LỜI GIỚI THIỆU CỦA JONATHAN LANDAW VỀ LAMA YESHE

LAMA THUBTEN YESHE

Trích: Phúc Lạc Từ Nội Hỏa, Cốt tủy của thực hành Yoga Mật tông – The Bliss of Inner Fire; Thái An dịch Việt, NXB. Hồng Đức; 2017

Trong cuốn sách Dẫn nhập vào mật tông có một số đoạn được chọn từ hai khóa giảng lớn cuối cùng của Lama Yeshe trước khi ông qua đời. Những thuyết giảng này đã được thực hiện tại Istituto Lama Tzong Khapa ở Pomaia, Italia năm 1982, và tại Vajrapani Institute ở Boulder Creek, California năm 1983. Trọng tâm của chúng ta là những thực hành nội hỏa của Vô thượng du già mật tông – cấp độ mật tông thứ tư và cao cấp nhất – như được trình bày trong Sáu pháp Naropa trứ danh và được làm sáng tỏ trong tác phẩm chú giải của Je Tsongkhapa về Sáu pháp, có tựa đề Ba sự tin chắc. Tác phẩm này, Phúc lạc từ nội hỏa, là sự hợp nhất của hai thuyết giảng cuối cùng ấy.

Mặc dù các thực hành nội hỏa được giải thích trong tác phẩm này có thể được truy vê Sáu pháp của học giả Phật giáo và thành tựu giả mật tông trứ danh thế kỷ 11, Pandit Naropa, lý do chúng được đặt theo tên của ông, tuy nhiên chúng ta không nên cho rằng chúng là do ông tạo ra. Thay vì vậy, giống như với mọi giáo pháp chân thật của mật tông Phật giáo, chúng rốt ráo bắt nguồn từ chính Đức Phật, vị Phật lịch sử sống từ 2.500 năm trước (563 – 483 TCN).

Cả Naropa – một mahasiddha hay đại thành tựu giả Ấn Độ – và đạo sư Tây Tạng Je Tsongkhapa (1357 – 1419) đều được tính là “những cá nhân có thực chứng cao” mà Đức Đạt Lai Lạt Ma nói tới, do vậy có khả năng nhận chỉ dẫn về những thực hành thâm sâu như là nội hỏa một cách trực tiếp từ nguồn giác ngộ.

Hình tướng chính của Đức Phật Shakyamuni khi trình bày những giáo pháp cao cấp của mật tông là Vajradjhara, Đức Phật Kim Cương Trì, đôi khi cũng được gọi là Đức Phật của mật tông. Nói chung, những gia trì, khai thị và chứng nghiệm của mật tông đến với hiện tại thông qua hai kiểu truyền thừa: xa và gần.

… Vì vậy, giáo pháp mà chúng ta biết là Sáu pháp Naropa, bao gồm cả những thực hành nội hỏa, chủ đề chính của cuốn sách này, không nên bị xem là những chế tác về sau của các đạo sư Ấn Độ hay lạt ma Tây Tạng, mà rốt ráo bắt nguồn từ những thực chứng giác ngộ của chính Đức Phật Shakyamuni, được truyền thừa không gián đoạn qua những hành trì có thực chứng cho đến ngày nay.

Lama Thubten Yeshe bắt đầu tu tập Phật giáo tại Tu viện Sera, một trong ba định chế nghiên cứu và thực hành lớn do Je Tsongkhapa và các đệ tử sáng lập ở gần Lhasa, thủ phủ của Tây Tạng. Vào những năm 1950, ông hoàn tất sự tu tập chính thức của mình ở Buxa Duar, phía đông bắc Ấn Độ. Khác với hầu hết các tu sĩ đồng đạo ở Sera chỉ giới hạn nghiên cứu vào truyền thống Gelug do Je Tsongkhapa sáng lập, Lama Yeshe rất quan tâm đến giáo huấn của các vị thầy ở mọi tông phái. Cách tiếp cận cởi mở, không lệ thuộc môn phái của ông được chứng thực bởi thực tế rằng khi ở Buxa Duar, những môn sinh của ông bao gồm các lạt ma từ nhiều truyền thống khác nhau.

