CHUYỆN GÌ ĐANG XẢY RA VỚI CẢM XÚC ?

RUBY WAX

Trích: Làm Người Là Như Thế Nào; Dịch: Hoàng Đức Long; NXB Thế Giới

Gloria Steinem đã viết “Chân lý cho bạn tự do. Nhưng trước tiên, nó phải làm cho bạn tức điên”.

CHUYỆN GÌ ĐANG XẢY RA VỚI CẢM XÚC?

Nếu không phải vì vấn đề cảm xúc, chúng ta sẽ không bao giờ cần đến các bác sĩ tâm lý hoặc các y sĩ. Đôi khi, chúng khiến chúng ta đau khổ, thậm chí còn hơn cả nỗi đau thể xác, đó là lý do vì sao ngoại trừ lúc ngủ, chúng ta dành nhiều giờ cố gắng chôn sâu hoặc chạy trốn khỏi chúng. Chúng dâng lên từ bên trong và chúng ta bị chúng bắt làm con tin, cho đến khi chúng quyết định lỉnh đi chỗ khác. Chúng ta có thể xây dựng những chiếc kính viễn vọng cho phép chúng ta nhìn thấy một ngôi sao cách ta 345.678.803.940 năm ánh sáng (tôi không phải là một chuyên gia trong lĩnh vực này, vì thế những con số có thể sẽ sai lệch một chút), nhưng liệu chúng ta có kiểm soát nào để biện minh cho việc đó. Bạn có thể mù, điếc, mất bao nhiêu chi hoặc ngón chân cũng được, nhưng khi bạn thiếu cảm xúc, thì theo nghĩa nào đó, bạn không còn là con người.

Có một câu chuyện nổi tiếng về một người đàn ông, Phineas Gage, người khi ấy đang làm việc trên một đường ray xe lửa và vô tình để một thanh kim loại đâm xuyên qua sọ mình (Chúa mới biết được anh ta đang làm gì khi chuyện này xảy ra). Sau tai nạn đó, anh ta vẫn ổn về mặt ý thức – anh ta có thể nói, nghĩ, nhớ, nhưng khi anh ta gặp gia đình và bạn bè, anh tuyệt đối không có cảm xúc gì với họ. Anh biết họ là ai, nhưng không cảm thấy bất cứ điều gì. Tất cả những người xung quanh anh ta đau khổ, nhưng anh ta hoàn toàn vui vẻ, và điều này đơn giản chứng minh rằng có lẽ việc găm một thanh sắt vào đầu mình là điều đáng làm nếu bạn đã phát ốm với gia đình mình.

CẢM XÚC TỒN TẠI ĐỂ LÀM GÌ, ĐẶC BIỆT LÀ NHỮNG CẢM XÚC TỒI TỆ?

Nói đến sự phát triển của con người, không có gì là tình cờ, vì thế thậm chí những cảm xúc tiêu cực cũng có lý do nào đó để xuất hiện; nếu không, chúng hẳn sẽ không bao giờ xuất hiện trong cái túi hổ lốn của tiến hóa. Mọi thứ chúng ta có được cho mình, về thể chất và tinh thần, đều được tạo ra cho một mục đích nào đó. Một số cảm xúc số này, vào ngay lúc này, có thể là một gánh nặng, đem đến cho chúng ta những vết loét dạ dày và những cơn trào ngược axit, nhưng chúng giữ cho chúng ta sống sót (xem phần những cái giá đánh đổi về tiến hóa).

Sợ hãi

Nếu trong quá khứ chúng ta không cảm thấy sợ hãi, chúng ta hẳn đã bị lột da, rút xương, và ăn thịt.

Thịnh nộ

Chúng ta cần cơn thịnh nộ để dọa cho kẻ thù lùi bước. Ngày xưa, chúng ta không chĩa cơn thịnh nộ ấy vào chính mình.

Bồn chồn, lo âu

Sự bồn chồn và lo âu giúp đảm bảo rằng chúng ta sẵn sàng đón một cuộc tấn công. Nó cho chúng ta động lực ghi nhớ những gì ta làm trong quá khứ ở những tình cảnh tương tự, để đảm bảo tương lai của chúng ta.

Ghê tởm

Sự ghê tởm, bằng cách nhăn mũi và mím môi, là điều cần thiết để phát hiện ra thức ăn nào có độc và cảnh báo để những người khác không ăn chúng.

