LAMA THUBTEN ZOPA RINPOCHE
Trích: Phúc Lạc Từ Nội Hỏa, Cốt tủy của thực hành Yoga Mật tông – The Bliss of Inner Fire; Thái An dịch Việt, NXB. Hồng Đức; 2017
Những phẩm chất và hành trạng bất khả tư nghị của một vị Phật chỉ có thể được biết rõ bởi trí toàn năng của những vị Phật khác. Do vậy, không có cách nào để người bình thường hiểu được những phẩm chất của Lama Yeshe; họ chỉ có thể thấy những phẩm chất của ông theo căn cơ của họ. Nhưng vì trải nghiệm cá nhân là một trong những cách hiệu quả nhất để chứng nghiệm rằng cốt tủy của một đạo sư là Phật, nên tôi muốn nhớ lại một lần nữa những phẩm chất tuyệt vời của Lama Yeshe mà tôi đã có cơ duyên được tiếp cận.
Ngay những người chưa từng gặp Lama Yeshe cũng có một cảm giác rất ấm áp khi thấy một bức hình của ông; họ lập tức cảm thấy ông là một người rất nhân hậu và quan tâm tới người khác. Có lần, tôi gửi cho Audrey Cohen, một người Anh kết bạn qua thư từ, một bức hình của Lama trong một nhóm tu sĩ. Dù không giải thích ai trong các tu sĩ là Lama Yeshe, Audrey đã viết rằng cô có một cảm giác tốt đẹp khi nhìn một tu sĩ cụ thể ở hàng đứng sau; tu sĩ ấy là Lama.
Nhiều người đã phản ứng tương tự khi nhìn thấy thân thánh thiện của Lama. Ngay cả với nhiều người Tây Tạng không biết Lama Yeshe là ai và chưa nghe nói về ông như một học giả lớn, việc nhìn thấy ông cũng khiến họ hạnh phúc, và họ thường có cảm giác sùng kính đối với ông. Một lần khi chúng tôi đang thăm Bodhgaya, một số người Tây Tạng từ Sikkim gặp Lama trên đường và lập tức cảm nhận được một sự thanh tịnh thiêng liêng; họ cảm nhận chắc chắn ông là một đại bồ tát. Cuộc gặp gỡ có một tác động mạnh mẽ lên họ đến nỗi họ hỏi một số tu sĩ gần đó xem Lama là ai, nhưng không ai thật sự biết. Cùng buổi tối hôm đó, một trong những người Tây Tạng đã đến gặp tôi để nói rằng họ đã bị ấn tượng như thế nào khi gặp Lama trên đường. Ông ta có niềm tin tưởng lạ thường rằng Lama là một thánh nhân vĩ đại.
Chỉ cần thấy thân thánh thiện của Lama, người ta đã có được sự bình an và hân hoan trong tâm và mong muốn thấy nhiều điều hơn nữa ở ông. Dù không được giới thiệu với ông, người ta cũng tự nhiên tôn kính ông. Ngay những người chưa biết tới Phật pháp cũng cảm thấy Lama rất khác với người thường. Khi gặp Lama, họ cảm nhận được rất rõ những tính chất thanh tịnh và thánh thiện; họ thấy ông không chỉ là người uyên bác mà còn có một phẩm chất tâm linh sâu sắc.
Nhìn một cách tổng quát, khía cạnh thân xác của Lama thay đổi theo sự phát triển của tâm thức. Trong nhiều năm trước khi qua đời, trông ông rất nhẹ nhàng và rực rỡ. Đây là một biểu hiện của những thực chứng mật tông của ông. Những người ý thức được các dấu hiệu có thể nhận ra những thay đổi bên ngoài, bằng chứng cho sự phát triền bên trong của ông, đặc biệt là bằng chứng về những thực chứng mật tông của giai đoạn hoàn thiện.
Ngay cả khi Lama đang thể hiện khía cạnh bệnh tình trầm trọng, ông cũng bất ngờ trông sáng chói và rực rỡ đến nỗi bạn hầu như nghĩ rằng ông không bị bệnh gì cả. Bởi tâm từ bi lớn lao của mình, Lama thị hiện nhiều khía cạnh để chinh phục chúng sinh.
Lời nói thánh thiện của Lama giống như tiên dược, và sức mạnh của nó là trải nghiệm cá nhân của những người đã thụ nhận giáo pháp từ ông. Từng lời thốt ra đều từ bồ đề tâm; từng lời đều là vì người khác.