Nền giáo dục Phật giáo mà Lama Yeshe nhận được có hai nhánh lớn. Thứ nhất được gọi là hiển tông (sutra), được đặt tên theo những thuyết giảng hoặc bài kinh – chẳng hạn kinh Bát Nhã Ba La Mật (Prajnaparamita Sutras) trong đó Đức Phật Shakyamuni tuyên thuyết những khía cạnh khác nhau của con đường tổng quát dẫn tới sự thức tỉnh tâm linh trọn vẹn. Chương trình nghiên cứu ở các tu viện Tây Tạng không chỉ bao gồm những thuyết pháp của Đức Phật mà cả những bình luận của các đạo sư Ấn Độ như Nguyệt Xứng (Nhập trung đạo), Di Lặc/ Vô Trước (Hiện quán trang nghiêm luận), Tịch Thiên (Nhập bồ đề hành luận), Atisha (Bồ đề đạo đăng luận) và nhiều vị khác. Thông qua nghiên cứu, tranh luận và suy ngẫm về những bản văn này và những chú giải về sau của một loạt đạo sư Tây Tạng, cũng như thông qua sự tiếp xúc gần gũi với những truyền thống khẩu truyền chân thật làm sinh động thêm những bản văn này, các môn sinh ở Sera và những tu viện khác đã có cơ hội đạt được tri kiến và chứng nghiệm về ý nghĩa sâu rộng của Phật pháp.

Với nền móng là kỷ luật đạo đức, sự phân tích logic, động cơ trắc ẩn, trí huệ thấu tỏ… mà các nghiên cứu hiển tông cung cấp, những người hành trì đủ điều kiện có thể đi vào nhánh quan trọng thứ hai trong sự giáo dục của họ: nghiên cứu sâu vào mật tông (tantra). Thuật ngữ tiếng Phạn “tantra” (đát-đặc-la, mật điển) được áp dụng cho những giáo pháp cao cấp của Đức Phật Shakyamuni/ Kim Cương Trì. Thông qua đó, sự giác ngộ trọn vẹn, mục tiêu tối hậu của mọi con đường Phật giáo có thể được thành tựu trong thời gian ngắn nhất. Mỗi mật điển tập trung vào một bổn tôn, hiện thân cho một khía cạnh cụ thể của tâm thức giác ngộ. Trong trường hợp của Lama Yeshe, ông nhận quán đảnh và khai thị trong những mật điển như là của bổn tôn Heruka Chakrasamvara, Vajrayogini (Kim Cương du già thánh nữ), Vajrabhairava và Guhyasamaja (Bí mật tập hội), nghiên cứu Sáu pháp Naropa theo Ba sự tin chắc, một chú giải dựa trên kinh nghiệm cá nhân của Je Tsongkhapa như đã trích ở trên. Ông nhận ra sự gia trì của dòng truyền thừa cho những thực hành này từ một số vị thầy mật tông vĩ đại nhất của thời ấy, như Kyabje Ling Dorjecchang (1903 – 83) và Kyabje Trijang Dorjechang (1901 – 81), hai vị lần lượt là giáo thọ chính và trợ giáo của Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 (sinh năm 1935).

Lama Yeshe không đơn thuần nghiên cứu những giáo pháp mật tông sâu xa ấy. Ông đưa chúng vào thực hành trong những kỳ ẩn dật hành trì chuyên sâu và trong đời sống hàng ngày. Nhiều người thấy rõ rằng về cuối cuộc đời, hành trì chính của ông là Heruka Chakrasamvara, và ông dành nhiều thời gian cũng như công sức để có những chứng nghiệm ngày càng sâu hơn của Vô thượng du già mật điển. Theo đệ tử chân truyền của ông, Lama Thubten Zopa Rinpoche, Lama Yeshe viết riêng về những kinh nghiệm hành trì của cả Heruka Chakrasamvara lẫn Sáu pháp Naropa và thường nói chuyện với Lama Zopa về tịnh quang và phúc lạc, bản chất của những thực hành mật tông cao cấp này.

