NHỮNG KỸ NĂNG DỄ DÀNG

MATTHIEU RICARD

WOLF SINGER

Trích: Những Nẻo Đường Chiêm Nghiệm; Người dịch: Lê Trường Sơn; NXB. Hà Nội; Công ty CP Sách Thái Hà, 2023

 Matthieu: Một kết quả khác của việc trau dồi kỹ năng tinh thần là sau một thời gian, bạn sẽ không còn phải ép mình nỗ lực nữa. Bạn có thể đối phó với sự phát sinh của các nhiễu loạn tinh thần như những chú đại bàng mà tôi thấy từ cửa sổ ẩn thất của mình trên dãy Himalaya. Lũ quạ thường xuyên tấn công chúng, mặc dù quạ nhỏ hơn nhiều. Chúng lao từ trên cao, dùng mỏ tấn công đại bàng, Tuy nhiên, thay vì cảnh giác và bay vòng quanh để tránh lũ quạ, đại bàng chỉ đơn giản là thu một cánh về tại thời khắc cuối cùng, để lũ quạ đâm bổ qua, và sau đó lại tiếp tục giương cánh trở lại. Toàn bộ quá trình này đòi hỏi rất ít nỗ lực và vô cùng hiệu quả. Việc có kinh nghiệm đối phó với những xúc cảm phát sinh đột ngột trong tâm trí cũng hoạt động theo một cách tương tự. Khi bạn có thể duy trì trạng thái nhận thức rõ ràng, bạn sẽ thấy những ý niệm khởi phát, bạn để cho chúng đi ngang qua tâm trí mình mà không cố gắng ngăn chặn hoặc khuyến khích chúng, và chúng sẽ biến mất mà không để lại nhiều dấu vết. 

💦 Wolf: Điều đó nhắc tôi nhớ về những việc làm của mình khi gặp phải những khó khăn nghiêm trọng đòi hỏi những giải pháp nhanh, chẳng hạn như một tình huống giao thông phức tạp. Chúng ta ngay lập tức nhớ lại một bản danh mục các chiến lược đào thoát mà ta đã được học và thực hành, sau đó chọn lựa chủ yếu dựa trên kinh nghiệm vô thức mà không có quá nhiều lý trí. Rõ ràng, nếu chúng ta không có kinh nghiệm với việc thực hành chiêm nghiệm, chúng ta sẽ không thể tốt nghiệp “trường quản lý những xung đột về cảm xúc”. Ngài có cho đây là một sự so sánh hợp lý không? 

 Matthieu: Đúng, các tình huống phức tạp trở nên đơn giản hơn rất nhiều thông qua rèn luyện và sự trau dồi nhận thức. Khi bạn học cưỡi ngựa, lúc mới bắt đầu, bạn thường xuyên bận tâm, lúc nào cũng cố gắng để không ngã. Đặc biệt khi con ngựa bắt đầu phi nước đại, bạn rơi vào trạng thái cảnh giác cao độ. Nhưng khi bạn trở thành một tay đua chuyên nghiệp, mọi thứ trở nên dễ dàng hơn. Chẳng hạn như những tay đua ở miền Đông Tây Tạng có thể làm tất cả những trò nhào lộn, ví như bắn tên vào mục tiêu hoặc tóm lấy một thứ gì đó trên mặt đất, trong khi vẫn phi nước đại, và họ làm việc đó một cách dễ dàng với nụ cười tươi rói luôn nở trên môi. 

Một nghiên cứu với các thiền giả cho thấy họ có thể duy trì sự tập trung ở mức tối đa trong một thời gian dài. Khi thực hiện một nhiệm vụ kéo dài, ngay cả sau 45 phút, họ vẫn không hề trở nên căng thẳng và không bị phân tâm dù chỉ một khắc. Khi tôi tự mình làm nhiệm vụ này, tôi nhận thấy rằng vài phút đầu tiên có tính thử thách và đòi hỏi nhiều nỗ lực, nhưng một khi đã bước vào trạng thái chú tâm thì nó trở nên dễ dàng hơn. 

💦 Wolf: Điều này giống như một chiến lược chung mà bộ não áp dụng khi đạt được những kỹ năng mới. Trong trạng thái chất phác, người ta sử dụng sự kiểm soát có ý thức để thực hiện một nhiệm vụ. Nhiệm vụ lại được chia nhỏ thành một chuỗi các nhiệm vụ con mà sẽ được thực hiện tuần tự. Điều này đòi hỏi sự chú ý, tốn thời gian, và cần nỗ lực. Sau đó, khi đã rèn luyện, việc thực hiện sẽ trở nên tự động hóa. Thông thường, việc thực thi những hành vi khéo léo khi đó được hoàn thành bởi các cấu trúc não bộ khác với các cấu trúc não bộ liên quan đến việc học tập và thực hiện ban đầu. Một khi sự thay đổi này xảy ra, việc thực hiện trở nên tự động, nhanh chóng, dễ dàng và không còn đòi hỏi phải kiểm soát về nhận thức nữa. Loại hình học tập này được gọi là học tập theo quy trình và yêu cầu phải thực hành. Những kỹ năng được tự động hóa này thường sẽ cứu bạn trong những tình huống khó khăn vì bạn có thể truy cập chúng một cách nhanh chóng. Chúng cũng có thể thường xuyên đương đầu với nhiều biến số đồng thời nhờ việc xử lý xong song. Việc xử lý có ý thức được tuần tự hóa hơn, và do đó, cũng tốn nhiều thời gian hơn. Ngài có nghĩ rằng mình có thể áp dụng cùng một chiến lược học tập này cho những cảm xúc bằng cách học chú ý đến chúng, phân biệt chúng, Và từ đó, làm quen với động năng của chúng để sau này có thể dựa vào các quy trình tự động để quản lý chúng trong những trường hợp xung đột không? 

