CUỘC SỐNG – MÓN QUÀ CỦA CÁI CHẾT

PHẠM HẢI YẾN

Trích: Món Quà Của Cái Chết; NXB. Dân Trí; Công ty TNHH XB Thiện Tri Thức, 2021

Không phải tình cờ mà cuốn sách về tâm linh đầu tiên tôi được đọc là Your Soul’s gifT: The healing power oƒ the life you planned before you were born của Robert Schwartz (Món quà của linh hồn: sức mạnh chữa lành của cuộc đời bạn biên kịch trước khi được sinh ra). Hồi đó cái tiêu đề của cuốn sách đập vào mắt tôi gây nhiều sự tò mò, và tôi mất một lúc để tự hỏi “bạn” trong cái tiêu đề đó là ai, “bạn” là người biên kịch cuộc đời trước khi “bạn” được sinh ra có nghĩa gì? Nội dung của cuốn sách tạo nền tảng cho cuộc hành trình tìm hiểu ý nghĩa của mọi sự kiện xảy ra trong đời tôi, giúp tôi trân trọng cả những sự kiện đau đớn nhất và vững vàng làm chủ các quyết định và phản ứng của mình trong mọi chuyện. Tôi bắt đầu nhận ra một sự thật rằng, tất cả những gì xảy ra với tôi, xảy ra bởi tôi. Tôi là nguyên nhân duy nhất của cuộc đời mình.

Ban đầu quả là khó khăn để tôi chấp nhận rằng tôi là nguyên nhân gây ra mọi thứ trong đời mình, bởi vì tôi đã sống nhiều năm với niềm tin rằng mọi sự vui buồn của mình đều có nguồn gốc từ bên ngoài bởi người khác. Niềm tin đó khiến tôi luôn cố gắng thay đổi người khác để làm tăng niềm vui và giảm thiểu nỗi buồn của mình. Tôi đã phải học sự dũng cảm và cách yêu thương bản thân mình rất lâu, để chấp nhận rằng ngay cả sự đau khổ của mình cũng do tự mình gây ra. Tuy nhiên, tại thời điểm mà tôi quyết định nhận trách nhiệm hoàn toàn cho tất cả mọi niềm vui và nỗi đau của mình, tôi mở ra một cánh cửa đón nhận năng lượng diệu kì của tạo hóa chảy vào trong tôi, để tôi có thể trở thành một người kiến trúc sư cho chính thực tại của mình, theo cách mà tôi muốn. Trong suốt 30 năm đầu đời, tôi lớn lên tin rằng (trong vô thức, và sau này, trong nhận thức) tôi không xứng đáng được Mẹ tôi yêu thương vô điều kiện. Khi tôi còn là một sinh linh đỏ hỏn, mẹ tôi là người quan trọng nhất với tôi, người mà tôi được hệ thống lập trình sinh học của mình yêu cầu tôi phải tìm kiếm tình yêu thương vô điều kiện từ bà. Lúc còn nhỏ, sự lạnh lùng của mẹ mỗi khi tôi bị điểm kém, có những cử chỉ không hay nơi công cộng hoặc những hành động trái ngược với khuôn mẫu và mong muốn của mẹ, đã vô tình tạo một vết hẳn sâu trong trái tim nhạy cảm của tôi. Sự tự ti về giá trị của bản thân thúc đẩy tôi phải học hành thật giỏi giang, thăng tiến trong công việc, hoàn hảo trong vai trò người mẹ và người vợ, chỉ để đổi lấy một liều thuốc chữa lành cho trái tim: nụ cười của mẹ. Tôi nhận ra đó cũng chính là động lực khiến tôi luôn cố gắng hy sinh nhu cầu và mong muốn của mình cho chồng và gia đình, ngay cả những lúc mệt mỏi rã rời về tinh thần lẫn thể xác. Nỗi đau tìm kiếm tình yêu từ bên ngoài trở nên quá sức chịu đựng, và suýt nữa thì cuộc hôn nhân của tôi tan vỡ.

Chỉ đến khi tôi thức tỉnh tâm linh, tôi mới nhận ra tất cả những nỗi đau này xảy ra với mục đích để giúp tôi học cách yêu thương bản thân mình vô điều kiện.

Nếu như không có cuốn sách của Robert Schwartz, tôi đã không hiểu ra rằng đây chính là một trong những bài học tâm linh quan trọng nhất mà linh hồn của tôi đã lựa chọn để học nó trong cuộc đời này. Linh hồn của mẹ tôi và linh hồn của chồng tôi đã đồng ý tham gia vở kịch này với đầy tình yêu thương, họ yêu tôi bằng cách đối xử với tôi như vậy, để tôi có thể tiến hóa tâm linh một cách mạnh mẽ và học đủ yêu thương bản thân vô điều kiện. Không những thế, cuộc hành trình tự vấn bản thân và tìm hiểu về tiềm năng con người đã giúp tôi học được những kiến thức sâu sắc về tình yêu, sang chấn cảm xúc, và nuôi dưỡng trong tôi sự thấu cảm sâu đậm với những hành vi không mong muốn ở con người. Tôi phải mất vài năm để tự chữa lành và học cách yêu thương bản thân mình vô điều kiện, với sự nhận thức sâu sắc rằng chúng ta không thể cho đi những gì mà chúng ta không có. Khi tôi càng đong đầy tình yêu thương trong mình, tôi lại càng cảm thấy trân trọng vai trò của những nỗi sợ hãi trong cuộc đời.

