GỠ BỎ NHỮNG “NÚT THẮT” CHÍNH

CAROLE BERGER

Trích: HO’OPONOPONO Sống Như Người Hawaii: Chấp Nhận, Biết Ơn Và Tha Thứ; Hoàng Lan dịch; NXB Công Thương.

Trách nhiệm của chúng ta là phải tự vấn lương tâm mình nhằm tìm ra những điều tuy nhỏ nhặt song có nguy cơ biến cuộc đời ta thành nỗi thống khổ (ví dụ, cảm giác bực bội một cách có hệ thống mỗi khi người bạn đời quên lau dọn bồn tắm, hoặc khó chịu trước cái tật quên tắt đèn đáng ghét của anh ta), cũng như những cơ chế đã biến ta thành con người quá dễ đoán biết.

Lời dạy của người thầy

Học viên (HV): Con cần làm gì để đi theo con đường pono? Làm sao con biết được những điều con đang nghĩ hoặc đang làm có đúng theo tinh thần pono hay không? Làm thế nào để con thoát khỏi vòng kiềm tỏa của vô thức cũng như cách suy nghĩ của con, những thứ đang không hề giúp con được hạnh phúc?

Kumu (K): Mọi sự đều là pono; mọi sự đều đang diễn ra đúng theo tiến trình của nó.

HV: Tức là dù con có làm gì thì mọi sự đều đang hài hòa và đều là pono là sao? Thậm chí cả những ý nghĩ tiêu cực cũng là pono? 

K: Đúng thế: mọi sự đều là pono.

HV: Vậy nếu người yêu con bỏ con, thì đó là pono. Nếu con mất việc, đó là pono. Mọi sự đều là pono, bất kể điều gì xảy đến dù là tốt hay không tốt cho con?

K: Nhưng ai là người quyết định chúng tốt hay không tốt? Trong thế giới năng lượng, một trải nghiệm khó chịu không hề mang tính tiêu cực. Chính tâm trí con đã đem phân loại sự kiện, còn khi vũ trụ gửi đến con trải nghiệm đó: nó là hoàn hảo, nó là pono. Mọi điều xảy đến với con đều có thể hỗ trợ con phát triển. Bất kỳ một trải nghiệm tích cực hay tiêu cực nào cũng đều là cơ hội để con xác quyết ý chí của mình và lựa chọn có học hỏi từ nó hay không.

HV: Tức là con không cần lo lắng về những điều đang xảy đến với mình, vì mọi sự đều là pono sao? Vậy thì hơi dễ dàng phải không thầy? 

K: Hãy hiểu một điều. Con có một và chỉ một trách nhiệm duy nhất, đó là thực hiện phần việc của con bằng cách dọn sạch một cách có ý thức tất cả những gì trong khả năng. Phần còn lại cứ để vũ trụ lo liệu. Những gì con đang trải qua ngày hôm nay, ngay lúc này, đều phù hợp với hệ thống niềm tin của con, và vũ trụ đáp ứng niềm tin ấy, dù nó là tích cực hay tiêu cực. Ví dụ, con tin rằng con không bao giờ có thể duy trì một mối quan hệ tình cảm lâu dài, đó là một niềm tin sâu sắc và khó lòng thay đổi. Nó diễn giải và gửi đến vũ trụ một năng lượng cụ thể. Vũ trụ sẽ đáp ứng niềm tin đó và cho con cơ hội để hiện thực hóa niềm tin này người yêu con sẽ rời bỏ con. Chừng nào con chưa chịu thay đổi hệ thống niềm tin của mình, chừng đó trải nghiệm này vẫn còn tái diễn.

Ở đây, kumu đang nói về vòng kiềm tỏa của niềm tin và nhấn mạnh đến sức kháng cự to lớn của nó trước những thay đổi. Muốn thay đổi “tấm bản đồ thế giới” vốn đã trở nên quá hạn chế, điều cốt yếu là bạn phải suy ngẫm về những niềm tin của mình một cách có ý thức.

Mahalo pau: “Cảm ơn, nhưng xin được khước từ”

Những ý kiến, quan điểm và đánh giá về bản thân ta và về người khác sẽ quyết định mối quan hệ giữa ta và thế giới. Trong đa số trường hợp, chúng ta để mình bị mắc kẹt và dành thời gian chỉ trích hoặc tìm cách thay đổi người khác sao cho ăn khớp với “kế hoạch nội tại” của ta. Điều này làm dấy lên một câu hỏi: cơ chế vận hành theo thói quen này liệu có giúp chúng ta sống tốt hơn?

Bước thứ hai là hãy thử tự vấn xem liệu nó có đáp ứng “mục đích” của chúng ta, hay ngược lại, gây tổn hại đến mục đích ấy. Nếu nhìn chung nó chỉ để lại cho ta dư vị đắng ngắt trong miệng cùng cảm giác ta đã hành động không “đúng đắn”; nếu nó dẫn ta tới pilikia – những cảm xúc nặng nề và nhức nhối – thì có lẽ giờ là lúc ta cần thay đổi nó.

Để xóa sạch mọi dấu vết tiêu cực có thể gây nhiễu loạn năng lượng của bản thân và của người khác, một số cư dân Hawaii đã tìm ra công thức: mahalo pau, có thể dịch là “cảm ơn, nhưng xin được khước từ”. Hễ khi nào họ nhận ra mình đã nghĩ hoặc làm một điều không “đúng đắn”, họ sẽ tự động (hoặc gần như tự động) nhủ thầm thế này: “Tôi cảm ơn trải nghiệm này nhưng xin được khước từ nó, tôi không muốn có nó thêm nữa. Cảm xúc mà nó gợi lên trong tôi không giúp tôi cảm thấy dễ chịu. Tôi tha thứ cho những sai sót trong suy nghĩ và lời nói của mình, và sẽ tiếp tục tiến bước.” Mọi sự đều có thể được gói gọn trong hai từ: mahalo pau. Bởi mọi khoảnh khắc đều là cơ hội để thay đổi.

Các bậc thông thái còn liên tục cảnh giác trước những sự việc có khuynh hướng bị lặp lại thường xuyên. Họ thích thú xả bỏ những niềm tin làm hạn chế lựa chọn của họ cũng như nhận biết của họ về thế giới.

Truy vấn các hệ thống niềm tin của bạn một cách không khoan nhượng là việc đáng làm. Bước đầu tiên, hãy tái đánh giá chung để xác định những niềm tin có nguy cơ gây hại và ngăn không cho bạn cảm nhận tốt về bản thân.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. NĂNG LƯỢNG MẠNH MẼ CỦA LÒNG BIẾT ƠN
  2. ĐI THEO DẪN DẮT CỦA TRỰC GIÁC VÀ CẢM HỨNG
  3. CHẤP NHẬN CON NGƯỜI VỐN CÓ CỦA BẠN

Bài viết mới

  1. ÁP DỤNG QUY LUẬT NỖ LỰC TỐI THIỂU
  2. ĐẠT ĐƯỢC NHIỀU HƠN CHỈ VỚI NỖ LỰC TỐI THIỂU
  3. THỰC HÀNH BỒ ĐỀ TÂM