CHÚNG TA KHÔNG LÀ HAM MUỐN CỦA CHÚNG TA

JACK KORNFIELD

Trích: Trái Tim Thông Tuệ (The Wise Heart); Tác giả: Jack Kornfield; Dịch: Hạ Nhiên - Viết Hổ; NXB Phương Nam - NXB Thế Giới

Ban đầu những người thiền sẽ bị sốc bởi số lượng ham muốn có thể phát sinh trong một lần ngồi. Có những ham muốn cho tâm trí được yên tĩnh, cho cơn đau lưng của ta biến mất, cho hồi chuông kết thúc buổi thiền vang lên. Ở giữa những ham muốn này là hàng trăm ham muốn khác: hy vọng có một bữa trưa ngon miệng, gọi điện thoại cho người thân yêu của mình, ngủ trưa, hết mưa để có thể đi dạo, hơi ấm của mặt trời, thành công khi quay trở lại làm việc.

Với chánh niệm, chúng ta có thể chứng kiến sự phát sinh và qua đi của ham muốn. Chúng ta có thể cho phép xúc giác của cơ thể, các trạng thái cảm giác và những câu chuyện của ham muốn được ân cần đón nhận mà không phán xét. Khi gặp gỡ ham muốn một cách chánh niệm, năng lượng của ham muốn thường sẽ tăng cường một lúc và cố gắng khuất phục chúng ta. Nếu chúng ta không vội vã thực hiện ham muốn mà chỉ đơn giản là an trú ở hiện tại, sự khó chịu cuối cùng cũng sẽ qua đi. Sau đó chúng ta có thể nhận thấy những gì theo sau: thường là một cảm giác dễ dàng, sự bình an trong cơ thể và tâm trí, cho đến khi ham muốn phát sinh lần nữa một thời gian ngắn sau đó. Chúng ta có thể thấy điều này khi bồn chồn hoặc không thoải mái khi phải kết thúc một cuộc ngồi thiền. Chúng ta cảm thấy ham muốn được di chuyển, đi kèm với sự căng thẳng và đau mỏi của cơ thể. Chúng ta nhiệt tình hy vọng rằng hồi chuông ấy sẽ vang lên. Sau đó, ngay khi chuông đổ, không cần bất cứ chuyển động nào, một sự thay đổi đáng kể cũng đến với chúng ta. Cơ thể ta được thư giãn và căng thẳng liền biến mất. Trạng thái vật vã được thay bằng dễ chịu. Tại sao vậy, trong khi chúng ta chưa làm điều gì khác? Đơn giản thôi: cùng với tiếng chuông reo, ham muốn này đã kết thúc, và khi không có ham muốn, tâm trí và trái tim ta được bình an.

Trong những năm tháng tu tại lâm viên của Ajahn Chah, cuộc sống của chúng tôi vô cùng đơn giản. Tôi đã nghĩ rằng sự đơn giản sẽ loại bỏ được ham muốn. Chúng tôi không phải chọn quần áo để mặc; không có thực đơn để xem qua, không có truyền hình cáp, không có danh sách rượu vang. Chúng tôi gần như không có tài sản, chỉ cần một chiếc áo choàng, một cái bát và một vài cuốn sách. Những ham muốn có sức mạnh riêng của nó. Là một tu sĩ mới, tôi có một cái bát bố thí cũ bằng sắt, cứng còng và hơi đổi màu do gỉ sét. Các nhà sư cấp cao lại có những chiếc bát bằng thép không gỉ hình dáng đẹp đẽ. Tôi đã bị sốc bởi ham muốn mạnh mẽ được có một cái bát mới. Tôi cứ như một cậu học sinh trung học muốn mặc quần áo sành điệu. Khi cuối cùng cũng được phát cho một cái bát bằng thép không gỉ, tôi đặt nó trong lều mình và dành nhiều ngày để chiêm ngưỡng nó. Quá nhiều cho đời người hành khất khiêm nhường.