Khi những lạt ma Tây Tạng khác thực hiện một thuyết giảng công cộng ở phương Tây, nơi có những người hoàn toàn chưa biết đến Phật pháp, họ thường nói về những chủ đề mà họ quen thuộc hơn là những chủ đề mà thính giả cần nghe. Riêng Lama sẽ không nói về bất kỳ vấn đề cố định nào mà nhắm đến những vấn đề khác nhau của đối tượng thính giả, cả tâm linh lẫn trần tục.
Giống như việc cung cấp một bữa ăn với nhiều món nóng nguội khác nhau, Lama sẽ nói về một chủ đề, rồi chuyển sang một chủ đề khác, sang một chủ đề khác nữa, không nhất thiết có một liên kết giữa các chủ đề. Dù mọi người có thể không thích tất cả những đồ ăn được phục vụ, ai cũng sẽ tìm được một điều ưa thích ở một món nào đó. Bất kể giai cấp xã hội hay trình độ giáo dục, ai cũng nhận được một câu trả lời cho các vấn đề cá nhân phù hợp với tâm tính của mình. Họ có thể đến với tâm trạng rối bời, nhưng trở về nhà với tâm trạng vô cùng thanh thản và hài lòng. Sau một giờ thuyết pháp từ Lama, không ai có thể rời khỏi mà nói rằng họ chưa tìm được giải pháp cho các vấn đề của họ. Kỹ năng tuyệt vời này là bằng chứng rằng hành động thuyết pháp thánh thiện của Lama là hành động của Phật.
Một số người có thể thấy Lama chỉ đang kể chuyện đùa để khiến mọi người cười, nhưng những người có nền tảng Phật pháp sẽ nhận thức sâu sắc tính chất thực tiễn của những bài thuyết pháp từ Lama. Một người từng theo Phật pháp hai mươi năm, từng nghe nhiều giáo huấn bí mật sâu xa vẫn thấy những thuyết pháp của Lama là thực tiễn và lợi lạc. Lời khuyên của Lama không phải là chuyện khó xảy ra; nó có thể liên quan đến đời sống hàng ngày.
Một số người đến với các khóa giảng của Lama vì tò mò, chỉ muốn xem một lạt ma Tây Tạng trông như thế nào; họ không có mong muốn cụ thể là nhận giáo pháp từ một lạt ma Tây Tạng hay nghiên cứu giáo lý Phật giáo. Những người khác đến vì thật lòng tìm sự bình tâm và một giải pháp nào đó cho những vấn đề của họ trong cuộc sống. Từ diện mạo bề ngoài của Lama, có lẽ họ không kỳ vọng ông có phương pháp nào để giải quyết những vấn đề của họ. Tuy nhiên, càng lắng nghe Lama, tâm họ càng trở nên bình an, và họ càng cảm kích những phẩm chất đặc biệt của Lama. Ngay một người với cả núi kiêu hãnh về kiến thức của chính mình, không ai khác có thể chinh phục thì sự kiêu ngạo của họ cũng bị khuất phục bởi việc nghe Lama thuyết pháp. Họ tự nhiên trở nên khiêm tốn hơn. Bản thân Lama cũng có sự khiêm tốn sâu xa, phẩm chất của một người uyên bác.
Sau khi Lama đã thuyết giảng khoảng một giờ, thính giả sẽ nhận ra rằng lạt ma Tây Tạng này rất phi thường, với kiến thức sâu rộng và nhiều câu trả lời mà họ không sao nghĩ ra. Trong một giờ ấy, họ sẽ được truyền cảm hứng lớn lao để tìm hiểu nhiều hơn về Phật giáo Tây Tạng; sự quy y Pháp sẽ được thực hiện trong tâm họ. Lama vô cùng nhân từ vì đầu tiên ông gieo cảm hứng lắng nghe Pháp, sau đó áp dụng nó trong thực hành. Từ sự gia trì này, giác ngộ sẽ đến.
Khi Lama đưa lời khuyên cá nhân cho môn sinh, ông sẽ cho từng người đúng lời khuyên họ cần và khiến họ vô cùng mãn nguyện. Lama có một khả năng khó tin, đó là tìm ra những giải pháp khác nhau thích hợp với căn cơ của từng người. Khi khuyên nhủ mọi người, Lama không dựa vào kinh sách; những dự đoán của ông đến từ trí huệ của chính ông.
