CUỘC SỐNG CON NGƯỜI – NHỮNG NGÀY QUÝ BÁU CỦA CHÚNG TA

TULKU THONDUP

Nguồn: Thư Viện Hoa Sen

Cuộc sống con người thì quý báu, với tiềm năng to lớn
Nhưng nó vô thường và đầy rẫy bất mãn,
Nên giờ đây chúng ta phải hoàn toàn tận dụng nó bằng thực hành tâm linh.

Lộ trình của cuộc sống con người chúng ta – giai đoạn giữa nhận thức và cái chết – thường phong phú với những hoan hỷ và thành đạt, suối nguồn của mọi lợi ích to lớn. Tuy vậy, nó cũng là chủ thể cho vô số dạng đau khổ tinh thần và thể xác không thể tránh. Thậm chí một cuộc sống nghèo khổ dường như trôi qua quá nhanh chóng, trong lúc một cuộc sống hạnh phúc có thể kết thúc với một cảm giác chưa đầy đủ. Do vậy, cuộc sống là phù du và tuyệt đối không thỏa mãn khi nó đu đưa giữa những kinh nghiệm tích cực và tiêu cực mà chúng ta dường như không thể kiểm soát.

Cuộc sống bắt đầu vào lúc có nhận thức, và chấm dứt với một “căn bệnh chết người”, hay bất kỳ nguyên nhân nào gây ra cái chết. Thân và tâm cùng hiện hữu hài hòa chừng nào chúng ta còn thở và thân thể còn duy trì hơi ấm. Khi hơi thở ngừng và thân nhiệt bị mất, tâm và thân tách rời, và người ta chết[1]

Tulku Thondup Rinpoche

Tulku Thondup Rinpoche

Bản tính thật sự của chúng ta là gì

Thân thể không là nhân dạng của một người. Nó chỉ là một nhà trọ cho tâm ta trú ngụ trong một lúc. Trong lúc thân và tâm tách rời, thân pha trộn với những nguyên tố tự nhiên và nhanh chóng biến mất mãi mãi. Nhưng tâm chúng ta sẽ không chấm dứt. Nó sẽ tiếp tục nhận tái sanh với một thân khác và nhân dạng tùy theo luật nghiệp báo, theo chuỗi khuynh hướng tập khí ở quá khứ của chúng ta. Số mệnh tương lai của chúng ta – hoặc hạnh phúc hay bất hạnh – tùy thuộc vào khuynh hướng quen thuộc, khái niệm tinh thần, và những cảm xúc thâm căn cố đế của chúng ta, cũng như cách chúng ta biểu hiện những thói quen này trong ngôn ngữ và hành động.

Tâm, trong thật tánh của nó là rộng mở và thuần tịnh. Phẩm tính bẩm sinh của nó là an bình, hoan hỷ, toàn giác, và rộng lượng. Phẩm tánh này được gọi là tánh giác ngộ hay Phật tánh. Trong Phạn ngữ, buddha có nghĩa “tỉnh thức” hay “bậc tỉnh giác”. Tất cả chúng sanh, mỗi người trong chúng ta, đều sở hữu tánh giác. Đó là trí tuệ thoát khỏi những điều kiện tự giới hạn của suy nghĩ nhị nguyên, vốn chia kinh nghiệm thành chủ thể và đối tượng, “ta” và “người khác”. Thực tánh của tâm là toàn giác và thấy tất cả cùng lúc và bất nhị, giống như một, không giới hạn. Trong tánh phổ quát tối hậu, không chỉ là tâm toàn giác mà hư không là vô biên, thời gian là vô tận.[2]

Vậy tại sao chúng ta lại không hề biết những phẩm tính quý báu đó tiềm ẩn trong tâm mình? Lý do là vì những phẩm tính đích thực bên trong của tâm chúng ta đã bị che lấp bởi thói quen nhận thức nhị nguyên, tâm lý phân biệt luôn nhấn mạnh tính nhị nguyên và mâu thuẫn, cảm xúc phiền não, và cảm giác thèm khát. Theo cách này, thực tánh trở nên không tỉnh thức và xa lạ với chúng ta. Tuy nhiên, mặc dù chúng ta nuôi dưỡng cảm xúc tiêu cực của bám luyến và sợ hãi thì trí tuệ bẩm sinh vẫn vô nhiễm và không phiền não.

