THỰC HÀNH THƯỜNG NHẬT

THIỀN SƯ NI DAEHAENG


THIỀN SƯ ĐẠI HẠNH

—*—

Chính đời sống là pháp

Phật pháp là trái cây có mười ngàn vị ngon, hoa có mười ngàn hương thơm. Có thể nói hành giả là người trồng cây ăn quả, người làm vườn chăm sóc bông hoa. Tu tập Phật pháp là cách trồng trọt có kết quả và có ích nhất. Hơn nữa bạn không cần bỏ qua những việc khác trong đời sống hằng ngày để làm điều này. Bạn có thể làm người gieo giống Phật pháp trong khi làm công việc thường nhật, vì sinh kế cung ứng kinh nghiệm giúp bạn tu tập Phật pháp sâu xa hơn.

Phật pháp là luật của thực tại và của đời sống thường nhật. Nếu có thể thật sự đem suy nghĩ và hành động ứng hợp với lời Phật dạy, thì bạn có thể ngộ chân lý thâm sâu mà nhờ đó bạn có thể giải quyết bất cứ vấn đề nào, không chỉ của cá nhân, mà còn của quốc gia, xã hội. Không có tôn giáo hay sự giác ngộ tinh thần nào hiện hữu ngoài đời sống thường nhật.

Phật pháp nhung nhiếp mọi thứ bạn làm trong đời sống – đi đứng, nói năng, cử động. Như thế chân lý mà mỗi vị Phật dạy không chỉ hiện hữu ở Pháp đường, mà còn trong phòng ngủ, trong nhà bếp, và nơi làm việc. Trong sự tu tập, đời sống của cư sĩ và đạo sư không khác nhau.

Bạn phải tu tập trong khi thích ứng với hoàn cảnh riêng. Đừng nghĩ đến chuyện thoát ra hay xóa bỏ. Thay vào đó, cứ tiến tới một cách tinh cần ngay giữa đời sống, trong nhiều hoàn cảnh, tâm dẫn thân và thân dẫn tâm.

Giải quyết khó khăn và đau khổ

Nếu ai đó gây khó khăn lớn cho bạn, đừng bao giờ xem họ biệt lập với bạn. Đừng phân biệt giữa “tôi” và “người khác”. Đừng bị mờ mắt vì những bề ngoài đẹp đẽ, mà cũng đừng sợ những điều vĩ đại. Vì bạn hiện hữu, chúng cũng hiện hữu. Vì bạn có mặt, mọi khó khăn đều có thể xảy ra. Vì mọi vật trong vũ trụ đều vận hành như một, như Nhất Tâm, tự căn để mọi người cũng chính là bạn. Đừng bị dao động. Dù có gặp Phật, Ma vương hay Hộ pháp thì cũng không sao cả, mọi thứ chỉ là hình dạng khác của chính bạn.

Khi bạn đối mặt với những khó khăn, đừng trở nên chán nản, tự hỏi “Tại sao những việc khó khăn như thế lại xảy đến cho tôi?” Khi việc xảy đến, bạn nên nghĩ “Bây giờ tôi có một cơ hội để trưởng thành.” Tương lai của bạn tùy thuộc cách bạn lựa chọn. Bạn đã được ban quyền lực quyết định tương lai của mình.

Thực ra, hoàn cảnh xấu là cơ hội để học hỏi. Khi hiểu rằng những việc này là do chủ nhân Không dạy bạn, bạn đừng làm gì khác hơn là biết ơn những hoàn cảnh này. Thực ra, khi khó khăn đến, bạn có thể tiến triển nhiều hơn trong tu tập, Nhờ vậy, sự tu tập của bạn sâu sắc hơn, bạn đạt được trí tuệ và sức mạnh.

“Lặng lẽ ôm ấp những khó khăn” không có nghĩa là chỉ cam chịu chúng, mà còn biết là những khó khăn bạn đối mặt bản chất vốn là không. Hơn thế nữa, những khó khăn này còn hướng dẫn rèn luyện bạn. Đây là thái độ của hành giả lặng lẽ cam nhận mọi sự.

Ngủ mơ là đang thức, và thức là mơ. Đừng tách biệt những giấc mơ và những giờ bạn thức. Nếu nghĩ chúng khác nhau, bạn không thể biết vùng sâu thẳm hơn.

Người ta cố thoát khỏi đau khổ, nhưng họ không cố hiểu những nguyên nhân thật sự của đau khổ. Như thế, dù họ có thể thoát khỏi một trường hợp đau khổ, họ không thể tránh đối mặt với đau khổ nhiều hơn trong tương lai. Tư tưởng về “tôi” giống như một xưởng sản xuất liên tục đau khổ và khoái lạc. Bạn là một người tạo ra chúng, vì thế bạn là người duy nhất có thể giải quyết. Để làm được điều này, đừng nghĩ chúng là số phận hay nghiệp, chỉ phó thác mọi đau khổ, mọi chướng ngại bạn cho chân ngã của bạn, hãy cứ ngắm nhìn và buông xả.

