CHIẾC TÚI NHIỆM MÀU

HIROSHI KAMATA

Trích: Người Quét Dọn Tâm Hồn, Người Nhật và Chân Giá Trị Cuộc Sống; Việt dịch: Hạnh Phan & Nhóm Sóc Xanh; NXB. Tổng hợp Tp.HCM; Công ty VH-ST Trí Việt First News, 2020

Hiroshi Kamata sinh năm 1950 tại Miyagi. Sau 15 năm làm việc tại Disneyland, từ vị trí giám sát bộ phận quét dọn ban đêm đến vị trí giám sát ban ngày và cuối cùng là quản lý Bộ phận giáo dục, ông quyết định rời Disneyland và thành lập công ty cố vấn với mục tiêu truyền đạt tất cả kiến thức của ông về bồi dưỡng nguồn nhân lực đến thật nhiều doanh nghiệp.

??? Hai tuần trước ???

– Mình ơi, dậy đi! Có bưu thiếp Satomi gửi về này!

Đó là tấm bưu thiếp đầu tiên mà con gái lớn Satomi gửi về từ lúc cô bắt đầu tự lập ở Chiba. Mẹ cô luôn muốn cô làm việc ở quê nhà Iwate, nhưng bà tôn trọng ước mơ mãnh liệt được làm ở Disneyland của con gái, với lại ở Chiba cũng có họ hàng nên bà đã cho phép cô. Nhưng bức bưu thiếp Satomi gửi đã làm bao kỳ vọng của ông bà tan thành mây khói. Nội dung tấm bưu thiếp như sau:

“Bố mẹ khỏe không ạ? Con đang làm việc ở nơi con mơ ước – Disneyland rồi. Ngày nào với con cũng tràn ngập những điều mới mẻ. Công việc con đảm nhiệm là làm Custodial, tức là bộ phận quét dọn. Khi nào trời ấm áp hơn, bố mẹ hãy lên chơi với con nhé.

Ký tên: Satomi”

– Gì thế bà nó, mới sáng ra đã ầm ĩ cả lên… Ít nhất cũng phải cho tôi ngủ thêm tí vào ngày nghỉ chứ.

– Mình ơi, có bưu thiếp Satomi gửi về, nhưng mình xem này.

– Sao?

– Con bé nó lặn lội lên tận Disneyland làm việc, vậy mà lại phải làm công việc quét dọn đây này.

– Đó là do công ty quyết định mà, làm sao trách được.

– Không trách được là sao? Mình quên chúng ta cho con bé đi học đại học để làm gì rồi à?

– Chuyện đó thì…

– Để trả học phí cho con học trường tư, ngày nào mình cũng phải làm thêm giờ, còn tôi phải đi làm công việc toàn thời gian trong 4 năm liền. Vậy mà giờ con bé lại làm công việc quét dọn sao?

Tôi buồn đến phát khóc. Gia đình tôi chẳng phải dư dả gì, nhưng vì hy vọng vào tương lai của con bé mà cả gia đình ai cũng nỗ lực làm việc. Vậy mà nó đi học đại học xong lại làm công việc quét dọn…

Tôi cầm bưu thiếp của Satomi trong tay, cùng chồng đi ra phòng khách. Để giúp chồng tỉnh ngủ, tôi pha một ấm trà đặc. Sau khi ông uống một ngụm trà; tôi bắt đầu năn nỉ chồng:

– Ông bảo Satomi chuyển sang công ty khác ngay đi.

– Sao mà làm vậy được?

– Sao không? Ở Tokyo thiếu gì công việc? Chứ làm công việc quét dọn thì…

– Cứ cho là thế đi, nhưng trước tiên chúng ta phải hỏi ý kiến Satomi trước đã chứ?

– Ý kiến của Satomi? Không, tôi quyết định rồi. Ai lại thích làm công việc quét dọn cơ chứ? Bản tính con bé nhút nhát nên có khi nó cũng nghĩ vậy nhưng lại không dám nói ra ấy.

– Dù là thế thì vừa mới vào công ty xong, bây giờ lại chuyển đi luôn thì khó quá…

– Được rồi, vậy tôi sẽ nói thay nó.

– Nói thay nó? Nói với ai cơ?

– Với cấp trên của nó chứ ai. Tôi sẽ xin chuyển con bé sang bộ phận khác không phải quét dọn.