Để hiển lộ thực tánh của tâm, chúng ta phải dấn thân vào thiền định mãnh liệt với sự hồi hướng toàn bộ. Chúng ta phải nhận ra và thiền định đúng hướng về cái thấy, suy nghĩ, cảm nhận, lòng tin và bản chất. Mà thậm chí nếu chúng ta có thể nuôi dưỡng ý nghĩ mình sở hữu một tánh thanh tịnh và tích cực bên trong – thì chỉ một điều đó sẽ giúp chúng ta xây dựng tự tín, nâng cấp việc thực hành tâm linh, và đẩy chúng ta đến mục tiêu chân chính.

Một số trong chúng ta có thể nghĩ rằng đặc tính của tâm mình đơn giản là quá định kiến và kiên cố để rèn luyện trong một hướng tâm linh mới. Chúng ta có thể tin rằng mình quá sa lầy vào những thói quen tiêu cực khó nhận được cách suy nghĩ, cảm nhận, quan điểm mới. Tuy nhiên trong thực tế, mọi khoảnh khắc đều là lúc để bắt đầu, để khởi động lại, hoặc thay đổi việc định hướng và tính chất của cuộc sống chúng ta.

Trái ngược với những gì nó có vẻ như, tâm chúng ta không là một dòng chảy đơn độc, vững chắc. Nó không phải là một bộ phận như cây gậy sắt. Nó là một loạt những khoảnh khắc thay đổi mọi lúc, như cách ngón tay chúng ta lần chuỗi hạt thay đổi từ hạt này sang hạt khác. Mỗi sự kiện là một loạt trôi chảy của sinh và tử, một kinh nghiệm trước đó bằng cái chết của một sự kiện khác và theo sau bởi sự tái sanh kế tiếp. Ấn tượng rằng tuổi thọ của chúng ta là một sự liên tục, bền vững, không gián đoạn chỉ là một ảo giác – giống như ảo ảnh của vòng ánh sáng sinh ra do trẻ con xoay đèn bin hay thanh củi cháy dở trong đêm tối.

Nếu bị chán nản hoặc cảm thấy mình đang sống theo một lối mòn, thường là vì chúng ta không thực sự hiểu đặc tính nhất thời của cuộc sống, như nó là. Chúng ta bám chấp vào sự kiện như những đối tượng tinh thần và khái niệm hóa chúng như những thực thể hiện hữu thực sự. Thực ra, những sự kiện hoàn toàn thay đổi trước khi chúng ta có thể nghĩ về chúng. Những sự kiện chúng ta suy nghĩ kỹ lưỡng chỉ là những hình bóng, sự phản chiếu của những gì đã hoàn toàn xảy ra.

Mỗi sự kiện, mỗi khoảnh khắc đều tươi mới, giống như trẻ sơ sinh. Chúng ta dễ uốn nắn và có thể giáo dục, rèn luyện chính mình như trẻ mới ra đời. Qua thiền định, chúng ta có thể cải thiện vào mỗi mối nối của mỗi khoảnh khắc và do vậy tánh giác ngộ của chúng ta hiển lộ.

Tại sao phải thiền định

Một số người đặt câu hỏi này nhấn mạnh về thiền định. Họ thấy nó như sự đam mê lạc thú, thậm chí ích kỷ, hỏi rằng: Nếu chỉ ngồi và hưởng an bình, hoan hỷ trong tâm bạn, vậy bạn đã làm gì cho xã hội? Làm sao bạn có thể tuyên bố là quan tâm đến người khác?

Đó là điều quá tệ mà những người hiểu sai về thiền định theo cách này. Nhưng có thể cũng không ngạc nhiên, vì lợi ích của thiền định chưa được chuẩn bị nhận thức cho đa số chúng ta.

