CÓ THỂ GIỮ CHO BỘ NÃO TRẺ TRUNG MÃI KHÔNG?

JIDDU KRISHNAMURTI

Trích: J. Krishnamurti Nói Về Tự Do; Từ Hóa Hoàng Lan biên soạn; NXB. Dân Trí; Công ty xuất bản Thiện Tri Thức, 2023

Liệu có thể giữ cho bộ não trẻ trung không? Liệu có thể khiến bộ não tự trẻ hóa lại không? Bộ não hiện quá già so với những khả năng vô tận của nó; nó đã tiến hóa theo thời gian, theo các sức ép kinh tế, xã hội, nó là một công cụ phi thường, kiểm soát mọi tư tưởng, mọi hoạt động, mọi vận hành giác quan của chúng ta, liệu bộ não có thể trở nên hoàn toàn ngây thơ? Tôi dùng chữ “ngây thơ” theo nghĩa không thể bị tổn thương. Ông yêu cầu mỗi cử tọa, không phải đồng ý với ông, mà quan sát tâm trí và bộ não rất khó thấy của chính mình. Ông hỏi: “Chúng ta có thể thách thức chính bộ não mình xem liệu nó khả năng, năng lượng, động lực, sức mạnh để phá vỡ tính liên tục của quá khứ, để cuối cùng, các tế bào não tự trải qua một sự thay đổi, một sự chuyển hoá?” Ông đang quán chiếu sâu xa. 

“Tư tưởng là một tiến trình có tính cách vật chất, tư tưởng là kết quả của trí nhớ, kinh nghiệm và kiến thức được lưu giữ trong các tế bào não, trong chính tiến trình tư duy. Nó hoạt động theo phương thức cụ thể, liên tục tiến hóa. Tư tưởng, trí nhớ là một phần của bộ não. Bộ não là vật chất, não lưu chứa trí nhớ, kinh nghiệm và kiến thức mà từ đó xuất hiện tư tưởng. Cứ thế, tư tưởng có tính chất liên tục của nó, đặt nền tảng trên kiến thức, là quá khứ; quá khứ luôn vận hành, tự thích nghi với hiện tại và tiếp tục. Trong cái liên tục đó, nó tìm thấy an toàn to lớn trong những niềm tin, ảo tưởng và kiến thức. Trong niềm tin thì có cảm giác được che chở, được “ở trong lòng của Thượng đế”. Đó là ảo tưởng. Trong cái liên tục thì bất cứ xáo trộn nào cũng là thách thức, và khi não không thể phản hồi tương thích thì nó thấy sự an toàn của nó bị xáo trộn”. Ông dừng lại và im lặng, lắng nghe chính mình. 

“Hãy quan sát nội tâm của bạn, hãy quan sát cẩn thận. Chúng ta đang hỏi là liệu bộ não – là bộ não của toàn thể loài người, tiến hóa từ thời cổ sơ, bị điều kiện hóa bởi văn hóa, tôn giáo, áp lực kinh tế và xã hội; có thể nào bộ não đó, vốn có tính liên tục vượt thời gian, phát hiện ra sự kết thúc của tính liên tục theo thời gian ấy không?” Ông yêu cầu người nghe không bị kích động bởi những lời nói của diễn giả vì nếu để như thế tức là phụ thuộc vào người ấy. Lúc ấy diễn giả trở nên có uy quyền với bạn, trở thành ông thầy, guru của bạn. Yêu cầu là bạn phải là ánh sáng cho chính mình, không chấp nhận ánh sáng của ai khác.” 

Ông thảo luận về cái chết như một sự kết thúc hoàn toàn và là sự hủy diệt của bộ não, một kết thúc tính liên tục của cuộc sống. “Để thấu hiểu điều này, ông nói, “liệu chúng ta có thể xem xét “Cái Đang Là” không?” Cái Đang Là là của cuộc đời bạn, của cuộc sống hàng ngày của bạn? Qua các thời đại, chúng ta bám víu vào tính liên tục của đời sống. Chúng ta không bao giờ hỏi xem sự chết có ý nghĩa gì. Chúng ta áp đặt sự chết đối lập với sự sống. Nhưng tính chất liên tục thì thể hiện thời gian. Chuyển động của tư tưởng. Thời gian có nghĩa là chuyển động. Từ đây đến đó – tiếp cận theo phương diện tâm lý thì là từ cái không đẹp đến cái đẹp. 

“Tìm ra cái chết là gì có thể làm cho sự tương tục chấm dứt chăng? Cảm thức sự kéo dài của thời gian có thể chấm dứt chăng?” Ông dừng lại. 