Vì thế, không có gì ngạc nhiên khi hai khóa giảng lớn cuối cùng mà Lama Yeshe thực hiện là về những thực hành nội hỏa của Sáu pháp để có được kinh nghiệm phúc lạc của tịnh quang, và ông mở đầu từng khóa giảng bằng một quán đảnh dẫn nhập vào mật điển Heruka Chakrasamvara. Cũng không ngạc nhiên khi pháp môn cuối cùng mà bản thân ông thực hiện cho đến khi trái tim ngừng đập là Heruka Chakrasamvara. Tuy nhiên, điều đặc biệt truyền cảm hứng là thông qua sự làm chủ tâm thức tịnh quang phúc lạc khi nó lóe lên ở thời điểm lâm chung, Lama Yeshe đã có khả năng ra đi và tái sinh trong một trạng thái kiểm soát tâm thức trọn vẹn, thậm chí đến mức độ chọn được cha mẹ tương lai của mình, đó là hai môn sinh mà ông đã giúp thành lập một trung tâm thiền ở Tây Ban Nha gọi là Osel Ling, nghĩa là Nơi có tịnh quang. Con trai của họ, Tenzin Osel Rinpoche, sinh năm 1985, đã được Đức Đạt Lai Lạt Ma thừa nhận là tái sinh của Lama Yeshe.

Dù các thực hành nội hỏa thuộc về nhánh cao cấp nhất của giáo lý Phật giáo, nhưng Lama Yeshe thường trình bày chúng trong hình thức đơn giản hóa cho cả những môn sinh mới nhất. Ông làm vậy để họ có một nếm trải về kho báu năng lượng phúc lạc bên trong mỗi người chúng ta, ngay trong khoảnh khắc hiện tại. Dù bản thân năng lượng phúc lạc ấy không thể giải thoát chúng ta khỏi vòng luẩn quẩn của thất vọng và khổ ải, nhưng năng lực trải nghiệm nó một cách trực tiếp – như ông thường nói là “nếm chocolate” – có thể có một tác động đáng kể và lợi lạc lên chúng ta. Trong khi không một khảo sát triết học đơn thuần nào làm được, một kinh nghiệm như thế có thể khiến chúng ta tin vào những thay đổi sâu sắc mà chúng ta có thể tạo ra đơn giản bằng cách kiểm soát tâm trí trong trạng thái tập trung hành trì. Sự gia trì mà một kinh nghiệm trực tiếp như vậy cung cấp có thể truyền sức mạnh cho toàn bộ sự tu tập tâm linh của chúng ta.

Nội dung cuốn sách này được lấy từ những khóa giảng ở Italia và California. Các khóa được tổ chức như những đợt ẩn cư hành trì, và các bài giảng của Lama Yeshe được thiết kế để dẫn dắt và khuyến khích môn sinh nỗ lực có được một kinh nghiệm thực tế hơn là hiểu biết lý trí thuần túy về những gì thiền định có thể trao tặng. Sự chú trọng là làm rõ những khai thị về Sáu pháp, không tìm hiểu chuyên sâu về tầm quan trọng lịch sử hay nền tảng triết học của chúng. Thông qua những tiếp xúc trước đó với giáo lý Phật giáo, hầu hết những người tham gia khóa giảng đã quen thuộc với các tài liệu chuẩn bị cần thiết, bởi vậy khóa giảng được tập trung hoàn toàn vào những thực hành nội hỏa theo từng bước. Vì vậy, ở một góc độ nào đó, Phúc lạc từ nội hỏa giống như một Dẫn nhập vào mật tông thứ hai, mở ra thế giới của những thực hành cao cấp trong Vô thượng du già mật tông giống như các tác phẩm trước đây mở ra thế giới mật tông nói chung.

