NHỮNG NGƯỜI LAO ĐỘNG VỚI MỤC ĐÍCH TỰ THÂN

MIHALY CSIKSZENTMIHALYI

Trích: Dòng chảy; Huỳnh Hiếu Thuận dịch; NXB First News

Đôi khi các nền văn hóa phát triển theo cách mà làm cho công việc sản xuất mỗi ngày càng gần với những hoạt động dòng chảy càng tốt. Có những nhóm người mà ở đó cả công việc lẫn cuộc sống gia đình tuy đầy thách thức nhưng được tích hợp một cách hài hòa. Trên những thung lũng miền núi cao của châu Âu, tại những ngôi làng trên vùng núi An-pơ không trải qua cuộc cách mạng công nghiệp, những cộng đồng kiểu này vẫn còn tồn tại. Tò mò muốn được chứng kiến cách mà việc làm được trải nghiệm trong một tổ chức “truyền thống đại diện cho lối sống nông nghiệp thường thấy ở bất kỳ đâu trong vài thế hệ trước, một nhóm những nhà tâm lý học người Ý, Delle Fave, mới đây đã phỏng vấn một vài những cư dân ở đó, dẫn dắt bởi Giáo sư Fausto Massimini và Tiến sĩ Antonella và rồi chia sẻ một cách hào phóng những bản ghi chép thấu đáo của mình.

Đặc tính nổi bật nhất của những nơi như vậy chính là những người sống ở đó hiếm khi nào có thể phân biệt được giữa làm việc và thời gian rảnh. Có thể nói rằng họ làm việc mười sáu tiếng mỗi ngày, nhưng đồng thời cũng có thể kết luận rằng họ chẳng bao giờ làm việc cả. Một trong những cư dân ở đây, Serafina Vinon, cụ bà bảy mươi sáu tuổi sống ở một ngôi làng nhỏ bé của Pont Trentaz, ở vùng Val d’Aosta trên dãy An-pơ, nước Ý, vẫn thức dậy lúc năm giờ sáng để vắt sữa bò. Sau đó, bà nấu một bữa sáng thịnh soạn, dọn dẹp nhà cửa và tùy vào thời tiết lẫn thời điểm trong năm, mà bà dắt đàn bò xuống đồng ngay dưới những dòng sông băng chăm sóc vườn cây ăn quả, hay chải một ít lông cừu. Vào mùa hè, bà dành ra hàng tuần trên những đồng cỏ vùng cao để cắt cỏ khô, rồi bà đội những bó cỏ khổng lồ ấy lên đầu đi vài dặm, trở xuống chuồng bò. Bà có thể chỉ mất một nửa thời gian để đến chuồng bò nếu chỉ đi thẳng về; nhưng bà thích lang thang dọc theo những con đường mòn ẩn mình quanh co để giúp những triền dốc không bị xói mòn. Xế chiều, bà có thể đọc, hoặc kể chuyện cho đứa cháu cố của mình nghe, hoặc chơi phong cầm tại một trong số những bữa tiệc giữa những người bạn và họ hàng tụ họp tại nhà bà vài lần một tuần.

Bà Serafina rành rọt mỗi cái cây, mỗi tảng đá cuội, mỗi một đặc trưng của vùng núi như thế họ là bạn thân của nhau vậy.Những câu chuyện kể về gia tộc nhiều thế kỷ về trước đều gần liền với cảnh vật: Trên cây cầu đá cổ xưa này, khi bệnh dịch năm 1473 tự tiêu tan, một đêm nọ, người phụ nữ sống sót sau cùng ở ngôi làng của bà Serafina, với một ngọn đuốc trên tay, đã gặp người đàn ông sống sót cuối cùng của một ngôi làng khác phía xa dưới thung lũng. Họ giúp đỡ lẫn nhau, kết hôn và trở thành tổ tiên của gia đình bà. Chính trên cánh đồng mâm xôi đó, người bà của bà Serafina đã mất khi bà vẫn còn là một đứa trẻ. Còn trên tảng đá này, cầm cây chĩa trên tay, quỷ dữ đã đe dọa chú Andrew trong suốt cơn bão tuyết dữ dội kéo dài suốt hai mươi bốn giờ.

Khi bà Serafina được hỏi rằng bà thích làm điều gì nhất trong cuộc đời, bà đã trả lời không đắn đo: vắt sữa bò, dẫn chúng đến những bãi cỏ, cắt tỉa vườn cây, chải lông cừu… trên thực tế, điều bà thích làm nhất chính là những gì mà trước giờ bà vẫn luôn làm để mưu sinh. Theo lời của bà thì: “Nó cho tôi một sự hài lòng tuyệt diệu. Đi ra ngoài, trò chuyện với mọi người, ở bên bầy vật nuôi của tôi… Tôi trò chuyện với mọi thứ – cây cỏ, chim chóc, hoa lá và động vật. Mọi thứ trong tự nhiên luôn bầu bạn cùng chúng ta; ta nhìn thấy sự phát triển của thiên nhiên qua mỗi ngày. Ta thấy trong lành và hạnh phúc đến nỗi ta thấy thật tiếc khi đã thấm mệt và phải trở về nhà… Ngay cả khi ta phải làm việc nhiều thì điều đó vẫn rất tuyệt. Khi được hỏi rằng bà sẽ làm gì nếu có tất cả thời gian và tiền bạc trên thế gian này, Serafina cười và lặp lại cùng một chuỗi các hoạt động kia: bà sẽ vắt sữa bò, dẫn chúng đến bãi cỏ, chăm sóc vườn cây, chải lông cừu. Không phải bà Serafina không biết gì về những lựa chọn thay thế từ cuộc sống thành thị bà thỉnh thoảng vẫn xem tivi và đọc sách báo, nhiều người thân của bà thuộc lớp trẻ sống ở những thành phố lớn và có một lối sống tiện nghi, với xe hơi, các thiết bị gia dụng và những kỳ nghỉ mát ở nước ngoài. Nhưng cách sống hiện đại và thời thượng hơn của họ không hề hấp dẫn bà Serafina; bà hoàn toàn hài lòng và thanh thản với vai trò của mình trong vũ trụ này.