Khi Lama dạy những khóa dẫn nhập về lam–rim, con đường tuần tự tới giác ngộ, những người lắng nghe Lama thuyết pháp có cảm tưởng họ gần như có thể chuyển hóa tâm thành những thực chứng của con đường giác ngộ. Ví dụ, khi Lama dạy về bồ đề tâm dù chỉ vài phút, do sự thực chứng bồ đề tâm của ông, thính giả cảm thấy như họ đã thực chứng bồ đề tâm. Không có chỗ nào cho thái độ vị kỷ nổi lên.
Khi Lama dạy về mật tông cũng vậy. Một dấu hiệu về những thành tựu trên con đường mật tông là những lời dạy mật tông của một người hành trì rất rõ ràng và hiệu quả. Điều này thể hiện rõ khi Lama dạy những hành trì của giai đoạn hoàn thiện, như là Sáu pháp Naropa (Six Yogas of Naropa). Chỉ cần lắng nghe những thuyết giảng của Lama về Sáu pháp và có một hoặc hai thực hành, nhiều môn sinh đã có trải nghiệm. Sự sáng tỏ và tác dụng của giáo pháp chứng tỏ rằng chúng đến từ trải nghiệm của Lama về con đường mật tông.
Đây là cốt tủy của một hiểu biết nhỏ mà một người bình thường có thể có về những phẩm chất của lời nói thánh thiện của Lama. Sau khi lắng nghe Lama thuyết pháp, người ta cảm thấy chắc chắn ông là một thánh nhân, một đại bồ tát. Giống như mặt trời mọc xua tan bóng tối, thông qua những giáo pháp của mình, Lama xua tan bóng tối vô minh khỏi tâm trí nhiều người.
Tâm Lama rất cởi mở; ông đón nhận mọi truyền thống Phật giáo Tây Tạng, mọi tôn giáo. Ông có sự nhìn xa trông rộng. Trong cách suy nghĩ của ông về cuộc sống không có gì tù túng, khép kín hay hạn chế. Ông không đi trên một con đường hạn hẹp.
Dù Lama không có tiếng tăm như một người uyên bác, ông nhận được sự tôn trọng của các lạt ma từ mọi dòng truyền thừa Phật giáo Tây Tạng. Lama có sự hiểu biết về hiển tông (sutra) và mật tông (tantra) không chỉ theo cách trình bày của dòng Gelug, mà cả theo những quan điểm của dòng Nyingma, Sakya và Kagyu. Không chỉ thông hiểu về văn hóa Tây Tạng, ông còn thành thạo về văn hóa và triết học phương Tây vì đã nghiên cứu nghiêm túc. Lama không bị lẫn lộn bởi những khác biệt về từ ngữ hay diện mạo bề ngoài giữa hiển tông và mật tông, hay giữa các trường phái. Ông sẽ kiểm chứng ý nghĩa đằng sau từ ngữ để đi đến hiểu biết của riêng mình, sau đó tập trung đưa ý nghĩa ấy vào thực hành. Đây chính là một phẩm chất đặc biệt của Lama Yeshe.
Bản chất thật sự của tâm thánh thiện của Lama là đại từ bi. Lama tràn đầy sự yêu mến dành cho chúng sinh. Bạn có thể hiểu tâm từ lớn lao của Lama qua cách ông chăm sóc môn sinh của mình. Ông còn hơn cả một người mẹ, hơn cả một người cha. Không chỉ truyền dạy giáo pháp cho môn sinh, ông còn không ngừng khuyến khích họ trong tu tập, giúp họ giải quyết các vấn đề. Giống như một người cha, ông sẽ lắng nghe mọi vấn đề của họ rồi cho họ cả lời khuyên cá nhân lẫn giải pháp. Mỗi ngày, ông viết nhiều bức thư vào đêm khuya để trao lời khuyên cho môn sinh. Dù có rất nhiều việc khác phải làm, Lama cũng dành nhiều thời gian và cuộc sống cho việc giải quyết các vấn đề của môn sinh và gia đình họ.
Lama sẽ hòa mình với mọi người, giúp họ bằng bất cứ cách nào khiến họ hạnh phúc, giải tỏa sự căng thẳng trong tâm trí họ. Để khiến mọi người hạnh phúc, ông sẵn sàng tới bất kỳ đâu. Vì ông làm những việc này chỉ để làm lợi lạc cho người khác nên chúng dẫn đến sự phát triển tâm thức và những chứng ngộ của chính ông.