Vì lời thề của tôi bao gồm độc thân, tôi đã phải vật lộn với những ham muốn mạnh mẽ hơn thế nữa, đặc biệt là những tưởng tượng về giới tính mạnh mẽ. Lúc ấy, tôi là một nam thanh niên, và tôi cố gắng chú ý đến những ham muốn tự nhiên này một cách chánh niệm. Nhưng chúng cứ tiếp tục trở lại với năng lượng to lớn. Bởi vì chúng rất mạnh mẽ, thầy tôi đã bảo tôi chú ý đến các trạng thái đi kèm với hình ảnh tưởng tượng. Thầy đặc biệt muốn tôi chú ý đến cách chúng phát sinh. Tôi ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng đến trước hầu hết các tưởng tượng này là những cảm giác cô đơn. Tôi luôn gặp khó khăn với cảm giác cô đơn. Tôi sinh đôi và nghi ngờ rằng mình đã không muốn ở một mình ngay từ khi còn trong bụng mẹ. Chấp nhận sự cô đơn rất khó khăn, nhưng thầy khăng khăng rằng tôi phải ở cùng nó. Khi khám phá ra sự cô đơn, tôi thấy bất an và một sự trống rỗng thiếu thốn. Tôi nhớ những cảm giác này khi còn nhỏ. Phần lớn ham muốn tình dục của tôi là vô thức để lấp đầy sự trống vắng và cô đơn. Khi tôi giữ những cảm giác này với lòng từ bi, sự cô đơn bắt đầu giảm dần. Dần dần tôi đã có thể chánh niệm hơn khi nhìn những tưởng tượng ấy đến và đi. Thay vì chỉ khao khát, tôi bắt đầu an trú trong chánh niệm, để hợp vào bản thân mình và vào trong thế giới.

Trong phạm vi rằng tuổi thơ chúng ta đã in hằn sự khiếm khuyết, chấn thương, hoặc thiếu tình thương, cảm giác thiếu thốn của bản thân sẽ trở nên rất mạnh. Tôi thấy những tác động này ở Arthur, một người đàn ông bốn mươi ba tuổi đã ly dị đến nói chuyện với tôi về khóa tu thiền đầu tiên của mình. Trong anh tràn ngập những ham muốn. Anh ao ước một người phụ nữ mới gặp gần đây. Anh cũng sắp bán một doanh nghiệp nhỏ mà mình đã gầy dựng. Anh bị ám ảnh bởi ý tưởng kiếm hàng đống tiền, để giải phóng cuộc đời mình và đi du lịch. Tôi đề nghị rằng thay vì đấu tranh chống lại ham muốn của bản thân, Arthur hãy xem xét mong muốn một cách chánh niệm, nhìn vào quá trình nó nảy sinh trong cơ thể của mình.

Anh bắt đầu với thương vụ trên. Thật khó để anh ở lại trong cơ thể mình, nhưng anh bắt đầu nhận thấy rằng ham muốn đến với sự căng thẳng và run rẩy, và bên dưới bề mặt ấy là một cảm giác sợ hãi và bất an. Tâm trí của anh đánh đu giữa những câu chuyện hạnh phúc về thành công và những câu chuyện đáng sợ về thất bại. Anh cảm thấy mắc kẹt trong vai diễn của cảm giác và những câu chuyện bị bẫy trong một chu kỳ ám ảnh của giả tưởng.

