VÌ SAO CÓ NỖI KHIẾP SỢ THỰC TẠI TỐI HẬU?

LAMA DUDJOM DORJEE

Trích: Lời Khuyên Chân Thành của Đạo Sư; HÂN NHI dịch Việt; NXB. HỒNG ĐỨC; 2016

Người tu tập đích thực không chỉ mong cầu tìm được một đạo sư, mà phải biết làm thế nào duy trì mối kết nối quý giá với đạo sư trong suốt cuộc đời. Người tu tập hiểu lầm quan trọng của mỗi chúng sinh khổ ải trong sáu nẻo luân hồi, và thay vì nản lòng bởi hiểu biết này hoặc phàn nàn rằng mình không thể giúp nhiều chúng sinh khổ ải như vậy, nên mở rộng thực hành bồ đề tâm để bao trọn mọi chúng sinh, không phân biệt một ai. Người tu tập đích thực không bao giờ trở nên kiêu căng ngạo mạn về những thực chứng mà mình đạt được còn người khác chưa có. Nhiều môn sinh lắng nghe thuyết pháp về bản chất của thực tại tối hậu và sự thiếu vắng tự tính cố hữu, nhưng không thể lĩnh hội những giáo huấn ấy, thậm chí trở nên khiếp sợ; ngược lại, người tu tập đích thực lắng nghe giáo pháp tối hậu sẽ vô cùng vui sướng, có cảm giác như đang trở về nhà sau một thời gian xa nhà rất lâu.

TẦM QUAN TRỌNG CỦA NHỮNG NHẮC NHỞ LIÊN TỤC

Là người tu tập đích thực trên con đường tâm linh, điều vô cùng quan trọng là có những nhắc nhở liên tục để giữ mình đi đúng đường. Những nhắc nhở thường xuyên giúp hướng dẫn và tập trung tâm trí của chúng ta vào tầm quan trọng của tu tập. Không có những nhắc nhở ấy, chúng ta sẽ khó duy trì một tiến trình kiên định trên con đường tâm linh.

Một nhắc nhở về tính vô thường của đời sống con người. Khi nhận ra rằng cuộc đời này rất ngắn ngủi và có thể kết thúc bất kỳ lúc nào, chúng ta cảm thấy sự cấp bách, sẽ nỗ lực dành thời gian cũng như năng lượng cho những hoạt động tích cực đem lại lợi ích rốt ráo thay vì những hoạt động vô nghĩa, thậm chí những hoạt động có bản chất hoặc hậu quả tiêu cực. Rõ ràng, nếu so với vô số kiếp sống cho đến nay, cuộc đời con người là cực kỳ ngắn ngủi, và không có gì đảm bảo chúng ta sẽ ở đây thêm bao lâu. Sự thật là không điều gì có thể bảo vệ chúng ta khỏi thực tế không thể phủ nhận rằng cái chết chắc chắn sẽ đến.

Một nhắc nhở khác cho chúng ta là ý thức về sự chần chừ. Khi rơi vào trạng thái chần chừ, chúng ta nên nhận biết nó, thấy nó chỉ như chính nó, sử dụng nhận thức ấy để tiếp động lực cho tu tập. Chừng nào còn bị sự chần chừ làm tê liệt hoặc thiếu ý thức về nó, nó còn kiểm soát chúng ta. Chúng ta có thể lãng phí cả đời dò dẫm như người mù, tiêu tốn thời gian và năng lượng vào việc theo đuổi những ham muốn trần tục. Nhưng nếu duy trì sự chú tâm, phát hiện sự chần chừ, chúng ta có thể sử dụng nhược điểm ấy như một lời nhắc nhở đưa năng lượng và sự tập trung trở lại với tu tập.

Một nhắc nhở quan trọng khác trên hành trình tâm linh là hiểu rõ sự cần thiết của tinh tấn và nỗ lực. Con đường tâm linh là một con đường dài, nhưng con đường nào cũng bắt đầu bằng một bước chân. Một giọt nước có vẻ không đáng kể, nhưng từng giọt nước riêng biệt tích tụ lại sẽ tạo nên cả đại dương, và đại dương lớn đến nỗi không thể đếm được bao nhiêu giọt nước. Cũng vậy, sự tích lũy công đức và trí huệ của chúng ta bắt đầu từ một quyết định đơn giản là từ bỏ điều tiêu cực, tiếp nhận điều tích cực, dùng sự tinh tấn và nỗ lực để thực hiện từng hành động cho tới khi đạt mục tiêu giải thoát – đến lúc ấy, chúng ta đã tích lũy một đại dương trí huệ và công đức, vượt khỏi số hành động đơn lẻ có thể đo đếm.

Chúng ta cũng phải liên tục được nhắc nhở về tín tâm và sự sùng mộ Phật pháp. Tín tâm không chỉ hữu ích ở cấp độ căn bản nhất bằng cách thúc đẩy chúng ta tu tập không ngừng nghỉ và đưa tu tập vào mọi khía cạnh của cuộc sống, mà nó còn giúp ở cấp độ cao, vì tín tâm và sự sùng mộ có vai trò quan trọng đối với việc thành tựu những cấp độ thực chứng cao hơn.

Không những thế, chúng ta phải liên tục nhắc nhở bản thân nỗ lực chặt đứt gốc rễ của u mê, nhìn xuyên qua tính chất hời hợt của kinh nghiệm bình thường về thực tại. Bằng cách ấy, chúng ta được dẫn dắt tới thực tại tối hậu, xa lìa những khái niệm hiện hữu và phi hiện hữu.

Nhắc nhở cuối cùng mà chúng ta phải dựa vào trên con đường giải thoát là ngày càng ít phụ thuộc vào những chuẩn mực và quy ước xã hội, vốn là kết quả của cái nhìn trần tục về sự thật tương đối và thực tại hời hợt. Thay vào đó, chúng ta nên đạt tới mức độ trông cậy hoàn toàn vào chứng nghiệm thực tại tối hậu. Hầu hết thời gian, chúng ta nương tựa vào những niềm tin hình thành từ kinh nghiệm tương tác với người khác trong đời sống. Nhưng nếu đặt niềm tin vào người khác nhiều hơn vào Phật pháp, chúng ta sẽ gặp rắc rối. Nếu nương tựa sâu sắc vào tín tâm nơi Phật pháp và thực tại tối hậu, chúng ta tiến ngày một gần hơn tới giải thoát, tới sự chứng nghiệm Phật tính và giác ngộ của chính mình.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. THỰC HÀNH GIÁO PHÁP TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY
  2. BẢN TÁNH TỐI HẬU CỦA TÂM
  3. THỰC HÀNH THƯỜNG NHẬT

Bài viết khác của tác giả

  1. CỐT TỦY CỦA GIÁO LÝ
  2. TÍNH KHÔNG VÀ THIỀN ĐỊNH

Bài viết mới

  1. DANH NGÔN VỀ SỰ THÔNG MINH
  2. NIỀM TIN VÀO CHỦ NHÂN KHÔNG LÀ CHÌA KHÓA
  3. BẠN THÔNG MINH HƠN BẠN TƯỞNG