Xấu hổ

Trong quá khứ, đối với chúng ta, bộ tộc là tất cả và việc chúng ta được tiếp nhận vào bộ tộc mang ý nghĩa sống còn. Nếu chúng ta cảm thấy mình phụ sự kỳ vọng của những thành viên khác trong bộ tộc, chúng ta cảm thấy xấu hổ. Cú thúc kinh khủng vào dạ dày ấy cho chúng ta động lực để làm tốt hơn và lao động chăm chỉ hơn. Đây là một nỗi xấu hổ lành mạnh, thúc đẩy việc lao động vì lợi ích của cả nhóm. Nỗi xấu hổ không lành mạnh mà chúng ta cảm thấy ngày nay, mà trong đó chúng ta cảm thấy mình không đủ hấp dẫn, hoặc một điều ngớ ngẩn tương tự nào đó, khác với nỗi xấu hổ xưa kia và không hề có tác dụng gì trong việc giúp đỡ bộ tộc của chúng ta. Nói cho tôi biết: thế quái nào mà việc “xinh đẹp” lại tạo ra lợi ích cho cả nhóm được? Ngày nay, chúng ta cảm thấy xấu hổ vì ai đó đã từ chối chúng ta trên Tinder hoặc không cho chúng ta một like vào bức ảnh chụp bữa trưa mà ta đã đăng lên mạng.

Nỗi ám ảnh của chúng ta với cái tôi, thay vì nghĩ về thành công của cả nhóm, chính xác là vấn đề của nhân loại ngày nay. Khi mọi chuyện xoay quanh “tôi” hơn là “chúng ta, chúng ta đánh mất những sợi dây liên kết. Tôi tự hỏi ai là người đầu tiên trải nghiệm cảm giác xấu hổ ái kỷ này? Có lẽ, vào một ngày nào đó trong quá khứ, một người tiền sử nhìn vào hình khắc của anh ta trên vách hang và nghĩ ‘Ờ, xấu thật’. Có lẽ nào ở đâu đó sẽ có một hóa thạch của một phụ nữ tiền sử đang nhìn vào mông của mình và tự hỏi liệu nó có quá lớn hay không?

Động vật có thể cảm nhận điều gì đó giống sự xấu hổ khi địa vị của chúng bị đe dọa. Tuy nhiên, chúng không nghĩ về bản thân như những kẻ thất bại. Chúng không thèm quan tâm đến những gì người khác nghĩ, chúng thậm chí còn tè ngay trước mặt tất cả mọi người giữa một bữa tiệc.

Tội lỗi

Nguồn gốc của tội lỗi hoàn toàn không phải là những gì người ta vẫn nói. Sự khác biệt giữa cảm giác tội lỗi và cảm giác xấu hổ là: với cảm giác tội lỗi, bạn cảm thấy nó không phải vì bạn cảm thấy thấp kém hoặc bản thân là một người kỳ quặc, mà bởi nó thôi thúc bạn khắc phục tình hình; khiến bạn muốn cải thiện. Sự xấu hổ đến cùng sự ghê tởm bản thân. Một lần nữa, động vật không có những cảm giác này, chúng chỉ đơn giản làm việc của mình. Đây rất có thể là lý do vì sao chúng ta không có những con tắc kè theo Do Thái giáo hoặc Công giáo.

Bị thương

Đây là một phản ứng cảm xúc trước sự mất mát, và nó vẫn luôn như thế, ngay từ thuở sơ khai của chúng ta, khi chúng ta vẫn đu trên những tán cây. Động vật cảm nhận được sự bi thương nhưng không đắm chìm trong cảm giác ấy; sau một quãng thời gian, cảm giác ấy suy giảm và những con vật ấy tiếp tục sống bình thường. Chúng ta, với bộ não lớn của mình, có thể héo mòn trong những ký ức, những câu hỏi “nếu như… thì sao?” và “tại sao?” Và, bởi chúng ta không ngừng thổi bùng lên những ký ức này, nỗi bị thương ấy không bao giờ được phép đi theo hành trình tự nhiên của nó. Ở nhiều nền văn hóa khác nhau, tồn tại những nghi thức đã hình thành theo thời gian, cho phép người ta cùng nhau than khóc và giúp cá nhân chịu đựng được nỗi đau ấy. Khi ai đó kiệt sức vì gào thét hay than khóc, một người nào khác trong nhóm có thể nhận lấy việc ấy. Trong nền văn hóa của chúng ta, nhiều người không có những nghi thức này, vì thế chúng ta phải tìm cách cho riêng mình để ứng phó với cảm giác bị thương trong cô đơn, và vì lý do nào đó, chúng ta xấu hổ với việc bày tỏ nỗi buồn ở nơi công cộng hay trước đám đông. Điều chúng ta cần làm là học hỏi từ những nghi lễ canh linh cữu mà người ta tổ chức ở Ireland dành cho những người đã khuất. Tất cả mọi người đều rất say, họ thậm chí không nhớ nổi rằng ai đó vừa qua đời. Nhưng họ ở cùng nhau và vẫn có được một cảm thức về cộng đồng. Chúa phù hộ cho họ.