Lama bảo tôi rằng toàn bộ mấu chốt là chuyển hóa mọi hành động của bạn – ăn, uống, ngủ – thành Phật pháp, khiến cho cuộc sống của bạn có ý nghĩa. Lama từng nói một số người thậm chí sử dụng sự hít thở của họ để làm lợi lạc cho người khác. Dù Lama không nói ra, nhưng tôi cảm thấy thực ra ông đang mô tả những phẩm chất và trải nghiệm của chính mình, nhất là thực chứng bồ đề tâm của ông.
Dù nhiều bác sĩ cảnh báo về tình trạng bệnh trầm trọng của tim ông, Lama vẫn luôn bận rộn với việc đi lại, thuyết giảng, viết lách, đọc sách, hướng dẫn cho các trung tâm của FPMT (Foundation for the Preservation of the Mahayana Tradition), dành lời khuyên cho môn sinh. Ví dụ, khi Lama ở tu viện Kopan, dù bận việc hướng dẫn tất cả các trung tâm và những môn sinh riêng lẻ, ông vẫn dạy cho các tu sĩ của tu viện Kopan, chăm lo đến cái ăn cái mặc của họ, giám sát những việc xảy ra ở bếp và thư viện, tưới nước cho khu vườn – thậm chí vẫn tìm được thời gian để tắm cho những con chó bị ghẻ lở. Từ lòng trắc ẩn vô bờ bến của ông với chúng sinh khổ ải, ông làm được rất nhiều việc trong một ngày.
Ngay từ lần đầu tiên Lama tới khám bệnh ở Kathmandu vào đầu những năm 1970, các bác sĩ đã liên tục cảnh báo rằng ông sẽ không sống lâu. Một bác sĩ nói tình trạng bệnh tim của ông trầm trọng đến nỗi ông chỉ có một năm để sống. Nhiều bác sĩ khác sau này đưa ra chuẩn đoán tương tự. Tuy nhiên, ngay cả với tình trạng thể chất ấy, Lama đã sống nhiều năm, đi nhiều nơi và thực hiện nhiều hoạt động trong thời gian đó. Lama hiến dâng cuộc đời mình cho người khác.
Một người bình thường với tình trạng sức khỏe nguy nan như thế không thể sống được lâu hoặc làm được nhiều. Nhưng vì tâm từ bi vô lượng, Lama cố sống lâu nhất có thể để dẫn dắt người khác, giúp họ có cuộc sống có ý nghĩa. Khi còn sống, ông hiến dâng toàn bộ thời gian và năng lượng cho người khác, cả ngày lẫn đêm. Lama đã có thể sống ngay cả khi tình cảnh có vẻ vô vọng. Điều này là do sức mạnh của đại bồ đề tâm, ý chí mạnh mẽ và những thực chứng mật tông của ông.
Một trong những năng lực đặc biệt khác của Lama là tầm nhìn xa; ông có khả năng tạo ra những kế hoạch lớn lao để làm lợi cho giáo pháp và chúng sinh. Nhiều người không thể hiểu được quy mô của những công việc này và cảm thấy các dự án là quá khó thực hiện. Nhưng khi các kế hoạch của Lama được hiện thực hóa, chúng đã chứng tỏ là vô cùng lợi lạc cho những người thực hiện chúng cũng như cho nhiều chúng sinh khác. Những công việc vĩ đại ấy cho thấy các phẩm chất tâm trí thánh thiện của Lama: từ bi, ý chí, năng lực, sự hiểu biết. Nếu Lama không có một hùng tâm mang lại lợi lạc cho người khác thì chưa nói đến việc hoạch định và thực hiện những dự án ấy, ngay cả ý nghĩ về chúng cũng đã không nổi lên.
Đối với tôi, một trong những phẩm chất đáng kinh ngạc nhất của Lama là dù ông rất bận rộn hướng dẫn tất cả các trung tâm FPMT và môn sinh riêng lẻ, sự tu tập và những thực chứng của bản thân ông không vì thế kém đi. Tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác, sự tu tập của Lama đã thật sự phát triển. Năng lực lạ thường này là một trong những nguyên nhân chính cho sự tin tưởng vững chắc của tôi vào Lama. Khi Lama tới thăm từng trung tâm, ông sẽ gặp tất cả môn sinh, cho họ lời khuyên cũng như chăm sóc chính trung tâm ấy. Dù hoàn toàn làm việc vì người khác, lo toan hàng trăm thứ, Lama vẫn có thể thực hiện sự tu tập của chính mình, và luôn có sự phát triển trong những thực chứng của ông.
