ĐỂ KHÁM PHÁ RA CHÂN NGÃ CỦA BẠN, “CÁI TÔI” PHẢI CHẾT

THIỀN SƯ NI DAEHAENG

Trích: Tỉnh Thức Và Cười; Nguyên tác: Wake Up And Laugh; Viên Chiếu dịch Việt; NXB. Hồng Đức; 2017

THIỀN SƯ NI DAEHAENG

THIỀN SƯ NI DAEHAENG

Dù thật sự chúng ta luôn làm việc với nhau như một, chúng ta rõ ràng cũng hiện hữu như những cá nhân tách biệt. Giữa những cuộc sống bận rộn của các bạn, các bạn đã cùng nhau tụ họp ở đây để thăm dò con đường của chân lý, của cách sự vật thật sự là. Cảm ơn các bạn về điều này. Khi chúng ta tụ họp như thế này, các bạn, tôi và tất cả chúng sanh khác là những hành giả và là những Pháp hữu.

Hôm nay tôi muốn bắt đầu bằng cách xem xét những gì Phật Thích Ca đã nói và làm khi Ngài sanh vào thế giới này. Ngài nói, “Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn”. Rồi Ngài nhìn bốn phương và đi bảy bước. Phật giáo xuất hiện tại khoảnh khắc đó, và thế là sự tu tập đặt trên bản thể của chúng ta – chân tâm, là con đường dẫn đến khám phá chân ngã. Dù tôi chưa bao giờ đến trường, cũng không đọc nhiều sách, đây là những gì tôi nghĩ về ý nghĩa những hành động của Phật.

Trước hết, “Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn” nghĩa là gì?

Tôi đã luôn nói với các bạn rằng bản thể của các bạn được kết nối thẳng với bản thể của vũ trụ và với bản thể của mỗi một vật trong cuộc đời các bạn. Ngay cả khi Phật chưa sanh ra trong thế giới này, tất cả chúng sanh đã được kết nối với nhau qua bản thể này. Vậy, nếu các bạn nhận ra bản thể này, các bạn có thể cứu tất cả những sinh vật trong thân các bạn, và cũng có thể cứu tất cả chúng sanh bên ngoài thân các bạn. Đây là điều có thể vì tất cả những sinh vật này được kết nối với bản thể của bạn. Các bạn có lẽ có vài câu hỏi về điều này, vậy hãy thảo luận về chúng khi kết thúc buổi nói chuyện.

Thứ hai, đức Phật nhìn mọi hướng nghĩa là gì?

Nghĩa là bản thể không phải không cũng không phải sắc, như thế mọi vật có thể hoạt động và cộng tác với nhau như một toàn thể. Đức Phật nhìn bốn phương để biểu lộ điều này.

Cuối cùng, Ngài bước bảy bước để chỉ rằng giữa cái toàn thể này, các bạn và tôi hiện hữu như những chúng sanh tách biệt, và mỗi một khoảnh khắc trong đời sống hàng ngày của chúng ta là con đường đến chân lý. Đức Phật dạy chúng ta điều này không bằng lời, vì đây là việc không thể học qua ngôn từ. Chân lý không bao giờ có thể học qua học vấn, kiến thức thông thái, quyền lực thế tục, danh tiếng, hay học thuyết. Ngay từ khởi thủy, những hành giả đã học chân lý bằng những nghiên cứu trí tuệ về những vấn đề bản thể, chúng ta từ đâu đến, chúng ta sẽ về đâu, và chúng ta nên sống thế nào.

Những vấn đề bản thể này bao quanh chúng ta. Thí dụ, chúng ta gồm đất, nước, lửa và gió. Chúng ta sống giữa những yếu tố này và duy trì được chính mình nhờ chúng. Các bạn không thể bỏ qua điều này. Các bạn nên biết ơn những yếu tố này, vì tất cả chúng sanh hình thành từ chúng và tiến hóa từ chúng để đến những hình thể sống động ngày nay. Mọi vật từ chúng đến và trở về với chúng. Mọi vật biến mất vào chúng rồi khởi lên từ chúng. Đây là chân lý. Một cánh hoa đơn độc lơ lửng trên cây sẽ rụng ngay. Nếu cánh hoa được bảo vệ tránh gió, nó có thể bám vào cây lâu hơn một chút, tuy nhiên lâu mấy cũng sẽ rơi.

