ĐẠI TOÀN THIỆN VÀ PHẬT GIÁO TÂY TẠNG

NYOSHUL KHENPO RINPOCHE

Nguồn: Đại Toàn Thiện Tự Nhiên (Thiền Tây Tạng Và những Bài Ca Kim Cương); Người dịch: Nguyễn An Cư; NXB. Thiện Tri Thức; 1999

 

Nyoshul Khenpo Rinpoche (1932 – 1999)

Một giảng dạy ở Cambridge, Massachusetts

Nyoshul Khenpo Rinpoche là một Thiền sư lỗi lạc của Tây Tạng. Được biết vì phong cách sáng chói trong truyền dạy giáo huấn cốt lõi, Ngài được học tất cả bốn dòng phái của Phật giáo Tây Tạng và nổi tiếng như một học giả và vị Thầy ở Tây Tạng. Ngài là một trong những vị giữ dòng chủ yếu của dòng thực hành không bộ phái của Phật giáo Tây Tạng, đặc biệt trong những giáo lý Đại Toàn Thiện của Longchenpa.

——–☀☀☀——–

Nhóm này được gọi là nhóm Hội Đại Toàn Thiện hay Nhóm Đại Toàn Thiện Cambridge. Dễ có được một cái tên như vậy, nhưng ấy là một cái tên vĩ đại để có thể sống xứng hợp theo –Dzogchen, Đại Toàn Thiện bổn nhiên. Tuy nhiên, xin chớ nghĩ tôi muốn nói rằng đó là một cái gì mà các bạn không đã có sẵn. Đấy là vì sao tôi cho các bạn một cái tên như vậy.

Tôi khuyến khích các bạn thực hành tốt con đường cao cả này của sự giác ngộ được gọi là Dzogchen, Đại Toàn Thiện. Đây là tâm lõi của Pháp rộng và sâu được đức Phật dạy. Tâm của những giáo lý của bậc giác ngộ là Bồ đề tâm quý báu, tấm lòng và tâm thức giác ngộ vị tha. Cái này cũng được gọi là từ và bi. Nó có hai phương diện: Bồ đề tâm tuyệt đối và Bồ đề tâm tương đối. Những giáo lý căn bản của Phật giáo – thừa gốc được dạy trong Kinh, Luật, Luận – nhấn mạnh rất nhiều nhu cầu từ bỏ, hay sự phát khởi xác tín về bản chất như huyễn của mọi sự, tính vô thường, vô ngã và bản chất bất toại nguyện của mọi hiện tượng có điều kiện. Đấy là những giáo lý căn bản của Phật giáo. Những giáo lý Đại thừa về sau nhấn mạnh đến thiện cảm, từ và bi.

Những thực hành sơ khởi, Ngondro, tu hành tâm thức vân vân tất cả tạo thành một nền móng vững chắc để trau dồi những nội quán và tỉnh giác căn bản, là những giáo lý căn bản. Chúng tạo thành một nền móng rộng rãi vững vàng hay căn cứ để phát triển Bồ đề tâm, tâm thức và tấm lòng thức tỉnh, tâm sáng ngời của Đại Toàn Thiện.

Trong giáo lý Đại thừa có giải thích rằng tánh Không vĩ đại kết hợp với đại bi sáng ngời là bản tánh chân thật của chúng ta. Đó là cái chúng ta trau dồi trong những giáo lý Bồ đề tâm tương đối; và đó là cái chúng ta chứng ngộ, nó chưa từng lìa khỏi chúng ta, theo những giáo lý Bồ đề tâm tuyệt đối.

