SAYADAW U JOTIKA
Trích: Những Nguyên Lý Để Sống Hạnh Phúc; Sư Sayadaw U Jotika; dịch giả: Việt Hùng
Dòng thơ đầu tiên là: “Cười, và cả thế giới sẽ cười cùng với bạn”. Bạn thấy như thế nào? Cười, và cả thế giới sẽ cười cùng với bạn. Tôi biết một số người cười rất nhiều, đặc biệt là bạn của tôi, người đang ngồi ở sau kia. Cô ấy có thể cười hàng giờ đồng hồ. Cười, và cả thế giới sẽ cười cùng với bạn. Thế giới ở đây có nghĩa là mọi người. Như vậy, nếu bạn hạnh phúc, nếu bạn kể chuyện tếu lâm và cười, mọi người sẽ thích đến với bạn. Bởi vì mọi người muốn hạnh phúc. Do đó, nếu muốn có nhiều bạn bè đến với mình, bạn phải là một con người hạnh phúc. Và khi mọi người đến, bạn phải có những lời nói khiến họ hạnh phúc và cười. Điều này khá là tự nhiên. Nhưng đối với chúng tôi, những nhà sư, chúng tôi không được phép cười lớn tiếng. Nên chúng tôi phải tiết chế bản thân khi chúng tôi muốn cười. Bạn cũng có thể đã đọc được rằng Đức Phật chỉ cười một đôi lần. Một vài lúc, các vị sư cũng cười. Tôi biết một vài vị sư bạn của tôi cười rất nhiều. Bởi vì họ hạnh phúc. Một vài người thì hạnh phúc một cách tự nhiên. Bản chất khi sinh ra của họ là hạnh phúc. Mỗi người chúng ta đều khác nhau. Mỗi người chúng ta có các cá tính khác nhau. Một vài người hạnh phúc một cách tự nhiên. Dù bất cứ điều gì xảy đến, họ cũng sẽ nhìn tình huống cụ thể đó dưới một lăng kính hài hước và khiến nó trở thành một điều thú vị. Đôi lúc, họ còn biến bản thân mình thành những trò đùa. Họ kể những câu chuyện về chính họ và cười. Đó là một điều tốt để làm. Nếu xem mọi thứ quá nghiêm trọng, đôi khi điều đó sẽ khiến bạn cảm thấy rất khổ sở. Chắc chắn là có những thứ chúng ta cần phải xem là nghiêm trọng. Nhưng đừng xem tất cả mọi thứ đều là nghiêm trọng.
Ở nơi tôi ở, vào ngày hôm nay, chúng tôi có mời nhiều vị sư đến, bao gồm cả hai vị sư đang có mặt ở đây. Và có một vị thầy rất lớn tuổi. Ngài đã 89 tuổi. Đây là lần đầu tiên Ngài sang Singapore. Tất cả chúng tôi đều rất hạnh phúc khi được gặp Ngài. Không phải là vì Ngài cười nhiều. Mà là vì Ngài rất định tĩnh, rất bình an, rất thư giãn và rất tự nhiên. Tôi quan sát được Ngài ở khoảng cách rất gần. Tôi đã có dịp gặp Ngài trước đây. Tôi đã đến tu viện của Ngài ở Rangoon, Myanmar. Nên tôi biết về Ngài khá rõ. Ngài là một người bạn của vị Thầy của tôi, một người bạn rất thân của Thầy. Thầy đã mất vào hai năm trước. Tôi quan sát Ngài. Ngài quá định tĩnh, quá bình an, quá thư giãn, và quá tự nhiên. Ngài không đóng kịch. Ngài chỉ đang là chính bản thân mình mà thôi. Ngài không bị mất tự nhiên, dù rằng có rất nhiều người đang ngồi xung quanh và nhìn ngắm Ngài. Ngài không cảm thấy căng thẳng hoặc mất tự nhiên. Khi Ngài ăn, tôi cũng ngồi đó ở phía đối diện của bàn và quan sát Ngài ăn. Vị sư bạn của tôi giúp Ngài ăn. Sư bỏ vào muỗng những thứ phù hợp, những thứ mà Ngài có thể thích. Rồi Ngài lấy muỗng thức ăn đưa lên miệng. Rất tự nhiên. Chỉ ngắm nhìn Ngài ăn thôi cũng đã khiến cho tôi cảm thấy rất định tĩnh và hạnh phúc. Ngài quá đỗi tử tế, tự nhiên, nhẹ nhàng, và thư giãn.
