CÔNG VIỆC LÀ SỬ DỤNG THỜI GIAN HIỆU QUẢ

ĐẠI SƯ TINH VÂN

Trích: Pháp Môn Hạnh Phúc – Sự Nghiệp; Nguyễn Phố dịch; NXB Lao Động, 2019

Tổng giám đốc của một công ty ở Cao Hùng nói: “Tài sản hiện có của tôi, dù mỗi ngày tôi tiêu 10.000 vạn nguyên, tôi sống đến 100 tuổi tiêu cũng không hết tiền. Tôi có rất nhiều tiền, nhưng tôi vẫn làm việc. Tôi tham lam không biết chán chăng? Không phải. Tôi làm việc là để sử dụng thời gian hiệu quả.”

Con người chỉ ở trong công việc, cuộc sống mới có nơi an trú, đời người mới có ý nghĩa. Người không có công việc là người khổ nhất trên thế gian, nỗi đau khổ lớn nhất của con người là vắng lặng buồn chán. Có một số người trẻ tuổi rong chơi suốt ngày, không làm việc gì cả, giống như những cô hồn không biết an trú thân tâm vào một nơi nào, giống như đám lục bình không biết trôi dạt theo phương hướng nào, đó là điều vô cùng bất hạnh. Ích lợi của công việc thì rất nhiều, tôi chỉ đưa ra ba điểm: 

  1. Trong công việc mới có sự sống. Một người nếu không có công việc chẳng khác nào một cái xác biết đi, không có tinh thần, không có tâm hồn; có công việc mới có thể phát huy tiềm năng của cuộc sống, thể hiện giá trị của cuộc sống, cho nên nói trong công việc mới có sự sống. 
  2. Trong công việc mới có duyên phận. Trong một tập thể, người không có duyên phận nhất là người lười biếng nhất, người không phát tâm lập chí nhất là người không chịu làm việc nhất. Muốn khởi tâm làm việc thì từ trong công việc sẽ có được duyên phận; muốn cần mẫn làm việc thì người ta mới tiếp nhận bạn. Cho nên tôi thường khuyến khích mọi người: “Công việc không có sang hèn, Phục vụ là cao cả nhất”.
  3. Trong công việc mới có tiền của. Thế gian có rất nhiều người đều muốn có gia tài lớn, vậy làm thế nào mới có được? Con đường dẫn đến giàu có là gì? Đó chính là làm việc và làm việc. Tiền của không làm mà có là không đáng quý, chỉ có tiền của kiếm được do mồ hôi, công sức, tinh thần của mình mới là đáng quý nhất. Vàng trong cát theo nước triều đưa đến, nhưng phải có bàn tay của mình sàng lọc mới có được vàng ròng. Tất cả mọi thứ có được đều phải dựa vào sự làm việc của chính mình. Chỉ có làm việc mới có lợi tức, trong công việc tự nhiên sẽ có tinh thần, có sức mạnh, và cũng chỉ có công việc mới có thể an định thân tâm của chúng ta, bởi vì công việc đem lại lạc thú cho chúng ta. Con người có làm việc, cuộc sống mới có ý nghĩa, đời người mới có giá trị. 

Ngày xưa, có một người cha, khi sắp chết, ông gọi các con lại và nói với chúng: “Cha có rất nhiều tài sản để lại cho các con, đó là có một số vàng chôn ở dưới giàn nho”. Sau khi người cha qua đời, mấy người con đào xới rất kỹ đất dưới giàn nho, hy vọng tìm được di sản của người cha. Dưới giàn nho ấy có chôn vàng chăng? Không có. Nhưng nhờ thường hay đào đất lật cỏ mà đất cát trở nên tơi xốp, phì nhiêu, những cây nho trên giàn ra nhiều trái ngọt, đó là cái để những người con có được rất nhiều tiền của. 

Một cỗ máy nếu để lâu ngày không khởi động, không sử dụng, sẽ sinh ra gỉ sét; thân thể con người nếu không thường hay luyện tập thì cũng sẽ suy yếu. Con người không thường làm việc, ý chí sẽ sa sút, suy nghĩ sẽ cạn kiệt. Một ngày có 24 giờ đồng hồ, một đời cũng có 60, 70 năm. Trong cuộc sống dài đằng đẳng ấy, làm sao tiêu phí hết thời gian, đó là vấn đề rất quan trọng. Viện Phật học Mân Nam có pháp sư Trí Tạng, lúc 16 tuổi vào viện Phật học, một chữ cũng không biết, nhưng đến 22 tuổi, ông trở thành chủ biên của tờ báo Hải Triều Âm. Thời gian chỉ có sáu năm, vậy năng lực trí tuệ của ông do đâu mà có? Ông chẳng phải hoàn toàn không làm việc gì, mà chỉ lo học tập đâu, ông vẫn làm việc bình thường. Ông quét dọn nhà vệ sinh không bao giờ dùng chổi mà chỉ dùng tay lau chùi; phàm cống ngầm không có người khơi thông, việc khó không ai chịu làm thì ông đều làm tất. Trong bản tính của ông là muốn mình khắc khổ, siêng năng. Sau khi tạo thành thói quen chịu thương chịu khó như vậy, ông lại say sưa học tập, và sẽ thu được kết quả nhanh như những người khác. Chịu được lạnh giá mùa đông là cây tùng cây bách, người chịu được khổ hạnh sau này mới trở thành tài năng của rường cột. 

Bất cứ sự thành công của người nào, hoàn toàn không phải do từ sự an hưởng nhàn nhã mà đều từ sự phấn đấu cần mẫn khắc khổ mới thu hoạch được. “Ai ăn thì tự biết no nấy, ai sống chết thì tự hiểu – biết nấy”. Chắc chắn tự mình từ trong siêng năng cố gắng để làm nên vẻ vang, từ trong siêng năng hăng hái để hoàn thành lý tưởng của chính mình.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. TÍCH ÂM ĐỨC LÀM KẾ LÂU DÀI – HT. TINH VÂN
  2. XA RỜI THỊ PHI PHIỀN NÃO
  3. TÔI LÀ PHẬT

Bài viết mới

  1. BÍ ẨN NHỮNG CÕI GIỚI KHÁC
  2. LỰA CHỌN QUAN TRỌNG NHẤT CUỘC ĐỜI CHÍNH LÀ CHỌN MỘT THÁI ĐỘ SỐNG
  3. TẠ ƠN TRONG Ý THIỀN