Tình yêu

Chúng ta cần tình yêu để tạo sự gắn kết với con cái, bạn đời, bạn bè và cộng đồng của chúng ta, để đảm bảo rằng năm nào chúng ta cũng nhận được một tấm thiệp mừng sinh nhật.

ĐIỀU GÌ XẢY RA TRONG CƠ THỂ BẠN KHI BẠN CÓ CẢM XÚC

Tôi sẽ cho bạn một “phần ôn tập” nếu tình cờ bạn chưa đọc cuốn sách trước của tôi. (Tại sao lại không nhỉ?)

Khi chúng ta cảm thấy sợ hãi (một cảm giác mà bạn sẽ nhận ra bởi tóc gáy của bạn sẽ dựng đứng lên, bạn đột nhiên nổi da gà và tim bạn đập thình thịch), điều đó có nghĩa là bạn đã bị kích động đến tột độ, sẵn sàng chạy cho thật nhanh, bị ăn đấm liên tục hoặc chỉ đơn giản đứng đó như một bức tượng. Nếu bạn ở trong trạng thái đó, thứ đầu tiên tạm ngừng hoạt động là ký ức của bạn, rồi hệ thống miễn dịch, hệ thống tiêu hóa, và rồi hệ thống sinh sản của bạn. Ở thời điểm đó, do những ký ức bị đánh mất, bạn thậm chí sẽ không nhớ được những lựa chọn mà bạn có là gì.

Tất cả những điều này đều xảy ra “ngoài tầm ra-đa” của bạn, vì thế bạn sẽ không nhận thức được rằng hệ thống của bạn đang xuống cấp, hoặc tại sao các tế bào não của bạn bắt đầu hao mòn. Về chuyện này, bạn hãy tin tôi: chúng ta đều có những lớp bọc bằng myelin, bao quanh từng tế bào thần kinh của mình (neuron) để tăng tốc độ truyền tín hiệu giữa những tế bào này. Nếu những lớp bọc này bị tổn thương, các neuron liên kết các vùng khác nhau của bộ não sẽ yếu đi và kết quả là bạn không còn có thể kết nối các suy nghĩ của mình với nhau, và khả năng tư duy lý trí của bạn đã ĐÀO NGŨ, vắng mặt trong lúc không được phép. Thực tế, bạn đã bị ngu đi.

Nếu chúng ta không thể suy nghĩ cho mạch lạc hoặc một cách lý trí, chúng ta bắt đầu cảm thấy bị đe dọa, ngay cả khi chẳng có gì xung quanh có thể gây hại cho chúng ta. Chúng ta bắt đầu đổ lỗi cho những người khác vì đã làm cho ta lo âu đến mức hoang tưởng, và thế là hội chứng “chúng nó” và “chúng ta” bắt đầu. Chúng ta không còn nghĩ về “chúng nó” như những con người đồng loại. Một hệ quả khác của sự hao mòn tế bào thần kinh là việc tư duy của chúng ta trở nên hạn hẹp và cứng nhắc, và chúng ta bắt đầu nghĩ rằng bất cứ ai khác chúng ta đều là kẻ thù. Chúng ta đều có những yếu tố kích hoạt sợ hãi đặc thù được cấy bên trong ký ức của ta, những thứ mà chúng ta phản ứng một cách đầy xung động trước chúng mà không hiểu tại sao, đặc biệt là khi chúng ta căng thẳng. Chúng ta hoàn toàn chịu sự định đoạt của những mối gắn kết cũ kỹ trong ký ức.

Nếu chúng ta gặp chỉ một người có râu, người có thể đã làm chúng ta sợ khi còn nhỏ, sau này chúng ta có thể sẽ sợ tất cả những người có râu. Bao gồm cả những người theo Hồi giáo và những người đang hóa trang thành Ông già Nô-en. Chúng ta có thể hình thành một thiên kiến ngay cả khi chúng ta vừa mới đọc về một gã xấu xa có râu. (Tôi không nghĩ là mình cần giải thích điều này quá cặn kẽ, nhưng khi tôi nhìn thấy một người đàn ông để chút râu ở phần nhân trung và tóc rẽ ngôi lệch, tôi thường chạy một mạch lên trốn ở tầng áp mái…) Chúng ta có thể tìm được cách riêng của mình để thoát ra khỏi chuyện này bằng cách thực hiện quán hiện, hoặc bằng cách nuôi một bộ râu và gia nhập nhóm “chúng nó”.