Dầu chúng ta nhấn mạnh bất kỳ mặt nào của Bồ đề tâm – sự trau dồi tương đối những phẩm tính giác ngộ để cất bỏ khổ đau của tất cả chúng sanh; hay mặt tuyệt đối, bản tánh vốn có tự hiện diện tự hữu của những sự vật, tánh Không với tánh sáng tỏ hay lòng bi – cả hai mặt cần được thành tựu hay cân bằng để có một thực hành trọn vẹn khai triển. Trong những giáo lý Kim Cương thừa, Bồ đề tâm tuyệt đối được thấy rất rõ trong những giáo huấn cốt lõi – sự chỉ dạy riêng cá nhân – làm  sao nhận ra nó một cách trực tiếp mà không cần những khám phá hay phân tích thuộc lý thuyết; trực tiếp qua những ban phước và sự trao truyền của dòng thực hành, đường lối của thực hành và kinh nghiệm.

Dầu các bạn gọi nó là gì, dầu bạn ngưỡng vọng hay hiểu nó, từ quan điểm chân lý tuyệt đối hay chân lý tương đối, Đại thừa hay Tiểu thừa, nó là cùng một giáo lý giải thoát, tâm của giáo lý Phật giáo. Cũng như khi các bạn mắc bệnh lao, hầu hết các bác sĩ đều có thể chẩn đoán nó.

Dù bạn dùng thuốc vào buổi sáng, buổi chiều hay ban đêm, nó cũng sẽ chữa lành bệnh.

Tương tự, với những giáo lý Phật giáo, với giáo lý này về Bồ đề tâm, hoặc bạn thực hành Bồ đề tâm tuyệt đối, những con đường vĩ đại của Mahamudra, Dzogchen và Madhyamika (Trung Đạo), những giáo lý bất nhị; hay các bạn nhấn mạnh vào Bồ đề tâm tương đối, qua những thực hành phát triển và những thừa tiệm tiến thì mỗi con đường này đều bao hàm và hội tụ vào – hơn cùng một nguyên lý, kinh nghiệm của đại giải thoát và thỏa mãn trọn vẹn, sự an lạc của niết bàn.

Trong tất cả những giáo lý Phật giáo, điều chính yếu là sự cởi thoát hay tháo lỏng bản ngã, chấp ngã, luyến ái tự ngã, tham lam, kháng cự và luyến bám. Điều này trực tiếp dẫn đến sự vơi cạn của khổ đau, sự chấm dứt của bất toại nguyện, bởi vì bám chấp hay ích kỷ là nguyên nhân chính yếu của khổ đau. Có nhiều cách khác nhau để giải thích về những con đường, những đối trị, những chuyển hóa, những tịnh hóa, những kinh nghiệm thấy, những kết quả khác nhau của các loại thực hành khác nhau, nhưng nói chung, cái được giải thích ở đây là cốt tủy của sự thực hành. Chúng ta không cần có quá nhiều những nghiên cứu và tư tưởng khác nhau. Chỉ buông lỏng chấp ngã và luyến bám, cởi mở tấm lòng và tâm thức, và hưởng thụ niềm vui, an bình và tình thương vô ngã. Hãy làm điều này cho mình và cho tất cả.

Trong con đường tâm linh của Phật giáo điều rất quan trọng là nương dựa vào một kalyanamitra, một người bạn tâm linh, một thiện tri thức, một vị thầy. Đức Phật, qua nhiều đời, đã dựa vào những vị thầy tâm linh. Ngài không đạt đến Phật tánh giác ngộ toàn thiện chỉ trong một đời qua vài năm thiền định, mà trải qua nhiều đời phát nguyện, cầu nguyện, thực hành và nhận những lời chỉ dạy và hướng dẫn. Không có những soi sáng và hướng dẫn của một vị thầy, rất khó kinh nghiệm đích thực chân lý của những lời dạy. Không có những lời chỉ dạy, rất khó kinh nghiệm đích thực tự do và giác ngộ qua chỉ sự thực hành. Một vị thầy có thể hướng dẫn chúng ta. Một vị thầy đầy đủ phẩm tính có khả năng ngăn ngừa cho người khác khỏi những trệch hướng và cạm bẫy. Một vị thầy có thể tìm ra con đường trực tiếp nhất cho học trò. Nếu người ta mong ước chứng ngộ những chỉ dạy của Đại Toàn Thiện, người ta nên mong ước rất nhiều sự nhận lãnh những lời dạy và thực hành guru yoga, trong đó người ta chứng ngộ tính không thể phân chia của mình và vị thầy giác ngộ. Theo truyền thống Đại Toàn Thiện, toàn bộ Pháp có thể được giải thích trong bối cảnh của hình thức thực hành này, guru yoga, sự sùng mộ. Loại sùng mộ này có thể đưa tới chứng ngộ sự không thể phân chia từ vô thủy tâm thức chúng ta và tâm Phật.

