CON NGƯỜI CỦA DÒNG CHẢY

MIHALY CSIKSZENTMIHALYI

Trích: Dòng chảy; Huỳnh Hiếu Thuận dịch; NXB First News

Những nét đặc trưng, chứng tỏ một tính cách có mục đích tự thân, được bộc lộ rõ ràng bởi những người có thể thưởng thức những tình huống mà thông thường nhiều người sẽ thấy không chịu đựng nổi. Như khi lạc giữa Nam cực hay bị giam cầm giữa một nhà tù, một vài cá nhân thành công trong việc chuyển đổi những điều kiện khốn khổ của họ thành một cuộc đấu tranh có thể kiểm soát và thậm chí còn thú vị, trong khi hầu hết những người khác sẽ không chịu được thử thách. Richard Logan, người đã nghiên cứu các ghi chép của nhiều người gặp những hoàn cảnh khó khăn, kết luận rằng họ đã sống sót bằng cách tìm kiếm những con đường để biến những điều kiện khách quan ảm đạm thành trải nghiệm chủ quan có thể kiểm soát. Họ thực hiện theo bản thiết kế của các hoạt động dòng chảy. Đầu tiên, họ cực kỳ chú ý đến những chi tiết nhỏ nhất về hoàn cảnh của mình, khám phá ra trong đó những cơ hội tiềm tàng cho hành động phù hợp với những khả năng của họ, căn cứ theo hoàn cảnh. Rồi họ lập ra những mục tiêu thích hợp với tình huống hiểm nghèo của mình và giám sát chặt chẽ quá trình thông qua những phản hồi mà họ nhận được. Bất cứ lúc nào chạm được đến mục tiêu, họ tăng mức đặt cược, tiếp tục đề ra những thách thức phức tạp hơn cho bản thân.

Christopher Burney, một tù nhân của chế độ Phát xít bị biệt giam trong một khoảng thời gian dài suốt Thế chiến thứ hai, nêu lên ví dụ khá điển hình cho quá trình này:

Nếu phạm vi của trải nghiệm đột nhiên bị giới hạn và chúng ta chỉ còn lại một chút thức ăn nuôi dưỡng suy nghĩ hay cảm xúc, chúng ta có khuynh hướng chọn lấy vài đối tượng có sẵn và đặt ra hàng loạt những câu hỏi, thường là khá ngu ngốc, về chúng. Cái này có hoạt động không? Hoạt động như thế nào? Ai đã làm ra nó và làm từ cái gì? Và song song đó là, lần cuối cùng mình nhìn thấy nó là khi nào và ở đâu và nó còn gợi nhớ đến điều gì khác không?… Vậy là chúng ta khởi động một dòng chảy tuyệt vời của sự kết hợp và liên kết trong tâm trí mình, độ dài và sự phức tạp của nó chẳng mấy chốc sẽ xóa mờ xuất phát điểm khiêm tốn của quá trình… Lấy ví dụ là chiếc giường của tôi, nó có thể được so sánh và phân vào loại sơ sài như kiểu giường ở trường học hay trong quân đội… Khi tôi đã xong xuôi với cái giường thứ vốn quá đơn giản nên không thể khiến tôi hứng thú lâu dài, tôi bắt đầu cảm nhận cái chăn, ước chừng độ ấm của nó, xem xét cơ chế nghiêm ngặt của ô cửa sổ, sự bất tiện của nhà vệ sinh…tính toán chiều dài và chiều rộng hướng và chiều cao của phòng giam.

Về cơ bản, tính khéo léo tương tự trong việc tìm kiếm cơ hội cho hoạt động tinh thần và thiết lập mục tiêu cũng được trình bày bởi những người sống sót từ bất kỳ nhà tù biệt giam nào, từ những nhà ngoại giao bị khủng bố bắt giữ, cho đến những phụ nữ lớn tuổi bị giam bởi những người cộng sản Trung Hoa. Eva Zeisel, nghệ nhân đồ gốm bị cảnh sát thời Stalin giam ở nhà tù Lubyanka tại Moscow trong hơn một năm, đã giữ mình tỉnh táo bằng cách nghĩ xem mình sẽ làm một chiếc áo lót từ những vật liệu có sẵn như thế nào, cô chơi cờ với chính mình trong đầu, tưởng tượng ra những cuộc đối thoại bằng tiếng Pháp, tập thể dục và học thuộc lòng những bài thơ do chính mình sáng tác. Alexander Solzhenitsyn mô tả cách một trong những người bạn tù của ông ở nhà tù Lefortovo vẽ bản đồ thế giới lên sàn nhà, rồi tưởng tượng chính mình đang du lịch qua châu Á, châu Âu, rồi đến châu Mỹ, tầm vài ki-lô-mét mỗi ngày. “Trò chơi” tương tự được khám phá một cách độc lập bởi rất nhiều tù nhân; chẳng hạn như Alban Speer, kiến trúc sư thân tín của Hitler, đã cố gắng sống trong nhà tù Spandau trong vài tháng bằng cách giả vờ mình đang trong chuyến du lịch đường bộ từ Berlin đến Jerusalem, mà trong đó trí tưởng tượng của ông đã vẽ ra toàn bộ những sự kiện lẫn phong cảnh dọc đường đi.

