An; NXB Hồng Đức

Khi có một trải nghiệm chạm vào những sợi dây đàn của trái tim, chúng ta cảm thấy một niềm vui lớn, có thể bằng lời hoặc bằng cả thân tâm. Đôi khi chúng ta không nói lên được, bởi “chạm vào trái tim” là một trải nghiệm tâm linh sâu xa. Có khi có thể giải thích được, có khi không, nhưng nó thực sự ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta.

Nếu bạn có một diễn giải lý trí hoặc cảm xúc về trải nghiệm “chạm vào trái tim”, nó đã là kinh nghiệm riêng của bạn. Nhưng trước sự diễn giải ấy, chạm đến trái tim tự nó là một diễn giải bao la. Bạn không nói được gì cả. Bạn có thể có kinh nghiệm ấy thông qua tọa thiền, qua lời Phật dạy hoặc trong cuộc sống hàng ngày. Bạn biết nó là gì, nhưng không thể giải thích. Nó rất hiệu quả, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc đời bạn. Kinh nghiệm này là một gợi ý lớn, một manh mối về điều phải làm từ một tầm nhìn sâu xa. Vì thế, kinh nghiệm này có tầm quan trọng trước khi nhận thức hay thậm chí trực giác của bạn bắt được nó. Chạm đến trái tim là trải nghiệm thuần khiết. Điều này quan trọng đối với chúng ta. Phật giáo luôn nhấn mạnh điều này.

Huệ Siêu hỏi Pháp Nhãn: “Phật là gì?”. Pháp Nhãn đáp: “Ông là Huệ Siêu”, nghĩa là “Ông chính là Phật”. Câu nói “Ông chính là Phật” là một điều bạn phải trải nghiệm giống như chạm vào trái tim. Khi đã có trải nghiệm ấy, lập tức hai điều trở nên rõ ràng: Bạn có thể giải thích vì đã trực tiếp trải nghiệm, và mặc dù có thể giải thích được, nó đồng thời lại không thể giải thích vì bạn phải chú ý đến chính trải nghiệm đã chạm vào trái tim. Khi ấy, không có cách nào giải thích. Bạn là Phật. Phật là bạn vì không có bạn thì không thể có trải nghiệm, bạn không thể biết điều gì. Đặc trưng của trải nghiệm thuần khiết gọi là “chạm vào trái tim” là nó hoàn toàn vượt ngoài mọi giải thích. Nhưng nó là một thứ tích cực, liên tục hoạt dụng, vì thế mà bạn có thể trải nghiệm nó. Vậy nên, ở một phương diện nhất định, nó có thể giải thích.

Tu tập thiền luôn tập trung vào ý nghĩa thuần khiết của trải nghiệm. Chạm vào trái tim hoàn toàn nằm ngoài sự hài lòng hay không hài lòng. Tất cả những gì bạn phải làm chỉ là đi thẳng tới trải nghiệm thuần khiết chạm vào trái tim. Nó là toạ thiền, là trì tụng. Nhưng chúng ta thường không hài lòng vì luôn đánh giá bằng nhận thức lý trí. Nhưng một thứ gì đó được đánh giá bởi nhận thức lý trí sẽ không bao giờ dẫn dắt bạn chạm vào cốt lõi của trải nghiệm.

Chạm vào trái tim là một điều bạn phải trải nghiệm. Nếu không, bạn sẽ không hiểu loài người từ một tầm nhìn phổ quát. Chư Phật và chư tổ lúc nào cũng dạy chúng ta đi thẳng tới kinh nghiệm chạm vào trái tim. Đôi khi bạn cảm thấy ổn, đôi khi thấy không ổn, nhưng điều đó không sao. Dù bạn nói gì chăng nữa, hãy cứ đi tới kinh nghiệm ấy. Nói cách khác, chạm vào trái tim tức là làm những sợi dây đàn của trái tim rung động tới trạng thái tột cùng của chúng. Bạn không biết có thể làm chúng rung động như thế nào, là do chúng ta vốn đã vô minh. Tất cả những gì chúng ta phải làm chỉ là liên tục làm những sợi dây đàn của trái tim rung động và chạm đến bản chất tối hậu. Sớm hay muộn, sự vô minh sẽ mở toang cánh cửa, và bạn sẽ mở ra một con đường thẳng đến những sợi dây đàn của trái tim. Đây là ý nghĩa của Pháp Nhãn nói câu “Ông là Phật”.

Bạn có nhớ câu chuyện về Đức Phật khi ngài được yêu cầu giúp đỡ dòng tộc Thích-ca sắp bị nước láng giềng tấn công? Vị vua thấy Đức Phật ngồi dưới gốc cây héo trong ánh mặt trời nóng bức, nên hỏi tại sao ngài ngồi đó. Đức Phật đơn giản trả lời: “Ta thấy mát dưới cái cây này vì nó ở gần đất nước quê hương ta”. Bạn có hiểu cảm giác này không? Vị vua rất ấn tượng với những lời nói ấy. Chúng chạm vào trái tim ông, nên ông quay trở lại và lui quân. Hiểu theo lý trí thì không có ý nghĩa vì không thể có bóng mát dưới một gốc cây héo trong ánh mặt trời nóng bức, nhưng với Đức Phật lại là mát. Chạm vào trái tim là một cảm giác sống động trong sự nhận biết sâu xa về bản thân và trong sự soi sáng người khác. Đây không phải là trạng thái ủy mị hay xúc cảm, cũng không phải là lý trí. Nó là một hành động được đặt cơ sở vững chắc và rõ ràng trong hiện thực của tồn tại.

—–☀️?☀️—–

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. Ý NGHĨA CỦA MỘT NGÓN TAY
  2. TRANH BÁNH GẠO
  3. HOÀ BÌNH

Bài viết mới

  1. LỜI RĂN DẠY CỦA KHỔNG TỬ
  2. “LÀM VIỆC” CŨNG LÀ “LÀM NGƯỜI”
  3. CÁCH GIỮ TẬP TRUNG KHI BẠN BẮT ĐẦU CHÁN MỤC TIÊU CỦA MÌNH