CHỮA LÀNH QUA ÂM THANH

TULKU THONDUP

Trích: Năng Lực Chữa Lành Của Tâm; NXB Thiện Tri Thức.

Quán tưởng và tham thiền về hơi thở là hai phương tiện thiện xảo của chữa lành. Một phương tiện khác là giọng nói của chúng ta.
Thông qua lịch sử, những tôn giáo đã sử dụng âm thanh như là một diễn đạt quang vinh của tâm linh. Cũng vậy, trong văn minh thế gian, âm nhạc và lời hát dường như khởi lên tự nhiên như là một sự tán dương của nhân loại.
Một số âm thanh tự nhiên làm chúng ta cảm thấy thoải mái và rộng mở. Những ca sĩ quen thuộc với lý thuyết âm nhạc nhận thức những khả năng làm cho vui tươi bằng cách (dùng) những nguyên âm “hồ hởi” được phát âm là “ah”, “ee”, “ay” (như trong may), “nh” và “co”. Tôi cũng đã nói rằng những bản nhạc soạn của truyền thống nhà hát nhạc Broadway được viết để cho ca sĩ đơn ca chấm dứt trên một từ nằm trong bất cứ những âm thanh nào kể trên. Ca sĩ có thể giữ nốt cuối với một cổ họng mở rộng và thoải mái, âm thanh bay vút lên và sự giải thoát mang màu sắc tình cảm có từ đó làm cho mọi người cảm thấy hạnh phúc.
Chúng ta có thể đem âm thanh chữa bệnh vào thiền định và cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Ca hát là việc đơn giản tất cả chúng ta ai cũng làm được, nhưng khi làm với chú tâm nó có thể trở thành sự chữa bệnh phong phú. Đạo Phật khuyên thực hành những chữ, những âm thanh nào đó, mặc dù bạn có thể cảm thấy thích hợp hơn để hát hay cầu nguyện với những âm thanh có ý nghĩa hơn với bạn, như bất cứ tên nào về Thượng Đế theo truyền thống của bạn, hay một chữ như amen, shalom (tiếng Do Thái là “hòa bình”), peace hay OM AH HUNG.
1. Tạo êm dịu qua âm thanh của sự rộng mở rỗng rang
Trong kinh điển Phật giáo, AH được xem là nguồn gốc của tất cả lời nói và âm thanh – nguồn của sự rỗng rang. Việc hát nhẹ nhàng âm thanh này là một sự thiền định xoa dịu, mở rộng lòng mình.
Hãy để cho âm thanh phát ra ngoài một cách tự nhiên với hơi thở và ngưng lại khi cần. Thưởng thức âm thanh của giọng mình, và tưởng tượng rằng toàn thế giới tràn đầy âm thanh an bình. Sau đó, tưởng tượng rằng âm thanh vang khắp truyền đến bạn một thông điệp này nhưng mạnh mẽ : “Mọi cảm giác bất toàn, mọi tội lỗi, mọi năng lực tiêu cực trong bạn đã hoàn toàn được tịnh hóa ! Bây giờ, bạn thuần khiết, mạnh khỏe và hoàn thiện ! Hãy tri ân và vui thích.” Hãy cảm nhận rằng âm thanh khơi dậy lập tức một cảm giác mạnh mẽ ấm áp và chữa lành, và thư giãn trong kinh nghiệm đó. Bấy giờ hãy hòa nhập bạn với sự ca hát của bạn trong một lúc. Đơn giản hãy là một với âm thanh.
Bạn cũng có thể chữa lành những thương tổn gây ra bởi những lời nói tiêu cực. Nếu bạn cảm thấy tội lỗi hay giận dữ với ai đó, chẳng hạn như cha bạn, hãy quán tưởng rằng bạn nghe giọng của cha mình lập đi lập lại với âm thanh tích cực, nhân từ và trung thực như : “Cha rất hạnh phúc và vui lòng có con. Cả hai chúng ta đều có những thiếu sót, mà có ai lại không ? Chúng ta hãy tha thứ cho nhau. Này con, bất cứ con là gì, hãy là chính con, Cha thương con.” Hãy kinh nghiệm một cách bình an ý nghĩa và cảm giác của những lời này. Rồi bằng âm thanh ca hát của bạn, bạn có thể nói với ông : “Cám ơn cha đã nói với con điều cha cảm thấy ! Con rất vui mừng khi cha là cha của con ! Con thương cha, cha ơi !” Sau đó, hãy cảm nhận tất cả mọi khó khăn giữa bạn và cha mình biến mất giống như sương mù trong mặt trời mùa hạ, vì vậy bạn cảm thấy an bình và bình thản.
