CHỮA LÀNH THÔNG QUA TÁNH KHÔNG

JACK KORNFIELD

Phương diện sau cùng của chữa lành bằng chánh niệm là nhận diện các quy luật phổ quát chi phối đời sống. Trọng tâm chính là sự thấu triệt về tánh không. Đây là điều khó khăn nhất nếu diễn đạt bằng lời. Thực vậy, dù tôi cố diễn đạt nó ở đây, hiểu biết về sự mở rộng và tánh không sẽ cần được đến một cách trực tiếp thông qua trải nghiệm thực tập tâm linh của chính bạn.

Theo giáo huấn Phật giáo, “Tánh không” chỉ về sự mở rộng và không tách biệt căn bản mà ta trải nghiệm được khi mọi quan niệm cố định và nhỏ bé về tự ngã của ta đã được thấu suốt hoặc tan rã. Ta trải nghiệm nó khi thấy rằng sự tồn tại của mình như bóng chớp; rằng thân, tâm, và trí của ta khởi lên từ mạng lưới nhân duyên của đời sống, nơi chẳng có gì bị mất liên kết hoặc tách rời. Những trải nghiệm sâu sắc nhất trong thiền định dẫn ta đến một nhận thức mật thiết về sự mở rộng tinh túy và tánh không của đời sống, về sự thay đổi thường xuyên và bản chất không thể sở hữu của nó, về bản chất của đời sống chính là một tiến trình không thể cản ngăn.

Đức Phật mô tả đời sống con người bao gồm một chuỗi các tiến trình thay đổi thường xuyên: một tiến trình thể chất, một tiến trình cảm thọ, một kí ức và tiến trình nhận thức, một ý nghĩ và tiến trình phản ứng, cùng một tiến trình ý thức. Những tiến trình này năng động và liên tục, tuyệt không có một yếu tố nào có thể gọi là bản ngã bất biến của ta cả. Bản thân ta là một quá trình, đan dệt với đời sống, không có sự tách biệt. Chúng ta khởi lên như một ngọn sóng từ đại dương đời sống, những hình tướng tạm bợ của ta vẫn là một với đại dương. Một số truyền thống gọi đại dương này là Đạo, thần tính, vô sanh, bất sinh. Xuất phát từ đó, cuộc đời ta hiện ra như những phản chiếu của thần tính ấy, như là một chuyển động hay vũ điệu của dòng ý thức. Sự chữa lành thâm sâu nhất sẽ đến khi ta nhận biết được tiến trình này, cái tánh không truyền-sự-sống này.

Khi dấn sâu vào cuộc thiền tập, ta có khả năng thấy sự dịch chuyển trải nghiệm của mình. Ta ghi nhớ các cảm thọ và thấy rằng chúng chỉ lưu lại trong một vài giây. Ta chú tâm tới những ý nghĩ và thấy ra rằng chúng thật phù du, rằng chúng đến rồi đi, không mời, hệt như những đám mây. Ta hướng sự nhận diện đến thân và thấy rằng những ranh giới của nó rỗng toang. Khi thực tập điều này, cảm thức về sự vững chắc của một thân thể riêng biệt hay một tâm trí riêng biệt bắt đầu tan rã, và đột nhiên, không mong đợi, chúng ta phát hiện mình thật thư thái biết bao. Khi dấn sâu hơn nữa vào thiền định, chúng ta trải nghiệm sự rộng phóng, khoan khoái và tự do trong sự tương giao của ta với vạn hữu, với sự huyền nhiệm vĩ đại của đời mình.

Giám đốc viện tế bần nọ đã trải nghiệm sự tương giao này khi ông ngồi với đàn con của một ông lão sáu mươi lăm tuổi đang hấp hối bên ngoài phòng bệnh của ông. Họ vừa mới nhận được tin chú ruột của họ vừa thiệt mạng trong một tai nạn ô tô và họ đang đấu tranh xem có nên nói cho ông biết hay không. Cha họ đã cận kề cái chết và sợ rằng điều đó sẽ quật ngã ông, họ đã quyết định không nói. Khi họ bước vào phòng, ông lão ngước nhìn và bảo, “Các con không có chuyện gì để kể cha nghe sao?”. Họ tự hỏi, ông đang có ý gì. “Tại sao các con không nói cha biết rằng em cha đã chết?”. Kinh ngạc, họ hỏi sao ông lại phát hiện được. “Cha đã nói chuyện với chú ấy nửa giờ trước”, cha họ bảo, rồi gọi họ đến bên giường. Ông nói đôi lời cuối cùng với từng người con và sau mười phút đã tựa đầu ra sau và qua đời.

Đạo sư Tây Tạng Kalu Rinpoche diễn tả điều đó thế này:

Bạn sống trong ảo tưởng và vẻ ngoài của mọi thứ. Có một thực tại nhưng bạn không biết đến. Khi bạn hiểu được thực tại này, bạn sẽ thấy rằng bạn là hư không, và là hư không [nên] bạn là tất thảy. Thế đấy.

Sự chữa lành xảy đến khi ta chạm đến cõi vô phân biệt này. Ta khám phá ra rằng những sợ hãi và dục vọng của mình, những nỗ lực tự đề cao và bảo hộ của mình, đều dựa trên ảo vọng, trên ý thức về sự riêng biệt mà vốn không có thật.

Khi khám phá được quyền năng chữa lành của tánh không, chúng ta ý thức rằng vạn vật được đan kết trong một vận động liên tục, khởi lên dưới những hình tướng nhất định mà ta gọi là thân thể hoặc ý nghĩ hoặc cảm thọ, và rồi tan rã hoặc biến đổi thành những hình tướng mới. Với trí huệ này ta có thể mở rộng lòng, từ khoảnh khắc này đến khoảnh khắc khác và sống trong Đạo thay đổi thường xuyên ấy. Ta phát hiện ra mình có thể buông xả và tin tưởng, có thể để hơi thở tự diễn ra và sự vận động tự nhiên của đời sống sẽ mang lại cho ta sự thư thái.

Mỗi chiều kích trong hiện hữu của chúng ta, thân, tâm, và trí, đều được chữa lành thông qua sự chú tâm và chăm sóc đầy thương yêu tương tự. Sự chú tâm của ta có thể tôn vinh thân thể và khám phá những ân phước của đời sống thể chất đã được ban tặng. Sự chú tâm có thể đưa ta thâm nhập vào tâm trọn vẹn để tôn vinh toàn bộ phạm vi các cảm thọ của con người. Nó có thể chữa lành trí và giúp ta tôn vinh ý nghĩ mà không bị mắc bẫy của trí. Và nó có thể mở rộng ta với sự huyền nhiệm vĩ đại của cuộc sống, với sự khám phá tánh không và cái toàn thể mà ta là,và sự thống nhất vốn có của ta với vạn hữu.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. TÔI CÓ BIẾT YÊU THỰC SỰ KHÔNG
  2. CHỮA LÀNH TINH THẦN
  3. BẢN DIỆU CA

Bài viết mới

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  3. LÀM MỘT BẬC THẦY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỀ NGHIỆP