Trong thực tế, mọi sự chúng ta suy nghĩ và cảm nhận đều phát sinh một dấu ấn tích cực hay tiêu cực trong tâm thức. Sự gieo trồng hạt giống vô ngã, an bình, và những tư duy hoan hỷ sẽ đưa tới những hình tướng, cảm nhận và âm thanh tốt đẹp nhất; những tư duy tiêu cực đưa tới những ma quỷ, âm thanh khủng khiếp. Nhưng chỉ khi rời bỏ thân thô nặng của mình và đi vào bardo thì những điều này chúng ta sẽ thấy và nghe được, như sẽ đọc được về sau này.

Thiền định là một công cụ hùng mạnh để tạo ra những hình tướng, âm thanh, và cảm nhận siêu phàm có thể giúp chúng ta và vô số người khác mở ra với chúng. Nhất là, những chúng sanh trong bardo rất dễ lãnh hội thiền định và cầu nguyện như họ sống trong một thế giới của niệm tưởng. Không có thân vật chất níu giữ họ, nếu họ nghĩ “New York”, thì họ đã ở tại New York; nếu ngay sau đó họ nghĩ “London”, thì ngay lập tức đã ở London, là vì nghiệp cho phép họ. Bị thổi bay vòng quanh trong cách này, họ thường cảm thấy kiệt sức, sợ hãi và cô độc.

An bình, hỷ lạc, và lòng bi mà chúng ta phát sinh qua thiền định cung cấp cho ta một bến đậu an toàn, là nơi chúng sanh của bardo có thể nghỉ ngơi và tăng thêm tự tín, an bình và hỷ lạc. Thiền định là một cách hùng mạnh để giúp đỡ những chúng sanh này hơn là những niệm tưởng lan man, và những cảm giác thông thường của chúng ta, vì bởi nó xuất phát từ mức độ an bình, sâu thẳm hơn trong tâm chúng ta. Giống như một cục nam châm, một tâm có nền tảng thu hút những ý thức trôi nổi và làm chúng ổn định. Chúng ta trụ trong thiền định càng lâu, thì chúng ta càng có thể an ủi những chúng sanh này để làm thay đổi họ nhiều hơn, nhằm cải thiện tương lai họ.

Thiền định cũng cho phép chúng ta góp phần vĩ đại với người còn sống. Chừng nào tâm chúng ta còn đầy rẫy những cảm xúc tiêu cực, nếu cố gắng giúp đỡ người khác thậm chí ở một bình diện vật chất, chúng ta có thể tình cờ lây nhiễm cho họ bệnh tật của mình.

Thiền định là một cách để tịnh hóa những bất tịnh của chúng ta, làm mạnh mẽ những phẩm tính đạo đức, và đánh thức thật tánh của chúng ta. Nó có thể là một kinh nghiệm của phẩm tính đạo đức, như lòng sùng mộ, tình thương, an bình, và được phát sinh mạnh mẽ nhờ tư tưởng và cảm nhận nhiệt thành. Đây là thiền định dựa trên khái niệm. Hoặc nó có thể là một kinh nghiệm của trạng thái tâm tỉnh giác. Đó là thiền định phi khái niệm. Cả hai là một kinh nghiệm, một thành tựu, khiến tẩy sạch và tràn đầy chúng ta với kho tàng vô tận của tình thương, an bình, hoan hỷ, và sùng mộ, do vậy nâng cao cuộc sống chúng ta và lần lượt nâng cao khả năng phục vụ người khác. Khi tâm chúng ta tràn đầy những phẩm tính này, bất cứ những gì chúng ta nói và làm sẽ biểu lộ và phản ánh những phẩm tính này một cách tự nhiên. Chúng ta trở thành một suối nguồn của tình thương, an bình, và hoan hỷ cho mọi kết giao với mình. Sự hiện diện của chúng ta chỉ đem lại niềm an ủi cho người khác. Thế nên, giống như không thể bỏ quên gốc rễ của cây nếu muốn dự phần hoa và trái của nó, vậy chúng ta không thể quên tâm mình nếu muốn lợi ích người khác.