Những giáo lý Đại Toàn Thiện là một kho tàng cực kỳ rộng rãi và sâu xa. Phật đã dạy tám vạn bốn ngàn giáo pháp, sắp xếp thành ba thừa. Cái thứ ba của ba thừa này, Kim Cương thừa được phân chia thành bốn (hay sáu) thừa nữa. Bấy giờ có những giáo lý bên ngoài, giáo lý bên trong, giáo lý che dấu hay gọi là bí mật. Tuy nhiên tất cả mọi cái này được chứng ngộ qua thực hành sùng mộ và trí huệ tìm thấy trong guru yoga, sự hòa lẫn bản tánh của hành giả với bản tánh của guru.

Có thể các bạn nghĩ rằng một vị thầy có một thân thể hay xương hay tóc, hay các bạn cần một sợi tóc của vị thầy, hay một sợi dây bảo vệ màu đỏ, để có được gia bị. Đó là vị thầy tương đối. Nếu các bạn thực sự muốn biết guru nghĩa là gì, thì guru là toàn bộ vũ trụ hiện tượng tự khởi. Đó giống như một kiểu mẫu, đạo sư tượng trưng. Không phải vị thầy con người là đạo sư. Chân lý là mỗi một khoảnh khắc, là toàn bộ vũ trụ hiện tượng. Guru hay vị thầy tuyệt đối là bản tánh của tất cả mọi sự vật. Chớ nghĩ nó chỉ là một ông già nào đó, một lama nào đó hay một khuôn mặt guru nào đó. Có hóa thân, vị lama biểu lộ, như đức Phật trong hình thức con người, vị thầy sống. Có báo thân, năng lực, vị guru bí mật biểu lộ như kinh nghiệm: bản tánh chân thật của kinh nghiệm riêng của chúng ta, vị guru bên trong. Rồi có vị guru không hình tướng nhất, vị guru tuyệt đối: pháp thân, tánh Không vô hạn sáng ngời. Tất cả ba cái này có thể được chứng ngộ trong một khoảnh khắc đại an trụ của tánh giác thanh tịnh, đại buông xả tất cả mọi sự, gọi là yeshe lama, trí huệ, đạo sư minh triết hay guru bên trong, sự để-cho-nó-như-nó-vốn-là vĩ đại và không thể nghĩ bàn.

Nếu các bạn muốn đi xa hơn nữa, có bản tánh sáng soi vô biên từ bên trong của mọi sự, nó giống như một vị Phật toàn diện biểu lộ và ban phước khắp chốn. Vị guru như thị, cái đang là. Mọi sự đều ở trong tổng thể Đại Toàn Thiện này, kho tàng này, mạn đà la này, thật ra là sự phô diễn hay năng lực của guru giác ngộ hay Phật tâm. Tất cả hiện hữu hữu tình và vô tình và tất cả kinh nghiệm, ngoài và trong, đều thực sự là Phật, vị thầy chân thật. Nếu các bạn hiểu những giáo lý Đại Toàn Thiện, mỗi khoảnh khắc những ban phước này tuôn trào. Người ta chưa từng một phút giây nào tách lìa khỏi vị guru chân thật, khỏi Phật, tự tánh bổn nhiên của mình.

