TRẮC ẨN và THẤU CẢM LÀ GÌ?

RUBY WAX

Trích: Làm Người Là Như Thế Nào; Dịch: Hoàng Đức Long; NXB Thế Giới

TRẮC ẨN: NÓ LÀ GÌ?

Vậy, trắc ẩn nghĩa là gì và nó đã tồn tại được bao lâu rồi? Câu trả lời: từ rất lâu rồi, đại khái thế. Khoảng 1 triệu năm trước, tổ tiên của chúng ta nhạy cảm hơn chúng ta ngày nay rất nhiều. Đúng thế, họ sẽ xiên mũi giáo vào bạn nếu bạn cướp vợ của họ, nhưng họ cũng chăm sóc những người già ốm yếu, và cả cộng đồng chăm sóc lũ trẻ. (Chẳng phải đó chính là giấc mơ… có một ngôi làng đẩy những người trông trẻ hay sao?)

Từ “trắc ẩn” (compassion) trong tiếng Anh bắt nguồn từ compel trong tiếng Latin, có nghĩa là “cùng chịu khó” . Nó không có nghĩa là gửi cho ai đó một tấm thiệp Hallmark với hình một chú lợn con lau nước mắt trên mặt trước và bên trong là một thông điệp cho biết bạn lấy làm tiếc đến mức nào. Thế gọi là “thương xót” hoặc thương hại” Với trắc ẩn, bước đầu tiên là cảm nhận nỗi đau của người khác, và bước lớn thứ hai là có động lực để giải tỏa nó. Chính sự sẵn lòng hành động mới định nghĩa lòng trắc ẩn, chứ không chỉ là “cảm nhận nỗi đau của người khác”. Bạn cảm thấy mình thực sự muốn ra ngoài và làm điều gì đó. Nếu tôi đau và bạn chỉ cảm nhận nỗi đau của tôi, thì việc đó sẽ không làm tình hình tốt lên. Làm sao bạn có thể giúp được tôi nếu bạn cũng chịu quá nhiều đau đớn từ nỗi đau của tôi? Giờ đây, tôi sẽ cần phải giúp bạn đối phó với vấn đề của tôi. Chúng ta đôi khi cũng hăm hở chớp lấy cơ hội cảm nhận nỗi đau của người khác với những lý do không đúng đắn; chúng ta không muốn cảm nhận nỗi đau của chính mình, vì thế ta đánh lạc hướng bản thân bằng nỗi đau của họ.

Lợi ích của việc luyện tập quán hiện cho lòng trắc ẩn nằm ở chỗ: bạn sẽ có thể giữ cho tâm trí mình ổn định trong đám lửa dữ dội của nỗi đau của ai đó mà không bị kéo vào hoặc bị quá tải. Bạn sẽ có thể đứng lùi lại, quan sát suy nghĩ và cảm giác của mình, đưa ra quyết định không thiên vị và rõ ràng về việc làm thế nào để giúp người kia, bằng cách nhận thức được khi nào nên nói điều gì đó và khi nào nên im lặng và chỉ đơn giản ở cạnh người kia. Ai đó phải giữ cho con thuyền ổn định khi cơn bão kéo đến.

THẤU CẢM: NÓ LÀ GÌ?

Thấu cảm lại là một trận cầu hoàn toàn khác. Từ “thấu cảm” (empathy) trong tiếng Anh bắt nguồn từ từ empatheia trong tiếng Hy Lạp, có nghĩa là “cảm thấy vào trong”. Nó được cấy vào trong chúng ta từ thời của những tổ tiên lớp thú, khi chúng ta bắt chước biểu cảm khuôn mặt và cử chỉ của nhau, dựa trên kiểu tư duy bắt chước như loài khỉ. Khi chúng ta bắt chước biểu cảm khuôn mặt của người khác, chúng ta cảm nhận được những gì họ đang cảm nhận, bởi khuôn mặt và cảm giác của chúng ta có liên hệ mật thiết với nhau.

