CHỈ SỐ THÔNG MINH (IQ) VÀ CHỈ SỐ CẢM XÚC (EQ)

DANIEL H.PINK

Trích: “Một Tư Duy Hoàn Toàn Mới”; Tác giả: Daniel H. Pink; Người dịch: Lotus; Hiệu đính: Quỳnh Chi; NXB Lao Động – Xã Hội, 2008.

Trong tương lai, khi những người phụ trách của bảo tàng thu thập những hiện vật cho cuộc triển lãm về trường học của nước Mỹ thế kỷ XX, họ sẽ tìm được rất nhiều đồ vật để lựa chọn –những cuốn sách giáo khoa dày cộp, chiếc bảng đen đầy bụi, chiếc bàn nhựa một mảnh với bề mặt đầy chữ viết. Trong đó có một đồ vật xứng đáng được xem là đặc biệt nhất, tôi đề nghị đặt nó ở trung tâm triển lãm, trong một chiếc hộp thủy tinh, đó là chiếc bút chì Số hai được vót nhọn.

Có thể nói, nước Mỹ sẽ không có được nền giáo dục như hiện nay nếu không có những cây bút chì Số hai. Ngay từ khi lũ trẻ bắt đầu cầm cây bút gỗ này, chúng đã phải thực hiện một chuỗi vô tận những bài kiểm tra xác định khả năng hiện tại cũng như tiềm năng trong tương lai của mình. Ở các trường tiểu học, chúng ta đánh giá chỉ số thông minh (IQ). Sau đó, chúng ta kiểm tra khả năng đọc và làm toán rồi lưu kết quả lại để so sánh với những đứa trẻ khác trong bang, trong nước và trên thế giới. Khi bước chân vào cấp ba, chúng bắt đầu chuẩn bị cho kỳ thi đầu vào các trường đại học (SAT), một hoang mạc mà chúng phải vượt qua để đến được miền đất hứa với việc làm tốt và cuộc sống hạnh phúc. Như tôi đã nhắc đến, hệ thống kiểm tra kiểu này có những tác dụng riêng của nó. Nhưng hệ thống đó cũng bộc lộ một vài điểm yếu mà gần đây người ta mới thừa nhận.

Như Daniel Goleman, tác giả cuốn sách gây tiếng vang lớn – Emotional Intelligence (Trí tuệ xúc cảm), đã xem xét một loạt chương trình nghiên cứu nhằm đánh giá chỉ số thông minh(cũng giống kỳ thi SAT, đánh giá năng lực tư duy thuần túy thuộc về bán cầu não trái) có vai trò gì đối với thành công nghề nghiệp. Bạn nghĩ gì về kết quả của những nghiên cứu này? Hãy cầm cây bút chì Số hai và thử đoán xem.

Theo một nghiên cứu mới nhất, chỉ số thông minh chiếm bao nhiêu phần trăm trong thành công nghề nghiệp?
a. 50-60%
b. 35-45%
c. 23-29%
d. 15-20%

Câu trả lời: Từ 4-10% (việc giới hạn lựa chọn những câu trả lời có sẵn là một dấu hiệu của lối tư duy thiên về bán cầu não trái). Theo Goleman, chỉ số thông minh có thể tác động đến nghề nghiệp mà chúng ta lựa chọn. Chẳng hạn, chỉ số thông minh của tôi quá thấp để trở thành một nhà vật lý học thiên thể. Nhưng trong một công việc cụ thể, những vấn đề đòi hỏi phải sắc sảo trong tư duy theo não trái là tương đối ít. Quan trọng hơn là khả năng nhạy cảm với việc định lượng, những yếu tố thuộc về nhận thức và cảm thụ mà tôi đã đề cập đến – trí tưởng tượng, niềm vui và sự khéo léo trong giao tiếp. Chẳng hạn, nghiên cứu của Goleman và HayGroup cho thấy trong các tổ chức, phần lớn các nhà lãnh đạo thành công thường rất vui tính. Họ thường cười nhiều gấp 3 lần những người đồng nhiệm của mình. (Và sự hài hước, như tôi sẽ đề cập ở Chương 8, phụ thuộc chủ yếu vào bán cầu não phải). Nhưng bạn đã gặp những bài kiểm tra tiêu chuẩn về khả năng hài hước ở đâu chưa?