Nếu các bạn vừa nghe những chữ “Dzogchen” hay “Dzogpa Chenpo”, Đại Toàn Thiện vốn sẵn tự nhiên, rất dễ dàng nói, “Ồ, vâng, tôi biết cái ấy nghĩa là gì. Dzogpa Chenpo nghĩa là Đại Toàn Thiện.” Thật dễ nói như thế, chỉ có vài chữ. Chắc chắn tất cả các bạn đã có những lời dạy và ban phước từ nhiều vị thầy, nhiều guru, nhiều lama. Các bạn đã nhận những ban phước sâu xa ấy. Nếu các bạn thực sự nhận biết sự không tách lìa rốt ráo của các bạn với Phật, sự không phân cách với thầy trong mọi hoàn cảnh và mọi khoảnh khắc, bấy giờ đấy là nguyên lý tuyệt đối Dzogchen – chứ không chỉ biết những từ có nghĩa là Đại Toàn Thiện.

Toàn thể vũ trụ hiện tượng bên ngoài và bản thể bên trong là Đại Toàn Thiện, đại Phật tánh, Dzogpa Chenpo…

Đấy là tại sao chúng ta không nhìn thoáng vội sự quan trọng của thực hành guru yoga khi chúng ta muốn tiếp cận với sự thực hành thật sự Dzogchen. Sùng mộ nhanh chóng cắt đứt tính suy diễn vọng tưởng. Đó là ngưỡng cửa mở ra tòa nhà của bất nhị, của sự không tách lìa. Khi người ta chứng ngộ những ban phước chúng luôn luôn tuôn trào, đấy là khoảnh khắc của Dzogchen. Không có khoảnh khắc, quán đảnh hay giáo lý nào khác. Bấy giờ toàn thể hiện hữu, hữu tình và vô tình, ngoài và trong, được thực sự chứng ngộ như là Đại Toàn Thiện bổn nhiên, Dzogchen. Không có Dzogchen nào khác để cầu xin, nghiên cứu hay thực hành. Có nhiều vị thầy trong dòng phái suốt lịch sử xuống đến chúng ta. Cũng có lama nguyên thủy hay guru, đó là bản tánh của mọi sự, gồm cả chúng ta: vị Tổ chân thật của dòng phái mà chúng ta chưa từng tách lìa. Để nhận lãnh những lời chỉ dạy hay chứng ngộ nó, guru yoga là rất, rất hiệu quả và sâu xa: chứng ngộ sự không chia cách của mình và vị thầy giác ngộ là Phật.

Nếu các bạn nghĩ rằng vị lama là một người, bấy giờ các bạn có thể nghĩ rằng Phật là một bức tượng làm bằng gỗ; rồi toàn bộ sự việc bắt đầu đi xa, như Phật thì ở kia trên bàn thờ, lama thì ở kia trên bục, và người ta chỉ là người khán giả. Rồi nếu các bạn ở trong một ngôi nhà hay trong núi non, các bạn không tìm thấy guru của các bạn ở đó. Sẽ rất lầm lạc nếu các bạn mê muội đuổi nó đi xa khỏi chính các bạn như vậy, vì thực thể – guru biểu lộ khắp mọi nơi mọi chốn.

Có nói rằng mọi sự là tự hiện, hay tự nhiên biểu lộ một cách kỳ diệu; rằng mọi sự thì không sanh và không diệt. Hơn nữa, có nói rằng những ban phước của Tam Bảo thì luôn luôn tuôn xuống không dứt. Tuy nhiên, tùy thuộc vào sự sùng mộ, hiến dâng của chúng ta để tiếp xúc, để mở ra với nó. Có nói rằng mọi sự là cái thấy biết qua nghiệp quả; nói cách khác, chúng ta kinh nghiệm thế giới như thế nào tùy thuộc chúng ta tri giác nó như thế nào, tùy thuộc vào nghiệp quả của chính chúng ta. Nó giống như sự phóng chiếu của chúng ta. Có nhiều bàn luận trong những kinh điển và bình giảng về vô thường, và phân tử và nguyên tử, phân tích nó hơn nữa thành Không, và rồi cái Không cũng trống không, như vậy cho đến vô cùng. Phân tích nó hơn nữa, chúng ta đi đến chỗ không có cái gì cả, và ngay cả vượt khỏi cái không có gì. Tất cả mọi sự vật là sự thấy biết do nghiệp, sự phóng chiếu của riêng chúng ta, những quy kết ý niệm lên thực tại.