Ít nhất về trình độ thông minh, nhiều người trong chúng ta biết được tầm quan trọng của thiền định; nhưng chúng ta lần lữa hoặc không làm một cách toàn tâm. Lý do thường là vì chúng ta không đem hiểu biết tri thức vào bình diện cảm nhận. Nếu có thể để hết tâm trí vào cảm nhận, không gì có thể ngăn chúng ta thực hành. Vậy làm sao có thể đạt được điều đó?

Có hai nguồn động lực cơ bản để thực hành: một là cảm hứng, hai là bị sốc hoặc sợ hãi. Cuộc sống là một nguồn gốc phong phú cho cả hai động lực ấy. Chẳng hạn gặp một vị thầy đáng khâm phục có thể là một sự kiện then chốt để tạo cảm hứng cho chúng ta. Hoặc có thể có những sự kiện xảy ra như bệnh tật của chính mình, sự ra đi đột ngột của người thương mến, hay bi kịch lớn như thảm họa sóng thần ở Nam và Đông Nam Á, sẽ đánh thức chúng ta khỏi giấc ngủ của cuộc sống hàng ngày.

Đạo Phật thúc đẩy ta suy nghĩ sâu xa về năm khía cạnh của đời sống vừa tạo cảm hứng và vừa gây sốc hoặc làm chúng ta sợ hãi:

• Có một cuộc sống đạo đức thì rất quý và hiếm.
• Cuộc sống thì vô thường và có thể thay đổi.
• Mọi sự xảy ra trong cuộc đời đều tương ứng với nghiệp gây ra.
• Đời là bể khổ.
• Cuộc sống có tiềm năng để đạt đến những mục đích cao nhất.

Những điều này không phải được tạo ra gượng gạo chỉ để nhằm mục đích làm cho chúng ta thực hành. Đó là những chân lý không che đậy về cuộc sống của chúng ta. Và cần phải chú ý suy nghĩ về những điều này bởi vì chúng ta cứ xem những điều ấy là hiển nhiên, hoặc cảm thấy không thoải mái nên không nghĩ về chúng. Trong tu viện của tôi ở Tây Tạng, mỗi buổi sáng chúng tôi thiền định suy niệm về năm điểm này. Tuy nhiên, không cần thiết phải ngồi tập trung chú tâm một điểm để suy nghĩ. Chúng ta có thể suy nghĩ về chúng bất kỳ ở đâu, bất cứ lúc nào. Khi làm, chúng ta sẽ thấy cách chúng dạy mình về cuộc sống thực sự là gì, đặt chúng ta trên con đường tâm linh đúng đắn, và nhờ đi theo chúng làm kích hoạt sự nhiệt thành, tận tâm trong chúng ta.

Cuộc sống quý báu của con người là hiếm có

Cuộc sống làm người quý báu cung cấp nền tảng để nâng cấp cho chúng ta không chỉ kiếp này mà còn cho tất cả những kiếp sau. Nó cống hiến cho chúng ta cơ hội đạt được giác ngộ, nhận ra an bình và hỷ lạc thật sự, và dễ dàng tỏa ra những phẩm tánh này để lợi ích vô số chúng sanh. Nếu nhận ra tánh giác ngộ của mình, vũ trụ sẽ trở thành suối nguồn của an bình và hỷ lạc cho chúng ta, và chúng ta sẽ trở thành một nguồn an bình và hỷ lạc cho vũ trụ.

Nếu nhận ra cơ hội này quý báu ra sao và hiểu được giá trị của sự hiện hữu chính mình, chúng ta sẽ lập tức cảm thấy một cảm giác biết ơn và cảm kích to lớn về sự ban phước của cuộc sống khiến chúng ta hoan hỷ. Lòng biết ơn đó sẽ chuyển thành một quyết tâm mạnh mẽ không bao giờ dám để lãng phí một khoảnh khắc nào của cuộc sống này, và cống hiến toàn bộ cho nó trong cách tốt nhất mà chúng ta có thể.

