CƠN NGHIỆN SỰ BẬN RỘN – ĐIỀM TĨNH TRONG BẬN RỘN

MARC LESSER

Trích: Điềm Tĩnh Trong Bận Rộn - ít hơn hiệu quả hơn; dịch giả: Thu Hương; NXB Thanh Niên

CƠN NGHIỆN SỰ BẬN RỘN

Chúng ta đều có những lúc bị quá tải bởi sự bận rộn. Nhưng nếu bạn nhận thấy bản thân thường xuyên thoải mái với điều đó, hoặc khoe khoang mình bận quá mức như thế nào, bạn có thể băn khoăn mình có đang trở nên “nghiện” sự bận rộn hay không? Bạn có từng thuyết phục bản thân rằng mình sẽ phát triển mạnh mẽ bằng cách làm việc không ngừng nghỉ không? Bạn có thường xuyên cảm thấy hài lòng về mặt thể chất hay cảm thấy được tiếp năng lượng từ việc “đa nhiệm” – từ sự hồi hộp của một lịch làm việc dày đặc vượt quá khả năng của con người, hoặc từ sự thôi thúc khi xử lí những thời hạn gấp rút đến không tưởng và hoàn thành nó bằng mọi giá, đánh đổi cả sức khỏe và cuộc sống gia đình? Vào cuối ngày, bạn vẫn tràn đầy sự phấn khích, và/hoặc cảm thấy sự căng thẳng của ngày làm việc trong cơ thể? Khi không làm việc, bạn có gặp khó khăn trong việc tập trung và bình tĩnh không? Bạn có cảm thấy trống rỗng không?

Nếu câu trả lời là có đối với hầu hết những câu hỏi trên bạn có thể sẽ muốn xem xét xây dựng một cách tiếp cận bền vững hơn đối với công việc và các hoạt động nói chung. Rất có thể sức khỏe trong hiện tại và tương lai của bạn sẽ phụ thuộc vào điều này.

Điều đặc biệt mỉa mai là những người làm việc hướng tới sự bền vững – những người làm trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và y học, cải tạo môi trường và thay đổi xã hội, và rất nhiều người trong các ngành phi lợi nhuận – lại thường làm việc trong một môi trường mà sự bận rộn lấn át cả công việc và cuộc sống cá nhân, có thể được miêu tả bằng bất kì điều gì ngoại trừ sự bên vững. Trong tình huống trớ trêu này, mọi người về cơ bản là đã hi sinh lợi ích cá nhân cho lợi ích chung. Tuy nhiên, trong khi hoàn toàn coi trọng mức độ và sự cấp thiết của những khó khăn cần được giải quyết – những vấn để, những sự khổ đau trong cộng đồng và thế giới của chúng ta đều rất lớn và cần được chú ý ngay lập tức – tôi đã nhận ra rằng việc theo đuổi những giải pháp một cách điên cuồng, gần như liều lĩnh thường dẫn tới những kết quả không mong muốn hoặc phản tác dụng.

Chúng ta gần như không nhận ra rằng, sự bận rộn đã trở thành một thứ giống như huy hiệu danh dự. Trong ngắn hạn, cảm giác tự hài lòng mà nó đem lại có thể khiến chúng ta cảm thấy rất tuyệt. Nhưng bận rộn không phải là một cách sống bền vững. Kể cả khi chúng ta tự trở nên bận rộn với những ý định tốt đẹp nhất, việc này cũng có thể trở thành một cách né tránh những vấn đề sâu sắc hơn về mục đích và ý nghĩa cuộc sống. Nó có thể làm tổn hại chiều sâu và tính chân thực trong những mối quan hệ của chúng ta với người khác.