Đại Toàn Thiện không chỉ ra cái gì. Nó vượt khỏi mọi thấy biết và phóng chiếu nhị nguyên hư vọng. Vượt khỏi hư vọng, mọi sự đều toàn thiện. Trong hư vọng mọi sự có vẻ không phải là đại toàn thiện. Khi không có lầm lẫn hay hư vọng, cái này trong tay tôi rõ ràng là một bông hoa. Một số người mê lầm có thể tri giác nó như là nước, nhưng đó chỉ là mê vọng hay lầm lỗi. Khi người thấy những sự vật như chúng là – như trong ví dụ này, bông hoa ngay trước mặt chúng ta – toàn thể vũ trụ hiện tượng bên ngoài và bản thể bên trong là Đại Toàn Thiện, đại Phật tánh, Dzogpa Chenpo. Khi người ta không mê lầm, khi những sự vật được thấy như chúng là, mọi sự là sự phô diễn của năng lực của Phật tánh, sự tỏa sáng của thực tại, cái Đại Toàn Thiện.

Người ta có thể còn mê lầm hơn, và nghĩ rằng những lời dạy Pháp thì không thật, rằng Phật chỉ là một huyền thoại và vân vân. Cái bạn có thể nghĩ chẳng hạn rằng cái này không phải là Đại Toàn Thiện, rằng Đại Toàn Thiện không ở đây, đây chỉ là Boston. Hay các bạn còn mê lầm hơn, nghĩ rằng đây không phải là Đại Toàn Thiện, đây là New York ! Những hình bóng khác nhau của mê vọng. Các bạn có thể có một kiểu mê vọng khác và nghĩ, đây không phải là Đại Toàn Thiện, Dzogchen. Đây là John đang dịch, không phải là Surya Das. Vọng tưởng chồng lên vọng tưởng!

Đại Toàn Thiện là như thế nào sự vật thực sự là. Sự vật được để cho đúng như chúng là. Trạng thái tự nhiên. Thế nào sự vật thực sự là, cách thức hiện hữu chân thật của chúng. Bậc đại trí nắm giữ dòng, Tổ Jigme Lingpa, vị đạo sư không sợ hãi đã từng sống ba trăm năm trước ở Tây Tạng, nói, “Những lời dạy về Đại Toàn Thiện thì nhiều. Người hiểu Đại Toàn Thiện thì ít.” Vị bổn sư quý báu của tôi, Khenpo Ngawang Palzang vĩ đại, đệ tử của Paltrul Rinpoche đạo sư vĩ đại của Đại Toàn Thiện nói rằng, “Đại Toàn Thiện thì cực kỳ giản dị, nhưng không dễ dàng.” Dễ dàng cho bất kỳ ai chỉ ra bầu trời. Dễ dàng cho bất kỳ ai nói điều gì về Đại Toàn Thiện và nói mọi sự là toàn thiện trong chân tánh của chúng như thế nào.

Nhưng hầu hết người ta thấy ngón tay mà họ không thấy bầu trời. Nếu các bạn thấy ngón tay mà không thấy bầu trời, bấy giờ có ngondro (thực hành sơ bộ), quy y, thực hành Bồ đề tâm, một số thiền định và tịnh hóa được làm để tịnh hóa và xua tan những che chướng tạm thời che ám Phật tánh của chúng ta, thật tánh của chúng ta. Nhưng chớ nhìn bầu trời qua một cọng rơm của quan kiến giới hạn của các bạn – và nghĩ rằng tất cả những thứ đó là cái bao la vô tận của không gian.

Khi một tấm gương bị mờ hay bám bụi, nếu nó được lau sạch, bản tánh chân thật của nó – sự sáng tỏ và rực rỡ phản chiếu của nó – sáng soi rõ ràng. Chỉ nói rằng nó vốn toàn thiện, toàn hảo sẽ không giúp gì nhiều nếu nó vẫn còn bị che mờ bởi những che chướng.

