CON ĐƯỜNG GIÁC NGỘ: TRÍ HUỆ VÀ ĐẠI BI

HH. DALAI LAMA XIV

Trích: “Con Đường Giác Ngộ trí huệ và đại bi” Tác giả: Đức Đạt Lai Lạt Ma Ban dịch thuật Thiện Tri Thức chuyển ngữ Nhà Xuất Bản Hà Nội - Thaihabooks

——-🌿🌺🌿——-

🌿 Bao giờ trí huệ cho phép thấu hiểu cách thế hiện hữu của các hiện tượng còn chưa có ở bạn,
Dù bạn đã làm nảy sanh ý chí hoàn hảo muốn thoát ly sanh tử và ý định vị tha,
Thì gốc rễ vòng sanh tử vẫn chưa được cắt đứt.
Thế nên, hãy tự thắng mình vào những phương tiện để chứng ngộ duyên sanh.🌿

Khi nói đến “cách thế hiện hữu của những hiện tượng”, Tsongkapa kéo sự chú ý của chúng ta về cách thức chúng tồn tại trong chiều kích vi tế nhất của hiện hữu, ở mức độ thực tại tối hậu. Không phải những cách thức hiện hữu khác nhau một cách quy ước, mà là cái mà cái thấy đúng đắn về tính Không phát hiện trong phân tích rốt ráo. Trong bối cảnh hai chân lý, đó là cái mà người ta gọi là chân lý tối hậu.

Khi nào chúng ta còn thiếu trí huệ bổn nhiên, những cố gắng căng thẳng để đánh thức nguyện vọng thoát khỏi sanh tử và ý định vị tha nhắm đến giác ngộ đều bất lực trong việc gỡ chúng ta ra khỏi vòng sanh tử; bởi vì chính vòng sanh tử bắt rễ trong sự vô minh về thực tại này, trong sự huyễn hoặc làm mù lòa chúng ta về con người mình và phần còn lại của vũ trụ. Để chấm dứt vô minh này, chúng ta phải đánh thức một tâm thức thâm nhập nó trong khi vẫn thấy biết cùng những chúng sanh, cùng những hiện tượng, thấu hiểu được chúng trong một toàn cảnh hoàn toàn đối nghịch với tri giác sai lầm. Hai phương diện chính đầu tiên tham gia gián tiếp vào kết quả này, nhưng không tấn công trực tiếp vào sự lầm lạc là chính gốc rễ của vòng sanh tử. Thế nên trí huệ là không thể thiếu đối với chúng ta.

Nếu Tsongkapa cổ vũ chúng ta “tự thắng mình vào những phương tiện để chứng ngộ duyên sanh” mà không phải “những phương tiện để chứng ngộ tính Không”, bởi vì ý nghĩa của duyên sanh thì bao hàm trong ý nghĩa của tính Không, và ý nghĩa của tính Không cũng ẩn chứa trong ý nghĩa của duyên sanh. Nói cách khác, ngài hướng cái nhìn của chúng ta về sự kiện rằng tính Không là ý nghĩa của duyên sanh, và duyên sanh là ý nghĩa của tính Không. Thấu hiểu như vậy, người ta tránh được những lỗi lầm của hai cái nhìn cực đoan, từ đó là sự khuyên nhủ nên cố gắng trong chiều hướng này.

Người ta không nên hiểu tính Không như là sự phủ định thuần túy và đơn giản mọi sự, nhưng như là sự từ chối một hiện hữu tự thân – sự phủ định hoàn toàn tương hợp với nguyên lý duyên sanh. Nếu các bạn không thấy rằng tính Không và duyên sanh soi sáng lẫn nhau, các bạn có nguy cơ hiểu lầm về tính Không và giải thích nó như là chủ nghĩa hư vô: đấy không chỉ là một sự trái nghĩa, mà còn là một lỗi lầm trầm trọng, bởi vì thay vì làm phong phú chúng ta, nó đẩy chúng ta rớt vào cái bẫy của cái nhìn cực đoan của hư vô. Tsongkapa tiếp tục bằng cách làm rõ hơn nữa tư tưởng duyên sanh:

🌿 Người nào, nhìn thấy nhân và quả của mọi hiện tượng của vòng sanh tử và của Niết Bàn như là một nguyên lý không sai chạy,
Gạt bỏ hết ý tưởng sai lầm (hiện hữu tự thân) dính kết với những sự vật này
Đã bước đúng con đường làm Phật hoan hỷ.🌿