Trắc ẩn là cảm giác bạn có được khi bạn nhìn thấy ai đó đau khổ, và điều này kích thích một khát khao giúp đỡ. Thấu cảm là cộng hưởng, cảm nhận được nỗi đau của ai đó nhưng không nhầm nó với cảm nhận của riêng mình. Thấu cảm là vô điều kiện, cũng như trắc ẩn; chúng ta không cần phải thích người mà chúng ta đang thấu cảm, chúng ta chỉ cần tưởng tượng mình trong tình cảnh của người ấy. Bạn thậm chí có thể đẩy khả năng này đi xa hơn: nếu bạn có thể cảm thấy thấu cảm với người nào đó đã gây hại cho bạn, thì bạn đã ở một tầm vóc khác.

TRẮC ẨN VỚI CHÍNH MÌNH TRƯỚC TIÊN

Tuy nhiên, nếu chúng ta không học cách trắc ẩn với chính mình, chúng ta không thể cảm thấy trắc ẩn với bất cứ ai khác. Một người mẹ phải dạy con bà cách xoa dịu chính mình, nhưng bà chỉ có thể làm thế nếu bà có thể xoa dịu chính bà; nếu không, sẽ có hai người cùng chìm trong đau khổ. Quan điểm của tôi là: chúng ta phóng chiếu suy nghĩ về chính mình lên những người xung quanh chúng ta (ví dụ, tôi biết rằng tôi là một người nói dối tầm cỡ, và vì thế tôi không tin rằng mọi người nhìn chung thật thà, và tương tự, nếu bạn có quá nhiều suy nghĩ chỉ trích bản thân trong đầu, bạn sẽ lan tỏa con virus ngược đãi bản thân ấy sang những người khác). Ngược lại, nếu bạn tử tế với chính mình, bạn rất có thể sẽ rộng lượng và tốt bụng với tất cả những người quanh bạn.

Vì lý do nào đó, chúng ta nhầm lẫn ý niệm về lòng trắc ẩn với bản thân này với sự ích kỷ. Nó hoàn toàn khác sự ích kỷ vì, nếu bạn có thể trắc ẩn với chính mình, bạn sẽ không làm người khác mệt mỏi bằng cách kỳ vọng họ làm cho bạn cảm thấy ổn hoặc đó lỗi cho họ vì những cảm giác tồi tệ của bạn khi bạn đang giày vò chính mình.

Việc học cách trắc ẩn với bản thân sẽ làm tăng khả năng phục hồi sau những chấn thương tinh thần và sự ổn định tinh thần của bạn. Khi bạn có tấm chắn an toàn của lòng trắc ẩn với bản thân, bạn cảm thấy mình có thể mạo hiểm nhiều hơn, bước ra khỏi những khuôn khổ giới hạn tâm trí và sáng tạo hơn.

Nhiều người trong chúng ta phán xét bản thân bằng những thành tích của mình, va đập qua lại giữa cảm giác tuyệt vời khi chúng ta thành công và cảm giác chìm vào đau khổ khi chúng ta thất bại. Lòng tự tôn của chúng ta lên xuống tùy theo mức điểm mà chúng ta chấm cho chính mình. Với lòng trắc ẩn với bản thân, bạn học được rằng, nếu bạn thất bại thì điều đó cũng không có nghĩa rằng bạn thất bại “toàn tập” với tư cách một con người, nó có nghĩa là bạn làm hỏng chỉ một thứ mà thôi. Những người dành nhiều trắc ẩn hơn cho bản thân cảm thấy dễ dàng hơn trong việc xin lỗi và thừa nhận họ đã làm sai điều gì đó khi họ mắc lỗi. Cảm thức của họ về lòng tự trọng không bị đe dọa, bởi sâu bên trong, họ không nghĩ về mình như một người tồi tệ hay một thất bại. Nếu ai đó không có lòng trắc ẩn với bản thân, họ sẽ thường nổi cơn thịnh nộ nếu bạn chỉ ra một lỗi, bởi việc ấy nhen nhóm trong họ cảm giác rằng họ không đủ tốt.

