NI SƯ AYYA KHEMA
Trích: Vô Ngã Vô Ưu; Dịch Giả: Diệu Liên – Thu Linh; NXB: Lao Động, CT Sách Thái Hà , in năm 2017
Ni sư Ayya Khema: sinh ngày 25 tháng 8, 1923 tại Berlin, Đức, Mất 21 tháng 11, 1997 (74 tuổi). (Ni Sư đã viết hơn 20 đầu sách về Thiền và Phật giáo bằng tiếng Anh và tiếng Đức. Quyển nổi tiếng nhất là Being Nobody, Going Nowhere (Việt Dịch: Vô Ngã, Vô Ưu), được giải thưởng Christmas Humphreys Memorial Award.
Các sách của Ni Sư được thể hiện bằng một sự hiểu biết sâu xa về các công phu tu hành, thành quả của việc hành thiền, là lời kêu gọi mọi người hãy đơn giản hoá cuộc sống và thanh lọc tâm trí bằng cách ứng dụng những lời Phật dạy.)
—
Vào thời Đức Phật còn tại thế, có một vị tu sĩ trưởng lão, tên là Bahia. Là người đã tu nhiều năm, cũng được bao người kính trọng, vị tu sĩ này nghĩ mình đã đắc đạo. Ông nghĩ mình đã dứt bỏ được nhiều ham muốn, sân hận trong nhiều năm. Một đêm kia, một vị thần hiện ra nói với ông: “Bahia, ông chưa thật sự đạt được giải thoát Giác ngộ. Thật ra, ông còn chưa biết đến con đường đưa đến Giác ngộ”. Nghe vậy, thầy Bahia rất giận, ông nói: “Gì chứ? Tôi mà không biết con đường giải thoát Giác ngộ sao? Vậy ai biết? Hãy nói cho tôi biết mau!”. Vị thần trả lời: “Chính Đức Phật mới là người biết con đường đi đến Giác ngộ. Hãy đến tham kiến Người”.
Thầy Bahia liền hỏi thăm nơi Đức Phật ở. Vị thần liền bảo cho ông biết, lập tức, giữa đêm khuya, thầy Bahia ngồi dậy, bắt đầu đi tìm Đức Phật. Sáng hôm sau, ông tìm đến ngôi nhà nơi Đức Phật đang trú ngụ, nhưng người ta trả lời: “Xin lỗi. Ông không thể gặp Đức Phật bây giờ. Ngài đang đi khuất thực”.
Bahia trả lời: “Tôi sẽ đi tìm Ngài”. Lại được trả lời: “Không. Xin ông đừng đi. Đức Phật không trả lời tham vấn khi Ngài đang đi khuất thực”. Nhưng Bahia nhất quyết làm theo ý mình, vì ông rất nóng lòng muốn biết con đường đưa đến Giác ngộ.
Ông chạy đi tìm và gặp Đức Phật đang trên đường khuất thực. Ông hành lễ Đức Phật và nói: “Thưa Ngài, tôi muốn được hỏi Ngài một câu”. Đức Phật trả lời: “Bahia, ông đã đến không đúng lúc”. Bahia lại hỏi và lại được trả lời: “Ông đã đến không đúng lúc”. Bahia lại hỏi đến lần thứ ba, Đức Phật nói: “Thôi được rồi, Bahia. Thế ông muốn biết điều gì?”. Bahia đáp: “Tôi muốn biết con đường đi đến Giác ngộ”. Đức Phật trả lời: “Này Bahia, khi thấy chỉ thấy. Khi nghe chỉ nghe, khi biết chỉ biết”. Thầy Bahia liền tạ ơn Đức Phật rồi đi.
Buổi chiều, khi Đức Phật cùng đi với các vị đệ tử khác. Ngài nhìn thấy xác Bahia ở bên đường, chết vì một con trâu đâm phải. Đức Phật nói: “Bahia đã chứng đắc Giác ngộ trước khi chết”. Bahia đã tu hành trong ba mươi năm và có thể trong nhiều kiếp trước đó nữa nên đã có thể hiểu ngay những lời dạy của Đức Phật. Khi ta thấy cái gì, đó chỉ là cái thấy, nhưng ta lại vẽ thêm bao nhiêu điều về người hay vật ta thấy, do đó sinh ra thương ghét. Với các giác quan khác cũng thế, kể cả cái biết, cái suy nghĩ. Tất cả các căn đều không thể khiến ta tạo ra Nghiệp kể cả ý căn, trừ khi chúng ta bắt đầu thấy ưa, thấy thích, thấy ghét, thấy chán.Thầy Bahia đã hiểu được điều đó.
