DẪN DẮT ĐỂ TRẺ SỐNG CÓ TRÁCH NHIỆM HƠN

PAUL G. STOLTZ

Trích: AQ Chỉ Số Vượt Khó - Biến Khó Khăn Thành Cơ Hội; NXB Công Thương, THAIHABOOKS.

Chuỗi LEAD đặc biệt rất hữu ích trong việc nâng cao tinh thần trách nhiệm cho con trẻ. Nhiều người nghĩ rằng nuôi dạy con cái là một nhiệm vụ khó khăn. Ngược lại, tôi và vợ tôi là Ronda lại luôn thấy đó là niềm vui và là cơ hội để học hỏi. Một ngày nọ, con trai tôi nhận được thư thông báo kết quả thi trắc nghiệm đầu vào đại học (Scholastic Aptitude Test – SAT). Cầm chiếc phong bì đáng sợ trên tay, mặt nó lộ rõ vẻ đau khổ, như thể nó đã biết nội dung bên trong là gì rồi.

Giống như nhiều phụ huynh khác, tôi và Ronda luôn nói rõ với các con rằng chúng tôi coi trọng giáo dục vì đó là cách để chúng có thể mở mang kiến thức, đem lại cho chúng thêm nhiều lựa chọn hơn, và đóng góp được nhiều hơn trong cuộc sống của mình. Chúng tôi cũng tin rằng, với vai trò là một phương pháp đánh giá tiềm năng của trẻ, các kỳ thi trắc nghiệm còn rất nhiều thiếu sót, và cùng lắm cũng chỉ đo lường được hai trong số bảy hoặc tám dạng thức thông minh chủ yếu. Tôi cho rằng AQ sẽ dự báo chính xác hơn thành công của con người. Trên thực tế, công trình nghiên cứu của tiến sĩ Martin Seligman ở Đại học Pennsylvania cho thấy rằng những sinh viên có cách phản ứng tích cực với nghịch cảnh thường học tốt hơn so với những dự đoán có được từ kết quả thi SAT và điểm trung bình học tập ở cấp phổ thông. Trong khi đó, những sinh viên có cách phản ứng tiêu cực thường không học tốt như dự đoán. Hầu hết những sinh viên có kết quả thi trắc nghiệm đầu vào trung bình nhưng có AQ cao lại đạt được điểm cao hơn so với những sinh viên đạt điểm cao trong kỳ thi SAT nhưng có AQ thấp. Những nghiên cứu khác cũng đem lại những kết quả tương tự.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng nói rõ với các con rằng việc tham dự các kỳ thi trắc nghiệm kiểm tra khả năng cũng rất quan trọng và đó đơn giản chỉ là một phần trong trò chơi mà học sinh bắt buộc phải tham gia nếu muốn theo học đại học. Vì vậy, chúng tôi biết con trai mình đang sắp phải đối mặt với một trong những bài học khó khăn của cuộc sống. Mặc dù có đầy đủ điều kiện học tập cũng như sự động viên, nhắc nhở của chúng tôi để chuẩn bị tốt cho kỳ thi SAT, nó vẫn quyết định không làm bài thi thực sự nghiêm túc. Đây là một lỗi rất lớn bởi vì, mặc dù thông minh, con trai chúng tôi cần phải chăm chỉ thì mới làm tốt trong các kỳ thi được. Thế nhưng, đối với nó, chỉ cần liếc qua một vài bài thi mẫu trước kỳ thi là coi như đã chuẩn bị đủ rồi.

Cuối cùng thì nó cũng phải đối mặt với sự thực khi mở phong bì ra và thấy được mình đã làm bài kém đến mức nào. Nhưng điều thú vị là cái cách phản ứng nó với chuyện đó. Một trong những điều rất buồn cười của bọn trẻ là chúng rất sáng tạo khi cố gắng chi phối suy nghĩ của bố mẹ. Theo suy nghĩ của nó, nếu nó khiến chúng tôi cảm thấy tiếc cho nó, như thể kết quả này phản ánh một trạng thái lâu dài, như kém thông minh chẳng hạn, thì nó sẽ được chúng tôi thông cảm thay vì phải đối mặt với thực tế khắc nghiệt rằng mình có thể sẽ không có nhiều lựa chọn khi quyết định không học tiếp.

