PHƯƠNG PHÁP THỰC HÀNH ĐỨC PHẬT A DI ĐÀ 

KHENPO SODARGYE RINPOCHE

Khenpo Sodargye Rinpoche

Khenpo Sodargye Rinpoche là một trong những bậc thầy vĩ đại nhất của Phật giáo. Là một vị Lạt Ma Tây Tạng, một học giả Phật giáo và là một vị thầy. Khenpo Sodargye Rinpoche là một nhà tư tưởng Phật giáo hiện đại, ông nổi tiếng khắp châu Á và phương Tây trong việc lồng ghép các giáo lý Phật giáo truyền thống với các vấn đề toàn cầu và cuộc sống hiện đại.

Ngài đã giảng dạy rộng rãi trên khắp Trung Quốc và các khu vực khác của Châu Á, Châu Đại Dương, Châu Âu, Châu Phi và Bắc Mỹ. Gần đây ông đã có các bài giảng tại một số trường đại học như: Đại học Bắc Kinh , Thanh Hoa , Harvard , Columbia , Yale , Princeton , Stanford , Oxford , Cambridge , Đại học Toronto , Đại học McGill , Đại học Auckland , Đại học Melbourne , Đại học Tokyo , Đại học Waseda ,Đại học Quốc gia Singapore , Đại học Quốc gia Đài Loan , Đại học Hồng Kông và Đại học Göttingen.

Phương pháp thực hành A Di Đà này có nhiều khác biệt với các truyền thống Kinh thừa, nhưng một số hành giả trong truyền thống Tịnh Độ nên hoan hỉ chấp nhận nó. Những người không có trí tuệ hoàn toàn tách biệt Kinh thừa và Mật thừa, nhưng những vị có trí tuệ không làm như thế. Mặc dù là một đệ tử của truyền thống Tịnh Độ, các thực hành trong truyền thống Mật thừa không đưa ra bất kỳ chướng ngại nào về việc bạn được tái sinh trong một cõi thuần tịnh. Vì thế, hãy tiếp đón Giáo pháp với một thái độ chấp nhận và cởi mở, và điều đó sẽ mang lại vô số lợi lạc cho bạn.

Thực hành Đạo sư A Di Đà — Con Đường Mau chóng đến Cõi Cực Lạc.

Trong thực hành này, vị Thầy (Guru) và Đức Phật A Di Đà là một và như nhau. Phụ đề “Con Đường Mau chóng đến Cõi Cực Lạc” có nghĩa là nhờ thực hành này ta có thể nhanh chóng tương ứng với Đức Phật A Di Đà, và được tái sinh một cách êm ả trong Cõi Cực Lạc. Ta chỉ cần có bốn điều kiện để tái sinh trong một Cõi Tịnh Độ, sau đó toàn tâm duy trì thực hành, không lưu tâm đến ác nghiệp nặng nề (ngoại trừ nghiệp phỉ báng chân lý, và năm loại hành vi xấu ác dẫn đến việc tái sinh trong địa ngục không bao giờ ngừng dứt — địa ngục vô gián), ta có thể được tái sinh trong Cõi Cực Lạc.

Tây Phương Cực Lạc Quốc

Có bốn điều kiện để tái sinh trong cõi Cực Lạc: quán tưởng rõ ràng ruộng công đức, tích tập đức hạnh và tịnh hóa các che chướng, phát triển Bồ đề tâm, và lập nguyện tái sinh trong Cõi Tịnh Độ và hồi hướng công đức. Điều quan trọng nhất trong những điều này là quán tưởng Đức Phật, không ngừng khát khao tái sinh trong Cõi Tịnh Độ, có một ước nguyện mãnh liệt. Nếu có những nguyện ước mạnh mẽ, các nguyên nhân và điều kiện khác sẽ hội tụ một cách tự nhiên. Mipham Rinpoche đã tuyên bố một cách rõ ràng trong giáo lý sau đây: “Nếu không có nguyện ước mạnh mẽ, cho dù hàng ngày ta trì tụng danh hiệu của Đức Phật A Di Đà, không nhất thiết là ta sẽ tái sinh trong một Cõi Tịnh Độ.” Vì thế bạn phải có niềm tin: “Khi tôi lìa khỏi thế giới này, tôi phải đi tới Đức Phật A Di Đà.” Với loại niềm tin này, việc tái sinh trong Cõi A Di Đà sẽ thật dễ dàng.

Nam mô A Di Đà Phật! (Đối với phương pháp thực hành A Di Đà, trước hết ta quy y, sau đó phát triển Bồ đề tâm, rồi đi vào thực hành.)