Tôi biết những gì tôi nói thật ích kỷ. Nhưng tôi hy vọng con bé hiểu cho quyết định của người làm mẹ như tôi. Satomi mà gia đình luôn đặt kỳ vọng không thể làm công việc quét dọn được. Hơn nữa, tôi không muốn bao công sức nỗ lực học tập, làm lụng của con bé tan tành chỉ vì sự đánh giá sai lầm của công ty. Tôi phân vân không biết mình có nên trực tiếp tới Disneyland không, sau đó tôi quyết định viết một bức thư cho người quản lý là anh Kaneda. Tôi không biết liệu anh ta có hiểu cho nỗi lòng của mình không, nhưng tôi không thể cứ thế ôm nỗi ấm ức trong lòng được.

??? Hai tuần sau ???

Vài ngày sau khi bức thư được gửi đi, Satomi gọi điện thoại về nhà. Con bé bảo cuối tuần này sẽ về Iwate. Tôi định sẽ bảo con bé về nhà luôn, chuyển việc làm khác. Rồi thứ sáu tuần đó, Satomi tay cầm một chiếc túi nhỏ về nhà. Mọi thứ vẫn còn nguyên trong phòng con bé nên không cần mang nhiều đồ đạc. Nếu chỉ ở hai ngày một đêm thì có lẽ một chiếc túi xách tay là đủ. Trên bàn ăn bày toàn những món yêu thích của con bé, nào thịt xào khoai tây, nào canh cá bằm. Khi mọi người bắt đầu cầm đũa ăn, tôi mới vào chủ đề chính:

– Satomi ơi, con ở một mình thế nào?

– Dạ, là sao ạ?

– Có điều gì bất tiện không?

– Cũng còn nhiều thứ con chưa làm quen được, nhưng đây là quyết định của con.

– Còn công việc thì sao? Họ có bắt con làm những việc con không thích không?

– Về việc đó…

Satomi đặt đũa xuống rồi nhìn thẳng về phía tôi và nói:

– Anh Kaneda đã cho con xem bức thư mẹ viết rồi.

– Mẹ à, con thích công việc đó.

– Làm… Custodial ư? Là quét dọn đấy con.

– Đúng là Custodial có nhiệm vụ chính là quét dọn, nhưng không phải chỉ có vậy đâu mẹ. Bọn con còn được coi là những trạm thông tin di động, nhiệm vụ chính của công việc này là đem “hạnh phúc” đến cho khách hàng.

– Nghe hay thật đấy, nhưng con đã bị công ty đó lừa rồi. Họ chỉ đang tận dụng con một cách triệt để thôi. Con nghĩ xem tại sao bố mẹ lại cho con đi học đại học? Bố mẹ cố gắng làm mọi việc không phải để cho con đi làm công việc quét dọn.

– Con thật sự rất biết ơn bố mẹ. Nhưng Custodial là một công việc vô cùng tuyệt vời. Mẹ hãy tin con.

– Satomi, hay là con về nhà đi?

– Tại sao lại thế?

– Chẳng phải vậy là đủ rồi sao? Con vẫn chưa hiểu rằng một cô gái bé nhỏ không biết gì về thế giới như con đi lên thành phố thì chỉ có thể làm những công việc như quét dọn thôi sao? Đừng để bố mẹ phải ép buộc con, hãy về nhà đi.

– Sao mẹ có thể nói những điều quá đáng như vậy. Con không bao giờ nghỉ việc ở đấy đâu! Và con cũng sẽ không về nhà.

– Satomi!

Satomi đứng dậy, cầm hành lý đi mất. Chồng tôi liền đứng lên đuổi theo con bé, nhưng chỉ có mình ông quay lại. Buổi sum họp gia đình sau bao nhiêu năm tan tành, Satomi đã trở lại Chiba rồi. Tôi đã làm gì sai chứ? Không, lo lắng cho con gái mình chẳng có gì là đúng hay sai cả. Cha mẹ nào cũng sẽ lo lắng cho con cái như vậy thôi.

Chồng tôi ngồi xuống ghế và đưa tôi một chiếc phong bì.

– Satomi gửi lại cái này.

Tôi mở phong bì ra, trong đó là mấy chiếc vé tham quan Disneyland. Còn có một tờ giấy đính kèm, trên đó viết: “Bố mẹ hãy đến tham quan và xem con làm việc nhé!”.

Có lẽ Satomi về nhà để đưa cái này. Nhưng có bố mẹ nào muốn đi xem dáng vẻ khốn khổ của con gái mình chứ. Chồng tôi nhẹ nhàng cất tiếng nói như thì thầm:

– Bà nó, hay mình thử đến đó một lần xem sao? Đứa con gái chẳng bao giờ cãi lời chúng ta lại thể hiện quyết tâm như thế, hẳn là vì điều gì đó chứ?

