KHÁM PHÁ DI SẢN CẢM XÚC CỦA CHÍNH MÌNH

TIẾN SĨ SHEFALI TSABARY

Trích: Làm Cha Mẹ Tỉnh Thức – Chuyển hóa bản thân, Trao quyền cho con cái; Việt dịch: Khánh Thủy; NXB Lao động, Công ty Sách Thái Hà, 2020

Trong cuộc sống thường ngày, mỗi cá nhân đều có thể bị kích động vì bất kỳ lý do gì. Là cha mẹ, ta đặc biệt dễ “phát hỏa” bởi con liên tục ở bên cạnh và phụ thuộc vào ta.

Tuy nhiên, ngay trong lần tới khi bị con kích động, thay vì bực bội, hãy quan sát xem phản ứng đó thực sự là gì. Nếu chịu nhìn vào trong, thậm chí không cần cố tìm hiểu nguyên nhân, mà chỉ cần ý thức được rằng cảm xúc đó xuất phát từ chính bản thân mình, chứ không từ hành vi của người khác, ta sẽ có đủ thời gian dừng lại để chuyển từ phản xạ tức thì sang một cách cư xử tế nhị hơn.

Hầu hết chúng ta đều có khả năng xác định nguyên nhân bề mặt của cảm xúc, như “Tôi bị kích động vì con không tôn trọng tôi”, “Tôi nổi điên vì con không làm bài tập về nhà”, hay “Tôi tức giận khi con nhuộm tóc”. Đây là những lý do bề nổi. Nhưng cái gì ở trong lòng ta đã thay đổi? Mấu chốt của cảm giác mà ta đang trải nghiệm là gì?

Bị kích động tức là miễn cưỡng với hoàn cảnh đang xảy ra trước mắt. Khi phản ứng lại, ta tự nhủ, “Tôi không chấp nhận tình thế này; tôi không thích diễn biến của sự việc”. Nói cách khác, khi ta kháng cự lại cách thực tại đang xảy ra với con, người bạn thân thiết nhất của mình, tức là ta từ chối nhìn nhận bản chất của cuộc sống. Cái nhìn lý tưởng mà ta bám lấy – hay còn gọi là cái tôi – đang bị đe dọa. Trong trạng thái này, ta chỉ biết nhắm mắt phản xạ mà mất khả năng điềm tĩnh, sáng tạo trong cách cư xử. Phản xạ này thể hiện bằng những hành vi mang nặng dấu ấn của định kiến, dấu ấn vai diễn của ta trong gia đình và của gia tài cảm xúc mà ta được thừa kế.

Sống tỉnh thức đồng nghĩa với việc luôn thực sự ý thức với mọi trải nghiệm đang diễn ra xung quanh. Ta cần phản hồi phù hợp trong từng khoảnh khắc cuộc sống. Thực tại này có thể không giống như ta mong muốn, nhưng nó cứ là như thế.

Sống tỉnh thức nghĩa là ta tiếp cận cuộc sống với tâm thế rằng cuộc đời là như thế. Ta tự chọn hòa mình vào dòng chảy, không cần kiểm soát hay tách biệt với những điều đang diễn ra. Ta tự hình thành trong đầu câu thần chú, “Đời là thế”. Lúc đó, ta nuôi dạy con với tâm thế chấp nhận con mình là như thế, không phải là đứa con lý tưởng mà mình muốn có.

Tôi đã từng nói ở trên rằng, dù đó là con mình, hay là hoàn cảnh xung quanh, ta đều không chấp nhận thực tại – ta tưởng rằng nếu tiếp tục lồng lộn, buồn bã, kích động, hay áp đặt, tình thế sẽ thay đổi. Nhưng đời không như ta nghĩ. Ta bế tắc vì không chấp nhận trạng thái bất biến này của cuộc sống. Vì vậy, để thay đổi, bước đầu tiên là chấp nhận thay vì kháng cự.