Chiến lược đầu tiên của nó là cố khiến cho chúng tôi nhầm lẫn. “Con không hiểu..” nó nói mà trên mặt chẳng có vẻ gì là thành thật cả. “Con thật sự không hiểu điều này có nghĩa là gì.”

Vì vậy, chúng tôi cũng hùa theo. “Thế cái tờ kết quả ấy cho biết ý nó là gì? Mấy con số bé xíu đó ám chỉ điều gì?” Tôi hỏi vẻ ngây thơ không kém.

Vì thế nó tiếp tục chiến lược giả vờ như không biết gì. “Giời ơi! Con không biết! Con thật sự rối hết cả lên đây này!” Chúng tôi chờ và quan sát. “Con nghĩ nó cho biết là con đã nhận được những điểm này. Con không chắc lắm.” Nó nhìn chúng tôi đầy mong đợi. Vì vậy chúng tôi tiếp tục giả vờ theo nó thêm chút nữa, xem nó trì hoãn điều không thể tránh khỏi đến bao giờ. Có thể thấy là nó đang toát mồ hôi hột.

Cuối cùng Chase cũng “hiểu ra” ý nghĩa của các điểm số của mình. Nó luận ra đó thực sự là những điểm rất kém và thấp hơn rất nhiều so với khả năng của nó. Và đây là phản ứng của nó với nghịch cảnh: “Hừ. Con nhớ là hôm đó con bị mệt, và con đã không có đủ thời gian để làm hết bài. Con thấy cô giám thị cứ vội vội vàng vàng làm sao ấy. Mọi thứ diễn ra nhanh quá. Con không có cách nào hoàn thành được bài thi của mình. Vả lại, con thường không làm tốt được trong mấy cái kỳ thi có tính thời gian kiểu như thế này.” Lý do của Chase có lẽ sẽ dễ chấp nhận hơn đôi chút nếu năm trước nó không đạt được số điểm cao gần gấp đôi trong kỳ thi PSAT – là một đợt thi thử cho kỳ thi SAT.

Nếu được cho qua và tin tưởng rằng cách phản ứng của mình là đúng đắn, thì nó sẽ tự cho rằng mình không bao giờ có khả năng làm tốt trong các kỳ thi lớn, và sẽ chẳng học được gì nhiều để nâng cao hiệu quả của mình trong tương lai. Nhưng đối với tôi và Ronda, việc Chase rút ra được bài học từ nghịch cảnh này là vô cùng quan trọng để nó có thể tự tạo ra cho mình nhiều cơ hội trong tương lai.

Giống như nhiều đứa trẻ khác, Chase cần phải nhận ra vai trò của mình là đã gây ra nghịch cảnh này, đồng thời phải chịu trách nhiệm đối với kết quả mà nó đã gây ra. Tuy rằng tự quy trách nhiệm quá mức là rất nguy hiểm, nhưng vô trách nhiệm cũng có hại không kém. Chúng tôi đã lựa chọn cách dẫn dắt nó, để nó có thể lắng nghe cách phản ứng của chính mình và chuyển sang cách phản ứng có trách nhiệm hơn, kiểm soát được tình hình tốt hơn.

“Chase, con nói con bị điểm thấp là do không đủ thời gian làm bài, do giám thị, và do tính chất của kỳ thi,” tôi nói. “Con nghĩ vai trò của con là gì khi tạo ra những điểm số này?”

Nó nhìn hai vợ chồng tôi và bắt đầu một nỗ lực điên rồ khác để lảng tránh vai trò của mình. “Ừ thì… con… bố mẹ biết đấy, con đã làm hết sức!”