Ở một vài phương diện, cứ như thể Lama đã được sinh ra với những thực chứng của ba con đường chính: xả ly, bồ đề tâm và chính kiến. Lama sớm biểu hiện những dấu hiệu xả ly trong cuộc đời này. Hồi còn là một đứa trẻ và đã ở tu viện Sera một thời gian, ông trở về thăm nhà. Thấy những khổ ải nhọc nhằn của cuộc sống gia đình và khác biệt lớn giữa người tu sĩ với người sống đời thế tục, ông đã nhận thức rõ những lợi ích sâu xa của sự xuất gia. Từ lần ghé thăm nhà ấy, Lama đã hình thành sự xả ly và không có mảy may quan tâm tới đời sống thế tục.
Mặc dù Lama như được sinh ra với bồ đề tâm, theo những gì ông nói, có vẻ ông đã phát khởi bồ đề tâm khi đón nhận một chú giải Lama Chöpa từ Đức Trijang Rinpoche, vị trợ giáo đã quá cố của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Cùng với thiền giả vĩ đại Gen Jampa Wangdu, Geshe Lama Konchog và hàng ngàn tu sĩ khác, trong đó nhiều vị là những geshe uyên bác và lạt ma cao cấp, Lama đã nhận bản văn Lama Chöpa. Sau khi nhận được bản văn này, nhiều geshe đã rời tu viện, tới những ngọn núi gần đó để hành thiền và tu khổ hạnh.
Về phần chú giải bài cầu nguyện lam–rim trong Lama Chöpa, Lama bảo rằng ông không thấy điều gì mới mẻ trong đoạn nói về vô thường và cái chết. Ông cũng không thấy gì đặc biệt ở đoạn nói về xả ly. Nhưng khi đến đoạn bồ đề tâm, xem người khác không khác gì mình và hoán đổi bản thân với người khác, Lama nói ông có cảm giác rất rõ nét rằng đây là lời dạy đích thực của Đức Phật, cốt tủy của Phật pháp.
Lama nói hồi ông và Gen Jampa Wangdu nhận những giáo pháp này, họ đã không lãng phí thời gian mà hành trì ngay lập tức sau mỗi buổi thụ nhận. Nhìn tổng quát, có vẻ như Lama đã có được thực chứng bồ đề tâm vào thời điểm ấy.
Mỗi khi Gen Jampa Wangdu tới thăm Lama ở Trung tâm an cư Tushita (Đâu – suất) tại Dharamsala, Lama thường phê bình các tu sĩ khổ hạnh, nói rằng dù thể xác những người ấy sống trên núi cao, nhưng tâm trí họ níu bám vào sự đời. “Ồ, cả thế giới đến với ta. Ta có mọi thứ và ta cứ thế tận hưởng”.
Gen Jampa Wangdu từng nói, “Rèn tâm theo ba con đường là chuyện cổ xưa”. Điều này có nghĩa là ông đã có những thực chứng ấy từ lâu. Lama sẽ đáp, “Ồ, ta đã thực chứng tính không từ lâu lắm rồi, khi đang tranh luận về giáo lý Trung quán trong sân sau của Sera Je”. Lama nói rằng ông đã thực chứng tính không khi còn là một tu sĩ trẻ ở Tây Tạng.
Nói về hành trì mật tông, bổn tôn của Lama là Heruka Chakrasamvara. Hồi Lama và tôi sống cùng nhau ở Buxa Duar, tôi không biết nhiều lắm về kinh điển, nhưng ngay cả ở thời điểm ấy, khi Lama đang nghiên cứu giới luật Phật giáo, ông cũng đã đọc nhiều tác phẩm mật tông. Từ khi chúng tôi rời Ấn Độ đến Nepal năm 1968, Lama chỉ đọc các giáo lý mật tông, không hẳn về giai đoạn phát khởi Heruka mà về giai đoạn hoàn thiện. Đôi lúc tôi sẽ nhìn vào các tác phẩm ông đang đọc. Năm 1975, vào chuyến thuyết giảng thứ hai tới Mỹ, chúng tôi ở một tháng tại Madison, gần nhà của Geshe Sopa Rinpoche, để nghỉ ngơi. Trong thời kỳ đó, Lama đang đọc nhiều tác phẩm mật tông nói về tịnh quang tâm. Điều này cho thấy Lama đã có trải nghiệm trong những tu tập ấy và đã có thành tựu.