Tình thân thuộc không phải luôn luôn thay đổi trong một sớm một chiều, nhưng nếu thực hành một thiền định như vậy một cách toàn tâm toàn ý như trên có thể tịnh hóa những bực tức phẫn uất trong chúng ta. Điều này cuối cùng có thể đưa đến một sự cải thiện rất ấn tượng.
Một cách dùng khác của âm thanh là lớn tiếng tự khuyến khích mình. Khi những khó khăn xảy đến, hãy cố gắng tự nói với mình tất cả mọi việc đều hoàn toàn tốt ngay cả sự kiện không hoàn hảo. Hãy lựa chọn những lời thích hợp với nhân cách và những nhu cầu của bạn. Năng lực mạnh mẽ của âm thanh có thể khuếch đại hiệu quả tích cực của những lời nói bình thường hay cầu nguyện.
Một số chúng ta miễn cưỡng khi phải phát âm. Với những người quá nhạy cảm, âm thanh có thể chỉ là việc giải thoát những cảm giác như sợ hãi và nghi ngờ. Nếu bạn xấu hổ vì những người khác có thể nghe bạn, hãy tìm một nơi hẻo lánh. Khi tôi trưởng thành ở Tây Tạng, những tu sĩ trẻ đã thực hành những bài hát của họ ở bờ sông đang gầm thét. Trong một thành phố bạn có thể tụng hay hát gần một con đường đông đúc, ồn ào, ở đó chẳng ai để ý gì đến bạn. Làm cho ấm lên một cách chậm chạp và với hơi thở ra thư giãn của mình, hãy phát âm to chữ A hay bất cứ âm thanh nào mà bạn cảm thấy tự nhiên. Thật sự buông xả – quyền của bạn là tạo ra một tiếng ồn hoan hỷ!
2. Chữa lành qua âm thanh ban phước
Những âm thanh OM, AH, và HUNG (phát âm hoong với âm h nhẹ) được xem như những “chủng tử tự” của thân, ngữ, tâm của Phật, bản tánh toàn giác. Vì tính phổ quát của những âm thanh đó mà bất cứ ai cũng có thể được lợi ích từ chúng.
Ba âm tiết này cấu thành một trong những bài tụng mạnh mẽ nhất trong đạo Phật. Chúng thuần khiết và là một mô hình lý tưởng trong bản chất, thoát khỏi mọi tạo tác giả tạo, khái niệm, bám chấp, và cứng nhắc. Vậy chỉ cần phát âm những âm thanh này cũng cho chúng ta nhiều rộng mở hơn.
Với những Phật tử, những âm thanh này cũng hiện thân ý nghĩa đặc biệt trong diễn tả của họ về tất cả những phẩm tính của đức Phật. OM là sức mạnh bất biến và sự đẹp đẽ của bản tánh chân thật mà chúng ta có, là thân Phật ; AH là sự diễn đạt không ngừng và là năng lực khắp cả của thực tại, là lời nói của Phật ; HUNG là sự toàn thiện bất động của sự rộng mở rỗng rang nguyên sơ của thực tại, là tâm Phật. Sử dụng lâu dài trong những thực hành chữa bệnh, những âm thanh này được ban phước bởi chư Phật và bậc giác ngộ qua suốt thời gian.
Mỗi âm tiết đại diện cho những phẩm tính chữa lành đặc biệt. Ca, tụng chủng tự OM đem đến an bình, hỷ lạc, trong sáng, vững chắc, can đảm, kiên cố và sức mạnh ; AH đem lại năng lực, rỗng rang, mở rộng và xin cho thần lực ; HUNG là sự kết hợp với giác ngộ, vô tận, tinh túy và nhất thể.
Bạn có thể hát tụng mỗi âm tiết với sự nhấn mạnh bằng nhau. Hoặc nhấn mạnh khác đi và lập lại một âm tiết tùy theo những phẩm tính chữa bệnh riêng biệt mà bạn cần. Ví dụ :