Khi sự phân tích cách thế hiện hữu tối hậu của những hiện tượng cho phép chúng ta hiểu rằng những cá nhân (ngã) cũng như những sự vật (pháp) đều không có tự tính, điều ấy không ngăn cản chúng ta chấp nhận một cách rõ ràng tính nhân quả của chúng, đó là dấu hiệu chúng ta đang đi đúng con đường làm Phật hoan hỷ. Sự thấu hiểu tính Không không bài trừ sự thấu hiểu nhân quả. Không thể chối cãi được rằng những nguyên nhân và những kết quả ảnh hưởng một cách có lợi hay bất lợi trên những hiện tượng thế gian và siêu thế gian. Khi tính Không được hiểu với ánh sáng của tiến trình nhân quả không sai chạy, không đứt đoạn, không vô trật tự, nghĩa là trong chính bối cảnh của duyên sanh, chỉ sự kiện chứng ngộ này đủ để chặt phăng những ý niệm sai lầm.

🌿 Khi nào hai cái này: Sự thấu hiểu những hình tướng
– Sự hẳn nhiên của duyên sanh –
Và sự thấu hiểu tính Không
– sự phủ định (của hiện hữu tự thân) –
Còn hình như tách lìa, tư tưởng của Phật Thích Ca còn chưa được chứng ngộ.🌿

Cái thấy đúng không phải là sự thấu hiểu những hình tướng, với tư cách là duyên sanh không hỗn loạn, và sự thấu hiểu về tính vô tự tính của chúng hình như bài trừ lẫn nhau. Nói cách khác, nếu cái này không giúp các bạn thấu hiểu cái kia hay làm cho cái kia không thể chấp nhận được, đó là vì các bạn đã không nhận thức được tư tưởng của Phật Thích Ca; đến nỗi rằng khi các bạn cảm nhận tính Không, sự thấu hiểu về duyên sanh trở nên mờ mịt, và ngược lại; hai sự thấu hiểu chuyển đổi nhau như hai sự vật không thể hòa giải; đó là triệu chứng của một sự thiếu vắng cái thấy đúng đắn.

🌿 Khi (hai sự thấu hiểu) soi sáng lẫn nhau mà không thay thế,
Và cùng cái thấy tính không sai chạy của duyên sanh
Một trí thông minh sắc bén cắt đứt sự lầm lạc của tri giác (về hiện hữu tự thân)
Đó là dấu hiệu sự phân tích về cái thấy (thực tại) đã hoàn thành.🌿

Trí thông minh có thể xuyên thủng sự sai lầm trong ý niệm về hiện hữu tự thân được thức tỉnh khi hành giả vượt qua sự gạn lọc của lý luận đối với một đối tượng được chỉ định và nhận ra rằng danh hiệu của nó chẳng che phủ một cái gì cả. Lý luận phán đoán trong bảy điểm là phương pháp thường dùng cho mục đích này, và thân thể thường thường làm một đối tượng để nghiên cứu. Từng điểm một, hành giả chứng minh rằng thân thể liên quan đến những yếu tố khác, nó tất yếu tùy thuộc, vậy thì không có khả năng hiện hữu bởi tự mình. Và người ấy đi đến chỗ kết luận rằng đối tượng chỉ là duyên sanh, vô tự tính. Trong tiến trình này, trước tiên hành giả làm lộ ra cái không hiện hữu, để tiếp theo có thể phát biểu cái còn lại, tức là một hiện tượng sanh ra nhờ vào những tương tác.

Khi người ta dùng lý luận trong bảy điểm để tra hỏi song song bản chất một con người xuất hiện trong giấc mộng và bản chất một con người trong trạng thái thức, người ta không thấy trong cả hai trường hợp một thực thể tự hiện hữu nào. Nhưng người ta không thể nói cả hai đồng nhất, vì kinh nghiệm và sự hiểu biết quy ước về sự vật khước từ khẳng định này. Ngược lại, khi người ta nêu ra một con người thực sự là một con người, người ta không bị một bác bỏ thuộc loại này.

Chúng ta hãy tóm lại. Mặc dù lý luận trong bảy điểm không cho phép khám phá ra một con người, không nên nói nghịch lại với sự hiểu biết đúng đắn của một quan điểm quy ước mà cho rằng con người không hiện hữu. Biết rằng con người không lộ ra từ lý luận, nhưng luôn luôn hiện hữu, vậy chúng ta tiến đến chỗ con người không hiện hữu bởi khả năng của chính nó, mà bởi tương quan với những yếu tố khác mà nó tùy thuộc. Cũng như ý nghĩa của cái “không có một khả năng tự hiện hữu” đi đến ý nghĩa “tùy thuộc vào tương quan với những cái khác”. Để thiết lập chứng cớ tính Không của những hiện tượng, Nagarjuna và những đệ tử đã dựa một cách thoải mái vào nguyên lý duyên sanh, và đặc biệt, vào sự kiện những hiện tượng tùy thuộc những nhân, duyên… chúng tham dự vào sự biểu lộ của các hiện tượng.