Một trong những phẩm chất đặc biệt của Lama là ông không bao giờ cho người khác thấy ông là một người hành trì vĩ đại. Ngay cả với những người gần gũi với ông, Lama cũng không biểu hiện dáng vẻ hành thiền bên ngoài. Bạn không bao giờ thấy ông ngồi trong tư thế thiền quá lâu. Ông rất năng nổ hoạt động hoặc rất thư giãn. Tuy nhiên, Lama hành trì rất khéo léo. Giống như Shantideva (Tịch – thiên), ông là một du già sư vĩ đại ẩn thân. Hồi Shantideva ở Nalanda, những tu sĩ khác trong tu viện nghĩ ngài dành cả ngày chỉ để ăn và ngủ. Họ không nghĩ rằng Shantideva có bất kỳ tu tập Phật pháp nào.
Giống như Shantideva, Lama giấu kín hành trì thực tế của mình. Dù ở phương Tây hoặc phương Đông, sau bữa trưa mỗi ngày, Lama thường nghỉ trong một hoặc hai tiếng, nhưng thực ra tất cả những “giấc trưa” ấy là các thời hành trì. Ban đầu, tôi không nhận ra Lama đang làm gì và nghĩ sự nghỉ ngơi của ông chỉ giống như giấc ngủ bình thường; sau này, tôi dần dần nhận ra rằng thực ra là ông hành thiền. Sự thật là khi Lama có vẻ đang ngủ vào ban đêm và sau bữa trưa, ông đang thực hành Phật pháp một cách rất thiện xảo.
Tôi nhớ một ngày ở Kopan, khi gia đình của Yangtse Rinpoche tới thăm chúng tôi sau bữa trưa. Yangtse Rinpoche là tái sinh của lạt ma nổi tiếng Geshe Ngawang Gendun, một trong những vị thầy của Lama Yeshe. Cha của Yangtse Rinpoche, Jampa Thinley, từng ở trong lớp của Lama hồi ở Tây Tạng và là một người bạn thân. Vì cuộc thăm hỏi ấy, Lama không có thời gian nghỉ ngơi sau bữa trưa, và sau khi gia đình đã rời đi, Lama nói ông cảm thấy một mất mát lớn vì không tìm được thời gian nghỉ ngơi. Lama có vẻ rất tiếc. Một người không ý thức được về hành trì âm thầm của Lama sẽ nghĩ rằng Lama đang tiếc sự dễ chịu của giấc ngủ. Nhưng như vậy là điều không hợp lý, nhất là đối với một người tu tập Phật pháp.
Sự “nghỉ ngơi” của Lama không liên quan gì đến một vấn đề thể xác hay nghiệp và những ý nghĩ quấy rối. Nó là để đảm bảo sự liên tục của những thực chứng về con đường tu tập. Một khi một người hành trì đã có thực chứngvề con đường tu tập. Một khi một người hành trì đã có thực chứng, tính chất liên tục của trải nghiệm cần được duy trì bằng cách hành thiền mọi ngày, vì vậy ngay cả vài phút hành thiền cũng trở nên cực kỳ quý giá.
Lần áp chót Lama ở Kopan, một hôm ông tới nghỉ trong một túp lều nhỏ trên đỉnh đồi. Khi trở lại, Lama nói, “Thật là lạ. Bình thường ta không ngủ, nhưng lần này ta rơi vào giấc ngủ trong vài phút và mơ thấy một hộ pháp uy lực cúng dường cho ta”. Đây chỉ là câu buột miệng, nhưng nó cho thấy khi Lama nghỉ sau bữa trưa, ông thường không ngủ.
Ngoài ra, Lama thường nói rằng điều quan trọng là ăn những thức ăn như sữa đông, mật ong, tỏi, thịt. Tôi chỉ hiểu lý do cho điều này khi đọc trong Tuyển tập ghi chú (Collection of Notes) của Pabongka Dechen Nyingpo rằng những thiền giả có thực chứng ở giai đoạn hoàn thiện sử dụng những thức ăn này để phát triển các yếu tố và khí lực trong cơ thể, qua đó họ có kinh nghiệm mạnh mẽ hơn về tịnh quang và củng cố những điều kiện cho huyễn thân. Lama ăn những thức ăn này không phải để phục vụ cơ thể mà để phát triển các thực chứng. Ông không quan tâm tới sức khỏe thể chất bên ngoài, mà là sức khỏe tinh thần bên trong.
Khi Lama thỉnh cầu Đức Trijang Rinpoche dạy Sáu pháp Naropa, Rinpoche đã khuyên ông xin học từ Đức Đạt Lai Lạt Ma, người có kinh nghiệm mới mẻ về pháp môn này. Lama được truyền riêng Sáu pháp trong thiền phòng của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Trong khi đón nhận giáo pháp, Lama đã thực hành và có nhiều trải nghiệm.