Mọi vật quanh ta không hiện hữu lâu hơn những đám mây đang phiêu dạt. Chúng ta tụ họp ở đây với nhau vì tất cả chúng ta cần vượt qua những ảo tưởng của cõi này. Tâm chúng ta vốn đã bao trùm vạn vật không chừa một ngoại lệ nào. Qua Nhất Tâm này, mọi vật – cây cối, côn trùng, thú vật và ngay cả những đối tượng vô tri vô giác – làm việc với nhau không ngừng. Dù mọi vật làm việc với nhau như một toàn thể, trong đây vẫn có “bạn” và “tôi” rõ ràng. Nhưng sự hiện hữu thực sự của “bạn” và “tôi” là không, và giữa cái rỗng không như thế, ở đó hiện hữu một vật siêu việt. Để khám phá ra nó, chúng ta hãy nghiên cứu cùng nhau.

Tôi luôn nói với người mới đến đây, “Trước hết, bạn phải chết! Buông hết mọi vật và giao phó mọi vật!” Nhưng chúng ta bỏ vào đâu? Chúng ta bỏ vào bản tâm, thật tánh của chúng ta. Vì các bạn hiện hữu, các bạn kinh nghiệm mọi loại sự vật. Tuy nhiên, bản tâm của các bạn được kết nối trực tiếp đến bản thể của mọi vật. Vì thế có khả năng để các bạn chăm sóc về bất cứ gì các bạn kinh nghiệm, bằng cách giao phó nó cho bản tâm của mình, giống như một thiết bị quyền lực bên trong các bạn. Thiết bị quyền lực lạ lùng này! Nếu chúng ta cần năng lượng, chúng ta có thể lấy ra nhiều như chúng ta cần. Năng lượng của thiết bị quyền lực là vô hạn. Lấy ra bao nhiêu năng lượng cũng không sao, năng lượng của nó không bao giờ tổn giảm; và bỏ vào bao nhiêu năng lượng cũng không sao, nó không bao giờ đầy tràn. Năng lượng đến và đi, chúng ta không thể thấy nó.

Do đó, có thể hành thiền trong cuộc sống hàng ngày. Chỉ thân ngồi xuống thì không phải ngồi thiền. Khi tâm các bạn yên lặng và buông hết mọi sự, đây là ngồi thiền và hành thiền. Tuy nhiên đây không có nghĩa từ bỏ tâm điểm chính trực, bền vững của tâm và chỉ rơi vào rỗng không. Đó là vì có trung tâm này, các bạn mới có thể hành thiền và cảm thấy dễ chịu hay khó chịu. Không có tất cả cảm giác này, các bạn không thể đạt được trí tuệ hay nhận ra chân ngã của các bạn và các bạn cũng không thể thành Phật.

Các bạn nên giao phó mọi sự đến trong đời mình – cô đơn, nghèo khó, hiu quạnh, lo âu, bệnh tật – giao phó hết cho bản thể của các bạn và sống tự do. Giao phó mọi sự là buông bỏ những dính mắc. Đó là con đường của cái chết. “Trước tiên, bạn phải chết!” Nghĩa là từ bỏ mọi sự vô điều kiện, bao gồm những gì các bạn hiểu và những gì các bạn không hiểu. Nghĩa là từ bỏ không dính bám vào những lý do hay bào chữa. Khi sự việc tốt đẹp đến, các bạn nên từ bỏ chúng với lòng biết ơn. Khi sự việc không tốt đến, các bạn cũng nên từ bỏ chúng, biết rằng “Không có gì cố định, vậy tình trạng này cũng có thể thay đổi. Bản thể, chân ngã của ta, là cái duy nhất có thể thực sự chăm sóc tất cả mọi việc. Nó sẽ dẫn đường cho ta một cách an toàn”. Cứ buông bỏ như thế, chỉ chết vô điều kiện, các bạn mới có thể khám phá chân ngã, căn nguyên bất diệt của các bạn.