Chúng ta hãy xem xét có bao nhiêu người trong thế gian có cơ hội phi thường này, khi làm như vậy có thể giúp chúng ta nhận ra mình thật may mắn biết bao. Nhìn chung quanh, chúng ta có thể thấy có vô số chúng sanh trong thế gian. Nếu xem xét một tảng đá, hàng trăm côn trùng đang bò lúc nhúc. Nếu có một kính hiển vi, thì hàng ngàn tỷ sinh vật có thể thấy được. Tôi có thể nói hàng tỉ vi khuẩn đang sống trong ruột chúng ta. Theo Phật giáo, mỗi một trong số chúng đều có một tâm và đều tìm kiếm hạnh phúc.

Ngoài ra, những chúng sanh mà chúng ta có thể thấy chỉ là một đỉnh của tảng băng trôi. Giống như những nền văn hóa quanh thế giới một cách truyền thống tin vào những chúng sanh vô hình như thiên, thần, thánh, ma, và quỷ, những người theo đạo Phật cũng tin vào nhiều bộ chúng sanh vô hình. Nhiều sinh linh này hiện hữu giữa chúng ta trong chính nơi chúng ta ngồi và hít thở. Lý do duy nhất chúng ta không thấy và không giao thiệp trong cuộc sống lẫn nhau là vì thiếu nghiệp kết nối chung để phát sinh mối quan hệ qua nhận thức.

Tuy nhiên, giữa sự sắp xếp bao la và kỳ diệu của cuộc sống vô hình và hữu hình, nhân loại sở hữu được tiềm năng vĩ đại nhất cho việc nhận ra giác ngộ, như chúng ta có khả năng thông minh, động cơ, và sức chịu đựng để tìm kiếm con đường tâm linh và gắn bó với nó. Hãy xem súc vật và địa ngục để lấy hai ví dụ. Những chúng sanh này chịu đựng đau khổ, sợ hãi, và trì độn khiến họ thiếu sức mạnh để gom góp thậm chí một dấu vết của những phẩm tính giác ngộ. Bây giờ hãy lấy những chúng sanh như những vị trời trường thọ, những vị dường như may mắn hơn chúng ta, với thân ánh sáng đẹp đẽ và có quyền sử dụng mọi loại ham thích. Tuy nhiên, sự thật là những vị trời đó – không giống con người nếm cả hai mùi vị hạnh phúc và đau khổ nên có động cơ và khả năng tìm kiếm giác ngộ – họ quá say mê khoái lạc sắc dục và không có bất cứ kinh nghiệm đau khổ nào để có thể thôi thúc họ thực hành hoạt động tâm linh.

Thậm chí ngay cả giữa nhân loại, nếu nhìn kỹ, chúng ta thấy thực sự có rất ít người có tính khí giống như chụp lấy cơ hội để làm việc hướng tới giác ngộ. Ngày nay nhiều người không tin vào tâm linh. Nhiều người không hề biết một chút gì về tiềm năng của tâm họ. Thậm chí ngay cả những người có học thức cũng vậy. Có lần một người trí thức đã nói với tôi: “Tâm chỉ là cây nấm trên bộ não.”

Một số người quá đắm chìm vào việc vật lộn với nghèo khó hay bệnh tật hoặc quá nhiễm vào đam mê và kích thích ham mê để phát triển tâm linh. Những người khác trút mọi năng lượng của họ vào việc đạt được thành công vật chất và danh vọng. Và cũng có người có thể có một số khuynh hướng tâm linh chưa bao giờ tiến bộ trên con đường vì rơi vào đám đông sai lầm và chọn lấy giá trị sai. Vậy khi tóm gọn lại, chỉ còn một chút phần trăm ít ỏi người có một thay đổi thực tế của việc tận dụng cơ hội cho tâm linh tăng trưởng.

