CÔ ĐƠN BỆNH

SƯU TẦM

Nguồn: Tuổi Trẻ Cuối Tuần Ngày 6 – 5 – 2018

 
Thời của mạng xã hội tưng bừng nhưng con người ta lại càng cô đơn. Nỗi đau tâm hồn của những người cô quạnh ngày nay được các nhà khoa học chứng minh là tàn sát sức khỏe còn hơn cả hút thuốc lá.
 
Giữa thời mạng xã hội, khi Facebook tự trao cho mình sứ mệnh “kết nối cộng đồng”, có nhiều người thật ra vẫn rất cô đơn. Họ có ít bạn bè, những người đủ thân thiết để mở lòng, thậm chí không có người bạn nào.
 
Andrew Horn, CEO và đồng sáng lập Tribute, nền tảng cho phép người dùng tạo các video ý nghĩa làm quà tặng, gọi đây là “khủng hoảng kết nối” (connection crisis) và nhấn mạnh mình hoàn toàn không có ý ẩn dụ khi dùng những từ “khủng hoảng” ở đây. “Sự thiếu vắng các mối quan hệ không chỉ làm chúng ta buồn, mà còn làm chúng ta phát bệnh, theo đúng nghĩa đen” Horn nói trong video trên trang Big Think ngày 25 – 4.
 
? Bớt… Tin Nhau
 Con người thời nay thật sự cô đơn đến mức nào? Các con số vẽ nên bức tranh vô cùng u ám. Theo số liệu điều tra xã hội tổng hợp do Đại học Chicago (Mỹ) thực hiện, số lượng bạn bè thân thuộc, đủ để mức “trút bầu tâm sự”, trung bình của mỗi người Mỹ đã giảm từ 2,94 hồi năm 1985 xuống còn 2,08 trong năm 2004. Đáng lo hơn, 25% số người được hỏi cho biết họ KHÔNG CÓ một người bạn nào như vậy.
 
Một thống kê khác của AARP (một hiệp hội chuyên hỗ trợ người già ở Mỹ lấy lại cân bằng Sau khi về hưu) cho thấy vào năm 1970, 20% số thành viên của tổ chức này được khảo sát tự nhận mình là người cô đơn. Khi khảo sát một lần nữa vào năm 2010, tỷ lệ này đã tăng lên 45%.
 
Trong bài viết “Tác động lên sức khỏe của sự cô đơn”, tạp chí The Cut ( Mỹ) dẫn một khảo sát hồi năm 2012 cho thấy từ 20 – 43% người Mỹ trên 60 tuổi phải chịu cảnh “thường xuyên hoặc cực kỳ cô đơn”.
 
Hồi đầu năm nay, khi công bố thành lập Bộ Cô Đơn, Anh cũng công bố số liệu năm 2017 cho thấy trên 9 triệu người dân xứ sương mù, tức 15 – 20% dân số trưởng thành, khẳng định “thường hoặc luôn luôn cảm thấy cô”.
 
Không chỉ người lớn tuổi mới thấy cô độc. Một nghiên cứu năm 2017 của University of California, Berkeley cho thấy ngay cả những người từ 21 đến 30 tuổi, dù có các mối quan hệ xã hội lớn hơn, lại có số ngày phải sống cô độc nhiều hơn gấp đôi so với những người từ 50 đến 70 tuổi. Nghiên cứu của Cục Thống kê quốc gia Anh cho thấy 10% số người trẻ mới 16 đến 24 “cái xuân xanh” thường xuyên cảm thấy cô đơn, gấp 3 lần so với tỷ lệ ở người trên 64 tuổi.
 
? Tệ Hơn Cả Hút Thuốc Lá
 Hãy tưởng tượng chúng ta sống trên đời mà không có lấy một người bạn tin cậy để chia ngọt sẻ bùi. Horn cho rằng sự thiếu vắng các mối quan hệ xã hội này thực sự “giết chết chúng ta”. Điều gì sẽ xảy ra khi ta có quá ít các quan hệ xã hội” – Horn đặt câu hỏi và tự trả lời: chúng sẽ giảm khả năng miễn dịch tự nhiên của cơ thể và khiến chúng ta dễ bị các chứng viêm hơn.
 