Mọi người đều thích những ai bình yên, tử tế và thư giãn. Nếu lúc nào bạn cũng căng thẳng, khó chịu, không tử tế, hoặc bạn than phiền quá nhiều về điều này, điều nọ, người này, việc kia, thì khi đó những ai ở xung quanh bạn cũng sẽ cảm thấy không vui. Và rồi họ sẽ tránh xa bạn.
Cười, và cả thế giới sẽ cười cùng với bạn, điều này rất quan trọng. Nó có nghĩa là hãy hạnh phúc. Nếu bạn hạnh phúc, mọi người sẽ thích bạn hơn. Điều này rất là tự nhiên. Nếu bạn không muốn cô đơn, hãy học cách để hạnh phúc. Trong bản kinh Mangala Sutta, có một ý trong tiếng Pali như sau: samaṇānañca dassanaṃ (thường đến gặp Sa-môn). Một vài bạn đang gật đầu. Tôi nghĩ rằng bạn biết đoạn đó. Samaṇā có nghĩa là một người đã vượt qua được mọi ô nhiễm trong tâm, một người trong sạch, định tĩnh và bình an. Gặp được người như vậy là một phúc lành (blessing). Và từ “blessing” không thực sự là cách dịch đúng của từ Pali mangala. Khi tìm kiếm ý nghĩa của từ mangala, tôi đã tìm được rằng mangala có nghĩa là căn nguyên để làm cho cuộc sống trở nên mãn nguyện, thành công, làm cho bạn trưởng thành lên. Các căn nguyên làm cho bạn trưởng thành lên, làm cho bạn mãn nguyện đó là mangala. Như vậy, bằng cách nào mà việc gặp được một người định tĩnh, bình yên, thư giãn, trong sạch trong tâm, trong tim lại có thể giúp bạn trưởng thành, giúp bạn mãn nguyện?
Khi còn rất trẻ, bất cứ khi nào tôi gặp một người định tĩnh, bình yên, thư giãn và hạnh phúc, tôi quan sát họ rất kỹ càng. Từ các trải nghiệm đó của chính bản thân mình và cũng do bởi vào thời điểm đó tôi đang rất không hạnh phúc, bất cứ khi nào tôi gặp ai định tĩnh, bình yên và hạnh phúc tôi cũng đều nghĩ rằng, thật là đáng kinh ngạc để được định tĩnh, được bình yên, được thư giãn và được hạnh phúc như vậy. Thật là đáng kinh ngạc. Bởi vì rất dễ dàng để trở nên khổ sở. Một vài người hạnh phúc khi có được thứ mà họ muốn. Mọi người hạnh phúc khi họ hát hò và nhảy múa. Mọi người cũng hạnh phúc khi tham dự tiệc sinh nhật hay một buổi tiệc nào đó. Điều đó là bình thường, không gì khó khăn để có kiểu hạnh phúc như vậy. Nhưng những người mà tôi gặp thì lại hạnh phúc mà chẳng do bởi một lý do nào cả. Họ chỉ hạnh phúc mà thôi. Không lý do. Điều đó thật sự là kinh ngạc. Tôi đã gặp một vài vị thầy, các vị cư sĩ và các vị sư. Bất cứ khi nào gặp họ, tôi quan sát họ. Họ luôn hạnh phúc. Khi làm việc, họ hạnh phúc. Khi nói chuyện, họ hạnh phúc. Tôi quan sát được rằng, họ luôn định tĩnh, thư giãn, hạnh phúc, tử tế và rất rộng rãi khi làm bất cứ điều gì. Tôi nghĩ rằng điều này thật là kinh ngạc.
Những người khác cũng hạnh phúc. Nhưng nếu bạn hỏi lý do tại sao thì câu trả lời là: “Ồ, tôi hạnh phúc bởi vì hôm nay tôi mới kiếm được nhiều tiền.” Điều đó thì chẳng có gì đặc biệt, không có gì khác thường ở đó cả. Mọi người sẽ hạnh phúc nếu anh ấy hoặc cô ấy kiếm được nhiều tiền vào ngày hôm nay. Có phải như thế không nhỉ? Nếu hôm nay bạn trúng xổ số, bạn có hạnh phúc không? Tất nhiên là hầu hết chúng ta đều sẽ hạnh phúc. Nhưng hạnh phúc đích thực thì lại chẳng có lý do gì cả.