Giáo lý Đạo Phật trình bày những hoàn cảnh lý tưởng cho tiến bộ tâm linh. Chúng được biết là tám tự do và mười thuận lợi. Tám tự do là thoát khỏi việc phải sinh vào cõi (1) địa ngục, (2) ngạ quỷ, (3) súc sanh, hay (4) cõi trời trường thọ, bởi vì không cõi nào có thể đem lại cơ hội tạo tiến bộ tâm linh tốt như cõi người. (Xem chương 6, “Tái sanh”, để biết thêm về các cõi.) Và cũng phải thoát khỏi việc có (5) một quan điểm đồi bại, (6) cách cư xử mọi rợ, (7) quan điểm đoạn kiến, hay (8) sinh ra ở nơi không có sự xuất hiện của một vị thầy giác ngộ.

Mười thuận lợi bao gồm việc có được: (1) thân người với (2) các giác quan đầy đủ nguyên vẹn và (3) một công việc lành mạnh, hoặc một nghề nghiệp tốt. Người đó cũng phải sinh ra ở nơi mà (4) Giáo pháp tồn tại, (5) một vị thầy giác ngộ xuất hiện, (6) vị thầy dạy Giáo Pháp như cam lồ (Giáo lý giác ngộ của Phật giáo) và (7) Giáo Pháp giảng dạy vẫn đang thịnh vượng và phát triển. Cuối cùng, người đó phải (8) có niềm tin vào giáo lý, (9) đi theo giáo lý, và (10) có sự hướng dẫn của một vị thầy chân chính còn sống.

Như bạn có thể thấy, có được tất cả mười tám điều kiện lý tưởng này là cực hiếm. Những ai có được các điều kiện này được người theo đạo Phật gọi là cuộc sống làm người quý báu. Dù cho sở hữu bao nhiêu điều kiện lý tưởng, chúng ta cần phải hoan hỷ với những điều kiện đang có, biết rằng chúng là sự ban phước và phải hoàn toàn tận dụng. Ta cũng phải làm sao để đạt những điều kiện còn thiếu. Nếu nhận ra sự ban phước quý báu mà mình có, chúng ta sẽ không bao giờ dám lãng phí cơ hội bằng vàng này, và sớm hay muộn thì chúng ta sẽ nhận ra ý nghĩa của cuộc sống quý báu – an bình, hoan hỉ và rộng mở thực sự.

Nếu không nắm lấy cơ hội để làm cho cuộc sống trở nên ý nghĩa và chuyển thành một cuộc sống làm người quý báu thì không gì bảo đảm rằng chúng ta sẽ có một cơ hội khác trong tương lai. Sau cùng, con người không chỉ có trí tuệ nhạy bén nhất trong tất cả chúng sanh mà còn có những cảm xúc mạnh mẽ nhất. Tất cả quá dễ cho chúng ta bị cuốn theo những cảm xúc mạnh và phạm những sai lầm bi thảm có thể dẫn chúng ta tái sinh vào cõi thấp hơn. Như Tổ Shantideva (Tịch Thiên) nói:

Quá khó để có một cuộc sống làm người được phú cho tự do và thuận lợi.
Ngày nay có cơ hội để hoàn thành mục đích của cuộc đời,
Nhưng nếu không tận dụng được nó,
Làm sao chúng ta có thể có lại cơ hội như vậy nữa?

Nguồn: Thư Viện Hoa Sen

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. BỐN SỨC MẠNH CHỮA LÀNH CỦA TÂM
  2. NHẬN BIẾT TÂM AN BÌNH
  3. MỞ RỘNG TÂM VỚI LÒNG BI

Bài viết mới

  1. SỬ DỤNG HIỆU QUẢ SIÊU NĂNG LỰC QUYỀN LỰC & TÁC ĐỘNG
  2. CÂU TRẢ LỜI ĐÃ CÓ SẮN TRONG CÂU HỎI – PHẬT GIÁO TRONG THẾ GIỚI TÂN TIẾN NGÀY NAY
  3. THẦY VÀ ĐỆ TỬ