Một lần, ở Dharamsala, khi tôi bị cảm gió, Lama bảo tôi, “Một khi đạt được phúc lạc và rỗng không thì không có cảm gió. Không có chỗ cho sự căng thẳng nếu ông có phúc lạc trong tim”. Tôi nghĩ Lama đang nói từ kinh nghiệm của mình. Do những thực chứng mật tông, những thiền giả vĩ đại không cảm thấy ngã lòng ngay cả khi đối mặt với các vấn đề. Tôi nghĩ chứng nghiệm phúc lạc và rỗng không của Lama đã mạnh hơn nhiều vấn đề mà ông phải xử lý liên quan đến các trung tâm truyền pháp và môn sinh. Ông không bao giờ chán nản và luôn rất hạnh phúc.
Cuối năm 1982, Lama dạy khóa đầu tiên về Sáu pháp Naropa ở Istituto Lama Tzong Khapa, Italia. Từ thời điểm đó, dù bình thường ông không mang theo tranh thangka và hình ảnh khi đi lại, nhưng Lama luôn giữ một bức hình Lama Tsongkhapa (Lama Tông – khách – ba) bên mình. Đó là một tấm bưu thiếp thông thường, nhưng Lama bảo tôi rằng nó rất quý giá, và theo cái nhìn thông thường của tôi, ông có vẻ phát sinh thêm nhiều sùng kính đối với Lama Tsongkhapa. Trở về sau khóa giảng, ông bảo tôi, “Khi ở Istituto Lama Tzong Khapa, ta hành trì tự quán đảnh Heruka mỗi buổi sáng trước khi dạy Sáu pháp Naropa. Nó có vẻ đem lại rất nhiều lợi lạc cho môn sinh. Ta đã đọc nhiều kinh sách nên truyền dạy rất hiệu quả, nhiều người đã có trải nghiệm”. Trong thời gian ấy, Lama đang đọc phần nói về huyễn thân từ giai đoạn hoàn thiện của Guhyasamaja (Bí mật tập hội) trong Ngọn đèn soi tỏ năm giai đoạn (Viên mãn giác đạo đăng ngũ giai đoạn) của Lama Tsongkhapa, tác phẩm chứa đựng giáo lý sâu rộng nhất về huyễn thân. Sau đó Lama nói thêm, “Ta đã phát sinh sự sùng kính sâu sắc đối với Lama Tsongkhapa vì những giáo huấn uyên thâm của ông ấy”.
Thư ký của Lama là Jacie Keeley cũng bảo tôi rằng trong khóa giảng ở Istituto Lama Tzong Khapa, bà để ý thấy một buổi sáng Lama đang khóc khi sắp bắt đầu dạy Sáu pháp. Sau khi Lama dạy xong, Jacie hỏi tại sao ông đã khóc. Lama đáp, “Ta thấy đạo sư của ta”. Có vẻ như Lama đã thấy Đức Trijang Rinpoche, bổn sư của ông, người đã qua đời hơn một năm trước.
Lama viết một bài thơ ca ngợi những giải thích sáng tỏ của Lama Tsongkhapa về huyễn thân. Lama nói ông đã không biết làm thế nào đạt được huyễn thân cho tới khi đọc tác phẩm của Lama Tsongkhapa về chủ đề ấy. Ông cảm thấy chính do sự nhân từ của Lama Tsongkhapa, những hành trì về huyễn thân mới được làm rõ. Lama cũng viết một bình giảng về Sáu pháp Naropa nhưng chưa hoàn tất.
Theo quan điểm của tôi, Lama đã đạt huyễn thân khi ông ở Istituto Lama Tzong Khapa. Tôi nghĩ vậy vì Lama nói ông có được đức tin lạ thường vào Lama Tsongkhapa, và vì khi ấy ông chỉ đọc các tác phẩm về huyễn thân, hầu hết là từ Mật thừa Bí mật tập hội (Guhyasamaja). Điều này chứng tỏ bản thân Lama đã thực chứng huyễn thân.