“Dục tri tiền thế nhân, kim triều thọ giả thị. Dục tri lai thế quả, kim triều tác giả thị.” Nếu xem xét bạn đang là ai, là loại người nào, bạn có thể thấy mình đã sống như thế nào trong quá khứ. Nếu xem xét bạn đang làm gì, bạn có thể thấy đời bạn ra sao trong tương lai. Khi mưa gió đến, mọi bụi bẩn đều trôi sạch. Dù ngay lúc đó ta không thấy được như vậy, nhưng về sau ta sẽ hiểu ra những đau khổ ta thể nghiệm, thực sự là do chư Phật và Bồ tát đã đến để làm thanh tịnh và giúp bạn lớn mạnh.

Bệnh tật

Khi thân bất ổn, ta cần đến hiệu thuốc hay bác sĩ, nhưng trước hết cần nhớ bản tâm. Nó liên kết mọi vật và nơi mọi vật bắt đầu, vậy hãy giao bệnh tật cho nó. Trong khi được chữa trị, cứ phó thác thể trạng đó cho bản thể. Hơn nữa, nếu bạn nhớ rằng, trong bản thể, bác sĩ và bạn như là một nên hãy phó thác tư tưởng này cho bản thể thì sự chữa trị được thành công hơn.
Như hầu hết mọi vấn đề, người khác chỉ có thể giúp bạn một phần, nhưng phần chủ yếu nhất bạn phải tự giải quyết bằng cách giao mọi sự – cả bệnh tật và đau đớn – cho bản thể. Vì mọi vật, gồm cả bệnh, khởi lên từ bản thể, nên giải quyết phải khởi đầu từ đó.

Thường khi thân thể bị rối loạn là do những sinh vật cấu tạo nên thân ta không nhìn mọi thứ với cái nhìn toàn thân. Chúng không biết cái gì tốt nhất cho tổng thể mà chỉ lo đánh nhau, tìm ưu thế và sự thống trị. Như thế, cách chữa bệnh là dạy cho các sinh vật này biết trên cơ bản, chúng đang sống và làm việc với nhau như một: điều gì xãy ra cho một bộ phận sẽ ảnh hưởng đến toàn thể.

Hãy phó thác cho bản thể ý nghĩ, “tất cả chúng ta đang chia sẻ một đời sống, cùng tâm cùng thân, làm việc với nhau như một, tự do cho và nhận những gì cần”, sau đó từ bản thể, tư tưởng đó sẽ lập tức cộng thông với tất cả sinh vật trong thân chúng ta. Khi chúng có thể chung sống hài hòa, khi hiểu được rằng những đời sống khác cũng là đời sống của chúng, thì vô số vấn đề trong thân thể sẽ được cải thiện hay tan biến luôn. Ta có thể sống một đời sống bình thường cho dù vẫn còn bị ung thư, vì những tế bào này đang sống hòa hợp với những sinh vật tạo thân còn lại.

Phật tánh của người khác cũng giống Phật tánh của bạn. Mọi người, mọi sinh vật liên kết như một qua bản thể. Vì thế khi chúng ta phó thác cho bản thể một tư tưởng hay ý định về một người nào đó, năng lượng này sẽ được truyền thông. Dù người đó không tu tập gì, nhưng năng lượng này vẫn được truyền đạt và cảm nhận ở một mức độ rất sâu.

Đối với hầu hết mọi vấn đề, vẫn còn một phần người ta phải tự giải quyết. Tuy nhiên, thử nghĩ có người phải làm việc trong một môi trường lạnh lẽo và tối tăm. Rồi tưởng tượng ai đó làm cùng việc nhưng trong bầu không khí ấm cúng, sáng sủa, thức ăn bổ dưỡng và quần áo ấm áp. Điều nào có kết quả hơn? Cái nào suôn sẻ hơn? Đây là lý do và phương cách ta có thể dùng bản tâm để giúp người khác.

Tiền bạc và thành đạt

Tu tập là chăm sóc một cách khôn ngoan những việc chướng ngại bạn trong đời sống thường nhật – gồm cả những vấn đề tiền bạc và thành đạt. Vì thế dù bạn có ít hay nhiều tiền cũng chẳng sao, hãy hiểu bạn chỉ quản lý chứ không sở hữu nó. Thực ra, tiền bạc vô chủ, nó không phải của bạn, cũng không phải của người khác. Nó lưu chuyển không ngừng, đến rồi đi. Vì thế hãy luôn luôn buông bỏ, đừng dính mắc.

Khi một người kiếm tiền, họ thường nghĩ rằng họ kiếm tiền đó một mình. Nhưng không có người khác giúp thì cũng chẳng kiếm được xu nào. Nói cách khác, dễ thấy rằng tiền ta kiếm được nhờ sự trợ giúp của người lao động, khách hàng, người chủ, v.v … Tuy nhiên, vượt qua những điều này, từ cái nhìn của bản thể, mọi chúng sinh cùng làm việc chung để kiếm tiền đó. Vì thế tiền đó không thể nói thuộc một mình bạn.