“Thật thế à?”

“Vâng”

“Thế con nghĩ là tại sao con lại được điểm cao gấp đôi trong kỳ thi PSAT, trong khi hai kỳ thi này là y hệt như nhau?”

Chase ngập ngừng, nhìn xuống. “Con nghĩ là… con nghĩ là con đã học chăm hơn một chút trong kỳ thi PSAT.”

“Như vậy nếu con học chăm thì kết quả cao hơn đúng không?” “Dạ, vâng, chắc chắn là như vậy. Nhưng, con có học bài từ hè năm ngoái rồi mà!” Thêm một nỗ lực vô vọng để trốn tránh hiện thực. 

“Con có nghĩ rằng mình có thể đã làm tốt hơn trong kỳ thi này nếu con học chăm chỉ hơn không?”

Chase cười. Nó biết kế hoạch của nó đã bị phá sản. “Vâng con đoán vậy.”

Bây giờ đã đến lúc tìm hiểu (E) tất cả mọi nguồn gốc và trách nhiệm của nó trong việc này. “Vậy với nhiều lý do mà con vừa liệt kê ra thì phần lỗi của con thực sự là bao nhiêu?”

Chase ngập ngừng, suy nghĩ xem nên trả lời thế nào. “Con nghĩ là khoảng một nửa. Kỳ thi này khó hơn và tình hình cũng rất gay go, nhưng con biết con có thể làm tốt hơn thế này!” nó nói và giơ bảng điểm lên.

Tôi ngừng lại, và Ronda tiếp lời: “Ok, mẹ hiểu rồi, con yêu. Bây giờ, theo con khi bị điểm kém thế này thì hậu quả sẽ là gì? Chúng sẽ có tác động như thế nào?”

Chase suy nghĩ một lúc lâu, nụ cười của nó biến mất. “Con nghĩ là con sẽ khó được chọn vào một số trường mà con đã nộp đơn.” Tôi thấy cảm động vì nó đã tỏ ra thành thật.

“Sẽ khó khăn phải không con?” Ronda hỏi, giọng thông cảm. Mắt nó bắt đầu ngân ngấn nước.”Vâng, rất khó khăn ạ.” “Theo con thì điểm kém này còn dẫn đến những hậu quả nào khác nữa?”

“Con nghĩ là chúng có thể ảnh hưởng đến các trường khác và các công việc mà con ứng tuyển.” Nó thành thật hơn, đau khổ hơn và khóc nhiều hơn.

“Những điều này quan trọng với con thế nào hả Chase?” Tôi hỏi, dù đã biết trước câu trả lời.

“Chúng vô cùng quan trọng. Sẽ rất khó có thể đi đâu khác nếu không học đại học và xin việc thì càng khó hơn nữa.”

“Vậy ai sẽ phải chịu trách nhiệm đối với những kết quả này nếu chúng xảy ra?” Tôi muốn nhấn mạnh cho nó biết rằng phải chịu trách nhiệm trước khi hành động.

Chase nhìn lên, và tôi có thể thấy được nó là đau khổ đến mức nào. “Là con ạ. Còn ai khác nữa cơ chứ?” Đến đây là đủ. Nó không thể đau khổ hơn được nữa.

Vì vậy, tôi phân tích (A) ngắn gọn những bằng chứng để chuẩn bị cho Chase sẵn sàng hành động. “Con yêu,” tôi bắt đầu: “Con đã nói rằng con không thể làm tốt được những kỳ thi như thế này. Thực sự có bằng chứng nào cho thấy là con phải làm không tốt bài của mình không, hay đó chỉ là một thử thách mà thôi?”

Một lần nữa Chase lại ngập ngừng. “Con nghĩ là vì những kỳ thi như thế này quá khó với con. Ryan đã làm hết bài. Con thì không xong được một phần !”