Khi quy y, bạn nên nghĩ: “Giờ đây con quy y Đức Phật Đạo sư A Di Đà và tất cả chư Phật, Giáo pháp và các bậc linh thánh.” Tôi đã thường nói trước đây — quy y là nương tựa một cách toàn tâm toàn ý và hoàn toàn ẩn náu với thân, ngữ và tâm ta, dù gặp hạnh phúc hay đau khổ, sự nương tựa duy nhất của ta luôn luôn ở đó. Việc thực hiện lời nguyện này trước Tam Bảo được gọi là quy y. Dĩ nhiên, ta có thể trì tụng bất kỳ lời nguyện nào khi quy y.

Sau đó hãy phát triển Bồ đề tâm: “Từ nay trở đi, con nguyện làm lợi ích tất cả chúng sinh, và không chỉ làm lợi lạc những chúng sinh đặc biệt. Vô lượng chúng sinh đang chìm đắm trong đại dương đau đớn và khốn khổ của Sinh tử. Con nguyện làm mọi sự con có thể để cứu giúp họ thoát khỏi những đau khổ vật chất và tinh thần, giải thoát khỏi những đau khổ của Sinh tử, và đạt được trái quả của giác ngộ viên mãn, vô song.” Hãy tụng điều này một hay ba lần.

Sau khi quy y và phát Bồ đề tâm, khi bạn trì tụng nghi lễ (chỉ một lần), bạn quán tưởng: “Mọi hiện tượng thì trống không, như đã được giảng dạy trong Trí tuệ Căn bản của Trung Đạo, nó không hiện hữu mà cũng không không hiện hữu, và là tánh Không vĩ đại thoát khỏi bốn cực đoan thuộc về khái niệm và tám cực đoan của sự tạo tác khái niệm. Ngoại trừ chư Phật và Bồ Tát, chúng sinh không biết gì về tánh Không như thế. Họ luôn luôn dính chặt vào những vấn đề thế tục, là gia đình, thân quyến và bằng hữu, những mối quan hệ hay nghề nghiệp. Những chúng sinh này thật đáng thương. Khi nào họ mới có thể đạt được trái quả của giác ngộ toàn hảo, không thể trội vượt?” Lòng bi mẫn sinh khởi từ đáy lòng.

Bản chất của mọi hiện tượng là tánh Không. Các chúng sinh không hiểu rõ tánh Không thì thật đáng thương. Lòng bi mẫn này và tánh Không hòa hợp làm một, và sau đó trở thành một quan niệm. Mọi chúng sinh và thế giới vật chất dần dần trở thành những vị an trụ và nơi an trụ của Cõi Cực Lạc. Thế giới bên ngoài, như được mô tả trong Kinh Amitayurbhavana, là xứ Phật thanh tịnh và cực lạc, ngập tràn bảy châu báu và tám công đức. Đó là, tất cả các sinh loài trong đó là Đức Phật A Di Đà và những hiển lộ của ngài. Toàn thể thế giới vật chất, kể cả phòng thiền định và nhà của bạn, là óc sáng tạo toàn hảo và quan điểm về Cõi Cực Lạc. Tất cả chúng ta là những hiển lộ của Đức Phật A Di Đà. Mọi sự với các sinh loài, là những hiển lộ của Đức Phật A Di Đà. Đây là cách quán tưởng “Mọi sự hiện hữu trở thành cõi thuần tịnh của Cực Lạc.”

Sau quán tưởng này, hãy tự quán tưởng:

Trên một vị trí hoa sen và mặt trăng, hãy nghỉ ngơi sự tỉnh giác của ta như một chữ HRI,
Các tia sáng phóng chiếu từ nó, hoàn thành hai loại lợi lạc.
Bản thân ta chuyển hóa tự nhiên thành Đức Thế Tôn A Di Đà, màu đỏ.

Giữa cõi Cực Lạc hãy quán tưởng một hoa sen lớn với những cánh trắng và nhụy hoa màu đỏ tía. Nó có thể có tám, mười hai, hay ba mươi hai cánh. Trong nhụy hoa là một đĩa mặt trăng, và trên đĩa là chữ HRI Tây Tạng. Chữ HRI là tâm ta.