Chúng ta hãy nghe Nagarjuna trong Trung Đạo Luận:

🌿 Biết rằng không có gì hiện hữu mà không là duyên sanh,
Nên không có gì hiện hữu mà không là Không.
Và trong Bốn Trăm, Aryadeva tuyên bố:
Không có (hiện tượng nào) có quyền hiện hữu bởi tự nó.
Vậy thì, không có tự ngã (của con người).🌿

Không có hiện tượng nào là tự hữu, vậy thì tất cả đều không tự tính và không có gì có thể tự lập bởi những đặc tính cá nhân. Để chứng minh chúng trống không, những tác giả của những câu kệ trên không nói rằng những đối tượng không được thấy, được xúc chạm, được biểu lộ; “không” không có nghĩa là không tác động, không hiện hành, mà là không có quyền hiện hữu tự mình. Hơn nữa, chúng không tự sanh từ những nguyên nhân và điều kiện, chúng tùy thuộc những nguyên nhân và điều kiện. Chúng xuất hiện theo cách thức một ảo ảnh, do một nhà ảo thuật trình diễn. Khi người ta hiểu tính Không của đối tượng được khảo sát và nguồn gốc tương duyên của nó, người ta chứng ngộ rằng sự xuất hiện của nó là một hệ quả tất yếu, mạch lạc và đồng thời không có tự tính. Hai nguyên lý này không trái ngược nhau chút nào, ngoài sự thấu hiểu này, các bạn sẽ nghĩ rằng không thể áp dụng cho một đối tượng hai yếu tố là thực tại không tạo tác của tính Không và sự biểu lộ tạo tác của duyên sanh.

Ngược lại, khi các bạn xác định rằng những hiện tượng là trống không bởi vì chúng đều là duyên sanh, sự thấu hiểu sự biểu lộ của chúng và sự thấu hiểu tính Không của chúng thì không thể chia cách. Sự biến mất của ý tưởng có tự tính của đối tượng để lại trong tâm thức một khoảng trống, nó là sự phủ nhận thuần túy cái mà người ta đã rời bỏ; một sự vắng mặt không phải lấp đầy bằng một xác nhận nào đó. Vậy thì tính Không chỉ xuất hiện với sự loại bỏ đối tượng cần bác bỏ. Ví dụ, để nhận ra sự vắng mặt của bó hoa trước mặt tôi, phải loại bỏ sự hiện diện của nó. Khi chúng ta nói đến tính Không như một phủ định thuần túy sự tự hiện hữu, chúng ta diễn tả rất rõ ràng cách thế mà nó biểu lộ cho tâm thức thiền giả: Chúng ta không nói rằng vào lúc đó không có ý thức cũng như không có con người thấu hiểu tính Không.

Vậy, với tư cách là những duyên sanh do các tương tác, những hiện tượng là không có tự tính. Dùng duyên sanh như là sự chứng minh cho tính trống không này, hành giả dễ dàng tránh được hai cực đoan là hiện hữu tự thân và không hiện hữu tuyệt đối.

Khi tính Không tức khắc được hòa hợp với đối tượng ngay khi nó xuất hiện với tư cách là duyên sanh, người ta thấu hiểu rất dễ dàng nó là gì. Và khi người ta không cần một biện minh nào khác ngoài duyên sanh để bày tỏ tính Không thay vì nghi ngờ, thì cái này làm sáng tỏ cái kia. Bấy giờ không còn nữa sự chập chờn qua lại giữa cái thấy những hình tướng và cái thấy tính Không làm chúng hình như dị biệt; đó là bằng chứng sự phân tích đã hoàn thành.

—🌿🌿🌿—

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. NHỮNG CÂU NÓI CỦA DALAI LAMA 14TH
  2. TÂM TỪ BI: CON NGƯỜI MÀ CHÚNG TA MUỐN TRỞ THÀNH
  3. TÂM BÌNH AN TRƯỚC NHỮNG KHÓ KHĂN KHÔNG THỂ TRÁNH

Bài viết mới

  1. HÀO PHÓNG – VẼ LẠI NHỮNG LẰN RANH
  2. NHỮNG KẺ ĐỊCH THÂN CẬN
  3. KHẢ NĂNG TRUYỀN CẢM HỨNG