– Nhưng nếu con bé biết chúng ta tới, nó sẽ cổ gắng thể hiện ra toàn những điều tốt đẹp thôi…

– Vậy tôi với bà đừng nói cho nó biết khi nào mình đi.  Chúng ta lặng lẽ đến rồi về thôi.

Có lẽ đến tận nơi, chứng kiến tận mắt môi trường làm việc của Satomi, con bé sẽ chịu lắng nghe hơn khi chúng tôi không biết gì mà phản đối. Tôi gật đầu với phương án chồng đưa ra. Chúng tôi quyết định cuối tuần tiếp theo sẽ đến thăm nơi Satomi làm việc.

Tượng đài Walt Disney và chú chuột Mickey tại Disneyland Tokyo

Lần đầu tiên đến Disneyland, một thế giới tôi chưa được nhìn thấy bao giờ, giống như đi ra nước ngoài hay bước vào một thế giới khác vậy, tôi hoàn toàn quên rằng mình đang ở Nhật Bản. Ý định cố gắng không để Satomi nhìn thấy lúc đầu có vẻ không cần thiết nữa, ở một nơi rộng lớn ngoài sức tưởng tượng thế này, chúng tôi mà gặp được nhau mới là điều kỳ diệu. Vì đã hỏi trước anh Kaneda về khu vực Satomi phụ trách, tôi có thể tự mày mò bản đồ công viên đến đó. Tôi nhờ anh ấy giữ kín chuyện chúng tôi tới. Anh ấy rất thoải mái và hiểu cho chúng tôi. Lúc đi qua gần khu vực Ngọn núi không gian, tôi nhìn thấy Satomi trong bộ đồng phục trắng tình. Con bé đang cầm chổi và cây hốt rác, quét dọn bỏng ngô rơi vãi dưới đất.

– Đúng thật… nó chỉ là một nhân viên quét dọn. Mình à, về thôi. Tôi không thể nhìn thêm nữa.

– Chúng ta mới đến thôi mà. Mất công đến đây rồi ở lại nhìn con bé thêm chút nữa rồi về!

– Nhưng…

– A!

Đúng lúc đó, một cậu bé khoảng 5 tuổi, tay cầm bỏng ngô, vấp ngã ngay trước mặt Satomi. Bỏng ngô trên tay cu cậu đổ vung vãi, một chút máu chảy ra từ khuỷu tay, cậu bé khóc toáng lên. Satomi chạy đến ngay lập tức và đỡ cậu bé đứng dậy.

– Em có sao không? Mẹ em đâu?

Cậu bé vừa khóc vừa lắc đầu.

– Em đi lạc à?

Cậu bé gật đầu cái rụp.

Satomi lấy chiếc băng y tế từ trong chiếc túi bên hông rồi dán vào khuỷu tay cậu bé.

– Em còn đau ở đâu không?

– Không ạ.

Có vẻ như thằng bé khóc vì sợ hãi khi lạc mẹ và cú sốc khi bị ngã chứ không phải do vết thương ở tay. Satomi liền lấy từ trong túi ra một vật trông như chiếc thẻ và đưa cho cậu bé.

– Chị tặng em cái này. Đây là chiếc thẻ phép thuật.

– Chiếc thẻ phép thuật à?

– Ừ, Tinker Bell đã phù phép cho nó đấy.

– Nó có phép thuật như thế nào ạ?

– Em chỉ cần đưa thẻ cho bác ở quầy bán bỏng ngô thì bác ấy sẽ đưa cho em một túi bỏng ngô đầy ắp.

Cậu bé nhận lấy chiếc thẻ rồi đi đến quầy bán bỏng ngô. Nhân lúc đấy, Satomi nhanh tay quét dọn, hốt hết đống bỏng ngô vừa bị đổ ra lúc nãy. Không phải kiểu quét dọn thông thường với điệu bộ thu gom hấp tấp vội vàng, con bé không khác gì một nghệ sĩ vừa cầm cán chổi vừa chuyển động nhẹ nhàng uyển chuyển như đang nhảy múa vậy. Hàng loạt tràng vỗ tay nổi lên từ những vị khách xung quanh khi họ nhìn thấy cảnh tượng tuyệt vời đó. Sàn nhà trở lại sạch bóng như chưa từng có chuyện gì xảy ra, đến nỗi tôi cảm giác nó như chiếc gương phản chiếu tâm hồn trong sáng của Satomi. Rồi cậu bé kia, tay ôm gói bỏng ngô khuôn mặt rạng rỡ, chạy lại chỗ Satomi.