TRẮC ẨN VỚI NGƯỜI KHÁC

Một lý do ích kỷ để thực hành trắc ẩn là: nó khiến bạn cảm thấy ổn. Khi bạn phản ứng với cơn quẫn bách của chính mình hoặc của ai đó khác, bạn tự động chuyển sang “chế độ” quan tâm, một chế độ tạo điều kiện cho sự giải phóng của các chất giảm đau và oxytocin trong não. Những tình bạn và mối quan hệ tuyệt vời là kết quả của sự trao đổi những hormone này, những hormone tạo ra sự tin tưởng, thấu hiểu, và gần gũi. Một điều tuyệt vời về loài người chúng ta là: chúng ta có thể học cách tạo ra những cảm giác ấy.

Nếu chúng ta mắc kẹt với những thói quen nổi giận và sợ hãi, thì điều này sẽ được phản ánh trong kết nối thần kinh của chúng ta, và chúng ta sẽ kẹt trong lối tư duy đó. Trong trạng thái tiêu cực đó, người ta không thể nào truyền hoặc nhận oxytocin. Các tế bào thần kinh gương (mirror neuron) bị tắt và chúng ta không còn có thể giải nghĩa hành động của ai đó, xem liệu họ đang cố giúp đỡ hay đang chỉ trích, tốt bụng hay tàn nhẫn, khiến chúng ta cảm thấy muốn tự vệ, lo âu đến hoang tưởng, và không an toàn.

Một khi chúng ta cảm thấy không an toàn, chúng ta sẽ không còn là Quý ngài hay Quý cô Tử tế nữa. Chúng ta sẽ sợ rằng, nếu thể hiện bất cứ sự tử tế nào, chúng ta sẽ bị lợi dụng. Đó là lý do vì sao trong nền văn hóa của chúng ta, “sự tử tế” không được đánh giá cao. Sự khắc nghiệt đang là mốt và rất có thể đã là mốt một thời gian dài. Đây có thể là lý do vì sao chúng ta thích thú với bất hạnh của những người khác, vì sao những video có hàng tỷ lượt xem trên Youtube thường lại là hình ảnh một em bé rơi vào một chiếc bánh chocolate hoặc “mèo con bị ướt sũng” (cái tôi thích nhất). Thực ra, chúng ta vẫn luôn thích nhìn ngắm nỗi đau của người khác, ngay từ những màn trình diễn giải trí ăn thịt tín đồ Cơ Đốc giáo đấu trường Colosseum cho đến sự hạ nhục và bề mặt mà chúng ta nhìn thấy trên Nhân tố bí ẩn (X Factor), chúng chẳng khác cảnh một con sư tử ăn thịt một người nô lệ là bao. Ít nhất người nô lệ ấy không phải hát. Các chương trình truyền hình thực tế dựa trên việc đuổi người thu và hoan hô khi họ bước trên con đường của sự tủi hổ, ra khỏi tòa nhà ấy, và từ đó bặt vô âm tín. (Trừ phi họ tự làm mình xấu hổ theo một cách mới và độc đáo nào đó, có thể là bị bắt quả tang hit cocaine ở sau lưng một chính trị gia nào đó. Cách đó có thể sẽ khiến họ được trở về với ánh đèn sân khấu.) Rất có thể bạn tưởng tượng rằng lòng trắc ẩn không thu hút được nhiều người xem. Đây là lý do vì sao tin tức ngày nay cho bạn những bức ảnh chụp cận cảnh dí-vào-mặt của những người bị chôn trong đống gạch vụn thay vì một bức ảnh chụp cái bánh táo ngon lành nhất ở Indiana.

 

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. LÀM SAO CÓ THỂ THA THỨ CHO NGƯỜI PHÁ HOẠI CUỘC SỐNG CỦA BẠN ?
  2. CHUYỆN GÌ ĐANG XẢY RA VỚI CẢM XÚC ?
  3. SUY NGHĨ LÀ GÌ ?

Bài viết mới

  1. NUÔI DƯỠNG TRÍ TÒ MÒ
  2. HIỂU VỀ NỖI ĐAU KHỔ CỦA CHÚNG TA
  3. LỜI RĂN DẠY CỦA KHỔNG TỬ