Ngoài việc bàn về những chủ đề cao hơn, tác phẩm hiện tại khác với tác phẩm ở trước ở chỗ tập trung vào những khía cạnh chuyên môn cụ thể của tu tập mật tông. Độc giả sẽ thấy rằng Phúc lạc từ nội hỏa đưa ra những chỉ dẫn chi tiết về nhiều giai đoạn khác nhau của thiền nội hỏa. Sự chú trọng vào chỉ dẫn quán tưởng khiến tác phẩm hiện tại là một cẩm nang có giá trị cho những người quan tâm đến việc tự mình thực hiện sự tu tập nghiêm túc và lâu dài.

… Để khởi đầu, mục đích tối hậu của mọi giáo lý Phật giáo là dẫn dắt người ta tới giác ngộ, thành Phật. Trạng thái tâm thức hoàn toàn thanh tịnh và rộng mở như vậy có các đặc trưng là từ bi, trí huệ và thiện xảo vô lượng. Mahayana hay Đại thừa, giáo pháp của Đức Phật Shakyamuni, nhấn mạnh rằng chỉ bằng cách đạt được sự thức tỉnh trọn vẹn của trí não và trái tim, chúng ta mới có thể hiện thực hóa tiềm năng tâm linh bẩm sinh và quan trọng hơn, đem lại lợi lạc tối đa cho người khác.

Như đã nói, Đại thừa trình bày hai cách tiếp cận có liên quan qua lại tới sự giác ngộ hoàn toàn và trọn vẹn: con đường phổ quát của hiển tông và con đường bí truyền của mật tông. Hiển thừa (Sutrayana) dạy các phương pháp để những mê mờ che lấp sự thanh tịnh bẩm sinh của tâm thức được gỡ bỏ dần dần, giống như bóc đi các lớp vỏ của một củ hành. Đồng thời, những phẩm chất tích cực của tâm thức như từ, bi, trí huệ… dần dần được tăng cường, để rồi cuối cùng người ta đạt được trạng thái vượt khỏi những hạn chế của tâm thức trụ ngã phàm tục.

Những rèn luyện như xả ly, bồ đề tâm và tuệ giác xuyên thấu là tối quan trọng với sự tu tập theo Hiển thừa, và chúng cũng tạo nên nền tảng của Mật thừa. Nhưng Mật thừa (Tantrayana) – cũng gọi là Chân ngôn thừa (Mantrayana) và Kim cương thừa (Vajrayana) – được phân biệt với Hiển thừa bởi cái gọi là quả thừa. Nghĩa là, người hành trì đủ tư cách của mật tông được điểm đạo để nhận luôn kết quả tương lai của con đường tu tập, tức bản thân kinh nghiệm giác ngộ, làm cơ sở cho sự tu tập của mình. Thay vì hình ảnh bản thân bình thường, hạn chế, đệ tử mật tông trau dồi cái thấy mạnh mẽ rằng mình đã đạt được giác ngộ trọn vẹn dưới dạng một hộ thần cụ thể (yidam). Tất cả những yếu tố của trải nghiệm thông thường – khung cảnh xung quanh, những thụ hưởng giác quan, những hoạt động – cũng được nhìn nhận như đã trải qua một sự chuyển hóa giác ngộ tương tự. Mọi thứ được nhìn nhận như là thanh tịnh và phúc lạc, giống như cách một vị Phật sẽ trải nghiệm. Rèn luyện như thế, người tu tập có thể đạt kết quả thực tế của sự giác ngộ trọn vẹn nhanh hơn nhiều so với chỉ dựa vào cách tiếp cận Hiển thừa.

