VENERABLE THUBTEN CHODRON
Trích từ bài viết “Buddhism is Modern Society”, sách The Path To Happiness, Ven. Thubten Chodron (Amitabha Buddhist Centre, 1999).
Trần Tuấn Mẫn dịch
Văn Hóa Phật Giáo Số 34 ngày 01/12/2019
Chúng ta dạy con cái về từ ái, độ lượng và nhẫn nhục không chỉ dạy suông mà phải bằng thái độ hành xử của chính chúng ta. Việc thực hành Phật pháp không chỉ là đến chùa, không chỉ đơn giản là tụng kinh hay niệm Phật. Việc thực hành là thể cách chúng ta sống, sống với gia đình thế nào, cùng với các đồng sự làm việc như thế nào, liên hệ với những người khác như thế nào trong nước và trên thế giới. Chúng ta cần đưa giáo lý về từ ái của Đức Phật vào nơi làm việc, vào gia đình mình, cả vào trong cửa hàng tạp hóa và trong phòng tập thể dục. Chúng ta làm như thế không phải bằng cách phân phát những tờ rơi tại một góc đường, nhưng bằng cách tự mình thực hành và sống với Phật pháp. Khi làm như thế, tự nhiên chúng ta sẽ có một ảnh hưởng tích cực đối với những người xung quanh. Ví dụ, bạn dạy các con bạn lòng từ ái, sự độ lượng và sự nhẫn nại không chỉ bằng cách giảng cho chúng, nhưng bằng cách chứng tỏ những điều ấy trong cách hành xử của chính bạn. Nếu bạn dạy cho chúng một điều gì nhưng bạn lại hành xử theo cách ngược lại thì chúng sẽ theo điều chúng ta làm chứ không theo điều chúng ta nói.
Nếu chúng ta không cẩn thận thì dễ dẫn đến việc dạy cho con cái sự hận thù và không bao giờ tha thứ khi những người khác làm chúng bị tổn thương. Hãy xem tình trạng của nước Yugoslavia ngày xưa: đấy là một thí dụ tốt về cách mà trẻ em trong gia đình và trong nhà trường được người lớn dạy hận thù. Khi các em này lớn lên, chúng dạy các con chúng hận thù. Từ thế hệ này sang thế hệ khác, sự việc này vẫn tiếp tục như thế, và rồi hãy xem điều gì đã xảy ra. Có quá nhiều khổ đau ở đấy, thật đáng buồn.
Đôi khi bạn có thể dạy trẻ em ghét một vài thành phần khác của gia tộc. Có thể là ông bà của bạn bất hòa với anh chị em của họ và từ đó những phía khác nhau của gia tộc đã không nói chuyện với nhau. Có gì đó đã xảy ra trong những năm mà bạn chưa được sinh ra – bạn cũng không biết sự việc ấy là gì. Nhưng vì sự việc ấy, bạn không được phép nói chuyện với một số người thân thích nào đó. Thế rồi bạn dạy điều ấy cho con cháu bạn. Chúng biết được rằng cách giải quyết bất hòa với những ai đó là không bao giờ nói chuyện với họ nữa. Sự việc này có giúp chúng trở thành những người hạnh phúc và hiền thiện không? Bạn nên suy nghĩ kỹ về điều này và hãy đoan chắc rằng bạn chỉ dạy con cái những gì có giá trị.
Đây là lý do tại sao bảo rằng điều vô cùng quan trọng là bạn phải nêu gương về sự hành xử của bạn mà bạn muốn cho con cái học tập. Khi bạn cảm thấy oán hận, giận dỗi, phẫn uất hay hung hăng trong lòng, bạn phải xử lý với những thứ ấy, không những chỉ nhằm cho sự an bình nội tại của bạn mà còn nhằm cho bạn không dạy con cái có những cảm xúc tai hại ấy. Vì bạn yêu thương con cái bạn, bạn cũng hãy cố gắng yêu thương chính bạn nữa. Yêu thương chính bạn và muốn chính bạn được hạnh phúc nghĩa là bạn phát triển một trái tim thiện lành vì lợi ích của mọi người trong gia đình.
ĐƯA TỪ ÁI VÀO NHÀ TRƯỜNG
Chúng ta cần phải đưa từ ái không chỉ vào gia đình mà còn vào các trường học nữa. Trước khi trở thành một Tỳ-kheo-ni, tôi đã là một giáo viên, cho nên tôi có những cảm xúc đặc biệt mạnh mẽ về điều này. Điều quan trọng nhất để trẻ em học tập không phải là nhiều thông tin, nhưng là làm sao để thành những người hiền thiện và làm sao để giải quyết những mâu thuẫn với những người khác một cách xây dựng. Các bậc cha mẹ và các thầy cô giáo bỏ rất nhiều thì giờ và tiền bạc vào việc dạy trẻ em khoa học, số học, văn học, địa lý học, địa chất học và vi tính. Nhưng có bao giờ chúng ta bỏ thì giờ để dạy chúng làm thế nào để trở nên hiền thiện chưa? Chúng ta có những khóa trình nào về sự hiền thiện hay không? Chúng ta có dạy trẻ em làm sao để xử lý những cảm xúc tiêu cực và làm sao để giải quyết những mâu thuẫn với những người khác hay không? Tôi nghĩ rằng điều này quan trọng hơn những môn ở trường rất nhiều. Tại sao? Trẻ em có thể biết nhiều, nhưng nếu chúng lớn lên để trở thành những người lớn dữ dằn, nóng giận, hay tham lam thì đời của chúng sẽ không được hạnh phúc.