Từ bỏ nhu cầu kiểm soát giúp ta tiếp cận cuộc sống bằng con mắt học hỏi. Trên thực tế, những kinh nghiệm quý giá nhất là những bài học ta học được khi phản hồi với tâm thế chấp nhận bản chất như nhiên của đời sống. Câu hỏi mấu chốt ở đây không phải là Ta thiếu gì, mà là Ta có gì. Ta giao tiếp với con trong tình trạng hiện tại của chúng, chứ không phải với tình trạng mà ta muốn chúng có được.

Bạn có thấy sự đơn giản trong phương pháp dạy con như nhiên này? Cho dù con đang đau đớn, thất vọng, liệu ta có thể chấp nhận đây là một điều tự nhiên, cũng có nghĩa là sự toàn vẹn? Ta có thấy sự hoàn hảo hàm chứa trong đó? Kể cả khi con đang lên cơn, chỉ cần ta chấp nhận trạng thái như nhiên của con, sẽ có một khoảng lặng diễn ra. Trong khoảnh khắc này, ta sẽ tìm được cách để phản hồi phù hợp, thay vì phản xạ vô điều kiện.

Nếu lớn lên với bố mẹ nóng tính, lạnh nhạt hay lạm dụng cảm xúc, con học được rằng phải “đối mặt” với đời. Cần “kiểm soát” mọi tình thế, cần trút mọi cảm xúc ra những người xung quanh để đạt được điều mình muốn. Những thần chú của ta sẽ là, “Sao con dám?”, “Sao lại thế?” và “Sao họ dám?”

Những người có thiên hướng cảm xúc như vậy mang theo trên mình gánh nặng danh dự, làm họ phải luôn tự nhắc nhở mình những điều chẳng hạn như, “Tôi xứng đáng những điều tốt đẹp hơn”. Họ tìm cách né tránh tổn thương bằng mọi giá vì tin rằng đời có nghĩa vụ duy nhất là mang lại cho họ những trải nghiệm dễ chịu. Khi đời không được như mình muốn, họ đổ lỗi ngay cho hgười xung quanh, “Đó là lỗi của họ!” Rồi tự nhủ, “Tôi có quyền nổi điên!”

Nếu cha mẹ có xu hướng như thế, khi lớn lên, con họ cũng hay nổi nóng với con cái. Chúng nổi điên nếu con cái bước đi với nhịp điệu riêng, chệch quỹ đạo mà bố mẹ đã vạch ra. Những đứa trẻ này sợ hãi chứ không tôn trọng bố mẹ. Chúng tin rằng cách duy nhất để thay đổi tình thế là đạp lên đầu kẻ khác, hệ quả là con cái của chúng cũng trở thành những nhà độc tài, luôn nhìn đời bằng con mắt hận thù và bạo lực.

Như đã nói trước đây, khi bị cơn thịnh nộ của bố mẹ làm cho khiếp vía, một đứa trẻ cũng có thể bị mất tự tin đến mức nhiều năm sau chúng để cho hình bóng của những người phụ huynh cáu bẳn, bạo lực tái hiện trên con cái mình. Vì không đủ sức mạnh để giành lấy sự tôn trọng cần có, những người này để cho con cái mình trở nên ích kỷ, lấn át cả bố mẹ.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. NHỮNG ĐIỀU CHA MẸ CẦN DẠY CHO CON
  2. LÀM CHA MẸ CŨNG LÀ THIỀN TẬP
  3. CHA MẸ CẢM ƠN VÀ CHA MẸ OÁN HẬN

Bài viết khác của tác giả

  1. LÀM SAO ĐỂ GIÚP CON VƯỢT QUA TỔN THƯƠNG?
  2. MỤC ĐÍCH TÂM LINH KHI TA SINH CON

Bài viết mới

  1. CHÚNG TA TRỞ NÊN NHƯ THẾ NÀO TÙY THUỘC VÀO SUY NGHĨ CỦA CHÍNH MÌNH
  2. HÃY RŨ BỎ QUÁ KHỨ CHÚ TÂM VÀO HIỆN TẠI
  3. TÂM BÌNH AN TRƯỚC NHỮNG KHÓ KHĂN KHÔNG THỂ TRÁNH