THẾ GIỚI NGÀY CÀNG ỒN ÀO VÀ BẬN RỘN CỦA CHÚNG TA

Chỉ mới vài năm trước thôi, khi rời khỏi chỗ làm, ta để lại tất cả công việc của mình. Giờ đây, dù đi tới đâu, công việc cũng có thể theo chân ta qua điện thoại di động, thư điện tử, tin nhấn và mạng internet. Giờ đây chúng ta đã có khả năng giao tiếp mọi nơi và theo mọi cách mình muốn; nhưng dòng chảy thông tin dường như là một mạch nước nóng luôn phun trào và lần ranh giữa công việc và gia đình ngày càng nhạt nhòa dần. Chúng ta có thể làm việc không chỉ trong khi lái xe mà cả khi ở bên gia đình, khi đi bộ trên phố hay ăn tối tại nhà hàng. Thỉnh thoảng điều này dường như là cần thiết: thư điện tử được gửi đến với tốc độ của một thác nước chảy xiết, tung bọt trắng xóa, khiến chúng ta sợ hãi những gì sẽ chờ đợi mình vào sáng hôm sau nếu không trả lời ngay lập tức (và lại trả lời một lần nữa vào lúc tối muộn). Tại nhà, chúng ta dễ bị sa đà vào việc kiểm tra hòm thư điện tử, hộp thư thoại và luôn kết nối với công việc 24/7. Dần dần, điều này trở thành kì vọng của công việc đối với chúng ta – rằng ta sẽ luôn sẵn sàng cả ngày lẫn đêm. Nhưng sự giao tiếp liên tục và đầy thận trọng này có nghĩa là ta thường cố gắng làm mọi việc cùng một lúc, chứ không làm một việc trong một thời điểm. Chúng ta hi sinh thời gian tư duy và suy ngẫm, hi sinh việc hiện diện một cách trọn vẹn với những người mình đang ở bên (đồng nghiệp, bạn bè hay gia đình), và gây tổn hại đến cảm giác thoải mái và sự tái tạo năng lượng của chính mình. Máy tính, mạng internet và điện thoại di động dĩ nhiên là những công cụ hữu ích trong công việc – đây là điều không thể bàn cãi. Công nghệ trong kỉ nguyên kĩ thuật số đã giúp chúng ta tiến hành các giao dịch dễ dàng hơn rất nhiều, cải thiện tốc độ và thường là cả chất lượng của giao tiếp trong công việc. Chỉ là trong vô thức, chúng ta có thể bị nghiện những thông tin liên tục được gửi đến, cho đến khi ta quên rằng bản thân mình có sức mạnh để tắt những đồ công nghệ ấy đi. Sự “kết nối” liên tục này có thể khiến chúng ta nhầm lẫn giữa sự bận rộn với hiệu quả trong công việc, giữa thông tin với sự thấu hiểu, giữa trò chuyện hoặc nhắn tin với việc thực sự giao tiếp và kết nối về mặt cảm xúc với những người chúng ta “kết nối” cùng. Việc gõ bàn phím, nhắn tin và đa nhiệm công nghệ không ngừng nghỉ chỉ để lại rất ít thời gian cho sự yên tĩnh – điều có thể đem đến một chút hài lòng và an nhiên cho cuộc sống của chúng ta.

Thường thì chỉ cần 20 phút, hoặc thậm chí 20 giây “thời gian nghỉ” – thời gian, theo nghĩa đen, chúng ta ngừng kết nối – để chúng ta trở về với hơi thở và cơ thể của mình; có thể đem lại tác dụng rất tốt đối với não bộ, hệ thần kinh, bàn tay, cánh tay và lưng của chúng ta. Thậm chí tốt hơn, 20 phút Thiền hoặc chiêm nghiệm (việc này sẽ được thảo luận sâu hơn trong chương 4), là một món quà luôn sẵn có cho bản thân mỗi người. Đây là một cách tuyệt vời để xoa dịu những dây thần kinh của chúng ta khi chúng rối loạn và sắp bùng nổ.

