CHÚNG TA SỐNG CÙNG NHAU – NHỮNG NGUYÊN TẮC ĐỜI SỐNG TỊNH ĐỘ CHÂN TÔNG

THƯỢNG TỌA MUTSUMI WONDRA

Trích từ: https://www.ocbuddhist.org/

Phó thác vào lời nguyện của đức Phật,
Niệm danh hiệu Phật,
Tôi sẽ đi qua hành trình của cuộc đời với sức mạnh và niềm vui.
Tôn kính Ánh Sáng của Phật,
Suy ngẫm về tự ngã không hoàn hảo của tôi,
Tôi sẽ cố gắng sống một cuộc đời biết ơn.
Theo lời dạy của Phật
Sáng tỏ con đường đúng,
Tôi sẽ chia sẻ Chân Pháp với tất cả.
Vui mừng trước Lòng Bi của Phật,
Tôn trọng và giúp đỡ tất cả chúng sanh,
Tôi sẽ làm việc vì lợi ích của xã hội và thế giới.
Lời phát nguyện của đức Phật A Di Đà tới tất cả nhân loại là, “Nếu khi tôi thành Phật, tất cả chúng sanh ở mười phương, những người với tâm chân thành và phó thác, mong được sanh trong cõi nước của tôi và niệm danh hiệu tôi đến mười lần mà không được sanh ở đó, tôi nguyện không thành bậc giác ngộ viên mãn”. Điều này nghĩa là, nếu đức Phật không thực hiện lời nguyện này, Đức Phật quyết tâm từ bỏ sự giác ngộ của chính mình. Sự hoàn thành giác ngộ của đức Phật đồng hành với ước nguyện của nhân loại chúng ta là được sanh trong cõi giới trí huệ vô lượng của Phật. Hai điều này là hai mặt của cùng một đồng tiền. Phật Đạo của chúng ta trở nên khả thi khi lời nguyện của đức Phật được thực hiện, và ngược lại. Mối tương quan phụ thuộc lẫn nhau với những người khác là một trong những đặc trưng độc đáo của Phật A Di Đà với những vị Phật khác của Đại thừa.
Vị sáng lập của chúng ta, Thân Loan Thánh Nhân, theo lời nguyện tinh túy nhất này trong suốt cuộc đời ngài, và phát triển giáo lý của ngài, được gọi là Tịnh độ Chân tông (Jodo Shinshu), nghĩa là giáo lý chân thật của Phật giáo Tịnh độ. Sự phát nguyện thâm sâu này dẫn chúng ta đến một nguyện vọng hết lòng vì những lý tưởng cao nhất của đời sống, cũng như hướng dẫn chúng ta đến thế giới siêu phàm.
Đạo Phật làm rõ con đường những ai đánh thức được trí huệ siêu phàm, và giáo lý Tịnh độ Chân tông nuôi dưỡng chúng ta trở thành một người chân chánh, những người nghe lời nguyện và niệm Danh hiệu Phật A Di Đà, Nam mô A Di Đà Phật.
Với Thân Loan, tôn giáo là cách để thể hiện lòng biết ơn đối với sự bi mẫn nâng đỡ tất cả cuộc đời chúng ta. Nó không phải là một công cụ cho sự tăng trưởng cái tôi hay có được những lợi lạc. Quan điểm tôn giáo đối với Thân Loan là khi người ta có niềm tin vào lời nguyện và sống trong ánh sáng của nó, chúng ta thật sự trở nên tự do để sống trọn vẹn một cuộc sống có ý nghĩa trong đời sống này,ngay cả khi khó khăn. Khi sống một cuộc sống như vậy, tâm lo âu và sợ hãi, hay một cảm giác trống rỗng và vô nghĩa sẽ biến mất.
Đạo Phật tập trung vào việc chúng ta đạt được sự trưởng thành thực sự khi chúng ta tìm kiếm một cách sống cao hơn bằng cách đánh thức trí huệ siêu phàm. Thực hành trong Tịnh độ Chân tông đề cập đến việc thực hiện những thực hành trong ba phương thức hành động; đó là, thờ Phật, trì tụng Danh hiệu Phật, và nhớ nghĩ đến Phật , và đặc biệt là thực hành trì tụng Danh hiệu Phật mỗi ngày. Nhắc lại Lời Nguyện của Đức A Di Đà và trì tụng Danh hiệu là thực hành trọng tâm của đời sống người Phật tử Chân tông.
Những Nguyên tắc Đời sống Phật giáo Chân tông tiếp tục rằng, “Vui mừng trong lòng bi của Phật”, “Tôn trọng và giúp đỡ tất cả chúng sanh, tôi sẽ làm việc vì lợi ích của xã hội và thế giới”. Sống đời sống hàng ngày trong sự biết ơn được bao bọc bởi lòng bi của Phật, con người chúng ta sống với nhau trong mối tương quan phụ thuộc lẫn nhau của chúng ta. Mỗi bữa ăn tôi có, tôi suy ngẫm xem có bao nhiêu người đã góp vào cho tôi một bữa ăn ngon như vậy. Khi tôi mở vòi nước mỗi sáng, tôi cảm thấy biết ơn khi có nước sạch để rửa mặt và tay. Chúng ta không thể hiện hữu cũng không thể sống một mình. Chúng ta luôn liên quan với những người khác một cách trực tiếp hay gián tiếp. Điều đó được gọi là tomo-iki (tomo: cùng nhau, iki: sống) nghĩa là “chúng ta sống cùng nhau”. Chúng ta sống cùng nhau từng khoảnh khắc bằng cách cùng chia sẻ không khí, nước, thời gian và không gian. Tất cả chúng ta đều được kết nối với nhau trong thế giới này. Đó là lý do tại sao chúng ta cần từ bỏ tham muốn ích kỷ chỉ để bảo vệ bản thân, tất cả chúng ta nên nghĩ về những người khác, vì sức khỏe, bình an, và hạnh phúc của mọi người.
“Tomo-iki” cũng thể hiện giá trị của Phật giáo Chân tông là đồng thành Phật đạo cho dù trong một thời không dễ dàng và nhiều thách thức. Chúng ta thậm chí cùng sống với những người thân yêu mà họ đã ra đi trước chúng ta trong tiếng niệm Nam mô A Di Đà Phật của chúng ta. “Tomo-iki” hàm nghĩa là giúp đỡ lẫn nhau; săn sóc những người khác; khuyến khích (ganbatte); biết ơn (kansha); và hi vọng (kibo). Nó có nhiều ý nghĩa và giá trị. Chúng ta sống cùng nhau trong Tăng đoàn Chân tông được bao bọc bởi lời nguyện của Đức Phật A Di Đà và chia sẻ niềm vui hợp nhất với Phật-Pháp, luôn tỏa sáng cho tâm và trí của chúng ta như trí huệ của ánh sáng vô ngại.
Nam mô A Di Đà Phật
——-???——-

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. A DI ĐÀ PHẬT VÀ TỊNH ĐỘ
  2. NHỮNG LỜI NGUYỆN CỦA PHẬT A DI ĐÀ CHO NHỮNG NGƯỜI TU HÀNH Ở CÁC CÕI NƯỚC KHÁC NGOÀI TỊNH ĐỘ
  3. PHƯƠNG PHÁP THỰC HÀNH ĐỨC PHẬT A DI ĐÀ 

Bài viết mới

  1. TRAO MỘT LỜI KHEN
  2. CÁI NHÌN CỦA NGƯỜI KHÁC CÓ THỂ CỨU CHỮA HAY GIẾT CHẾT TA
  3. HẠNH PHÚC VÌ BIẾT ĐỦ