Sự chuyển hóa thành giác ngộ là đề tài bao trùm phạm vi rộng của giáo lý và thực hành mật tông. Những loại năng lượng và trạng thái tâm thức bị các con đường tu tập khác xem là tiêu cực và mâu thuẫn với sự phát triển tâm linh sẽ được thuật giả kim của mật tông chuyển hóa thành những lực trợ giúp sự phát triển bên trong của một người. Trong số này, đứng đầu là năng lượng ham muốn. Theo những giáo huấn nền tảng của Hiển thừa, sự dính mắc ái dục chỉ đóng vai trò kéo dài những khổ ải của luân hồi: vòng luẩn quẩn của sinh tử không nơi chúng sinh không giác ngộ tự giam mình. Vì vậy, nếu một người thật sự muốn thoát khỏi vòng luân hồi khổ sở này, điều cần thiết là loại trừ hoàn toàn chất độc dính mắc ái dục khỏi tâm. Mật thừa đồng ý rằng xét rốt ráo, mọi ham muốn sinh ra từ vô minh phải được khắc phục nếu muốn đạt giải thoát và giác ngộ, nhưng nó thừa nhận năng lượng to lớn ẩn dưới ham muốn như một nguồn lực rất cần thiết, nếu có kỹ năng và sự rèn luyện thì có thể được sử dụng để truyền sức mạnh thay vì can thiệp vào sự phát triển tâm linh của cá nhân.

Dĩ nhiên, bất kỳ con đường nào sử dụng những năng lượng mạnh mẽ và có tiềm năng hủy hoại của ham muốn và những mê lầm khác cũng thật sự nguy hiểm. Nếu được thực hiện không đúng cách hoặc với một động cơ ích kỷ, mật tông có thể khiến người hành trì thiếu hướng dẫn rơi vào những cảnh giới khổ ải tinh thần và thể xác vô cùng tàn khốc. Đó là lý do tại sao những kỹ thuật mật tông tuy có thể được phác họa trong một cuốn sách như thế này, nhưng chúng chỉ có thể được thực hành một cách an toàn và hữu ích dưới con mắt giám sát của một vị thầy mật tông hoàn toàn đủ năng lực, và chỉ bởi những người trau dồi một bồ đề tâm đặc biệt mạnh mẽ, nhận những quán đảnh cần thiết, duy trì nghiêm ngặt các mật nguyện và trải qua những rèn luyện sơ khởi thích hợp. Người ta nói rằng đối với những người nương tựa vào một chân sư mật tông và giữ gìn nghiêm ngặt các giới luật của tu tập mật tông, mục tiêu giác ngộ trọn vẹn có thể được đạt tới trong một đời người ngắn ngủi, thậm chí trong vài năm.

Không phải mọi hệ thống mật tông đều có sức mạnh như nhau trong việc thúc đẩy môn sinh tiến trên bốn lớp tăng dần – (1) Tác, (2) Hành, (3) Du già và (4) Vô thượng du già – và chỉ thông qua sự thực hành nghiêm ngặt một hệ thống thuộc lớp cao nhất là Vô thượng du già, sự giác ngộ trọn vẹn mới có thể được thành tựu theo cách nhanh nhất có thể.

… Việc khai thác sinh lực trong Vô thượng du già mật tông được thực hiện theo hai cấp độ tu tập nối tiếp nhau: giai đoạn tiến triển và giai đoạn hoàn thiện. Giai đoạn tiến triển, cũng được gọi là giai đoạn phát khởi, đóng vai trò như một sự chuẩn bị và tập dượt cho giai đoạn hoàn thiện, và bao hàm việc trau dồi cái gọi là hình tướng trong suốt của bổn tôn mà mình chọn và sự đồng nhất thiêng liêng với bổn tôn. Ví dụ, nếu một người đang thực hành mật điển của bổn tôn phẫn nộ Heruka Chakrasamvara, người ấy thực hành vượt qua cái thấy bình thường về bản thân như một chúng sinh hạn chế của luân hồi, thay vì thế trau dồi hình ảnh bản thân giác ngộ bằng việc thực sự là hộ thần uy lực này. Điều đó bao hàm không chỉ sự quen thuộc với những phẩm chất khác nhau ở cơ thể, lời nói, ý nghĩ củ Chakrasamvara, mà còn đòi hỏi một mức độ thành thục trong sự thiền quán về chân lý tối hậu: shunyata, tính không.