OOOOOOOOOOMMMM AHHHHHHHHHHHH HUUUUUUUNNNNNGGG OOOOOOOOOOOOOOOOOOOMMMMMMM AHHHHH HUUUUNNNGGG OOOOMM AHHHHHHHHHHHHHHHHHHHHHHHHH HUUUNNNGGG OOOOMM AHHHHHHHHH HUUUUUUUUUUUUUUUUUUUNNNNNGGG
Tuy nhiên, bạn hãy hát theo cách nào mà bạn cảm thấy dễ chịu – trong một giai điệu lên hoặc xuống hay một nốt, lớn tiếng hay thầm lặng, cao hay thấp với một âm thanh dịu dàng hay như sấm sét.
Bạn cũng có thể dùng những âm thanh này để chuyển hóa những tư tưởng, cảm giác và hình ảnh gây khó khăn. Hãy cảm nhận cảm xúc buồn phiền hay đau khổ được chứa trong âm OM ở dạng đám mây, khói hay sương mù. Khi bạn hát AH hãy buông đi vĩnh viễn những vấn đề khó khăn. Với HUNG hãy cảm nhận sự chữa lành của an bình và rộng mở rỗng rang.
Bạn cũng có thể khơi dậy nguồn sức mạnh của mình với những âm tiết này (hay chỉ với một âm AH). Hãy cảm nhận rằng, âm thanh cầu khẩn và phát sinh ra tất cả lực chữa lành trong vũ trụ, và rằng nguồn sức mạnh phát khởi từ âm thanh và bản thân nó là một hiện thân của âm thanh. Hãy thấy và cảm nhận ánh sáng chiếu ấm áp, rực rỡ chiếu ra từ âm thanh và hình ảnh. Ánh sáng dần dần tràn đầy đầu và toàn thân bạn. Trong khi bạn tiếp tục hát, hãy để thời gian tán dương âm thanh và ánh sáng đem lại sự chữa lành cho mọi phần của thân tâm mình.
3. Tịnh hóa những cảm xúc một cách thầm lặng
Cũng có thể trì tụng thầm. Một bài tập được gọi là “hơi thở ba phần” gồm việc niệm “ba chủng tử tự hòa hợp với hơi thở. Phương pháp này phát triển sự tập trung và sức mạnh của tâm thức, tịnh hóa những cảm xúc tiêu cực và có thể là một khởi đầu tốt đẹp cho bất cứ sự thiền quán chữa bệnh nào khác.
Trong hơi thở ba phần, niệm thầm OM khi hít vào. Niệm AH khi ngừng thở một lúc khi hơi thở gần bắt đầu muốn ra. Niệm HUNG trên hơi thở ra. Cảm nhận bạn đang hòa nhập hơi thở với thân, ngữ, tâm của chư Phật mọi thời. Nếu bạn cảm thấy thích hợp hơn với cách tiếp cận trần tục, hãy thông cảm những âm này như hiện thân của sức mạnh, sự rộng mở và nhất thể của vũ trụ.
Hãy để cho hơi thở và những âm trôi chảy tự nhiên. Hoàn toàn chú tâm đến điều này sao cho hơi thở, những âm và tâm bạn trở thành một. Cuối cùng, hãy để cho việc niệm thầm tan vào hơi thở thư giãn, buông bỏ những âm và hòa nhập vào sự tĩnh lặng của hơi thở.
Giữa những tiếng ồn ào của đời sống hiện đại, đã thu hút chúng ta vào những phóng dật ồn ào đem chúng ta xa khỏi con người thực của chúng ta. Có thể chúng ta sợ hãi sự yên lặng, giống như trẻ em sợ bóng tối. Bằng việc hoàn toàn hiến mình cho việc hát, tụng, do thân và tâm hợp nhất, chúng ta biết cách thưởng thức âm thanh. Sau đó sẽ trở nên dễ dàng hơn trong việc hoàn toàn thưởng thức sự tĩnh lặng.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. THẤY MỖI TẾ BÀO ĐỀU LÀ ÁNH SÁNG
  2. BỐN SỨC MẠNH CHỮA LÀNH CỦA TÂM
  3. CUỘC SỐNG CON NGƯỜI – NHỮNG NGÀY QUÝ BÁU CỦA CHÚNG TA

Bài viết mới

  1. CHÚNG TA TRỞ NÊN NHƯ THẾ NÀO TÙY THUỘC VÀO SUY NGHĨ CỦA CHÍNH MÌNH
  2. HÃY RŨ BỎ QUÁ KHỨ CHÚ TÂM VÀO HIỆN TẠI
  3. TÂM BÌNH AN TRƯỚC NHỮNG KHÓ KHĂN KHÔNG THỂ TRÁNH