Có điều gì khác để nói ở đây? Chúng ta đã phung phí vài phút ở đây. Thế nên xin hãy dùng sự thực hành này nếu nó có nghĩa với các bạn. Hãy tự đặt các bạn vào trong đó qua cầu nguyện và sùng mộ, qua thiền định và sự tìm hiểu. Thực hành tâm linh là một việc rất cá nhân, nó tùy vào các bạn. Hãy nhận lấy cơ hội. Hãy đem nó vào cuộc sống hàng ngày của các bạn.

Vị Tổ vĩ đại của Dzogchen, vị Phật toàn giác Longchenpa, sáu trăm năm trước đã tóm gọn nó chỉ trong hai từ Tây Tạng. Ngài nói, “Semnyi ngalso!”  “Thong dong lớn lao!” Sự thong dong tự nhiên của tâm. Ngài không nói sự bận rộn tự nhiên của tâm. Ngài nói sự an bình hay thong dong tự nhiên của tâm. Bởi thế, hãy thong dong rảnh rang trong đó. Hãy để yên và thả rơi mọi sự. Chúng ta không nghĩ nhiều để hiểu những sự việc ấy. Đây là cái gì có thể kinh nghiệm hay nhận biết từ bên trong, trong một cách thức khác. Khi chúng ta thiền định, chúng ta không cần sử dụng tâm thức quá nhiều. Chúng ta có thể chỉ đơn giản rảnh rang trong sự rảnh rang tự nhiên của cái đang là. Rỗng rang với sự không cố gắng, tánh giác bổn nhiên, không cố gắng kiểm soát tâm thức mà thực sự thưởng thức và thấy cái đang là như vậy.

Kunkhyen Longchen Rabjampa – Longchenpa (1308-1363)

Có nhiều cách thức thiền định và thực hành khác nhau. Một số đó là phân tích và rất ích lợi trong việc làm bén nhọn tâm thức, trong phân biệt và nhận rõ những sự vật. Có nhiều người hiểu và thực hiện điều đó rất tốt. Nhưng truyền thống của chúng ta hơn nữa là dòng thực nghiệm. Dòng thực hành sự hợp nhất của Mahamudra và Dzogchen bất nhị, sự không thể phân chia giữa trí huệ và đại bi, bát nhã và phương tiện, chân lý và tình thương, như là một phương thức để thức tỉnh, giác ngộ.

Điều này bao gồm cả samatha (an định) và vipashyana (quán chiếu) trong hình thức thiền định tỉnh giác tổng quan bao quát. Nó gồm sự phân biệt phân tích. Nó gồm ở yên trong trạng thái tự nhiên, trong rỗng rang và thong dong. Có nhiều khả năng hay khuynh hướng khác nhau của con người, thế nên có nhiều những tiếp cận hay nhiều mặt của chỉ một viên ngọc giải thoát này. Tất cả chúng đều là một đường lối độc nhất, mạch lạc. Trong cái rốt ráo, người ta chỉ có thể nói rằng trí huệ bẩm sinh là hiện tiền một cách trực tiếp, trần trụi; tánh tỉnh thức tự hiện hữu này chưa từng lìa chúng ta. Có gì để xao lãng, trong ánh sáng của hiện tiền thanh tịnh và toàn khắp? Làm sao chúng ta có thể lìa nó một phút giây nào?

Xin hãy nhận biết trí huệ bổn nhiên này, tánh giác tự hữu này, Phật tánh bao la này. Đây là mục đích của thực hành. Không chỉ trông chờ, mà còn nhận biết nó thực sự và chứng ngộ nó trong chính mình, cho lợi lạc và niềm vui vô biên của mình và tất cả.

Hôm nay là một loại diễn dịch tinh chất và cô đọng của giáo lý. Nếu các bạn quan tâm đến những điều này, hãy tự do theo chúng với Lama Surya Das hay với những vị thầy khác trong nhiều ngày, nhiều tháng hay năm. Hình như tất cả các bạn đều ở Mỹ và các bạn không đi đâu khác, và Surya cũng ở Mỹ, thế nên hãy tận dụng điều đó; ông ấy đã được chỉ dạy, truyền pháp và cho phép đầy đủ bởi chính tôi và những vị thầy khác của ông.