Chủ đề tính không là quá lớn để có thể đi vào chi tiết ở đây. Tạm thời chỉ cần nói rằng nó yêu cầu loại bỏ khỏi tâm mọi phương thức tồn tại được quan niệm hoặc hình dung sai lầm, bắt nguồn từ việc không biết cách thức tồn tại thật sự của sự vật. Vấn đề nền tảng đối với mọi hệ thống tu tập Phật giáo, dù hiển thừa hay mật thừa, là nhận ra rằng cái thấy hạn hẹp, cụ thể của chúng ta về bản thân và môi trường xung quanh có bản chất là vô minh, do vậy là nguồn gốc của mọi khổ ải; mọi quan niệm sai lầm như vậy phải được khắc phục nếu chúng ta muốn đạt được sự giải thoát lâu dài khỏi những bất mãn của luân hồi.

Vì vậy, tu tập mật tông bao hàm sự kết hợp của tính không du già (emptiness – yoga) và bổn tôn du già (deity – yoga): thông qua tính không du già, mọi quan niệm phàm tục về bản thân bị tan rã, và thông qua bổn tôn du già, người hành trì trau dồi nhân dạng giác ngộ của một bổn tôn cụ thể.

Những tương ứng này được phác họa trong bảng kèm theo và tầm quan trọng của ba thân Phật (kaya) có thể được giải thích ngắn gọn như sau. Sự thành tựu giác ngộ trọn vẹn hay thành Phật được xem là đáp ứng hai mục đích: những mục đích của bản thân và những mục đích của người khác. Đến cùng với giác ngộ là sự diệt trừ của mọi mê mờ trong tâm, nguyên nhân của khổ và do vô minh gây ra, cũng như sự tăng cường những phẩm chất lợi lạc vô lượng như trạng thái nhận biết phúc lạc và sự từ bi với muôn loài. Tâm thức viên mãn này hoàn toàn đáp ứng mục đích của người hành trì trên con đường tâm linh. Nhưng một tâm thức cực kỳ vi tế, không chướng ngại, hoàn toàn phát triển như vậy – cũng gọi là pháp thân hay dharmakaya của một vị Phật – chỉ có thể đáp ứng những nhu cầu của người khác nếu nó thị hiện trong những hình tướng mà người chưa giác ngộ trọn vẹn có thể kết nối được. Do đó, với động cơ từ bi là làm lợi cho người khác, từ cảnh giới không ngăn ngại của pháp thân ấy, đầu tiên báo thân (sambhogakaya) nổi lên, và đây là thân mà chỉ những bồ tát cao cấp mới có thể cảm nhận. Tiếp đến là ứng hóa thân (nirmanakaya) thô trọc hơn mà ngay cả chúng sinh trần tục cũng có thể tiếp xúc. Thông qua sự dẫn dắt và gia trì bởi những sắc thân (rupakaya) này mà mục đích của người khác được đáp ứng.

BA THỜI THIỀN CẢNH THÂN PHẬT
Cái chết/giấc ngủ Tịnh quang Pháp thân
Trung ấm/mộng Chủng âm hoặc tia sáng Báo thân
Tái sinh/thức giấc Bổn tôn Ứng hóa thân