 Matthieu: Bạn dường như đang mô tả quá trình thiền định. Theo giáo lý thì khi người ta bắt đầu thiền, trên sự từ bi, chẳng hạn thế, thì người đó trải qua một hình thức từ bi nhân tạo, miễn cưỡng. Tuy nhiên, bằng cách tạo ra lòng từ bi hết lần này đến lần khác, nó trở thành bản năng thứ hai và sẽ phát ra một cách tự nhiên, ngay cả khi ở giữa một tình huống phức tạp và đầy thử thách. Khi lòng từ bi thực sự trở thành một phần trong luồng tâm trí mình, bạn không phải nỗ lực đặc biệt để duy trì nó. Chúng tôi gọi đó là “thiền mà không thiền”, có nghĩa bạn không chủ động “thiền”, nhưng đồng thời bạn cũng không bao giờ tách khỏi thiền. Bạn đơn giản là an trú dễ dàng mà không bị xao nhãng trong trạng thái tâm trí thiện lành, từ bi này. 

💦 Wolf: Sẽ thực sự thú vị nếu quan sát, với những công cụ của thần kinh học, rằng liệu ngài có cùng sự thay đổi chức năng mà ngài quan sát trong những trường hợp khác, những trường hợp mà việc làm quen thông qua học tập và rèn luyện dẫn đến sự tự động hóa các quy trình, hay không. Trong quá trình quét bộ não, người ta quan sát thấy rằng các cấu trúc não bộ được kích hoạt khi ban đầu các kỹ năng được thực hiện dưới sự kiểm soát của ý thức khác với các cấu trúc não bộ được kích hoạt khi các kỹ năng này trở nên tự động. 

 Matthieu: Dường như đây chính là điều được chỉ ra trong một nghiên cứu của Julie Brefczynski và Antoine Lutz tại phòng thí nghiệm của Richard Davidson. Brefczynski và Lutz đã tìm hiểu hoạt động não bộ của những người mới tập thiền, những người đã có trải nghiệm tương đối và những người giàu kinh nghiệm khi những người này tập trung chú ý. Họ quan sát được các khuôn mẫu hoạt động khác nhau, tùy thuộc vào mức độ kinh nghiệm của thiền giả. Những thiền giả có kinh nghiệm tương đối (với trung bình 10.000 giờ thực hành) cho thấy mức độ hoạt động nhiều hơn ở các vùng não liên quan đến sự chú ý so với những người mới. Nhưng nghịch lý thay, những thiền giả giàu kinh nghiệm nhất (với trung bình 44.000 giờ thực hành) đã cho thấy mức độ hoạt động ít hơn những người không có nhiều kinh nghiệm. Những thiền giả cao cấp này có vẻ đã thu được một mức độ kỹ năng cho phép họ đạt được một trạng thái tâm trí tập trung với ít nỗ lực hơn. Các hiệu ứng này giống với kỹ năng của những nhạc sĩ và vận động viên lão luyện có khả năng đắm mình trong “dòng chảy” của màn trình diễn với nỗ lực kiểm soát tối thiểu. Quan sát này phù hợp với những nghiên cứu khác chứng minh rằng khi một người đã làm chủ được một nhiệm vụ, các cấu trúc não tham dự vào quá trình hoàn thành nhiệm vụ thường ít hoạt động hơn so với khi bộ não vẫn đang còn trong giai đoạn học tập. 

💦 Wolf: Điều này gợi ý rằng các đoạn mã thần kinh trở nên thưa thớt hơn, có lẽ liên quan đến ít tế bào thần kinh hơn nhưng các tế bào thần kinh lại phải chuyên biệt hơn, một khi những kỹ năng trở nên rất quen thuộc và được thực hiện bởi chuyên môn rất cao. Vậy thì để trở thành một thiền sư đích thực dường như đòi hỏi phải rèn luyện ít nhất như một nghệ sĩ vĩ cầm hoặc dương cầm đẳng cấp thế giới. Nếu luyện tập bốn giờ mỗi ngày, sẽ mất 30 năm thiền định để đạt được 44.000 giờ. Thật phi thường!

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. QUAN SÁT TÂM, ĐIỀU PHỤC TÂM
  2. LÒNG VỊ THA VÀ TRẠNG THÁI HẠNH PHÚC
  3. PHÁ BỎ VÒNG THÙ HẬN

Bài viết mới

  1. CÁCH GIỮ TẬP TRUNG KHI BẠN BẮT ĐẦU CHÁN MỤC TIÊU CỦA MÌNH
  2. MUHAMMAD ALI
  3. Ý NGHĨA NGÀY PHẬT ĐẢN