“Sự chết nói với bạn hãy chấm dứt nó”, hãy chấm dứt hoàn toàn những ràng buộc của bạn, bởi vì đó là điều sẽ xây ra khi bạn tắt thở. Bạn sẽ bỏ lại tất cả mọi thứ phía sau. 

Như thế, sự chết hàm ý kết thúc ràng buộc. Chỉ trong kết thúc mới có bắt đầu. 

Chỉ khi đó bộ não mới có thể tự phát hiện ra cho chính nó một phẩm tính của chuyển động hoàn toàn thoát khỏi quá khứ. 

Krishnamurti đặt câu hỏi cho người nghe: “Nếu không có sự kết thúc ấy thì điều gì xảy ra cho tâm trí, cho toàn bộ chuyển động của ý thức của bạn hoặc của tôi, cho ý thức của con người? Cuộc sống như dòng sông mênh mông trong đó có đau thương, phiền muộn, khổ não. Dù phần này chết đi, dòng nước vẫn tiếp tục. Biểu hiện của dòng nước là bạn với danh xưng của bạn và vân vân… nhưng bạn vẫn là một phần của dòng nước ấy. Và chúng ta đang xem xét là: liệu bạn có thể chấm đứt dòng nước đó được không? Bạn nghe kịp chứ? Vì cái “tôi” có tính liên tục. Cái “tôi” là sự bắt đầu không chỉ về mặt di truyền trong gien mà còn được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác trong hàng thiên niên kỷ. Nó là sự liên tục và cái có tính liên tục thì có tính máy móc. Khi bạn quan sát một người xúc phạm hoặc ca ngợi bạn thì não bạn ghi nhận. Như vậy, bạn không bao giờ thật sự nhìn. Sự lưu trữ, ghi lại là cái sinh ra tính liên tục. 

Chúng ta đang đặt ra những nền tảng để khám phá xem thiền định là gì. Tự biết mình là một phần của thiền định. Trong sự thấu hiểu về phiền muộn, đau thương, sợ hãi, khổ não thì bạn thấy rằng ý thức là những gì nó chứa đựng như là truyền thống, khổ não, tên tuổi, địa vị. Ý thức ấy, mà trong nó là bộ não, là một phần của tâm trí, một phần của ý thức – ý thức ấy có thể nhận ra nội dung của nó, nhận ra cảm thức của việc kéo dài và lấy một phần của ý thức ấy làm chỗ bám luyến, và chấm dứt nó một cách tự ý? Điều đó nghĩa là bạn có bẻ gãy tính liên tục ấy không? Có nghĩa là có thể chỉ lưu giữ những gì cần thiết thôi, không ghi nhận bất cứ cái gì khác không? 

Kiến thức luôn luôn có giới hạn. Như vậy, bộ não, đang tìm kiếm an toàn bằng chuyển động của kiến thức, bám víu vào kiến thức và lý giải từng sự việc theo quá khứ. Trong chuyển động kết thúc sự liên tục đó là trật tự trọn vẹn. Cái thấy thấu suốt ấy là cuộc cách mạng trong cấu trúc của bộ não.” 

Chính bộ não ấy đặt mọi sự vào đúng chỗ của chúng. Bấy giờ với cái thấy thấu suốt trọn vẹn về toàn bộ chuyển động của ý thức mà hoạt động và các cấu trúc của bộ não trải qua thay đổi. Khi lần đầu tiên bạn nhìn thấy một cái gì đó thì một chức năng mới bắt đầu vận hành. Cánh tay của bạn, cánh tay này được phát triển do bởi có vận hành. Như vậy, khi bộ não khám phá ra điều gì mới thì một chức năng mới được sinh ra, một cơ quan mới được thành hình. 

Điều thiết yếu là làm cho tâm trí, cho bộ não được trẻ trung, tươi mới, hồn nhiên, sống động, đầy sức sống. Điều này chỉ có thể thực hiện khi không có sự lưu trữ về mặt tâm lý.

Chú thích

MADRAS, ẤN ĐỘ; 14/01/1981. Trích từ ”J.Krishnamurti: A Biography”, tác giả: Pupul Jayakar, NXB. Penguin Books, 2003

 

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. KRISHNAMURTI VỀ Ý NGHĨ
  2. TÔI KHÔNG BIẾT
  3. BÀI CA VỀ CÁI THÂN YÊU

Bài viết mới

  1. LỜI RĂN DẠY CỦA KHỔNG TỬ
  2. “LÀM VIỆC” CŨNG LÀ “LÀM NGƯỜI”
  3. CÁCH GIỮ TẬP TRUNG KHI BẠN BẮT ĐẦU CHÁN MỤC TIÊU CỦA MÌNH