Sau đó HRI phóng chiếu ánh sáng đỏ để “thành tựu hai loại lợi lạc”. Nó thành tựu hai loại lợi lạc ra sao? HRI chiếu tỏa vô lượng tia sáng, và ở cuối mỗi tia sáng mang theo những món cúng dường như tám biểu tượng tốt lành và bảy thuộc tính của vương quyền, được dâng cúng cho chư Phật và chư Bồ Tát khắp mười phương. Nó tịnh hóa những che chướng của ta từ vô thủy, làm viên mãn mọi công đức, tích tập công đức và tịnh hóa che chướng. Điều này để làm lợi lạc bản thân. HRI liên tục phóng chiếu ánh sáng, thâm nhập toàn thể sáu cõi Sinh tử. Ánh sáng tiệt trừ đau khổ của việc nóng và lạnh cùng cực trong địa ngục, đau khổ do đói và khát của các ngạ quỷ, đau khổ do bị sử dụng làm công việc nặng nhọc của súc sinh, đau khổ do sinh, lão, bệnh, và tử của loài người, đau khổ do cái chết và việc đọa lạc của chúng sinh trong cõi trời, và đau khổ do chiến tranh của các A tu la. Điều này làm lợi lạc chúng sinh. (Sự quán tưởng này vô cùng quan trọng).

Sau đó hãy tiến hành quán tưởng một cách chi tiết:

Ngài có một mặt; hai bàn tay ngơi nghỉ trong ấn bình đẳng, cầm một bình bát ngập tràn chất cam lồ, hai chân Ngài trong tư thế không thể thay đổi, thân toàn hảo của ngài mặc ba Pháp phục.

“Một mặt” tượng trưng cho công đức của Đức Phật A Di Đà thoát khỏi bốn cực đoan thuộc về khái niệm và tám cực đoan của sự tạo tác khái niệm. “Hai bàn tay” tượng trưng công đức của trí tuệ và sự thiện xảo. “Ấn quân bình” (bàn tay phải ở trên, bàn tay trái ở dưới) tượng trưng cho sự sử dụng nối kết trí tuệ và thiện xảo. “Cam lồ” tượng trưng các Giáo pháp có thể đáp ứng các ước nguyện của tất cả chúng sinh. “Hai chân trong tư thế không thể thay đổi” tượng trưng cho việc không ở trong sinh tử mà cũng không an trụ tại Niết Bàn. “Ba Pháp phục” là y phục bên trong, áo choàng trên, và áo choàng ngoài. Đức Phật A Di Đà hiển lộ trong thân tướng tu sĩ, biểu lộ sự cao quý của thân toàn hảo.

Các dấu hiệu chính và biểu hiện phụ thì vô cùng toàn hảo:

Ngài là sự nhân cách hóa siêu việt của năm Phật thân, xuất hiện, nhưng không có bản tánh cố hữu, trong trái tim ngài, trên một mặt trăng, là một chữ HRI đỏ.

Đức Phật A Di Đà có 32 tướng chính và 80 tướng phụ của sự giác ngộ, và đã viên mãn mọi sự tỉnh giác về Như Lai toàn trí chân thực, hiển hiện năm thân gồm Pháp Thân, Báo Thân, Hóa Thân, Thân Bồ Đề hiển lộ, và Thân Kim Cương bất biến. Các thân (kaya) này không như chúng ta với những bộ phận bên trong như gan hay ruột, nhưng như những phản chiếu trong tấm gương hay các cầu vồng trong bầu trời, chúng hiển lộ nhưng không có tự tánh. Trong phạm vi của những hiển lộ, không có chút xíu lầm lạc hay rối loạn. Mỗi yếu tố duy nhất được hiển lộ rõ ràng. Trong phạm vi của tánh Không, không có một yếu tố chất thể duy nhất, khác với các Thangka hay các pho tượng có chuẩn mực của chất thể.

Trong trái tim của kaya (thân) này là một đĩa mặt trăng trắng mảnh như một hạt mù tạt. Trên đĩa mặt trăng, hãy quán tưởng một chữ HRI đỏ. Chữ HRI này phải được quán tưởng là rất mảnh, như thể nó được vẽ bằng đầu của một sợi tóc. Đĩa mặt trăng và chữ HRI được quán tưởng càng mảnh thì tâm càng có thể tập trung trên đó, cắt đứt sự suy nghĩ phân biệt thô thiển, và đi vào Samadhi (định) này.

Ngay khi bạn đã quán tưởng một chữ HRI đỏ rất đẹp trong trái tim, quanh HRI, những chữ “Om Amidewa Ayu Siddhi Hung” thẳng đứng xoay quanh theo chiều kim đồng hồ. Bánh xe thần chú này không cần quay tròn.