Giờ có lẽ chúng ta cũng đã hiểu và có thể thực hành như thế. Điều đó có thể thực hiện trong mọi hoàn cảnh. Tiếng ho, tiếng chó sủa, tiếng cửa mở, tiếng chuyển động – đó là những lúc chúng ta có thể thực hành chỉ nghe tiếng động. Khi ta nhìn thấy một bông hoa đẹp, chỉ tập nhìn mà không nói rằng: “Tôi sẽ trồng loại hoa đó trong vườn”, hay: “Cho tôi đi, tôi sẽ đem hoa cắm trong bình”. Hãy chỉ nhìn và nhận biết được các vọng tưởng khởi lên khi tiếp xúc với các căn.
Các vị A-la-hán, vì đã Thanh tịnh được các căn, đã buông bỏ được mọi ham muốn nên được tự tại. Đó là sự tự tại với chính mình, khi không có gì được, không có gì mất.
Thanh tịnh các căn không có nghĩa là hủy bỏ các căn hay đè nén chúng. Điều này chỉ có nghĩa là nhận biết được các căn bằng trí huệ, biết được bản chất chân thật của chúng. Khi chân bị đau, ta liền biết đó là do xúc chạm. Từ xúc chạm dẫn đến cảm giác, trong trường hợp này là một cảm giác khó chịu. Cảm giác đó dẫn tới ý thức: “Tôi khó chịu quá. Tôi phải thoát ra khỏi cảnh này”. Cũng như với các cảnh, cái nghe, cái thấy khó chịu, ở đây ta cũng muốn thoát khỏi cảm giác khó chịu. Sự thực tập này giúp ta thêm chính niệm, để chấm dứt các hành động theo thói quen. Khi chúng ta có thể Thanh Tịnh dần các căn, lòng ham muốn của ta cũng dần giảm bớt, giúp ta có được sự tự tại. Vì lòng ham muốn khiến Tâm ta xáo trộn, không được an. Lòng ham muốn càng mãnh liệt, sự bất an càng lớn, nhất là đối với những ước muốn không được toại nguyện. Không có được cái ta muốn có là khổ đau. Thanh tịnh các căn dẫn đến sự bình yên…
Trí huệ… Thật thú vị khi biết trí tuệ là một trong mười lăm điều kiện, vì ta thường nghĩ con người được sinh ra hoặc là có trí tuệ hoặc là không. Nhưng rõ ràng không phải thế. Nếu ta nằm trên giường ba tháng, ta phải học đi trở lại. Nếu ta không sử dụng cái đầu ta phải học lại cách suy tư. Trí tuệ là cái có thể rèn luyện và phải được vun trồng bằng phương pháp luyện Tâm trong thiền định. Nếu không tu tập Thiền rất khó định được Tâm. Tâm không uốn nắn muốn đi đâu thì đi, từ hạnh phúc đến khổ đau, từ lo âu đến sợ hãi, từ phấn chấn đến trầm cảm, từ ham muốn đến nhàm chán. Tâm được rèn luyện trong Thiền quán có thể sử dụng khả năng bẩm sinh của mình một cách hữu hiệu nhất. Cần phải có trí tuệ mới hiểu được những lời dạy của Đức Phật. Tâm sáng suốt là Tâm nhanh nhẹn, có thể đổi thay theo hướng dẫn của ta. Nó sẽ đi đến nới nào ta muốn và còn có thể phát triển. Nó không cố chấp bám vào những thói quen, lề thói, phong cách cũ mòn. Nó có thể phát triển.
???
Trích: Vô Ngã Vô Ưu
Tác giả: Ni Sư Ayya Khema
Dịch Giả: Diệu Liên – Thu Linh
NXB: Lao Động, CT Sách Thái Hà , in năm 2017
Ảnh: Nguồn Internet