KÝ ỨC VÀ CẢM XÚC

Như thế, không ai trong chúng ta nhận thức được tại sao ta phản ứng theo cách ta vẫn làm trước những sự vật, con người, và sự kiện cụ thể. Chúng ta không bao giờ nhìn nhận bất cứ thứ gì theo bản chất của nó, mà chỉ nhìn nhận thông qua cách diễn giải của ký ức riêng của chúng ta.

Ví dụ, khi chúng ta nhìn thấy một điếu xì gà, chúng ta đều không nghĩ rằng đó là một cái dương vật như Freud gợi ý. Xin lỗi Sigmund Freud, nhưng khi tôi nhìn thấy một cái dương vật, tôi không nghĩ đến “xì gà”, hay ngược lại. (Người đầu tiên tôi nhìn thấy trong trạng thái khỏa thân là John Lennon trên bìa của album mà ông thực hiện cùng Yoko, người thực sự có mái tóc thẳng rủ xuống hai bên, như một tấm thảm. Kể từ đó, khi tôi nhìn một cái dương vật, tôi nghĩ đến The Beatles. Chúng ta nhìn thấy cái chúng ta thấy do những mối gán kết hình thành từ trước đó.)

CẢM GIÁC THÔI THÚC TỪ GAN RUỘT

Mọi người đôi khi nói rằng họ có cảm giác thôi thúc từ gan ruột dành cho điều gì đó, và họ hành động theo cảm giác ấy, cứ như thể bộ ruột của họ là một nhà hiền triết sáng suốt đến từ Tây Tạng. Đôi khi, bản năng thôi thúc từ gan ruột là hoàn toàn chính xác, nhưng rất thường xuyên nó thường không chính xác. Nếu những bản năng gan ruột luôn chính xác, thì số người thắng cược ở Las Vegas hẳn sẽ nhiều hơn thực tế rất nhiều. Ruột của chúng ta có 500 triệu neuron; nếu so với bộ não, thứ có 100 tỷ neuron, thì bộ não nắm nhiều quyền quyết định hơn một chút. Mỗi trải nghiệm mà chúng ta có đều được ghi nhận ở Ga tàu Ký ức Lớn Trung tâm (Grand Central Memory Station) và mọi cảm giác đều phải đi qua những tuyến tàu hỏa ấy. Vì thế, trừ phi bạn có ý thức về ký ức ấy, bạn sẽ không biết làm thế nào mà bạn có được cảm giác thôi thúc từ gan ruột ấy. Chính nhận thức về một ký ức sẽ giúp chúng ta ra những quyết định sáng suốt hơn.

Câu chuyện của tôi

Cách đây không lâu, khi đang lướt qua các món hàng ở Selfridges, tôi đột nhiên rơi vào một cơn hoảng loạn toàn vùng trán (full-frontal panic attack) và phải chạy khỏi cửa hàng để ra ngoài và thở gấp vào một cái túi. Ngẫm lại, tôi nhớ ra rằng khi tôi lên 8 hoặc 14 tuổi (một trong hai khoảng thời gian đó) tôi bị một con chó đốm cắn, và đó là lý do vì sao tôi lên cơn hoảng loạn: khi ấy tôi đang thử một cặp legging đốm. Aha! – tôi nghĩ – tôi đã phát hiện ra nỗi sợ hãi của mình đến từ đâu, vì thế tôi trở lại cửa hàng và hét lên “Gói cho tôi cặp legging Chó đốm kia. Tôi không còn sợ nữa rồi”.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. LÀM SAO CÓ THỂ THA THỨ CHO NGƯỜI PHÁ HOẠI CUỘC SỐNG CỦA BẠN ?
  2. TRẮC ẨN và THẤU CẢM LÀ GÌ?
  3. SUY NGHĨ LÀ GÌ ?

Bài viết mới

  1. NUÔI DƯỠNG TRÍ TÒ MÒ
  2. HIỂU VỀ NỖI ĐAU KHỔ CỦA CHÚNG TA
  3. LỜI RĂN DẠY CỦA KHỔNG TỬ