Một người quen cũ của tôi làm ở cơ quan tình báo không quân Hoa Kỳ kể câu chuyện về một anh phi công bị bắt giam ở miền Bắc Việt Nam trong nhiều năm và đã mất hơn ba mươi sau kí lô cùng phần lớn sức khỏe của anh tại một đồn trú quân trong rừng. Khi anh được thả, một trong những việc đầu tiên anh muốn làm là chơi một trận gôn. Trước sự ngỡ ngàng của những người đồng đội, anh đã chơi một trận tuyệt vời, bất chấp thể trạng gầy gò của mình. Trước những câu hỏi của họ, anh trả lời rằng khi bị giam, mỗi ngày anh đều tưởng tượng chính mình đang chơi trên sân gôn mười tám lỗ, cẩn thận lựa chọn những cây gậy và tiếp cận, điều chỉnh hướng đi của bóng một cách có hệ thống. Sự rèn luyện trí óc này không chỉ giúp anh giữ được sự tỉnh táo, mà còn giúp những kỹ năng thuộc về thể chất của anh được mài giũa.

Tollas Tibor, một nhà thơ trải qua nhiều năm trong nhà tù biệt giam suốt những giai đoạn hoạt động mạnh mẽ nhất của cộng sản Hungary, đã nói rằng tại nhà tù Visegrád, nơi hàng trăm trí thức bị bắt giam, những người bạn trong tù đã giữ cho mình luôn bận rộn bằng cách nghĩ ra cuộc thi dịch thơ kéo dài hơn một năm. Đầu tiên, họ phải quyết định đâu là bài thơ nên dịch. Mất vài tháng để truyền thông tin bầu chọn cho những ứng cử viên từ phòng này sang phòng khác và thêm vài tháng truyền những tin nhắn bí mật khéo léo trước khi kiểm đếm phiếu bầu. Cuối cùng, người ta cũng đồng ý rằng bài thơ O Captain! My Captain (tạm dịch: Ôi thuyền trưởng! Thuyền trưởng của tôi!) phản bởi vì nó là bài mà hầu hết những tù nhân có thể nhớ của Walt Whitman là bài sẽ được dịch sang tiếng Hungary, một được bản gốc tiếng Anh. Đến đó thì bắt đầu công việc nghiêm túc mọi người ngồi xuống để viết ra bài thơ với phiên bản của riêng mình. Vì không có sẵn giấy hay dụng cụ viết, Tollas đã phủ một lớp xà phòng lên đế giày và khắc những chữ cái lên đó bằng que tăm. Khi thuộc nằm lòng được một câu thơ, anh phủ đế giày bằng một lớp xà phòng mới. Khi những khổ thơ được viết xong tự người dịch phải ghi nhớ chúng và truyền đạt phòng giam kế tiếp. Sau một thời gian, một tá những phiên bản của bài thơ được lan truyền khắp nhà tù và mỗi bài được đánh giá và bình chọn bởi tất cả những bạn tù. Sau khi các bản dịch bài thơ của Whitman được bình chọn xong các tù nhân tiếp tục chuyển sang một bài thơ của Schiller.

Khi nghịch cảnh đe dọa làm tê liệt chúng ta, chúng ta cần giành sự kiểm soát bằng cách tìm một hướng đi mới để đầu tư năng lượng tinh thần vào đó, một hướng đi nằm ngoài tầm với của những tác động bên ngoài. Khi mỗi khát vọng vụn vỡ, con người vẫn phải đi tìm một mục tiêu ý nghĩa quanh mình để tổ chức lại cái tôi của họ. Khi đó, dù khách quan người đó có là một nô lệ, thì anh ta cũng tự do một cách chủ quan. Solzhenitsyn mô tả rất chân thực cách mà ngay cả một tình huống tồi tệ nhất cũng có thể biến thành một trải nghiệm dòng chảy: “Thỉnh thoảng khi đứng xếp hàng với những tù nhân đang tuyệt vọng, giữa tiếng thét của quản ngục trang bị súng máy, tôi cảm thấy sự dồn dập của những nhịp điệu và hình ảnh thoáng qua trong đầu… Vào những khoảnh khắc như vậy, tôi tự do và hạnh phúc. Một vài tù nhân cố gắng vượt ngục bằng cách xông vào hàng dây thép gai. Đối với tôi, chẳng có dây thép gai nào cả. Tôi chẳng vượt ngục, nhưng tôi thực sự đã ở trên một chuyến bay cách đó rất xa”.