Được và mất như hai mặt của đồng tiền: chúng luôn làm việc như một cặp, không đơn độc. Bạn phải biết điều này. Khi thu được lợi, đừng bám vào đó, và khi mất mát, đừng nản lòng. Dù nhiều người khóc cười vì được mất, nếu có thể nhìn kỹ bản tâm, bạn sẽ thấy dễ dàng hơn và ít thấy lạc hướng khi những việc tuyệt vời hay kinh khủng xảy ra trong đời.

Đối với mọi chuyện, phải biết cách thức của mình và sống hòa nhập. Đừng bám chấp mà sống hài hòa, biết rằng không có gì chẳng phải là bạn.

Gia đình

Con đường thành Phật nằm trong sự chăm sóc gia đình và quan tâm đến người thân. Hãy xóa tan ngay những việc làm chướng ngại bạn. Nếu bạn nói năng và bận lòng về những việc đã qua mà lơ là nhiệm vụ ngay trước mặt, đó gọi là tâm tham. Nếu không vượt qua được những vấn đề đối mặt trong đời sống thường nhật và ở nhà, thì bạn chưa đến lúc có thể nói về Phật pháp. Phải buông bỏ mọi vật mà không bỏ bất cứ vật gì. Nghĩa là phải bỏ những dính mắc, nhưng không từ bỏ con người và những hoàn cảnh làm chướng ngại bạn trong đời. Giải quyết những việc xảy ra trong đời là hành động của một Bồ tát.

Đừng bám vào con cái. Phó thác chúng cho năng lượng của bản thể và sống với nhau hài hòa. Khi sống như thế, chắc chắn con bạn cuối cùng sẽ trở thành những vị Phật và Bồ tát.

Nếu bạn đời hay con cái bạn làm điều xấu, đừng bao giờ phản ứng bằng miệng, thân hay ném đồ vật. Chỉ phó thác mọi thứ cho bản tâm rồi quán sát. Đưa mọi vật đến bản thể. Sau đó mọi người có thể truyền thông với nhau. Nếu quay số điện thoại của bạn, điện thoại sẽ reo ở phía người kia. Khi làm thế, lòng thành của bạn có thể được truyền đi. Đó chính là thực sự yêu thương họ và là sự diễn đạt của Phật pháp.

Trước khi đổ lỗi cho cha mẹ, con cái, vợ hay chồng, bạn cần biết rằng mọi chúng sanh tụ hội với nhau theo nghiệp tương tự của họ. Bạn cũng nên biết rằng sự đổ lỗi cho người khác là một trong những việc tổn thương về mặt tinh thần nhất mà bạn đã làm.

Không những trạng thái tâm và sự tu tập của bạn ảnh hưởng đến con cái, nhưng thời kỳ mang thai cũng là lúc có tác động mạnh giúp đứa bé phát triển về mặt tâm linh. Tưởng tượng một phòng học ấm áp đầy ánh sáng, hoặc bạn bè thông tuệ, trưởng thành thưởng có mặt. Hãy nghĩ đến ảnh hưởng những điều đó đã gieo vào đời bạn, trên những quyết định của bạn. Cũng thế, khi bạn nương tựa vào bản thể và phó thác những chướng ngại, con bạn cũng cảm nhận được năng lượng và ánh sáng của bản thể bạn. Đứa bé trong bụng bạn đang biến đổi và phát triển nhanh đến nỗi một biến chuyển hay ảnh hưởng nhỏ trong giai đoạn này có thể gieo ảnh hưởng lớn trong suốt cuộc đời còn lại của nó. Hơn nữa, tư tưởng người mẹ phó thác cho bản thể có ảnh hưởng mạnh mẽ cho bé nhiều hơn là cho ai khác vì trong những tháng đó, mẹ và con đúng là cùng chung một thân thể.

Chúng ta thường thích người ta đối xử tốt với mình, và ghét ai đối xử xấu. Ngay cả giữa vợ chồng hay cha mẹ và con cái. Chúng ta vui vẻ khi có người nói tốt mình, nhưng khi họ thực tình chỉ lỗi, ta thường cảm thấy thương tổn hay phẫn nộ. Khi vui với điều gì hay với người nào, ta có khuynh hướng thích điều đó hay người đó nhiều hơn. Nhưng khi không thích những gì họ đang nói, ta có thể thình lình nổi giận. Tất cả thái độ đó đều làm hại chúng ta, nên hãy buông xả về Chủ nhân Không và luôn dùng nụ cười cùng lời nói tử tế để ứng xử với mọi việc. Nếu có thể làm thế thì chân ngã – vị Phật có sẵn của bạn, sẽ lặng lẽ giúp tâm mọi người trở nên hài hòa.

—*—

Trích Không có sông nào để vượt qua – NXB Hồng Đức

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. THỰC HÀNH TRONG ĐỜI SỐNG THƯỜNG NHẬT
  2. NIỀM TIN VÀO CHỦ NHÂN KHÔNG LÀ CHÌA KHÓA
  3. TÂM VÀ KHOA HỌC

Bài viết mới

  1. VƯỢT LÊN CHÍNH MÌNH
  2. THỰC HÀNH TRONG ĐỜI SỐNG THƯỜNG NHẬT
  3. CHINH PHỤC MỤC TIÊU