Các nghiên cứu khoa học đã được tiến hành để chứng minh nhận định này. Horn dẫn một nghiên cứu trên 300.000 bệnh nhân gần đây cho thấy thiếu các mối gắn kết xã hội gây hại cho sức khỏe tương tự như nghiện rượu, và hại gấp đôi chứng béo phì. The Cut cũng cho biết nhiều nghiên cứu đã cảnh báo cô đơn còn có tác hại bào mòn sức khỏe hơn cả việc hút thuốc lá.
 
Một nghiên cứu trên 2.000 người 18 tuổi ở Anh cho thấy cô đơn có hại cho sức khỏe ở chỗ những người cô đơn sẽ ít vận động hơn và dễ sinh ra hút thuốc hoặc nghiện công nghệ, theo kết quả đăng trên tạp chí Psychological Medicine. Nghiên cứu cũng nhận thấy những người có ít bạn bè sẽ có nguy cơ bị bồn chồn, trầm cảm và các vấn đề tâm thần khác nhiều gấp đôi những người có nhiều bạn bè.
Ảnh: Giáo Sư Julianne Holt-Lunstad ( Đại học Brigham Young )
Theo The Cut dẫn lời Julianne Holt – Lunstad, giáo sư khoa học thần kinh và tâm lý học đại học Brigham Young (Mỹ), cho biết cô độc có thể tăng nguy cơ cao huyết áp và “hại cho tim cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng”, tức không chỉ là “tâm bệnh” mà còn thực sự dẫn đến các bệnh tim mạch.
 
Người cô đơn sẽ cảm thấy xung quanh mình bất an và không thoải mái, khiến nhịp tim và huyết áp đều tăng, đồng thời làm tăng nồng độ cortisol, còn gọi là hormone căng thẳng” (stress hormone). Tất cả những yếu tố này sẽ góp phần tăng nguy cơ mắc bệnh tim cho người cô đơn. Một nghiên cứu do Viện Y tế quốc gia Hoa Kỳ (NIH) thực hiện cũng cho thấy những người cảm thấy lẻ loi và bị “cho ra rìa” ngay từ khi còn trẻ tuổi, sẽ có nguy cơ bị cao huyết áp khi bước vào tuổi trung niên cao hơn người bình thường.
 
The Cut cũng dẫn một nghiên cứu từ năm 2005 trên 83 sinh viên năm nhất khỏe mạnh cho thấy những người sống cô độc hơn có hệ miễn dịch và kháng thể kém hơn những người có nhiều bạn bè. “Điều này cho thấy cô đơn và giao tiếp xã hội kém có thể làm giảm khả năng miễn dịch của cơ thể” – nghiên cứu kết luận. Người cô đơn cũng có nguy cơ mắc các bệnh viêm mãn tính vì nồng độ norepinephrine, một loại hormone làm vô hiệu hóa khả năng chống virus của cơ thể, cao hơn người bình thường.
 
Ngoài ra, dễ thấy hơn cả là người cô độc nhiều khả năng sẽ mất ngủ hoặc chất lượng giấc ngủ không bảo đảm, và điều này rõ là có hại cho sức khỏe.
 
Người sống hòa đồng với xã hội có thể dễ dàng chìm vào giấc ngủ hơn người cô đơn, vốn cứ phải trằn trọc thao thức mỗi đêm, và có ngủ được thì cũng sớm tỉnh giấc.
 
? Hãy Làm Giàu Mối Quan Hệ Xã Hội
 Theo Horn, giải pháp để bảo vệ sức khỏe của người cô đơn là phải quan tâm đến việc giao tiếp, xây dựng các mối quan hệ, trang bị kỹ năng xã hội nhiều hơn: “Sao chúng ta lại không dạy những thứ này song song với các môn học quan trọng như toán, khoa học và tiếng Anh?”.
 
Giáo sư Holt – Lunstad cũng đồng tình, chia sẻ việc dạy giao tiếp và quan hệ xã hội ngay từ ghế nhà trường là không thừa. “Cần giáo dục học sinh trong suốt 12 năm học giao tiếp xã hội tốt cho sức khỏe như thế nào, cũng như Làm sao để có những mối quan hệ tốt, những người bạn tốt” – Holt – Lunstad giải thích. Giải pháp mà Bộ Cô Đơn của Anh cân nhắc là tìm kiếm những người đang sống cô đơn và gắn kết họ với các hoạt động cộng đồng. “Nhiều người trong chọc rằng phải chăng điều đó có nghĩa là buộc người ta ra ngoài nhiều hơn và ôm lấy nhau, nhưng chúng tôi phải nói rằng có bằng chứng cho thấy điều này mang lại kết quả tốt”- Holt – Lunstad nói.
 