Không chỉ các tù nhân thuật lại những chiến lược để vực dậy sự kiếm soát ý thức của họ như vậy. Những nhà thám hiểm như Admiral Byrd, người từng một mình trải qua bốn tháng tăm tối và lạnh lẽo trong một túp lều nhỏ gần Nam cực, hay Charles Lindbergh, đơn độc đối mặt với những yếu tố khắc nghiệt trên chuyến bay vượt Đại Tây Dương của mình, cũng đã viện đến những cách thức tương tự để gìn giữ sự toàn vẹn của chính họ. Thế nhưng điều gì khiến một vài người có thể giữ được sự kiểm soát nội tại, trong khi những người khác lại bị những gian khổ ngoại tại cuốn đi?

Richard Logan đưa ra một câu trả lời dựa trên những ghi chép của nhiều người sống sót, bao gồm cả Viktor Frankl và Bruno Bettelheim (1), những người đã suy ngẫm về nguồn sức mạnh dưới nghịch cảnh khốn cùng. Ông kết luận rằng đặc tính quan trọng nhất của những người sống sót là “Chủ nghĩa cá nhân không ý thức về bản ngã” (nonself-conscious individualism), hay một mục đích được định hướng một cách mạnh mẽ mà không tự tư tự lợi. Người nào có phẩm chất đó sẽ nhất quyết nỗ lực hết sức trong mọi hoàn cảnh và họ không bận tâm đến việc ưu tiên sở thích riêng của mình. Bởi vì những hành động của họ được thúc đẩy từ bên trong họ không dễ dàng bối rối trước những mối đe dọa bên ngoài. Với đủ năng lượng tinh thần tự do để quan sát và phân tích những thứ xung quanh một cách khách quan, họ có khả năng tốt hơn để khám phá những cơ hội hành động mới bên trong mình. Nếu chúng ta xem xét có một đặc tính nào đó là yếu tố chủ chốt của tính cách có mục đích tự thân, thì đây có thể là nó. Những cá nhân ái kỷ, những người chủ yếu quan tâm đến việc bảo vệ chính bản thân mình sẽ sụp đổ khi những điều kiện bên ngoài chuyển sang sự đe dọa. Sự hoảng loạn phát sinh sau đó ngăn cản họ làm những gì phải làm; sự chú ý của họ chuyến hướng vào bên trong trong nỗ lực sắp xếp lại trật tự ý thức, và phần còn lại không đủ để dàn xếp với thực tế bên ngoài.

Không quan tâm đến thế giới này, không có một khát khao gắn kết với nó một cách tích cực, người ta sẽ trở nên cô lập trong chính bản thân mình. Bertrand Russell, một trong những nhà triết học vĩ đại nhất trong thế kỷ của chúng ta, đã mô tả cách ông đạt được hạnh phúc cá nhân: “Dần dần, tôi đã học được cách dửng dưng với bản thân và sự thiếu sót của mình; tôi bắt đầu tập trung sự chú ý của mình đến những đối tượng bên ngoài hơn: tình trạng của thế giới, những nhánh kiến thức khác nhau, những cá nhân mà tôi cảm nhận được sự ảnh hưởng từ họ”. Về cách xây dựng cho mình một tính cách có mục đích tự thân, chẳng có mô tả ngắn gọn nào tốt hơn những dòng này.

Tính cách như vậy một phần là món quà của sự kế thừa sinh học và giáo dục sớm. Một vài người được sinh ra với một hệ thần kinh linh hoạt và tập trung hơn, hoặc may mắn có cha mẹ thúc đẩy phần cá tính không ý thức thái quá về bản thân. Nhưng nó cũng là một năng lực có thể bồi dưỡng, một kỹ năng mà người ta có thể thành thục thông qua huấn luyện và kỷ luật. Giờ là lúc để khám phá sâu hơn về những cách mà việc này có thể được thực hiện.

Ghi chú:
– (1) Bruno Bettelheim (1903-1990) nhà tâm lý học và tác giả người Áo, giống như Viktor Frankl, ông cũng sống sót qua nạn diệt chủng của Đức Quốc xã.

 

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. NHỮNG NGƯỜI LAO ĐỘNG VỚI MỤC ĐÍCH TỰ THÂN

Bài viết mới

  1. LỜI RĂN DẠY CỦA KHỔNG TỬ
  2. “LÀM VIỆC” CŨNG LÀ “LÀM NGƯỜI”
  3. CÁCH GIỮ TẬP TRUNG KHI BẠN BẮT ĐẦU CHÁN MỤC TIÊU CỦA MÌNH