Trong giai đoạn phát triển của Vô thượng du già mật tông, người hành trì mô phỏng sự vận động từ cái chết, qua trạng thái trung ấm (bardo) sanh tái sinh – tương ứng với sự vận động từ giấc ngủ, qua giấc mơ tới sự thức giấc – sao cho ba thời này được đưa vào con đường tu tập và được xem như ba thân Phật. Tuy người hành trì quán tưởng sâu sắc về những trạng thái tâm thức ngày càng tinh tế mà người ta trải nghiệm lúc chết và về sự chuyển hóa đi liền với trạng thái trung ấm và tái sinh, nhưng những thay đổi như vậy không thực sự xảy ra vào thời điểm này. Thay vào đó, những thực hành của giai đoạn tiến triển đóng vai trò như sự tập dượt cho những chuyển hóa thực tế sẽ xảy ra ở những cấp độ cao của giai đoạn hoàn thiện. Bởi lẽ, chỉ trong giai đoạn hoàn thiện, người hành trì mới kiểm soát các yếu tố của thân kim cương – các kênh năng lượng, các khí hoặc giọt năng lượng tồn tại bên trong lớp vỏ thể xác thô trọc. Đến cùng với sự kiểm soát là khả năng mô phỏng trải nghiệm chết và mang lại những chuyển hóa thực tế của tâm thức trong hai trải nghiệm ấy.

Mọi thực hành của giai đoạn hoàn thiện có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp với kỹ thuật hành trì gọi là nội hỏa… Thông qua sự làm chủ nội hỏa, một người có thể đạt được sự kiểm soát hoàn toàn bằng ý thức đối với thân kim cương và năng lực đưa tâm đến trạng thái tinh tế, sâu sắc nhất của nó: kinh nghiệm tịnh quang phúc lạc. Không gì sánh được với trạng thái tâm mạnh mẽ phi thường này trong năng lực thu được tuệ giác trực tiếp, xuyên thấu vào sự thật tối hậu, vì vậy nó diệt trừ mọi tâm trạng phiền não.

Thông qua những thực hành thâm diệu của giai đoạn hoàn thiện, những hoạt động thân khẩu ý của người hành trì trở thành những phương sách tự nhiên của sự tăng trưởng tâm linh chưa từng có, bởi lẽ mọi hình thức của năng lượng ham muốn được định hướng vào con đường tu tập. Cuối cùng, bằng sự nhận biết và kiểm soát trọn vẹn, người hành trì phát triển khả năng thương lượng những may rủi của cái chết và sau cái chết. Tột đỉnh của con đường là khi người hành trì đạt được trạng thái nhận biết vô giới hạn tràn ngập phúc lạc gọi là giác ngộ trọn vẹn, đáp ứng một cách tự phát và phi nỗ lực tâm nguyện từ bi của bản thân là đem lại hạnh phúc cho mọi chúng sinh khác. Bằng cách này, lời hứa hẹn đem lại từ bi, trí huệ và thiện xảo vô lượng của tiềm năng bên trong được hiện thực hóa, cuộc đời của một người trở nên thật sự có ý nghĩa.

Trên đây là một tóm lượt cực kỳ ngắn gọn về những điểm chính yếu của tu tập mật tông nhằm cung cấp một ngữ cảnh để những giải thích sau đây về các giáo pháp nội hỏa của Sáu pháp Naropa có thể được nhận thức đầy đủ hơn. Để có một bàn luận chi tiết về những điểm này, độc giả có thể tham khảo danh sách đọc thêm ở cuối sách. Nếu hứng thú của bạn đã được kích thích đủ, bạn nên tự mình tìm những vị thầy mật tông đáng tin cậy, nhận sự chỉ dạy cá nhân từ họ về toàn bộ phạm vi của những tu tập hiển tông và mật tông.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. CUỘC ĐỜI CỦA LAMA THUBTEN YESHE (1935 – 1984)

Bài viết khác của tác giả

  1. TÂM LÀ TÔN GIÁO CỦA BẠN
  2. TẠI SAO NÊN THIỀN ĐỊNH ? MỘT KHẢO SÁT TÂM LÝ HỌC PHẬT GIÁO
  3. BIẾN MỌI KHOẢNH KHẮC THÀNH TU TẬP – LAMA YESHE

Bài viết mới

  1. LÀM THẾ NÀO ĐỂ PHÁT KHỞI LÒNG SÙNG MỘ
  2. QUẢN LÝ NĂNG LƯỢNG THAY VÌ THỜI GIAN CỦA BẠN
  3. KIÊN TRÌ ĐẾN LÚC THÀNH CÔNG