ĐẶT CHIẾC BÚT CHÌ VÀO BÀN TAY NGƯỜI KHÁC

NANCY K. NAPIER

Trích: Những Khoảnh Khắc Xuất Thần; Phương Oanh - Minh Hiếu dịch; Nhà Xuất Bản Đại Học Kinh Tế Quốc Dân

—???

Trong bóng bầu dục, huấn luyện viên đặt ra nhịp độ cho các cầu thủ và cố gắng giúp các cầu thủ nhanh chóng đạt đến khoảnh khắc bừng ngộ. Mong muốn đẩy nhanh quá trình đó tồn tại ở rất nhiều người, từ những nhà quản lý chi nhánh ngân hàng cho đến giám đốc nhà hát, từ các kỹ sư xây dựng cho đến các chuyên gia tư vấn. Trong mỗi trường hợp, người ta đều cố gắng truyền tải thông tin để giúp người khác học hỏi. Và việc hiểu được cách người khác học có thể cuối cùng sẽ mang đến sự bừng ngộ cho chính người làm nhiệm vụ truyền tải thông tin.

Rất ít các giáo sư, chứ chưa nói đến giám đốc ngân hàng hay các nhà quản lý giáo dục, nghiên cứu bài bản về cách khuyến khích sự phát sinh giây phút bừng ngộ như Henry Gurr, một giáo sư vật lý đã nghỉ hưu của Đại học South Carolina (Aiken). Trong nhiều năm liền, ông đã quan sát sinh viên của mình đạt đến giây phút xuất thần trong khi học môn vật lý. Ông phát hiện ra rằng những bài giảng riêng với từng sinh viên là một cách để khuyến khích và tạo ra giây phút xuất thần, và cốt lõi của nó là một bài thực hành mà ông gọi là “đặt chiếc bút chì vào tay sinh viên”.

Sau các buổi học, khi sinh viên đến học phụ đạo, Gurr thường ngồi ở bàn, đặt một tập giấy ở giữa ông và sinh viên đó. Rồi ông đưa cho anh ta một chiếc bút chì và bảo anh ta cho ông xem cách anh ta vẽ một đồ thị hoặc lập một phương trình. Theo Gurr, hành động này để mở đầu cho hành trình đến giây phút xuất thần vì hai lý do. Thứ nhất, nó đặt trọng tâm vào vấn đề, chứ không vào sự tương tác giữa giáo viên và sinh viên. Nếu một sinh viên mà sợ giáo viên thì việc tập trung vào tập giấy tránh sự trao đổi ánh mắt (tương tự như như bố mẹ và một đứa con tuổi mới lớn cùng ngồi trên xe ô tô, cùng nhìn về phía trước – điều này có thể mang đến một sự khởi đầu tốt cho câu chuyện vì không ai phải nhìn vào mắt ai). Vì thế, ở một khía canh nào đó, nó giúp sinh viên thư giãn, khuyến khích sự cởi mở và tạo điều kiện cho những khoảnh khắc bừng ngộ xảy ra.

Thứ hai, bằng cách “đặt chiếc bút chì vào tay sinh viên Gurr trao cho sinh viên đó quyền kiểm soát cuộc đối thoại cả về chủ đề và nhịp độ. Những câu hỏi của sinh viên sẽ hướng lái chủ đề của cuộc trò chuyện. Thường trong các lớp học hoặc trong các cuộc họp bàn về chuyện kinh doanh, một số người tham gia có những dấu hiệu chứng tỏ họ không hiểu gì – nhăn trán, nhăn mày, đầu nghếch lên, mắt ngơ ngác… Vậy một diễn giả thường làm gì? Anh ta cứ nói thật nhanh, càng ngày càng nhanh, cung cấp thật nhiều thông tin, trong lòng thầm hy vọng rằng khán giả sẽ nghe được một thứ gì đó có nghĩa. Chiếc vòi phun thông tin đó đôi khi gây ra sự bối rối hoàn toàn chứ chẳng hề có ích cho người nghe.

Nhưng bằng cách đặt chiếc bút chì vào tay sinh viên, Gurr để cho sinh viên định hướng cuộc thảo luận, đặt ra nhịp độ phù hợp với trình độ, khả năng tiếp thu thông tin của họ và tự họ cảm thấy mình thực sự kiểm soát được mọi thứ. Điều đó giúp sinh viên xử lý thông tin bằng tốc độ của mình, bằng cách của mình và Gurr có thể dẫn đường cho sinh viên đó đến với giây phút bừng ngộ.

—???

 

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. NHỮNG LỜI KHUYÊN SÁNG SUỐT: ĐỂ BIẾT KHI NÀO CẦN GÁC VẤN ĐỂ LẠI
  2. NỖ LỰC ĐẾN CÙNG ĐỂ PHÁ VỠ TRỞ NGẠI
  3. HÀNH TRÌNH ĐẾN NHỮNG GIÂY PHÚT XUẤT THẦN

Bài viết mới

  1. NHỮNG KỸ NĂNG DỄ DÀNG
  2. NẾU MỘT THẤT BẠI KHÔNG MANG TỚI CẢM GIÁC ĐAU ĐỚN, KHÓ CHỊU GÌ, NÓ SẼ BỊ LỜ ĐI
  3. VƯỢT LÊN CHÍNH MÌNH