Bánh xe thần chú này phóng chiếu tia sáng vô hạn, tỏa sáng trên chư Phật và chư Bồ Tát khắp muôn phương, thỉnh mời chư Như Lai từ mọi cõi Phật. Vào lúc này, tất cả các Đức Như Lai trở thành Đức Phật A Di Đà, giống như những giọt mưa hay bông tuyết tan vào biển cả, tan hòa thành Đức Phật A Di Đà (bản thân) vừa được quán tưởng. Đồng thời, hãy tụng thần chú nhập môn “Dza Hung Bam Ho”. Thần chú này có thể được giải thích khi thỉnh cầu, kết hợp làm một, trở thành một với ta. Thần chú này luôn luôn hiện diện trong những lễ nhập môn và trì tụng.

Trong việc trì tụng hàng ngày, bạn cũng thực hiện việc quán tưởng này. Nếu không, mà chỉ tụng bằng miệng “Om Amidewa Ayu Siddhi Hung Hri”, điều đó không thật sự có ý nghĩa. Với phương pháp trì tụng danh hiệu của một vị Phật, nếu ta chỉ tụng “Namo Amitabah” nhưng chẳng bao giờ nghĩ về thân tướng của Đức Phật A Di Đà trong trái tim ta và cũng không ước muốn được tái sinh trong cõi Cực Lạc, loại tụng niệm này không thật sự trọng yếu.

Hãy quán tưởng bản thân là Đức Phật A Di Đà, và thế giới bên ngoài là cõi Cực Lạc, sau đó cõi Cực Lạc hoàn toàn chuyển hóa thành ánh sáng, và Đức Phật A Di Đà của riêng ta cũng chuyển hóa thành ánh sáng, hãy nghỉ ngơi trong trạng thái tánh Không không có bất kỳ sự khái niệm hóa nào. Nếu bạn đã chứng ngộ trạng thái Đại Viên mãn, hay Trung Đạo vĩ đại, thì hãy an trụ trong những trạng thái này. Nếu bạn không có sự chứng ngộ như thế, thì hãy nghĩ rằng cả Đức Phật A Di Đà và cõi Cực Lạc chuyển hóa thành ánh sáng và tan hòa vào Pháp giới. Không suy niệm, hãy nghỉ ngơi trong tánh Không như thế trong một hay hai phút, sau đó lập những nguyện ước và hồi hướng công đức: “Con hồi hướng công đức tốt lành cho vô số chúng sinh, nguyện họ được tái sinh trong cõi Cực Lạc.”

Hồi hướng công đức tốt lành cho vô số chúng sinh, nguyện họ được tái sinh trong cõi Cực Lạc.

Trong lịch sử, nhiều người đã thành tựu việc nương tựa vào giáo lý Tịnh Độ. Có một số người trong Phật giáo Tây Tạng, và thậm chí cả trong Phật giáo Trung Hoa. Chẳng hạn như, Tổ thứ Hai của truyền thống Tịnh Độ là ngài Thiện Đạo, khi về già, ngài toàn tâm trì tụng danh hiệu Phật. Trong Một Biên niên sử các vị Tổ Phật giáo ghi chép rằng ngài không bao giờ ngủ trong hơn ba mươi năm. (Đối với chúng ta, chưa nói đến hơn ba mươi năm, nếu ta không ngủ trong ba ngày, ta sẽ chuẩn bị việc đó trong sáu ngày). Khi mất, ngài nhìn về phương Tây và lập nguyện: “Cầu mong Đức Phật đến rước con, cầu mong Bồ Tát cứu giúp con, xin đừng để con mất chánh niệm, con xin được tái sinh trong cõi thuần tịnh.” Sau khi nói lời này, Ngài đứng yên mà tịch.

Để gặp được một phương pháp thực hành như thế, bạn đã tích tập những công đức lớn lao. Không có công đức thì không thể gặp nó, vì thế mọi người nên ngập tràn niềm vui!

Người dịch: Thanh Liên
Nguồn: Thư Viện Hoa Sen

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. 48 LỜI NGUYỆN CỦA ĐỨC A DI ĐÀ
  2. TÁNH KHÔNG LÀ NỀN TẢNG CỦA BA THỪA

Bài viết khác của tác giả

  1. TÁM BÀI KỆ CHUYỂN HÓA TÂM
  2. QUẢ BÁO CỦA VIỆC SÁT SINH

Bài viết mới

  1. BIỂU LỘ CHÍNH MÌNH MỘT CÁCH TRỌN VẸN
  2. CHÂN LÝ CÓ THỂ CÓ ĐƯỢC BẰNG LAO ĐỘNG QUÊN MÌNH
  3. CẢM GIÁC TỰ DO, ĐƯỢC GIẢI PHÓNG BẢN THÂN