Thứ hai, các bạn phải chết lần nữa. Trong khi tu tập ở đây, một số trong các bạn đã khám phá ra chính mình. Nhưng các bạn vẫn chưa thể loại bỏ những tập khí và tư tưởng về “tôi”, “ta”, và “của tôi”. Vì thế các bạn hớn hở nếu Phật xuất hiện trong giấc mơ của mình, nhưng lo lắng nếu thấy một con quỷ. Và khi các bạn cảm nhận hay kinh nghiệm việc gì siêu phàm, các bạn bất cẩn nói về kinh nghiệm đó. Những gì các bạn đang thấy và nghe chỉ là ảo tưởng, tuy nhiên các bạn đang bám vào chúng. Đây là lý do các bạn phải chết lần nữa.

Bây giờ các bạn có hiểu tại sao trước tiên các bạn phải chết và giữ những gì các bạn kinh nghiệm cho chính mình, và tại sao các bạn chết lần nữa, và giữ kín những gì các bạn kinh nghiệm không? Ngay khi các bạn có thể thấy và biết chắc chắn những việc sau khi khám phá chân ngã của mình, những năng lực này không phải là Đạo. Ngay cả nếu các bạn đạt được ngũ thông – những khả năng biết tư tưởng và cảm nhận của người khác, biết những đời quá khứ vị lai, nghe bất cứ gì, thấy bất cứ gì tại bất cứ nơi nào, và xuất hiện bất cứ đâu mà chẳng cần động thân – đây cũng không phải là Đạo. Chỉ khi các bạn thoát khỏi sự dính mắc vào những quyền năng huyền ảo này, các bạn mới làm chủ được chúng và có thể dùng chúng để giúp đỡ tất cả chúng sanh. Bộc lộ những gì các bạn thấy nghe, hay biết sẽ chỉ đem đến phiền phức. Trước tiên nó gây phiền phức cho Phật pháp; thứ hai, nó làm phiền chùa và thứ ba, nó sẽ gây phiền phức cho các bạn. Một khi các bạn khám phá chính mình, các bạn bước vào giai đoạn thử nghiệm. Biết rằng những gì các bạn trải nghiệm khi thức và trong mơ tất cả đều là chân ngã của các bạn dạy cho các bạn. Và cứ giữ kín mọi điều các bạn học.

Dù cho các bạn có thể thấy, nghe, hay biết những gì người khác không biết mà không dính mắc vào bất cứ tư tưởng nào về “tôi thấy”, “tôi nghe”, hay “tôi biết”, và không biểu lộ cho người khác những gì các bạn trải nghiệm. Tại giai đoạn tu tập này, các bạn cần thử nghiệm với những gì bạn đã học. Những thử nghiệm sẽ kết quả trong kinh nghiệm, và rồi các bạn nên cố gắng đặt những trải nghiệm này vào hành động. Đây là một giai đoạn rất mạnh mẽ của tu tập, vì thế các bạn phải cẩn trọng để chết lần thứ hai và giữ những gì các bạn kinh nghiệm cho chính mình.

Nếu các bạn giữ kín mọi việc và có thể buông bỏ hoàn toàn ngũ thông, cuối cùng các bạn sẽ có thể kiểm soát chúng. Nếu các bạn nô lệ cho thân mình, làm sao các bạn có thể chăm sóc và làm cho nó khỏe mạnh? Cũng thế, các bạn phải tự mình thoát được khỏi ngũ thông. Dù các bạn thấy những gì người khác không thể thấy, hãy từ bỏ nó. Dù các bạn nghe những gì người khác không thể nghe, hãy từ bỏ nó. Dù các bạn biết tâm người khác và đời quá khứ, hãy từ bỏ tất cả. Dù thân các bạn có thể vượt qua thời gian và không gian, và đi bất cứ đâu trong khoảnh khắc, bạn cũng nên từ bỏ điều đó. Đây là giữ kín nó. Đây là cách độc nhất để nhận ra sự thật tâm hoạt động thế nào và đạt được trí tuệ. Nó giống như một con đường bí mật nơi mà qua sự chuyên tâm và kinh nghiệm, các bạn hiểu hoàn toàn tâm toàn thể này và có thể sử dụng nó khi cần. Cổng vào bí mật này ở bên trong các bạn. Nó ở bên trong và hoạt động qua năm căn. Đừng tìm lối vào nơi nào khác. Hãy khám phá chân lý qua cái cửa đã sẵn bên trong các bạn.