LÀM ÍT HƠN, CHỨ KHÔNG PHẢI LÀ KHÔNG LÀM GÌ CẢ

Trong suốt những năm hoàn thiện bản thảo cuốn sách này, tôi đã nhắc đến tiêu đề của nó là “Làm ít hơn, đạt được nhiều thành tựu hơn” với mọi người. Ba từ “làm ít hơn” thuộc sự đã thu hút được sự chú ý, như thế tôi đang ném một chiếc phao cứu sinh cho những người vô tình bị một dòng chảy mạnh đẩy xuống dòng sông. Nỗi khao khát được làm ít hơn là rất rõ ràng. Tôi thấy rất nhiều người cảm thấy quá tải và thất vọng với công việc và cuộc sống cá nhân của mình. Danh sách những điều khiến chúng ta căng thẳng cứ như kéo dài mãi. Có quá nhiều lựa chọn, quá nhiều lo lắng và quá ít cảm giác hài lòng và đạt được thành tựu.

Khi tôi đề cập đến tiêu đề cuốn sách, hình ảnh đầy hấp dẫn, gần như chỉ có trong truyện cổ tích xuất hiện trong tâm trí một số người – ngồi trên ghế sofa, chân gác lên thành ghế, không làm gì cả – trong khi đó ngôi nhà tự dọn dẹp sạch sẽ một cách thần kì và không tốn chút công sức nào. Trong những ảo tưởng về công việc, mọi người tưởng tượng mình ngồi tại bàn làm việc, thư giãn, lướt Internet, nhấm nháp một tách cà phê lớn – trong khi không phải nhận bức thư điện tử hay cuộc điện thoại nào, những công việc thì tự hoàn thành và bằng một cách nào đó sự nghiệp cứ phát triển và thu nhập cứ tăng.

Rủi thay, ngồi yên trên ghế hay ngồi tại bàn làm việc thì cũng chỉ là ngồi yên. Việc này không giống với “ngồi Thiền” chúng ta sẽ thảo luận sau về hoạt động này. Ngồi yên và không làm gì cả chắc chắn là một cách để “làm ít hơn”, nhưng những thành tựu đạt được cũng ít hơn; và hi vọng điều ngược lại xảy ra chỉ cho thấy sự lười biếng hoặc là một suy nghĩ viễn vông. Tôi kêu gọi chúng ta “làm ít hơn”, nhưng không có nghĩa là tán thành việc không làm gì cả, hay nói rằng chúng ta phải hi sinh năng suất trong cuộc sống của mình. Thực ra, tôi đang trân trọng sự bao la vô tận của biển khơi mà Antoine de Saint-Exupéry ngụ ý một cách rất nên thơ trong câu trích dẫn ở phần mở đầu chương này. Quá thường xuyên, chúng ta dành thời gian bận rộn làm việc quần quật, mà quên mất mình đang xây dựng điều gì và vì sao mình lại làm việc đó – và cuối cùng lãng phí những nỗ lực tốt nhất của bản thân.

Tôi hi vọng rằng khi làm ít hơn, bạn sẽ có khả năng quyết định năng suất và sự cống hiến thực sự của bạn mỗi ngày là gì. Chỉ có bạn mới định nghĩa được chính xác đại dương bao la đó là gì đối với bản thân. Chỉ bạn mới có thể biết điều mình thực sự mong mỏi, những thực tế khó khăn trong sự nghiệp và cuộc sống cá nhân mà mình phải đối mặt là gì. Tôi hi vọng cuốn sách này sẽ giúp bạn phát hiện những điều đó rõ ràng hơn, cũng như cung cấp cho bạn những công cụ và chiến lược đặc biệt để hoàn thành những mục tiêu ấy.

Bài viết này đã đóng bình luận.


Bài viết khác của tác giả

  1. BÍ MẬT CỦA HẠNH PHÚC: THÓI QUEN
  2. QUY TRÌNH BỐN BƯỚC CHO SỰ SÁNG TẠO TRUYỀN CẢM HỨNG
  3. THIỀN SƯ VÀ NHÀ LÃNH ĐẠO KINH DOANH

Bài viết mới

  1. TRAO MỘT LỜI KHEN
  2. CÁI NHÌN CỦA NGƯỜI KHÁC CÓ THỂ CỨU CHỮA HAY GIẾT CHẾT TA
  3. HẠNH PHÚC VÌ BIẾT ĐỦ