Thực tế, bạn có thể tìm được một bài kiểm tra như vậy ở New Heaven, Connecticut. Tại đó,một giáo sư tâm lý của Đại học Yale đang thiết kế một bài kiểm tra thay thế cho kỳ thi SAT. Giáo sư Robert Sternberg gọi bài kiểm tra của ông bằng cái tên Dự án Cầu vồng. Trong bài kiểm tra, các sinh viên được xem năm bức biếm họa lấy từ tạp chí New Yorker và phải viết lời bình hài hước cho mỗi bức tranh. Đồng thời, họ cũng phải viết hay kể lại một câu chuyện sử dụng tựa đề có sẵn do ban giám khảo đưa ra (ví dụ: “Những đôi giày của chú bạch tuộc”). Các sinh viên được giới thiệu rất nhiều tình huống – dự một bữa tiệc không có một ai quen biết, cố thuyết phục bạn bè chuyển giúp đồ đạc – và sau đó họ sẽ phải trả lời về phản ứng của mình trước mỗi tình huống. Dù mới chỉ trong giai đoạn thử nghiệm, song dự án đã rất thành công sovới kỳ thi SAT trong việc dự đoán trình độ học tập của người tham gia khi học đại học. Khoảng cách cố hữu giữa những sinh viên da trắng và da màu được thu hẹp đáng kể trong bài kiểm tra này.

Mục đích của bài kiểm tra của Sternberg không phải để thay thế mà chỉ để bổ sung cho kỳ thi SAT hiện tại. (Trên thực tế, một trong những nhà tài trợ cho dự án này, Bộ Đại học Mỹ, cũng là nơi bảo đảm cho chương trình kiểm tra hiện hành). Và bản thân chương trình kiểm tra SATgần đây cũng đã được sửa đổi, thêm vào một phần thi viết. Nhưng sự tồn tại của Dự án Cầu vồng đã gợi mở nhiều điều. Sternberg nói: “Nếu bạn không làm tốt một bài kiểm tra thông thường, mọi con đường tiến tới thành công trong xã hội của bạn sẽ bị khép lại.” Nhưng như rất nhiều nhà giáo dục đã thừa nhận, những nẻo đường đã bị khép lại đó có thể mở ra với những người có các khả năng mà kỳ thi SAT không đánh giá được.

Điều này đặc biệt đúng đối với năng lực cảm thụ – đó là khả năng của lòng trắc ẩn, sự quan tâm, nâng đỡ – điều đang ngày càng trở thành một nhân tố quan trọng cho rất nhiều vị trí của Thời đại Nhận thức. Số lượng những công việc mang tính “chăm sóc” như tư vấn, y tá hay chuyên gia bảo vệ sức khỏe đang tăng lên mạnh mẽ. Chẳng hạn, trong khi các quốc gia tiên tiến đang đưa các công việc lập trình máy tính kỹ thuật cao ra nước ngoài, họ lại phải tuyển các y tá từ Philippin hay các quốc gia châu Á về làm việc trong các bệnh viện của họ. Chính vì vậy, mức lương của các y tá đang tăng cao và số lượng nam giới đăng ký làm y tá cũng tăng gấp đôi kể từ giữa thập niên 1980. Chúng ta sẽ tìm hiểu kỹ hơn về vấn đề này trong Chương 7.

Tiền bạc và ý nghĩa cuộc sống

Trong khi công việc ngày càng đòi hỏi năng lực nhận thức tốt và khả năng cảm thụ cao thì thay đổi lớn nhất của Thời đại Nhận thức lại có thể xảy ra bên ngoài nơi làm việc và ngay trong trái tim, tâm hồn của chúng ta. Chẳng hạn, ngày nay, xu hướng tìm kiếm sự siêu nghiệm và ý nghĩa cuộc sống đang tăng gấp đôi trong thời gian gần đây. Ở Mỹ, có khoảng 10 triệu người trưởng thành tham gia đều đặn một số phương pháp thiền khác nhau, nhiều gấp đôi so với thập kỷ trước. Có khoảng 15 triệu người tập yoga, gấp đôi con số của năm 1999. Các chương trình giải trí nổi tiếng trên truyền hình cũng bị cuốn vào những chủ đề tâm linh đến mức chương trình TV Guide đã dự báo sự phát triển mạnh mẽ của làn sóng “truyền hình siêu nghiệm”.