– Chị ơi! Chị ơi! Em đưa cái thẻ cho bác bán bỏng ngô thế là bác ấy cho em đầy ắp này! Ồ, chỗ bỏng ngô em làm đổ lúc nãy đâu mất rồi?

– Chị đã nói rồi mà, Tinker Bell đã dùng phép thuật biến nó trở lại như cũ rồi!

– Tuyệt vời quá! Chiếc túi của chị cứ như là chiếc túi phép thuật ấy!

– Đúng rồi, đây chính là chiếc túi phép thuật.

Bỗng có một người đàn ông mặc vest tiến đến bắt chuyện với chúng tôi:

– Xin lỗi, anh chị là ông bà Matsunaga đúng không?

Đó chính là Kaneda, cấp trên của Satomi. Sau khi tự giới thiệu bản thân một cách lịch sự, anh Kaneda giải thích cho chúng tôi nghe về ý nghĩa chiếc thẻ mà Satomi đưa cho đứa bé kia.

– Chiếc thẻ mà con gái anh chị đưa cho đứa bé kia là thẻ Dịch vụ phục hồi, một loại thẻ mang lại hy vọng cho những khách hàng đang buồn phiền.

– Thẻ hy vọng?

– Vâng, là loại thẻ dùng để khích lệ tinh thần những đứa trẻ bị đổ bỏng ngô như cậu bé kia hay những đứa trẻ bị lỡ chuyến khinh khí cầu. Nếu anh chị nhìn thấy thiếc thẻ sẽ hiểu ra ngay, trên thẻ có vẽ hình Tinker Bell đang làm phép.

– À, đó là lý do vì sao Satomi bảo rằng “đây là chiếc thẻ phép thuật”…

Tôi bị chi phối bởi những cảm xúc khó hiểu. Tôi cứ thấy con bé chỉ cầm cái chổi và cây hốt rác đi tới đi lui thôi, nhưng có vẻ công việc con bé đang làm không chỉ là dọn dẹp sàn nhà sạch sẽ. Anh Kaneda chỉ vào cây hốt rác mà Satomi đang cầm và nói:

– Chị hãy nhìn xem! Chị có cảm thấy cây hốt rác như một phần cơ thể của Satomi không? Cô ấy cầm sát vào người như thế kia để tránh gây thương tích cho quan khách. Satomi nhớ rõ tất cả những gì người hướng dẫn đã dạy chỉ sau một lần học. Cô bé rất tốt bụng và biết quan tâm đến người khác.

Chẳng hiểu sao, con bé bỗng nhiên tỏa sáng lấp lánh. Tôi chưa từng thấy con bé như vậy bao giờ. Cậu bé vừa bị ngã lúc nãy nhìn trộm vào chiếc túi của Satomi rồi hỏi một câu hỏi kỳ lạ:

– Chị ơi, trong túi này còn có gì nữa không?

– Còn gì không à? Ừm, trong này còn có một món quà ma thuật giúp chị không bao giờ bị thương nữa đấy.

– Hả? Cho em xem với! Cho em xem với!

– Được rồi.

Rồi Satomi lấy ra từ trong chiếc túi đeo cạnh hông một chiếc bao nhỏ màu tím nhạt.

– Đây là báu vật của chị đấy. Đây là bùa hộ mệnh mà mẹ chị làm cho chị lúc chị bị tai nạn giao thông; trong này là một đồng 10 yên 15 năm tuổi.

– Đồng 10 yên 15 năm tuổi?

– Ừ, 15 năm trước chị gặp một tai nạn giao thông. Lúc đó chị mới 7 tuổi, chị đi lạc, trong lúc chị chạy khắp nơi tìm mẹ thì bị một chiếc xe đâm vào, nên mẹ chị đã cho một đồng 10 yên vào đây để chị có thể liên lạc với bố mẹ ngay lập tức nếu chị có lỡ đi lạc lần nữa.

– Thần kỳ quáaaaaa!

– Ừ, đến giờ chị vẫn luôn mang theo nó để nhắc mình không được làm bất kỳ ai bị thương.

Nói xong, Satomi cầm tay cậu bé dẫn về trung tâm trẻ lạc. Nước mắt bỗng tuôn ra trên khuôn mặt tôi.

Con bé vẫn luôn giữ đồng tiền cũ kỹ đó bên mình sao…?

Con bé trưởng thành thật rồi, không còn là Satomi đi lạc khóc toáng lên năm nào nữa. Chồng tôi đặt tay lên vai tôi và nói: “Chúng ta hãy tin tưởng con bé nhé?”. Tôi thật lòng muốn ủng hộ con đường mà con bé đã chọn. Tôi trả lời: “Ừ!”. Chồng tôi liền nắm lấy tay tôi, như tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho quyết định của tôi.