Những giáo lý Đại Toàn Thiện đã trải qua hàng ngàn năm. Nó không phải là cái gì người Tây Tạng sáng chế ra. Nó đã từng có rất lâu trước đó. Những đạo sư Đại Toàn Thiện đem nó từ Ấn Độ, nhưng trước đó nó đã thịnh hành.

Phật giáo và những giáo lý này càng ngày càng mờ nhạt ở Ấn Độ, mất đi ở Ấn Độ, nhưng được đem vào Tây Tạng và các xứ sở xung quanh bởi người của các xứ sở ấy, những người đã nhận lời chỉ dạy từ các vị thầy Ấn Độ và rồi thực hành, chứng ngộ và thiết lập chính trong đất nước của họ cho đến ngày nay. Trong mười ba thế kỷ những người Tây Tạng đã nỗ lực rất nhiều để giữ gìn và xiển dương những giáo lý cao cả và sâu xa này. Cho đến ngày nay họ không để cho chúng biến mất. Họ thực hành chúng, và người ta đã thành tựu giác ngộ. Họ dịch chúng ra. Họ đã làm mọi điều có thể để giữ gìn, thực hành và chứng ngộ những giáo lý quý báu này. Rồi đột nhiên họ trao tặng cho toàn thế giới, lan khắp thế giới, vì sự lợi lạc của tất cả. Đây là thời điểm của Đại Toàn Thiện.

Pháp thì giống như thuốc thanh tịnh chữa tất cả bệnh, như cam lồ. Tự nhiên, người ta cảm thấy muốn giữ gìn nó, yêu quý nó, bảo vệ nó, và chia xẻ nó. Nếu không ai thấy giá trị của nó, thì những lời này chỉ như sương mù tan trong không khí, biến mất. Ngược lại, nếu những ai nghe những điều này mà nhận lấy chúng, thực hành chúng và chứng ngộ chúng, bấy giờ họ thu được lợi lạc trọn vẹn của những chân lý này. Chúng dành cho tất cả mọi người. Chúng cần được trao truyền và triển chuyển. Không có vấn đề về bí mật, về sự bảo vệ chúng, về cất giữ chúng. Chúng phải được nẩy nở và tiếp tục.

Thực hành tâm linh làm lợi lạc cho tất cả. Nó làm lợi lạc cá nhân. Nó làm lợi lạc cộng đồng. Nó làm lợi lạc đất nước. Nó làm lợi lạc vũ trụ. Nó làm lợi lạc tất cả, và ban phước cho tất cả.

Thực hành tâm linh là cực kỳ quan trọng. Xin hãy xem trọng nó.

Xin cầu nguyện đến Longchenpa toàn giác: Nguyện rằng tâm trí huệ của ngài và của chúng ta vẫn không chia cách.

Kính lễ Đại Toàn Thiện bổn nhiên. Nguyện cho tất cả đều chứng ngộ nó và hiện thân nó!

Buổi nói chuyện này được dành cho Cambridge Dzogchen Group ở Kunkyab Rangjung Yeshe

Ling, 8 tháng 6, 1994.

Bình luận

[…] yếu để hiểu tất cả điều này là sự phân biệt căn bản trong Dzogchen giữa bản tánh của tâm thức và tâm thức hay tiến trình tư tưởng, dòng chảy […]


Bài viết khác của tác giả

  1. MỘT KẺ LANG THANG CHỨNG NGỘ
  2. BẠN LÀ ĐẠI TOÀN THIỆN
  3. BẢN TÁNH TỐI HẬU CỦA TÂM

Bài viết mới

  1. HÒA HỢP TỪ NHỮNG ĐỐI KHÁNG
  2. LỢI ÍCH CỦA TINH THẦN TU TẬP
  3. BẠN