Sự lão hóa của dân số Mỹ cũng như của dân số Nhật Bản và liên minh châu Âu khiến cho xu hướng này trở nên phổ biến hơn. Nhà tâm lý học David Wolfe đã viết: “Khi con người trưởng thành, lối tư duy của họ trở nên ít trừu tượng hơn (khuynh hướng tư duy theo não trái) và cụ thể hơn (khuynh hướng tư duy theo não phải); vì thế họ luôn có quan điểm sâu sắc hơn về thế giới thực tại, tăng khả năng cảm xúc và khả năng cảm nhận những mối liên hệ trở nên phong phú hơn.” Nói cách khác, cùng với tuổi tác, con người mới chú trọng hơn tới những giá trị sống mà mình đã bỏ qua khi lao vào xây dựng sự nghiệp và gia đình. Đó chính là mục đích, động lực bên trong và ý nghĩa cuộc sống.

Trên thực tế, có hai nhà nghiên cứu đã cho rằng xu hướng này đang bắt đầu cán đích. Năm 2000, Paul Ray và Sherry Ruth Anderson đã xác định được một nhóm văn hóa của khoảng 50 triệu người Mỹ, gọi là “những người sáng tạo văn hóa”. Họ chiếm khoảng 1/4 số lượng người trưởng thành của nước Mỹ và xấp xỉ dân số nước Pháp. Và đặc tính chung của nhóm người này phản ánh những nhân tố cơ bản của cách tiếp cận cuộc sống theo tư duy kiểu não phải. Chẳng hạn, họ luôn “nhấn mạnh việc quan sát bức tranh toàn cảnh”, như các tác giả đã viết, “họ có khả năng tổng hợp tuyệt vời”. Họ còn “nhận thức được giá trị những cách tiếp cận của nữ giới:chia sẻ và đồng cảm với mọi người, đặt mình vào vị trí của người đối diện, coi trải nghiệm cá nhân và những câu chuyện được đọc từ thuở ấu thơ như các cách thức quan trọng để học hỏi, nắm được nguyên tắc xử thế trong việc quan tâm đến người khác”.

Họ là những người đang bước vào Thời đại Nhận thức với sự ý thức về tuổi tác của bản thân. Họ nhận ra mình đã đi gần hết quãng đời. Và sự thật không thể chối cãi này có thể buộc họ phải suy nghĩ. Sau nhiều thập kỷ theo đuổi sự giàu sang, tiền bạc dường như không còn sức lôi cuốn nữa. Với họ cũng như với rất nhiều người khác, giá trị cuộc sống đã thay thế vai trò của đồng tiền trong thời đại mới này.

Tất cả những điều này có ý nghĩa gì với bạn và tôi? Chúng ta phải tự chuẩn bị gì cho Thời đại Nhận thức? Ở một mức độ nhất định, câu trả lời không khó. Trong thế giới chịu tác động của sự dịch chuyển việc làm qua châu Á, sự dư thừa và tự động hóa này, nơi lối tư duy của bán cầu não trái vẫn cần nhưng chưa đủ, chúng ta phải phát huy khả năng tư duy của bán cầu não phải và trau dồi khả năng nhận thức tốt, cảm thụ cao. Trong thời đại phồn thịnh này, chúng ta phải đảm nhiệm các công việc mà những công nhân tri thức nước ngoài không thể làm với chi phí thấp hơn, máy tính không thể thực hiện nhanh hơn, đó là những công việc đáp ứng được nhu cầu thẩm mỹ, cảm xúc và tâm linh. Nhưng ở một chừng mực nào đó, câu trả lời trên vẫn chưa thỏa đáng. Thật sự chúng ta cần làm gì?

Tôi đã đi tìm lời giải cho vấn đề này trong vài năm qua. Và tôi đã đúc kết được sáu kỹ năng thiết yếu về nhận thức và cảm thụ trong thời đại mới. Tôi gọi những kỹ năng này là “sáu giác quan”: Thiết kế ‒ Kể chuyện ‒ Hòa hợp ‒ Đồng cảm ‒ Giải trí ‒ Tìm kiếm ý nghĩa. Phần II của cuốn sách này sẽ giúp các bạn hiểu rõ và nắm vững những khái niệm đó.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. KHÁM PHÁ DI SẢN CẢM XÚC CỦA CHÍNH MÌNH
  2. TRÍ TUỆ XÚC CẢM LÀ GÌ
  3. TRÍ TUỆ CẢM XÚC QUAN TRỌNG KHÔNG KÉM CHỈ SỐ IQ

Bài viết mới

  1. HẠNH PHÚC VÌ BIẾT ĐỦ
  2. AI CŨNG CÓ THỂ HẠNH PHÚC NGAY TỪ GIÂY PHÚT NÀY
  3. QUAN SÁT NGÔN NGỮ CƠ THỂ