Anh Kaneda hỏi: “Em gọi Satomi nhé?”, nhưng chúng tôi quyết định không làm phiền lúc con bé đang làm việc.

– Vậy anh chị cứ tham quan thoải mái nhé! – Anh Kaneda vừa cười vừa nói.

Tôi và chồng dạo chơi trong công viên như đôi vợ chồng trẻ mới cưới. Công viên sạch sẽ vô cùng, không một chút rác hay vết bẩn nào. Đến cả những người định vứt thuốc lá xuống sàn, sau khi nhìn thấy sàn nhà sạch bóng cũng phải cầm thuốc đến chỗ có gạt tàn để vứt. Đúng là sạch đến nỗi người khác cũng không nỡ làm bẩn. Bỗng có một cô bé con đang khóc trước một khu trò chơi.

– Ứ chịu đâu! Con muốn chơi cơ.

Hình như cô bé không được vào khu vui chơi vì không đủ chiều cao yêu cầu. Đây có lẽ là quy định bắt buộc để đảm bảo an toàn cho khách hàng. Một nam nhân viên thấy cô bé khóc, liền lại gần và đưa cho cô bé một chiếc thẻ, giống chiếc thẻ hy vọng lúc nãy. Cậu nhân viên kia nói: “Đây là vé lên xe trong tương lai. Khi nào em lớn hơn hãy quay lại nhé, lúc đó chắc chắn anh sẽ cho em lên đầu tiên”, rồi cậu ngoắc tay giao ước với cô bé và đi về vị trí của mình.

Cô bé kia lại tươi cười, nắm tay mẹ đi tiếp. Tấm thẻ Dịch vụ phục hồi không chỉ là một đồ vật vô tri vô giác chỉ đơn giản giúp xóa bỏ những khiếu nại của khách hàng và lỗi sai của công ty. Nó còn là tấm thẻ hy vọng, thắp lên niềm vui và niềm tin cho các đứa trẻ. Tôi và chồng cùng nhìn nhau và chia sẻ sự cảm động.

Còn một điều thú vị nữa về công viên, những lúc chúng tôi nhờ chụp ảnh hộ, nhân viên luôn nhận máy ảnh từ chồng tôi bằng cả hai tay và cũng trả lại bằng cả hai tay. Nếu lúc đó họ đang cầm đồ vật gì đấy, họ sẽ đặt xuống đâu đó rồi nhận máy ảnh bằng cả hai tay.

Tôi bất giác hỏi:

– Tại sao cháu phải cầm bằng cả hai tay như vậy?

– Vì nếu cháu lỡ tay làm rơi, cháu sợ mình không thể mua đền được, cháu càng không thể mua đền những kỷ niệm có trong này. – Một nhân viên trả lời bằng khuôn mặt tươi cười vui vẻ.

Nơi này tràn ngập sự quan tâm. Satomi đang làm việc trong môi trường tuyệt vời như thế đó.

Chúng tôi thật sự cảm thấy may mắn vì đã đến đây, và cũng tự thấy xấu hổ vì sự nông cạn hời hợt của mình. Chúng tôi đã trút toàn bộ cực nhọc của mình lên Satomi, kể lể tôi đã làm việc vất vả thế nào để con bé học đại học. Trong khi Satomi mong muốn đem hạnh phúc đến cho mọi người thì tôi lại chỉ nghĩ đến bản thân mình. Lần tới Satomi về nhà, tôi nhất định sẽ nói cho nó biết rằng: “Mẹ ủng hộ ước mơ của con, Satomi à. Và… mẹ cảm thấy thật may mắn khi có một cô con gái tuyệt vời như con”.

Chúng tôi đã trải qua một ngày hoàn hảo và quay trở về Iwate trong hạnh phúc vui vẻ.

Bài viết này đã đóng bình luận.


Bài viết khác của tác giả

  1. MỞ RỘNG VÒNG TRÒN HẠNH PHÚC
  2. ĐAM MÊ DẪN ĐẾN THÀNH CÔNG TRONG CÔNG VIỆC
  3. NGÂY THƠ LÀ KHỞI NGUỒN CỦA CẢM XÚC

Bài viết mới

  1. NUÔI DƯỠNG TRÍ TÒ MÒ
  2. HIỂU VỀ NỖI ĐAU KHỔ CỦA CHÚNG TA
  3. LỜI RĂN DẠY CỦA KHỔNG TỬ