CON TRONG ĐẠO TRÀNG NHƯ LƯỚI NGỌC

Nguồn: Tổng hợp (có sử dụng bài giảng của Làng Mai)
Bản Việt dịch kệ Quán Tưởng của ban dịch thuật Thiện Tri Thức

QUÁN TƯỞNG

Bản Hán Việt:

Năng lễ sở lễ tánh không tịch,

Cảm ứng đạo giao nan tư nghì,

Ngã thử đạo tràng như Đế châu,

Thập phương chư Phật ảnh hiện trung,

Ngã thân ảnh hiện chư Phật tiền,

Đầu diện tiếp túc qui mạng lễ.

Bản dịch: (*)

Phật, chúng sanh: tánh thường rỗng lặng,

Cảm ứng thông giao chẳng nghĩ bàn,

Con trong đạo tràng như lưới ngọc,

Mười phương chư Phật ảnh hiện trong,

Thân con ảnh hiện trước Như Lai,

Đầu sát dưới chân quy mạng lễ. 

(Ảnh: Waking Times Media)

Năng lễ sở lễ tánh không tịch, người lạy và người bị lạy cả hai đều không có ngã, đều có tánh không tịch. Đó là giáo lý bát nhã. Giáo lý bát nhã cho chúng ta biết rằng cái này là do cái kia làm ra, cái này cũng như cái kia đều không có tự tánh biệt lập. Cũng như bông hoa trên bàn đây. Bông hoa là do những yếu tố không phải hoa làm ra, ví như mặt trời, đám mây, hạt cây, hơi ấm khoáng chất trong đất… Nếu không có những yếu tố ấy thì làm sao có bông hoa được. Nhìn vào một bông hoa chúng ta thấy toàn những yếu tố không phải bông hoa và vì thế bông hoa không có tự tánh riêng biệt, không có một bản ngã riêng biệt. Cái đó gọi là không tịch. Không những ta – người lạy – có tự tánh không tịch mà Phật – người bị lạy – cũng có tự tánh không tịch. Tôi được làm bằng những yếu tố không phải là tôi. Phật cũng được làm bằng những yếu tố không phải là Phật. Không có hiện tượng nào tự ta có ra được, tự mình tồn tại được; tất cả các pháp đều có mặt trong tương quan nhân duyên. Đó là giáo lý nhân duyên. Trước khi lạy, chúng ta chắp tay quán tưởng: “Bạch đức Thế Tôn, con và đức Thế Tôn – người lạy và người bị lạy – cả hai chúng ta đều không có một bản ngã riêng biệt”.

Cảm ứng đạo giao nan tư nghì, chính vì sự kiện cả hai chúng ta – con và đức Thế Tôn – đều không tịch, cho nên sự cảm nhận giữa hai chúng ta không thể nào tưởng tượng và bàn luận được. Nan tư nghì, khó mà suy nghĩ được, khó mà nói ra thành lời được. Nếu không có đức Thế Tôn thì không có con, nếu không có con thì không có đức Thế Tôn. Và chính nhờ tính chất không tịch ấy mà sự cảm thông giữa ta và Phật mới được thực hiện toàn vẹn. Nếu không có tính cách không tịch ấy thì đó là hai vũ trụ xa cách, cô đơn vẫn hoàn toàn là cô đơn.

Ngã thử đạo tràng như đế châu, nơi con đang hành đạo đây giống như bức rèm trong cung vua Đế Thích. Bức rèm của vua Đế Thích được làm bằng những xâu chuỗi ngọc long lanh, và khi ta tới gần nhìn vào trong thì ta thấy hàng vạn viên ngọc khác của bức rèm được ảnh chiếu trong đó. Chỉ cần nhìn một viên ngọc thì thấy tất cả các viên ngọc khác. Cũng như khi nhìn vào bông hoa ta thấy được cả vũ trụ ở trong đó: có nắng, có mây, có mưa, có đại địa, có tâm thức chúng sanh, có người làm vườn. Chúng ta thấy toàn thể vũ trụ ở trong bông hoa. Bức rèm trong cung vua Đế Thích đã được hằng trăm ngàn viên ngọc kết thành chỉ cần nhìn vào một viên ngọc là ta thấy được sự phản chiếu của tất cả những viên ngọc còn lại.