Chúng ta cần phải hiểu rằng có nhiều loại hạnh phúc khác nhau. Trong Phật pháp, Đức Phật đã dạy về kama sukha. Kama sukha có nghĩa là hạnh phúc dục lạc, là thích thú niềm vui có được từ các giác quan, là hạnh phúc bạn cảm nhận được khi tận hưởng các niềm vui thú có được từ các giác quan. Khi thấy một thứ gì đó rất đẹp, bạn cảm thấy hạnh phúc. Khi nghe một bản nhạc hay, bạn cảm thấy hạnh phúc. Tôi cũng thích các bản nhạc hay. Tôi đã từng là một nhạc sĩ. Bây giờ, tôi vẫn rất dính mắc với cây đàn violin của tôi. Khi nghe các đoạn nhạc hay, bạn cảm thấy rất hạnh phúc. Nhưng có đôi lúc, tôi cảm thấy rất buồn khi nghe nhạc. Nhưng ngay cả với cảm giác buồn đó, tôi vẫn rất thích thú. Đôi khi, mọi người thích thú luôn cả nỗi buồn. Khi ăn món ăn mà bạn thích, bạn cảm thấy rất hạnh phúc. Khi gặp gỡ một ai đó thương yêu bạn, bạn rất hạnh phúc. Đó là loại hạnh phúc phụ thuộc vào ngữ cảnh và con người.
Đức Phật cũng dạy về jhana sukha (hạnh phúc đến từ sự định tâm). Jhana sukha có nghĩa là khi bạn hành thiền, tâm của bạn trở nên rất định tĩnh và bình yên. Tâm của bạn thôi suy nghĩ. Nó trở nên rất tập trung (vào một đề mục). Bạn không suy nghĩ về bất cứ điều gì khiến bạn tham lam hoặc giận dữ. Tâm của bạn trở nên rất tập trung vào một đề mục và nhập làm một với đề mục đó. Khi tâm bạn ở trạng thái như vậy, bạn cũng sẽ cảm thấy rất hạnh phúc. Hạnh phúc đó được gọi là jhana sukha.
Và có một loại hạnh phúc khác được gọi là vipassana sukha (hạnh phúc đến từ tuệ giác). Bạn hành thiền, xem xét thân và tâm mình, và bạn thấy được bản chất thực của thân và tâm. Bạn phát triển loại tuệ giác đó. Loại tuệ giác này làm cho bạn trở nên trưởng thành hơn. Do đó, bạn sẽ cảm nhận được một loại hỉ lạc. Tuệ giác mang đến niềm vui cho bạn. Tuệ giác cũng mang đến cho bạn sự an yên. Sự an yên đích thực đến cùng với tuệ giác. Nếu không có tuệ giác thì cho dù bạn có bao nhiêu tiền đi nữa, bạn cũng sẽ vẫn không có cảm giác an toàn. Bởi vì chẳng có gì là thường còn, còn mãi với bạn cả. Mọi thứ đều thay đổi. Bất cứ thứ gì mà bạn có trong tay thì một ngày nào đó chắc chắn rồi cũng sẽ mất đi. Ít ra là khi chết đi, bạn sẽ mất hết tất cả mọi thứ mà bạn có trong tay, bao gồm luôn cả cơ thể của mình. Khi hành thiền vipassana (hay còn được gọi là thiền chánh niệm, thiền tứ niệm xứ), bạn phát triển tuệ giác về thân và tâm. Do bởi tuệ giác đó, bạn có thể chấp nhận được bất cứ điều gì. Và rồi do bởi sự chấp nhận đó, bạn trở nên thư giãn hơn, bình yên hơn, định tĩnh hơn, và hạnh phúc hơn. Nói một cách ngắn gọn về vipassana sukha (hạnh phúc đến từ tuệ giác) là như vậy.
Và khi bạn đạt ngộ (đắc quả thánh đạo), hạnh phúc đó được gọi là magga sukha và phala sukha. Khi đó, bạn có thể nhập làm một với cái chúng ta gọi là nibbana (niết bàn), sự kết thúc của mọi hiện tượng.
Nguồn: thuvienhoasen.org