Mười trong số những cư dân lớn tuổi nhất của làng Pont Trentaz, trong khoảng từ sáu mươi lăm đến tám mươi hai tuổi, đã được phỏng vấn; tất cả bọn họ đều đưa ra những câu trả lời tương tự như câu trả lời của bà Serafina. Không một ai trong số họ vẽ ra một đường ranh giới rõ nét giữa làm việc và thời gian rảnh rỗi, tất cả đều xem làm việc như là một nguồn chính yếu của trải nghiệm tối ưu và không ai muốn làm việc ít đi dù có được trao cho cơ hội.

Hầu hết những đứa con của họ, khi được phỏng vấn, cũng đã bày tỏ cùng một thái độ đối với cuộc sống. Tuy nhiên, đối với những người cháu (trong độ tuổi từ hai mươi đến hai mươi ba) thì những thái độ điển hình hơn đối với công việc lại chiếm đa số: Nếu có cơ hội, họ sẽ làm việc ít hơn và thay vào đó, dành nhiều thời gian hơn để nghỉ ngơi – đọc sách, chơi thể thao, du lịch, xem những chương trình mới nhất. Một phần sự khác biệt này giữa các thế hệ là vấn đề về tuổi tác; những người trẻ tuổi thường ít bằng lòng với số phận của họ, họ khát khao thay đổi hơn và không chịu được sự ràng buộc của lệ thường. Nhưng trong trường hợp này, sự bất đồng quan điểm còn phản ánh sự phai tàn của lối sống truyền thống, nơi mà công việc gắn kết một cách ý nghĩa với bản sắc con người cùng với những mục tiêu tối hậu của họ. Một số người trẻ ở làng Pont Trentaz có lẽ cũng sẽ nghĩ về công việc như bà Serafina khi họ đến tuổi già; còn phần đông có lẽ sẽ không như vậy.

Thay vào đó, họ sẽ tiếp tục nới rộng khoảng cách giữa những công việc tuy cần thiết nhưng không vui vẻ và mưu cầu giải trí thú vị nhưng có ít sự phức tạp hơn. Cuộc sống ở ngôi làng trên dãy An-pơ chưa bao giờ dễ dàng. Để sống sót qua ngày, mỗi người phải làm chủ một phạm vi cực kỳ rộng lớn của những thử thách khó khăn từ các công việc chân tay vất vả đến việc thủ công đòi hỏi sự khéo léo, và cả việc bảo tồn và xây dựng một ngôn ngữ đặc biệt, những bài hát, những tác phẩm nghệ thuật hay những phong tục truyền thống phức tạp. Và bằng một cách nào đó, nền văn hóa đã phát triển theo cái cách mà những người đang sống trong nó nhận thấy những mục tiêu này là mang tính thưởng thức. Thay vì cảm thấy bị áp lực bởi sự cần thiết phải làm việc cật lực, họ đồng tình với ý kiến với Giuliana B., một cụ bà bảy mươi bốn tuổi: “Tôi tự do, tự do trong chính công việc của tôi, bởi vì tôi làm những gì mà tôi muốn. Nếu hôm nay tôi chẳng làm gì thì ngày mai tôi sẽ làm. Tôi không có một ông chủ, tôi làm chủ cuộc sống của riêng mình. Tôi đã duy trì sự tự do này và đã chiến đấu vì nó”.

Tác giả Mihaly Csikszentmihalyi – một cây đại thụ của ngành tâm lý học hiện đại

Rõ ràng, không phải tất cả các nền văn hóa tiền công nghiệp đều bình dị thế này. Trong nhiều xã hội làm nông hay săn bắt, cuộc sống rất khắc nghiệt, tàn bạo và ngắn ngủi. Thực tế, một vài cộng đồng trên dãy An-pơ, cách làng Pont Trentaz không xa, được những khách du lịch ngoại quốc của thế kỷ trước mô tả là bị bao trùm bởi cái đói, dịch bệnh và sự thiếu hiểu biết. Để hoàn thiện một lối sống có khả năng cân bảng những mục đích của con người với nguồn tài nguyên từ môi trường một cách hài hòa là một kỳ công hiếm có giống như việc xây dựng những thánh đường vĩ đại khiến du khách choáng ngợp. Chúng ta không thể từ một hình mẫu thành công mà khái quát hóa cho những nền văn hóa tiền công nghiệp được. Vả lại, ngay cả một ngoại lệ cũng đủ để bác bỏ điểm rằng công việc luôn kém thú vị hơn sự giải trí được chọn lựa một cách tự do.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. CON NGƯỜI CỦA DÒNG CHẢY

Bài viết mới

  1. LỜI RĂN DẠY CỦA KHỔNG TỬ
  2. “LÀM VIỆC” CŨNG LÀ “LÀM NGƯỜI”
  3. CÁCH GIỮ TẬP TRUNG KHI BẠN BẮT ĐẦU CHÁN MỤC TIÊU CỦA MÌNH