“Vậy con có nghĩ rằng mình cần phải học chăm hơn bạn để có thể làm tốt trong các kỳ thi không?”

“Vâng, đúng là như vậy, nhưng điều đó thật không công bằng!”

“Ok, nhưng có những điều con lại làm tốt hơn Ryan đúng không?”

Chase đứng thẳng lên: “Chắc chắn rồi! Con chơi nhạc giỏi hơn cậu ấy. Và con có thể khiến mọi người cười. Ryan rất cố gắng để làm được điều đó, nhưng cậu ấy chẳng thể làm tốt bằng con.” Vậy là chúng tôi đã giải quyết xong vấn đề công bằng.”

“Có bằng chứng nào ở đây cho thấy rằng con bắt buộc phải làm bài tệ hơn hoặc không thể làm đúng như khả năng của mình trong các kỳ thi như vậy hay không?”

“Ồ, không, không hẳn ạ. Phần lớn là do con thôi ạ.” Chase đang khiến cho giai đoạn chuyển sang hành động (D) trở nên thật dễ dàng.

“Vậy con có thể làm gì để khắc phục hậu quả của những điểm kém này?” Tôi hỏi, tay chỉ vào cái bảng điểm đáng sợ.

“Rất nhiều ạ.” Tôi rất thích mỗi khi cảm nhận được sức mạnh của người khác. “Con có thể học nhiều hơn trước đây” Chase thừa nhận, mỉm cười khi nghĩ đến lỗi lầm của mình. “Và con có thể thực hành để quen với việc tính thời gian làm bài, con cũng sẽ không để mình dễ mất bình tĩnh như vậy trong kỳ thi nữa.”

Vậy là cuộc hội thoại đã xong. Chase liệt kê ra một số hành động mà nó có thể thực hiện, bao gồm sử dụng thẻ hình, phần mềm, sách, và những bài thi thực hành mà chúng tôi giao cho nó. Nó cũng quyết định sẽ sắp xếp để thi lại. Nó sẽ bắt đầu bằng những bài thi thực hành để đánh giá được tiến bộ của mình và giữ vững được động lực của bản thân.

Chase không hề biết được tôi đã khéo léo sử dụng một số biện pháp và phương thức để điều khiển suy nghĩ của nó. Tôi chỉ hướng dẫn bằng cách nói chuyện, giống như một cái thước kẻ để vẽ đường thẳng, nhằm giúp nó tách biệt những suy đoán có nguy cơ khiến bản thân trở nên yếu đuối với cái thực tế đáng sợ nhưng có thể sửa chữa được đó. Tôi không để cuộc nói chuyện trở thành những lời động viên sáo rỗng, và cũng không bảo Chase phải làm gì. Tôi chỉ hỏi để giúp nó suy nghĩ lại về bản thân vào thời điểm then chốt.

Nếu không được áp dụng chuỗi LEAD, Chase vẫn sẽ tin chắc rằng số phận của nó đã chấm hết và sợ hãi cái ý nghĩ phải thi lại. Nó sẽ mất hết niềm tin vào giá trị của bản thân. Nhờ chuỗi LEAD, Chase đã được trải nghiệm sức mạnh đích thực khi tự mình đưa ra quyết định để đi đến hành động. Nó đã học được phương pháp tránh những khó khăn thường gặp của nghịch cảnh, và bắt tay vào học để chuẩn bị cho kỳ thi SAT tiếp theo bằng sự kỷ luật và trách nhiệm mới của mình.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. CÂY THÀNH CÔNG

Bài viết mới

  1. SỬ DỤNG HIỆU QUẢ SIÊU NĂNG LỰC QUYỀN LỰC & TÁC ĐỘNG
  2. CÂU TRẢ LỜI ĐÃ CÓ SẮN TRONG CÂU HỎI – PHẬT GIÁO TRONG THẾ GIỚI TÂN TIẾN NGÀY NAY
  3. THẦY VÀ ĐỆ TỬ