Thập Phương chư Phật ảnh hiện trung, tất cả các chư Phật trong mười phương đều có mặt trong giờ phút này, không những trước mặt con mà ở trong con. Vậy anh lạy về hướng nào cho đúng? Trước mặt anh có Phật và cũng có anh, sau lưng anh cũng có Phật và có anh, bên trái cũng có Phật và có anh, bên phải cũng có Phật và có anh, trên đầu cũng có Phật và có anh, dưới đất cũng có Phật và có anh; và hơn nữa ở trong anh cũng có Phật và có anh. Nên lạy về phương nào? Chắp tay tôi lạy mười phương.

Sau khi quán tưởng theo bài đó, ta lạy xuống và thấy rằng sự cảm ứng và lưu thông giữa ta và chư Phật trở thành một sự thật. Nếu quán chiếu thành công mà lạy xuống được một lạy như thế thì không có nỗi cô đơn và sự xa cách nào còn đứng vững được nữa. Lạy xuống một lạy như thế là để xoá nhoà bản ngã; để làm một cuộc hoà hợp lớn với tất cả chư Phật trong mười phương và ba đời – chư Phật đã thành và chưa thành. Cái lạy đó không làm cho con người mất đi nhân cách, trái lại nó giúp cho ta khôi phục được toàn vẹn nhân cách vĩ đại của một bậc giác ngộ có mặt ở trong ta. “Thập Phương chư Phật ảnh hiện trung”, các đức Phật trong mười phương đều có mặt ở tại đây và bây giờ.

Ngã thân ảnh hiện chư Phật tiền, trước mỗi đức Phật trong hằng sa các đức Phật đều có ta đang đứng chắp tay. Có bao nhiêu Phật là có bấy nhiêu ta. Có khi nào quý vị cúi xuống hồ mà nhìn một đám bọt nước hay không? Khi cúi xuống hồ mà nhìn một đám bọt nước, ta thấy trong tất cả những bọt nước ấy đều có mặt của ta đang cười. Ở đây cũng vậy. Khi quán chiếu ta thấy trong mỗi đức Phật đều có ta và khi lạy xuống là ta lạy tất cả các Phật trong mười phương. Lạy một phương tức là lạy tất cả các phương.

Đầu diện tiếp túc quy mạng lễ. Đầu, mặt và tay chân sát đất, con đem hết thân mạng lạy xuống. Lạy có nghĩa là ngũ thể đầu địa. Ngũ thể là năm vóc.Năm vóc tức là hai tay, hai chân và đầu ta. Năm vóc sát đất, thật sát, càng sát chừng nào ta càng đồng nhất với đất mẹ chừng đó. Ta hoà tan với trái đất, với vũ trụ và chư Phật. Trong tư thế phủ phục ta có thể quán chiếu lâu. Lạy phải lạy thật sát, mọp xuống, càng dính mặt đất chừng nào càng tốt chừng đó. Ta biến ta thành con số không, để ta có thể là tất cả. Đó là nghệ thuật lạy chứ không phải là chuyện mê tín. Có người nói lễ lạy là mê tín vì họ chưa biết được sự mầu nhiệm của cái lạy.

 


Nguồn: Tổng hợp (có sử dụng bài giảng của Làng Mai)

Chú thích:

(*): bản Việt dịch của Thiện Tri Thức

Bình luận


Bài viết mới

  1. CHÚNG TA TRỞ NÊN NHƯ THẾ NÀO TÙY THUỘC VÀO SUY NGHĨ CỦA CHÍNH MÌNH
  2. HÃY RŨ BỎ QUÁ KHỨ CHÚ TÂM VÀO HIỆN TẠI
  3. TÂM BÌNH AN TRƯỚC NHỮNG KHÓ KHĂN KHÔNG THỂ TRÁNH