Tôi đọc về luật hấp dẫn lần đầu tiên trong cuốn sách The secret của Rhonda Byrne (Điều bí mật) và cuốn Think and grow rich của Napoleon Hill (Nghĩ giàu để làm giàu). Trong hai năm vừa qua khi bước ra khỏi vùng an toàn để khám phá thế giới và theo đuổi giấc mơ của mình, tôi trải nghiệm rất nhiều lần tình cờ, mà trong giới học thuật thường gọi là sự ngẫu nhiên (serendipity) hay sự đồng bộ (synchronicity). Đây là những tình huống mà lời giải đáp cho những câu hỏi trong đầu vô tình xuất hiện trên con đường tôi đi. Tuy nhiên, cùng lúc cũng thường xảy ra những sự kiện khác khiến những sang chấn cảm xúc và nỗi đau vô thức trồi lên trong nhận thức. Tôi nhận ra rằng tôi không chỉ hút về mình những gì mà tôi mong muốn, mà còn hút về mình những thứ tương ứng với trạng thái năng lượng của mình. Trạng thái năng lượng của chúng ta bao gồm tình yêu và sự sợ hãi. Vũ trụ sẽ đem đến cho chúng ta những gì mà chúng ta mong muốn, đồng thời, những gì mà chúng ta sợ hãi, để các sang chấn bên trong có thể được nổi lên tầng nhận thức cho chúng ta chữa lành và chuyển hóa chính mình, học bài học tâm linh mà linh hồn chúng ta đã lên kế hoạch trước khi tái sinh.

Thấu hiểu sự sợ hãi hoặc sang chấn bên trong, chữa lành chúng bằng tình yêu thương bản thân vô điều kiện đã trở thành nguyên lý duy nhất trong hành trình tiến hóa tâm linh của tôi. Trong phần này, tôi sẽ nói kĩ hơn về các sang chấn, và chữa lành sang chấn là công việc chính cho con đường tiến hóa tâm linh của chúng ta.

Theo định nghĩa của Google, sang chấn là những trải nghiệm căng thẳng hoặc bất hạnh trong cuộc đời. Sau một thời gian dài nghiền ngẫm về cuộc sống, tìm hiểu ý nghĩa cuộc đời và khám phá tiềm năng con người, đối với tôi, sang chấn bao gồm tất cả những biểu hiện cảm xúc từ đau đớn, đến lo sợ, đến bất an. Nó có thể quét từ những cảm xúc tiêu cực như trầm cảm, giận dữ, bạo lực, v.v đến những hành vi định hình tính cách, cũng như những quan điểm vô hình đã điều khiển phản ứng, hành vi và quyết định trong cuộc sống của chúng ta từng giờ từng phút.

Kết hợp những hiểu biết của mình trong lĩnh vực tâm lý và tâm linh, tôi xin được hệ thống hóa sang chấn theo bốn cấp độ để giúp cho việc dễ nhận diện và chữa lành. Nhận diện được sang chấn trong mỗi chúng ta là bước đầu quan trọng để tiến đến một cuộc đời viên mãn mà ta hằng mong muốn.

Tầng 1 – Sang chấn xã hội: Thỉnh thoảng, chúng ta thường đánh đồng với văn hóa hay quan niệm xã hội để chúng ta có lý do trốn tránh trách nhiệm với bản thân mình. Sự căng thẳng về việc đưa đón con đi học thêm cho chúng giỏi giang hơn bạn hơn bè, để chúng đạt được điểm cao trong các kì thi, nỗi đau khi chúng ta gồng mình lên để đóng vai một người vợ/chồng tốt, cha mẹ tốt, theo đuổi thành công theo định nghĩa của xã hội, là những ví dụ của sang chấn xã hội. Chúng ta thường nói: “Xã hội như thế thì mình cũng phải như thế”. Nguồn gốc của những sang chấn này thường bắt nguồn từ nỗi sợ bất an, nỗi sợ thất bại, mong muốn được chấp nhận trong nhóm, hoặc là thiếu những nỗ lực tự thân để chọn lựa một cách sống khác.