Chuyên gia này cũng từng đề xuất với Quốc hội Mỹ ban hành đạo luật mới giúp người lớn tuổi có thể tiếp cận các thiết bị trợ thính dễ dàng và ít tốn kém hơn. Có thể nhiều người không nhận ra, nhưng theo Holt – Lunstad, lãng tai là một trong những yếu tố dễ dẫn đến cảm giác cách ly với xã hội và cuối cùng là cô đơn, đặc biệt là với người lớn tuổi.
 
“Nếu bạn không nghe người khác nói gì, thật khó để tham gia câu chuyện cùng mọi người, và từ đó ta dễ có xu hướng tự rút khỏi các mối quan hệ và giao tiếp với người khác” – Holt – Lunstad giải thích.
 
Ngoài ra, việc đánh giá nguy cơ của cô đơn và các vấn đề sức khỏe do tình trạng cô độc gây ra cũng đang được đưa vào chương trình đào tạo y khoa, theo Holt – Lunstad. Các bác sĩ cần giao tiếp với bệnh nhân, giúp họ không cô đơn và ngoài khuyên họ ăn uống, tập thể thao thì cũng khuyến khích học giao tiếp xã hội nhiều hơn để sống khỏe mạnh.
 
Cuối cùng, theo Horn, giúp một cá nhân không còn cô đơn sẽ có tác động ở tầm mức rộng hơn thành công hay sức khỏe của bản thân họ, mà còn “giúp xã hội an toàn hơn”. Horn lập luận rằng một người cô đơn rất dễ đón nhận chủ nghĩa cực đoan. “Khi bạn cảm thấy mình không thuộc về xã hội, bạn sẽ làm bất cứ gì để đạt được sự gắn kết đó (bao gồm cả các hành động cực đoan) – Horn giải thích.
Tương tự, Holt – Lunstad cũng cho rằng những người cô đơn sẽ tăng thêm gánh nặng cho hệ thống chăm sóc y tế quốc gia, và giúp đỡ họ cũng là giảm thiểu các tác động này.
 
? Giáo sư Holt – Lunstad( Đại học Brigham Young ) định nghĩa cô đơn là “độ chênh” giữa kỳ vọng và thực tế về mức độ kết nối xã hội của một người. Một kẻ “vạn lý độc hành” chưa chắc đã cô đơn vì họ muốn thế và hài lòng với điều đó, và ngược lại, một người ở giữa đám đông nhưng lạc lõng mới là cô đơn.?
 
? Làm sao đo đếm được nỗi cô đơn? Cách đây đúng 40 năm, nhà nghiên cứu Daniel Russell và các đồng sự tại đại học UCLA đã xây dựng được bảng 20 câu hỏi mà sau này được xem là công cụ tiêu chuẩn để cân đong chuyện sầu lẻ bóng. Người trả lời sẽ đánh giá theo 4 cấp độ (không bao giờ, ít khi, thỉnh thoảng, và thường xuyên) cho các câu hỏi như “mức độ thường xuyên mà bạn không có ai để dựa vào hay trò chuyện cảm/ thấy mối quan hệ với người khác không có ý nghĩa/ cảm thấy bị cho ra rìa?”
Bạn có thể thử đo độ Cô Đơn của mình tại: https://psychcentral.com/ quizzes/loneliness-quiz/?
Yên Lam

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. NIỀM VUI
  2. CHÂN LÝ CỦA NIỀM VUI
  3. CÁC MỐI TƯƠNG QUAN

Bài viết khác của tác giả

  1. SỨC MẠNH CỦA NHÂN LÀNH – SỨC MẠNH CỦA THIỆN PHÁP – SỨC MẠNH CỦA BỐ THÍ
  2. CON CHỒN CỦA HÒA THƯỢNG HƯ VÂN
  3. 5 CÁCH NUÔI DƯỠNG TÌNH YÊU THIÊN NHIÊN Ở CON TRẺ

Bài viết mới

  1. THIỀN CẦU NGUYỆN
  2. RƠI VÀO ĐẤT CHẾT, SAU ĐÓ SẼ SỐNG
  3. SỰ KHIÊM TỐN THUYẾT PHỤC