SYLVIA BOORSTEIN
Trích: Đơn Giản Hơn Ta Nghĩ; Nguyễn Duy Nhiên dịch; NXB Công ty TNHH MTV Sách Phương Nam.
Chánh niệm là một sự chấp nhận có ý thức và quân bình về kinh nghiệm hiện tại của mình. Thật ra nó chỉ đơn giản như vậy thôi. Nó là một sự cởi mở hoặc tiếp nhận giây phút hiện tại này, dễ chịu hoặc khó chịu, đúng thật như nó đang hiện hữu, mà không hề bám víu hoặc ghét bỏ. Theo tôi nghĩ, có ba cách giúp ta hiểu được mục đích của sự tu tập chánh niệm.
Phương cách thứ nhất là thấy được chánh niệm sẽ đưa đến tuệ giác như thế nào. Khi ta có thể duy trì khả năng tỉnh thức và có mặt trọn vẹn trong từng giây phút của hiện tại, những chân lý của kinh nghiệm sống tự chúng sẽ biểu lộ như là tuệ giác. Và khi tuệ giác tăng trưởng, những tập quán nào của tâm có khuynh hướng thích bám víu vào những gì không thể nắm bắt được sẽ dần dần suy giảm, và khổ đau cũng từ đó bớt đi.
Phương cách thứ hai là thấy được chính sự tu tập chánh niệm tự nó sẽ hóa giải tâm ta khỏi những tập quán thúc đẩy ta chạy trốn những gì khó chịu. Ta ngồi (hoặc đứng, hoặc đi, hoặc nằm, hay trong bất cứ một tư thế nào), giờ này sang giờ kế, thực tập duy trì một sự tĩnh lặng và tính giác qua tất cả những phạm trù của các trạng thái thân và tâm, khi chúng khởi lên – và không làm bất cứ một điều gì để thay đổi những kinh nghiệm ấy, mà chỉ khám phá rằng ta có thể chịu đựng chúng được. Nhờ vậy ta thấy được sự tu tập tự nó là một liều thuốc giải độc cho chứng bệnh phản ứng hấp tấp thông thường của tâm khi đối diện với mỗi giây phút mới.
Phương cách thứ ba là nghĩ đến sự tu tập chánh niệm tự nó chính là sự giải thoát, thay vì là dẫn đến sự giải thoát. Mỗi giây phút sáng tỏ không bị quấy động bởi sự giằng co giữa sự khen chê, ghét bỏ và ham muốn, là một giây phút giải thoát. Cuộc sống của ta chỉ được làm bằng những giây phút mà thôi. Thời gian mà ta thật sự có là ngay giờ phút này đây. Để dành những giây phút tự do bây giờ cho một sự an nhàn trong tương lai có thể là tốt đó, nhưng chúng không thể nào bảo đảm cho ta một sự tự do mãi mãi. Suy tính cho sự giải thoát trong tương lai có thể tạo điều kiện cho chánh tư duy và chánh tinh tấn, nhưng nếu nó tạo nên một sự phấn đấu hoặc một cảm giác thiếu sót hoặc bất an trong tâm ngày giờ phút này, thì ta đâu có thật sự tự do!
Có lẽ các bạn cũng đã nghe câu chuyện một người bị cọp rượt chạy đến trước một bờ vực thẳm. Luýnh quýnh ông ta nhảy đại xuống vực, tay nắm được một sợi dây nho rừng mọc bên sườn núi, treo lơ lửng giữa không trung. Phía dưới ông là vực sâu thăm thẳm, bên trên ông là con cọp đôi đang gầm gừ. Trong khi bị đu đưa lủng lẳng nửa chừng trong không trung, có một con chuột bắt đầu gặm nhấm sợi dây nho rừng mà ông đang nắm. Tình trạng của ông thật bấp bênh vô cùng. Lúc ấy, ông chợt thấy cạnh bên mình có một trái nho chín đỏ mọc hoang, ông với tay hái lấy và ăn. Hương vị của trái nho mới ngọt ngào làm sao!
Ba tôi qua đời vì chứng bệnh ung thư tủy sống, một loại bệnh ung thư có thể đối trị nhưng không chữa được. Trong suốt bảy năm bệnh hoạn, ông xoay xở đối phó với sự suy sụp của sức khỏe và sự gia tăng của cơn đau bằng một sức chịu đựng không lay chuyển. Ông sử dụng gậy chống, rồi đến xe lăn để đối phó với sự suy thoái của thể xác, mà vẫn tiếp tục có một đời sống giao du rất bận rộn. Chúng tôi đã rất cởi mở và bàn luận rất thường về cái chết không tránh khỏi của ông trong một tương lai không xa. Ông có vẻ như đã hòa giải được với cái chết, mà không hề cảm thấy tuyệt vọng hoặc chán đời. Chúng tôi nói đùa là không biết gia đình của đứa cháu nào là thích hợp cho sự tái sinh của ông đây, nếu thật sự là ông sẽ có một sự chọn lựa.
Một hôm, khi chứng bệnh của ba tôi đã trở nên trầm trọng, tinh thần của ông dường như cũng đã suy sụp theo rất nhiều. Với một ngày mới đang mờ mịt trước mặt, tôi nói với ông: “Hai ba con mình đi xem phim nha ba!”. Ông nhìn tôi với một ánh mắt hoài nghi: “Con biết không, ba sắp chết đến nơi rồi!”. Tôi đáp: “Đúng rồi, nhưng không phải là hôm nay đâu ba”.
Chúng tôi đi xem phim Raiders of the Lost Ark. Hai ba con tôi thích lắm. Chúng tôi ăn tối tại Pacific Cafe, tiệm ăn mà ông ưa thích nhất. Hôm sau, ông bắt đầu bị sưng phổi phải đưa vào bệnh viện. Vài tuần sau ba tôi qua đời.