CHẤP NHẬN CON NGƯỜI VỐN CÓ CỦA BẠN

CAROLE BERGER

Trích: Ho’Oponopono – Sống Như Người Hawaii: Chấp Nhận, Biết Ơn Và Tha Thứ; Việt dịch: Hoàng Lan; NXB. Công Thương; Công ty CP Sách Thái Hà, 2019

Sự chấp nhận còn có nghĩa là chấp nhận bản thân một cách trọn vẹn, cả những phẩm chất tốt đẹp lẫn những khiếm khuyết. Làm sao ta mong nhìn ra được tính đồng nhất của vũ trụ nếu ta không sống hòa hợp với mọi khía cạnh của chính con người mình, bởi ta đang che giấu – hoặc không chịu thừa nhận – những “mảng tối” của ta?

Chúng ta cần học cách hòa giải với bản thân và chấp nhận cả những mảng tối lẫn mảng sáng trong bản chất của mình. Mọi khía cạnh của nhân tính đều tồn tại đồng thời trong mỗi chúng ta. Trong chúng ta, không ai là “tốt hơn” ai cả.

Trách nhiệm của chúng ta là phải chấp nhận bản thân trọn vẹn. Điều này không có nghĩa là không cần nỗ lực để hoàn thiện bản thân mà đơn giản là chúng ta hãy chấp nhận con người vốn có của mình, hãy nhìn nhận bản thân một cách rõ ràng và không phán xét. Chính sự thành thực này sẽ kích hoạt ý chí thay đổi trong ta. Vì vậy, điều quan trọng là phải thừa nhận mọi phần trong con người mình, bởi càng cố gắng phủ nhận những phương diện nào đó, chúng sẽ càng “hét tướng lên” để buộc ta phải thừa nhận; chừng nào ta còn chối bỏ chúng, chừng đó chúng sẽ còn tiếp tục cho ta biết rằng chúng có ở đó và chúng cũng xứng đáng được ta quan tâm.

Tuy nhiên, việc thừa nhận những “mảng tối” ấy không có nghĩa là ta để cho chúng thỏa sức hoành hành. Với những vị khách hay gây rắc rối, hiếm khi ta muốn mời họ tới chơi nhà lần thứ hai. Thay vào đó, ta quyết định tránh xa họ hết mức có thể. Cái gọi là những khía cạnh tiêu cực trong bản chất của chúng ta cũng chính là những vị khách không được chào đón, và ta có thể lựa chọn không tiếp đón chúng.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. NĂNG LƯỢNG MẠNH MẼ CỦA LÒNG BIẾT ƠN
  2. ĐI THEO DẪN DẮT CỦA TRỰC GIÁC VÀ CẢM HỨNG
  3. GỠ BỎ NHỮNG “NÚT THẮT” CHÍNH

Bài viết mới

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  3. LÀM MỘT BẬC THẦY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỀ NGHIỆP