Tầng 2 – Sang chấn tuổi thơ: Nằm sâu hơn sang chấn xã hội là sang chấn tuổi thơ, được định hình từ các trải nghiệm tuổi thơ của mỗi người. Sang chấn tuổi thơ hình thành khi chúng ta bị phạt (trên cơ thể như đòn roi, trên tinh thần như sự lạnh lùng, la mắng hay bị phớt lờ) mỗi khi chúng ta không nghe lời cha mẹ, không sống theo cách mà cha mẹ mong muốn, thông đạt được những kì vọng của họ hoặc mắc phải lỗi lầm. Những nhu cầu phải làm hài lòng người khác, nhu cầu phải đúng trong mỗi lần tranh cãi, như cầu muốn cảm thấy mình quan trọng hoặc giỏi giang hơn người, nỗi lo sợ mắc phải lỗi lầm, v.v. là một số ví dụ của sang chấn tuổi thơ. Nguyên nhân của sang chấn tuổi thơ thường bắt nguồn từ bản năng tìm kiếm sự yêu thương từ bên ngoài khi chúng ta còn nhỏ chưa tự sống sót được. Khi tình yêu trở thành một sự trao đổi giữa con cái và cha mẹ “Làm như thế này thì bố/mẹ mới yêu con, não bộ sẽ nhanh chóng học các hành vi được nhận tình yêu và tránh xa các hành vi làm mất tình yêu từ cha mẹ bằng mọi giá. Các hành vi này sau đó sẽ trở thành phản ứng tự động, điều khiến cảm xúc của chúng ta ở tầng tiềm thức khi ta trở thành người lớn.

Tầng 3 – Sang chấn thế hệ: Khi sang chấn xã hội và sang chấn tuổi thơ không được nhận diện và chữa lành, chúng có thể truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác trong gia đình và trở thành sang chấn thế hệ. Những hành vi vô thức được truyền qua các thế hệ theo sự mô phỏng hành vi. Ngoài ra, sang chấn thế hệ còn có thể di truyền theo đường gen trước khi sinh hoặc nhập năng lượng sau khi sinh (con cái dễ bị nhập năng lượng của cha mẹ khi còn nhỏ) do sang chấn về bản chất là năng lượng. Chúng ta thường thấy một phần hành vi và tính cách của chúng ta giống với cha mẹ mình. Một đứa con nóng tính giống cha, hoặc hay lo lắng giống mẹ, là một ví dụ của sang chấn thế hệ.

Tầng 4 – Sang chấn tiền kiếp: Trong trường hợp nỗi đau, sự lo sợ hoặc sự bất an không thể tìm ra dấu vết trong tuổi thơ, hoặc trong đặc điểm gia đình, nhiều khả năng chúng được gây ra bởi sang chấn tiền kiếp, khi vết hằn của một sự kiện đau đớn được in dấu lên linh hồn bạn do cái chết của bản thân hoặc cái chết của người mà bạn thương yêu, gây ra nỗi sợ hãi mơ hồ vô thức trong kiếp này mà bạn không sao hiểu được. Nỗi sợ hôn nhân mặc dù lớn lên trong một gia đình hạnh phúc, sợ độ cao, sợ đám đông, sợ bị đổ lỗi, là một vài ví dụ của sang chấn tiền kiếp. Mặt khác, linh hồn thường lên kế hoạch cuộc đời mình với những sự kiện, hoặc chọn cha mẹ để trải nghiệm các sang chấn xã hội, sang chấn tuổi thơ hoặc sang chấn thế hệ, tương đồng với sang chấn tiền kiếp, nhằm mục đích thúc đẩy sự tiến hóa và chữa lành sang chấn tiền kiếp của mình.

Để hiểu sâu hơn về sang chấn tiền kiếp, bạn có thể đọc những cuốn sách của tiến sĩ Brian Weiss. Để hiểu sâu hơn về việc linh hồn của chúng ta đã lên kế hoạch cuộc đời như thế nào, để chúng ta có thể học những bài học cần thiết cho sự tiến hóa tâm linh, bạn có thể đọc các tác phẩm của tiến sĩ Michael Newton và Robert Schwart.

Chúng ta ra quyết định trong cuộc đời mình qua hai động lực chính: lực kéo của tình yêu, và lực đẩy của sự sợ hãi. Đa số mọi người không nhận ra mình đang sống theo lực đẩy của sự sợ hãi (sợ thiếu tiền, sợ thua kém, sợ dư luận, v.v.), cho đến khi họ gặp một biến cố lớn hoặc bất mãn với những vấn đề cứ lặp đi lặp lại. Những giây phút định hình trong cuộc đời nhắc nhở chúng ta rằng: sự lo sợ chẳng qua chỉ là sự vắng mặt của tình yêu thương. Chúng là những lỗ hổng trong tâm hồn ta cần được chữa lành bởi tình yêu thương vô điều kiện, và sự thức tỉnh quay về với bản chất tâm linh của chính mình.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. TÌNH YÊU – MÓN QUÀ CỦA CÁI CHẾT

Bài viết mới

  1. SỬ DỤNG HIỆU QUẢ SIÊU NĂNG LỰC QUYỀN LỰC & TÁC ĐỘNG
  2. CÂU TRẢ LỜI ĐÃ CÓ SẮN TRONG CÂU HỎI – PHẬT GIÁO TRONG THẾ GIỚI TÂN TIẾN NGÀY NAY
  3. THẦY VÀ ĐỆ TỬ