Khi thiền cùng nhau, tôi đề nghị Arthur hãy để cho ham muốn phát triển, tạo cho nó không gian để trở nên mạnh mẽ như nó muốn. Cơ thể anh tràn đầy năng lượng và căng thẳng; những hình ảnh và câu chuyện về việc bán hàng thành công rót đầy tâm trí anh, cảm giác mong muốn và hy vọng tăng lên. “Bạn cảm thấy nó mạnh nhất ở đâu trong cơ thể mình?” Tôi hỏi. Có cái nhói lên trong ngực anh và một cơn co thắt trong bụng. Chú ý nhiều hơn, anh có thể thấy những cảm giác trống rỗng, thiếu thốn, kém cỏi phát sinh. Chúng đã quen thuộc. Anh nhớ lại khi cha anh mất việc. Mặc dù Arthur chỉ mới mười tuổi, anh đã muốn giúp cha mình kiếm tiền và cứu lấy gia đình. Tiếp tục thiền định, Arthur cảm thấy trẻ lại và cảm nhận được nỗi buồn đồng hành cùng cuộc hôn nhân chông chênh và khó khăn tài chính của cha mẹ anh. Bên dưới nỗi buồn, anh cảm thấy một ham muốn sâu sắc, khao khát được yêu thương, cho đến cuối cùng, những cảm giác cơ thể của ham muốn đã phóng lên thành một sự trống rỗng lớn ở bên trong.

Tôi đề nghị anh để cho cảm giác trống rỗng lớn lên cho đến khi nó tràn đầy căn phòng, tràn ngập cả thế giới. Nó đã làm vậy một cách chậm rãi. Khi nó mở rộng và sự kháng cự của anh giảm đi, nỗi đau khổ của trống rỗng nội tâm anh mang ngày càng ít giống một vết thương hay một sự thiếu thốn. Bản thân nó giống như một khoảng không gian, cởi mở, tĩnh lặng. Cơ thể anh thư giãn và sự trống rỗng trở nên dễ chịu một cách đáng ngạc nhiên, đong đầy hạnh phúc và sự hài lòng. Anh cảm nhận được sự hài lòng này đã phát sinh từ việc không mong muốn bất cứ điều gì. Và rồi anh mỉm cười. Những hình ảnh về những thứ anh yêu thích hiện lên: con chó của anh, đi bộ trong rừng, nhà và khu xóm, những người bạn. Và anh thấy rằng mình có thể yêu họ mà không muốn, bởi vì trong sự cởi mở này anh đã được kết nối tự nhiên với họ, với mọi thứ. Anh cảm được nhận rằng đây là mối liên hệ mà anh đã ao ước suốt cả cuộc đời.

Khi anh đang ở trong trạng thái này, tôi đã yêu cầu Arthur nhớ lại sự ám ảnh về việc bán đi doanh nghiệp của anh. Nó trông như thế nào khi đứng từ góc nhìn này? Anh bật cười. “Ngớ ngẩn. Trạng thái co rút, sợ hãi đó hoàn toàn không phải là tôi. Bây giờ tôi cảm thấy mình là một con người hoàn toàn”. Đây là một bước quan trọng đối với Arthur. Khi nỗi khao khát một đối tác mới nảy sinh, anh cũng có thể nhìn thấy nó theo một cách khách quan hơn. Anh cảm thấy lực kéo, sự mong muốn, sự trống rỗng bên trong. Rồi anh mỉm cười. Anh đã hiểu được ham muốn về giả tưởng đó là gì. Anh biết mình có thể chọn theo dõi nó hay không. Anh bắt đầu quá trình lâu dài để thiền với mong muốn của mình. Nhưng bây giờ anh cũng biết, “Mong muốn này không phải là con người tôi”. Anh nhận ra rằng có thể có sự dịu dàng mà không cần siết chặt. Anh bắt đầu trải nghiệm được bất kỳ sự lựa chọn nào của anh đều có thể lành mạnh và tự do hơn.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. NGUỒN SÁNG CỦA BẢN THÂN TA
  2. TỰ DO – ĐỨC PHẬT VẪN ĐANG THUYẾT PHÁP
  3. MỘT TRÁI TIM TRỌN VẸN

Bài viết mới

  1. XÂY DỰNG LÒNG TIN QUA TÍNH CHÍNH TRỰC VÀ SỰ GƯƠNG MẪU
  2. SỨC MẠNH CỦA LÒNG TỪ
  3. NHỮNG KỸ NĂNG DỄ DÀNG