Các bậc cha mẹ muốn con mình có một tương lai tốt đẹp và rồi nghĩ rằng con cái họ cần làm ra thật nhiều tiền. Họ dạy con cái họ những kỹ xảo về việc học chương trình ở trường và về việc học kỹ thuật sao cho chúng có thể kiếm được một việc làm tốt và kiếm được nhiều tiền – như thể tiền là nguyên nhân của hạnh phúc. Nhưng khi những người sắp chết, bạn không bao giờ nghe những lời mong ước, “Tôi cần có nhiều giờ hơn ở văn phòng. Tôi cần kiếm nhiều tiền hơn.”. Khi người ta hối tiếc về thể cách mà họ đã sống, thường thì họ tiếc nuối đã không liên lạc tốt hơn với những người khác, không hiền thiện hơn, đã không để cho những người mà họ quan tâm biết rằng họ quan tâm. Nếu bạn muốn con cái bạn có một tương lai tốt đẹp thì đừng dạy chúng làm sao để kiếm nhiều tiền, nhưng làm làm sao để sống một cuộc sống lành mạnh, làm sao để trở thành một con người hạnh phúc, làm sao để đóng góp cho xã hội một cách hữu ích.
DẠY TRẺ EM CHIA SẺ VỚI NHỮNG NGƯỜI KHÁC
Là những bậc cha mẹ, bạn phải gương mẫu cho điều này. Giả như các con bạn về nhà và nói: “Bố mẹ à, con muốn có quần Jeans mốt mới và con muốn thứ này, con muốn thứ kia, tụi nó có cả rồi đấy.”. Bạn nói với bọn trẻ: “Những thứ ấy không làm cho các con hạnh phúc. Các con không cần chúng. Các con chẳng hạnh phúc gì khi cứ theo cho kịp hàng hiệu Lee đâu.”. Nhưng rồi thì các bạn ra ngoài và mua mọi thứ mà người khác đều có, dù nhà bạn đã sẵn đầy các thứ mà bạn không dùng đến. Trong trường hợp này, những gì bạn đang nói và những gì bạn đang làm là trái ngược nhau.
Bạn bảo con bạn hãy chia sẻ với các đứa trẻ khác, bạn lại không giúp đỡ từ thiện cho người nghèo hay người quẫn bách. Hãy nhìn những ngôi nhà trong xứ này: Chúng đầy dẫy những thứ mà chúng ta không dùng nhưng lại không thể cho đi. Tại sao lại không chứ? Chúng ta sợ rằng nếu cho đi thứ gì đó rồi thì chúng ta lại sẽ cần nó trong tương lai. Chúng ta cảm thấy khó mà chia sẻ những đồ vật của chúng ta nhưng chúng ta lại dạy con cái rằng chúng nên chia sẻ. Một cách đơn giản để dạy cho con cái của bạn lòng quảng đại là cho đi mọi đồ vật mà năm ngoái bạn đã không dùng đến. Nếu suốt bốn mùa đã trôi qua mà bạn không dùng những thứ gì đó thì có thể mùa tới bạn sẽ không dùng đến chúng, và thật là có ích cho chính chúng ta, con cái chúng ta và những người khác nếu chúng ta cho đi những đồ vật ấy.
Một cách khác nữa để dạy cho con cái bạn về lòng từ ái là không mua mọi thứ mà bạn cần. Thay vì mua như thế, hãy để dành tiền để tặng cho một cơ sở từ thiện hay cho ai đó đang cần. Bạn cần nêu rõ cho con cái tấm gương của chính bạn là sự tích tập càng lúc càng nhiều thứ vật chất không mang lại hạnh phúc, và rằng quan trọng hơn, hãy chia sẻ với những người khác.
DẠY TRẺ EM VỀ MÔI TRƯỜNG VÀ SỰ TÁI CHẾ VẬT DỤNG
Tiếp nữa, chúng ta cần dạy trẻ về môi trường và sự tái chế. Chăm sóc môi trường mà chúng ta chia sẻ với các chúng sinh khác là một phần của sự thực hành từ ái. Nếu chúng ta tàn phá môi trường, chúng ta làm tổn hại những người khác. Ví dụ, nếu chúng ta dùng nhiều đồ vật được làm để dùng một lần mà không tái chế chúng rồi vứt bỏ đi, thế thì chúng ta trao gì cho các thế hệ tương lai? Các thế hệ ấy sẽ thừa hưởng từ chúng ta những đống rác càng ngày càng lớn hơn. Tôi rất vui mừng khi thấy có thêm nhiều người tái sử dụng hoặc tái chế các đồ dùng. Đấy là một phần quan trọng của việc thực hành Phật giáo và là một hoạt động mà các chùa chiền, các trung tâm Phật pháp cần nêu gương trước.