CỐT TỦY CỦA GIÁO LÝ

LAMA DUDJOM DORJEE

Trích: Lời Khuyên Chân Thành Của Đạo Sư; Nguyên tác: HeartFelt Advice; Việt dịch: Hân Nhi; NXB. Hồng Đức; 2016

Khi chẩn đoán một căn bệnh cụ thể, bác sĩ sẽ kê một đơn thuốc, và nếu được uống đúng liều lượng, đúng thời điểm, nó sẽ chữa được căn bệnh. Khi bệnh đã lành, thuốc trở nên không cần thiết. Đây là cốt tủy của giáo lý – khi những phiền não và cảm xúc khổ sở nhất định đã được nhận dạng, những thực hành nhất định được áp dụng để đối trị các độc này, những điều tiêu cực sẽ được khắc phục và sự giải thoát khỏi khổ được thành tựu.

Ví dụ, khi chúng ta bắt gặp các cảm xúc tiêu cực, tâm trí mê lầm không thấy được sự tách rời giữa nó và cảm xúc: cả hai kết thành một, và khổ ải bị kéo dài không ngớt. Nhưng tâm một người có rèn luyện thấy rằng cảm xúc tiêu cực tách rời khỏi tâm, cảm xúc chỉ là biểu hiện của một hiện tượng do duyên khởi, không có bất kỳ bản chất cố hữu nào.

Để đào lên gốc rễ của phiền não, đầu tiên hành giả phải học được cốt tủy của giáo lý Nguyên thủy. Bất kể chúng ta đốn cây bao nhiêu lần, nếu gốc vẫn nằm sâu bên dưới, cái cây sẽ mọc trở lại vào mùa xuân năm tới. Nguyên lý ấy cũng đúng cho cái cây phiền não: dù thực hành bao nhiêu để tiêu trừ những biểu hiện tiêu cực, ngay khi các nguyên nhân và điều kiện hợp lại một lần nữa, giống như mặt trời và mưa nuôi dưỡng phần gốc, cái cây phiền não sẽ tái xuất hiện. Vì vậy, người tu tập khéo léo phải học được cốt tủy của giáo lý Nguyên thủy để đào lên gốc rễ của những cảm xúc phiền não ấy.

Để thật sự sử dụng những cảm xúc phiền não tiêu cực như chất liệu cho tu tập và đưa chúng vào con đường Bồ tát, chúng ta phải học được cốt tủy của tầm nhìn Đại thừa, đó là chào đón mọi kinh nghiệm khó khăn hoặc đau đớn như những cơ hội để mở rộng tu tập.

Cuối cùng, từ tầm nhìn Kim Cương thừa, chúng ta thật sự có thể chuyển hóa những phiền não thành trí huệ của con đường Kim Cương thừa. Điều này có thể xảy ra khi các cảm xúc phiền não được thấy chỉ như chúng là, khi nền tảng cơ bản của chúng là sự thuần khiết tuyệt đối được chứng nghiệm phi khái niệm.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. VÌ SAO CÓ NỖI KHIẾP SỢ THỰC TẠI TỐI HẬU?
  2. TÍNH KHÔNG VÀ THIỀN ĐỊNH

Bài viết mới

  1. THỰC HÀNH BỒ ĐỀ TÂM
  2. LÒNG TỰ TRỌNG
  3. LÀM THẾ NÀO ĐỂ PHÁT KHỞI LÒNG SÙNG MỘ