Lama dường như có khả năng đọc nhiều bản văn khác nhau ở những nơi chốn khác nhau vào cùng một thời điểm. Chẳng hạn, khi Lama ẩn dật ở Tushita Retreat Center, ông sẽ mở một bản văn ở mật thất, mở một bản khác ở phòng ngoài, một bản khác nữa ở ngoài nhà kính. Điều này làm tôi nhớ tới những câu chuyện của Đức Zong Rinpoche về các thiền giả đã thực chứng huyễn thân. Vào ban đêm, khi đang ngủ, họ sẽ sử dụng thân tinh tế để đọc và ghi nhớ nhiều kinh điển cùng lúc. Tôi nghĩ Lama có khả năng đọc nhiều tác phẩm trong thời gian ngắn như vậy là vì ông đọc vào ban đêm bằng huyễn thân. Từ cách Lama rất tự tin về nhiều hành động mà một người hành trì du già có thể thực hiện bằng thân tinh tế, tôi có thể thấy bản thân Lama đã có khả năng này.
Khi một thất mới đang được xây dựng ở Tushita Retreat Center, một buổi sáng, một đám lửa lớn bất ngờ bùng lên. Nhiều người cố gắng dùng nước dập tắt lửa, nhưng ai cũng thấy rằng nó đang cháy vượt tầm kiểm soát. Lúc ấy Lama đang ăn sáng gần đó trên sân thượng nhà mình cùng với anh của ông là Geshe Thinley. Lama thậm chí không đứng lên để nhìn đám cháy. Ông chỉ ngồi yên trong ghế, khá thư giãn. Những người còn lại lo sợ, nhưng Lama không lo lắng chút nào. Khi tôi tới chỗ Lama, ông nói, “Hỏa hoạn không phải là mối nguy lớn. Nó sẽ không gây hại gì đâu”.
Dù ngọn lửa khá lớn, Lama vẫn thư thái, và ông đề cập câu chuyện một tu viện Tây Tạng bắt lửa vào thời Lama Tsongkhapa còn sống. Lama Tsongkhapa không cần nước hay nhiều người giúp. Ông đơn giản ở yên chỗ đang ngồi, sử dụng thân tinh tế để dập tắt lửa. Tôi cảm thấy câu chuyện ấy có liên quan đến những hành động của chính Lama để chặn đứng nguy cơ từ đám cháy.
Lama Yeshe là một người hành trì mật tông vĩ đại, một thiền giả khổ hạnh đích thực dù ông không sống đơn độc trong hang núi. Lama là một du già sư lớn ẩn mình. Ông xứng đáng với tên gọi “du già sư” (yogi) không phải vì có thể thực hiện các nghi lễ mật tông mà vì có những thực chứng không lầm lẫn về tịnh quang và huyễn thân. Ông đã đạt tới giai đoạn đại thủ ấn (mahamudra) của mật thừa.
Không lâu trước khi qua đời, khi Lama đang xem xét có phẫu thuật tim hay không, ông nói, “Phẫu thuật có thành công hay không không quan trọng. Ta đã sử dụng bản thân như một người phụng sự người khác. Ta đã làm đủ, và giờ ta hoàn toàn hài lòng. Ta không có ý gì lo lắng cả”.
Đây là một bài học lớn cho tất cả chúng ta; nó là lời dạy cốt tủy của Lama Yeshe và của chính Đức Phật.
Như Shantideva nói trong Nhập bồ đề hành luận:
Cầu cho tôi trở thành một hộ pháp cho những ai chưa có hộ pháp;
Một người dẫn đường cho những ai đã vào đạo;
Cầu cho tôi trở thành một cây cầu, một con thuyền và con tàu
Cho những người muốn vượt qua.
Cầu cho tôi là một hòn đảo cho những ai tìm kiếm một hòn đảo
Một ngọn đèn cho những ai cần ánh sáng,
Cầu cho tôi là một cái giường cho những ai muốn nghỉ ngơi
Một người phụng sự cho tất cả những ai cần một người phụng sự.
Đây là lời dạy chính của Lama và cũng là điều ông đã luôn thực hiện. Đây là tiểu sử cốt lõi của Lama Yeshe.
Ghi chú: Đề tựa này được biên soạn từ nhiều bài nói của Lama Thubten Zopa Rinpoche, đệ tử chân truyền của Lama Yeshe. Khi Lama Yeshe qua đời năm 1984, Rinpoche trở thành giám đốc tâm linh của FPMT, mạng lưới quốc tế hiện có hơn 100 trung tâm nghiên cứu và thực hành Phật giáo Tây Tạng cùng những hoạt động khác, do Lama Yeshe sáng lập. Những chi tiết về cuộc đời của Lama Yeshe có thể được tìm thấy trong các tác phẩm được xuất bản của ông.