CON NGƯỜI CÓ THỂ SỐNG ĐẦY ĐỦ MÀ KHÔNG CẦN HAM MUỐN NHIỀU HƠN NỮA

OSAMU TANAKA

Trích: Sống Như Một Cái Cây; Tác giả: Osamu Tanaka; Nguyễn Thị Thủy Anh dịch; NXB Công Thương & Thaihabooks, 2022

Cuộc Sống Tự Cung Tự Cấp

Các loài thực vật để có thể sinh tồn ngoài tự nhiên đôi khi còn phải sử dụng một kỹ năng đó là: “Không quan tâm đến người khác”, “sống với trách nhiệm của mình”. Các loài thực vật “không quan tâm người khác” vì chúng không cần phải bận tâm đến ai cả. Lý do là bởi chúng có thể sống tự cung tự cấp.

“Tự cung tự cấp” có ý nghĩa là tự mình tạo ra những thứ cần thiết và đáp ứng nhu cầu của bản thân. Và các loài thực vật từ khi sinh ra tới lúc kết thúc cuộc sống đã được thừa hưởng đặc tính này, luôn duy trì cuộc sống tự cung tự cấp đó.

Nếu nói như vậy, chẳng phải chúng ta sẽ không cần tưới nước cho hoa cỏ trồng trong vườn, trong chậu, cho rau canh tác ở đồng ruộng và vườn rau gia đình… hay sao? Chúng ta cũng chẳng cần bón phân hay diệt trừ sâu bệnh: Nhưng nghĩ lại, những sự chăm bón đó đều chỉ là xuất phát từ mong muốn của con người nhằm mục đích cho “hoa cỏ và rau phát triển nhanh chóng và khỏe mạnh” “để thu hoạch được nhiều” mà thôi. Trong tự nhiên, các loài thực vật sống mà không cần con người tưới nước hay cung cấp phân bón. Chúng tự có khả năng cung tự cấp những thứ thiết yếu cho mình và không bao giờ yêu cầu nhiều hơn những thứ ngoài khả năng tự cung cấp.

Sống Trong Phạm Vi Năng Lực Của Mình

Khi quan sát những thực vật này, con người chúng ta chắc hẳn thấy cảm phục với những khả năng tự cung tự cấp đó của chúng. Sức mạnh vốn có của thực vật thực sự nằm ngoài sức tưởng tượng của chúng ta.

Như đã giới thiệu ở phần trước, các loài thực vật sẽ sống phù hợp với hoàn cảnh mà không khoe khoang sức mạnh của mình. Nếu bị đặt vào những hoàn cảnh không thuận lợi để có thể phát huy hết khả năng, chúng sẽ phát triển với dáng vẻ phù hợp với chính nơi đó. Dáng vẻ sinh tồn mạnh mẽ và không khuất phục thông qua cách sống tự cung tự cấp là hình ảnh hoàn hảo nhất đối với thực vật.

Với các loài thực vật, việc “không thể di chuyển” đã tạo ra sự khác biệt lớn với khả năng sinh tồn của động vật. Động vật có thể di chuyển đến mọi nơi cũng chứng tỏ đó là những sinh vật sống ưu việt, là sự tồn tại hoàn hảo.

Tuy nhiên, động vật – bao gồm con người chúng ta một mặt có thể di chuyển đơn giản vì chúng ta có thể đi lại, nhưng cũng có nhiều trường hợp gần như bắt buộc phải di cư vì nếu không thì không thể duy trì được sự sống. Ngược lại, đối với thực vật có thể tự phục vụ những nhu cầu cần thiết nên chúng cũng không cần đi chỗ khác để “tìm kiếm thức ăn”. Vậy nên có thể nói ở một khía cạnh nào đó, chúng hoàn hảo hơn cả động vật.

Tự Mình Làm Thỏa Mãn Bản Thân

Dù động vật – bao gồm con người – làm việc gì, như thực hiện việc sản sinh thế hệ kế tiếp thì cũng phải di chuyển, tìm kiếm đối tượng để sinh con đẻ cái. Nhưng đối với thực vật, chúng giao phó sự di chuyển cho ong và bướm, để ong bướm mang phấn hoa đi khắp mọi nơi, còn bản thân chỉ cần đứng yên vị trí đó.

Chúng ta không cần thiết phải quyết định xem động vật hay thực vật, loài có thể di chuyển hay loài không di chuyển, loài nào là sinh vật ưu việt hơn. Tuy nhiên, khi quan sát thấy thực vật dù luôn phải đứng yên một chỗ mà vẫn sinh sống và phát triển phồn thịnh, có lẽ chúng ta sẽ thay đổi được suy nghĩ rằng chỉ có được di chuyển, được bay nhảy mới là một cuộc sống hoàn hảo. Ngoài ra, chúng ta nhận ra rằng việc có thể đi đến khắp mọi nơi không phải là yếu tố quyết định cho sự phát triển của sinh vật.

Con người cũng cần áp dụng một chút kỹ năng sinh tồn mà ở đó, chúng ta không cần phải cố gắng thay đổi môi trường sống hay né tránh thực tại. Hãy đồng thời kết hợp cùng với khả năng tự cung tự cấp như của thực vật, chấp nhận sử dụng những thứ mình có thể tạo ra thay vì tiếp tục tìm kiếm một cách tham lam rằng “không đủ”, thêm nữa” và theo đuổi sự hoàn hảo vô hình, mong manh.

Nếu cứ cố ép bản thân như vậy, có lẽ chúng ta sẽ mất đi sự “dư dả” về mặt thời gian cũng như vật chất của mình mà thôi.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. HÃY SỐNG TỰ NHIÊN NHƯ MỘT CÁI CÂY

Bài viết mới

  1. NUÔI DƯỠNG TRÍ TÒ MÒ
  2. HIỂU VỀ NỖI ĐAU KHỔ CỦA CHÚNG TA
  3. LỜI RĂN DẠY CỦA KHỔNG TỬ