Thứ ba, các bạn phải chết một lần nữa. Nếu các bạn có thể giữ kín những gì các bạn trải nghiệm và tự mình thoát khỏi mọi dính mắc vào ngũ thông, thì tại điểm đó, cho dù các bạn và người khác hiện hữu rõ ràng như những chúng sanh khác biệt, sự bất công và những rào cản giữa chính các bạn và người khác hoàn toàn biến mất. Ở giai đoạn này, các bạn có thể sẽ biểu hiện như thể các bạn trở thành người khác, và những người khác trở thành các bạn. Khả năng để đáp ứng và biểu hiện của các bạn sẽ trở nên rất mạnh mẽ.

Biểu hiện là gì? Vì tâm không hình tướng, một thay đổi vô hạn những hình bóng khác nhau có thể hiện ra từ nó. Đây gọi là 110 nghìn tỷ thân Phật, vì Phật đáp ứng khi bạn yêu cầu: Nếu bạn muốn Thần núi, Phật hiện như Thần núi. Nếu bạn muốn Quan Âm, Bồ tát của tình thương, Phật hiện như Quan Âm. Và như thế những biểu hiện của Phật tới mọi người khác nhau. Xa hơn nữa, thật không chỉ đáp ứng với những hình thể vật chất mà còn với tình thương và sự ấm áp.

Những biểu hiện, những biến hóa, và những đáp ứng với mỗi một sinh linh. Sự biểu hiện như thế là Phật đang bước xuống từ cõi chư Phật để làm lợi ích cho chúng sanh vô minh và làm như một bồ tát. Đây giống như hành động từ mẫn của Phật Liên Hoa, Phật Dược Sư và của Bồ tát Địa Tạng (Samantabhadra). Phật đáp ứng mọi người. Bất kể họ là ai – thọ thần hay địa thần, đàn ông hay đàn bà, giàu hay nghèo, già hay trẻ, người có quyền lực hay không quyền lực, thông minh hay đần độn – Phật đáp ứng bình đẳng với tất cả. Đây là ý nghĩa Phật là gì.

Ba giai đoạn chết liên tiếp này có thể được nghĩ như một quá trình làm hoàn hảo một con người. Tuy nhiên, đây không phải sự hoàn hảo của “cái tôi”; thay vào đó, nó là nơi mọi vật phối hợp với nhau và vận hành như một toàn thể. Các bạn vẫn trôi chảy như chính các bạn, và tôi trôi chảy như chính tôi, nhưng giữa điều này, cái toàn thể, như Phật, đáp ứng khi cần. Theo lối này, các bạn có thể trở thành ai đó. Tùy theo sự cần thiết, mắt họ có thể trở thành mắt các bạn, và tay họ có thể trở thành tay các bạn. Vì các bạn là một với họ, các bạn có thể hiểu hoàn cảnh của họ. Vì các bạn là một với họ, các bạn thật sự biết cái đau của họ. Đây là từ bi của Phật, biểu hiện trong 110 nghìn tỷ hình thể khác nhau. Tuy nhiên, sự biểu hiện nào thực sự là Phật? Có phải khi Phật lấy hình hài của một con giun? Có phải khi Phật xuất hiện trước bạn như Quan Âm? Khi Phật biểu hiện như một con chó thì sao? Bạn thực sự không có thể gọi bất cứ biểu hiện nào là “Phật”; Phật đang luôn thay đổi.

Luôn luôn thay đổi và trôi chảy trong từng khoảnh khắc là Đạo, và tự là chân lý. Nếu bất cứ gì được “đạt đến”, nó là con đường vượt khỏi mọi danh xưng và nhãn hiệu, chân lý được gọi là “giác ngộ vô thượng, không gì hơn”. Con đường và chân lý này là ý nghĩa của chữ “Phật”.

 

Thiền Sư Ni Dae Haeng

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. TIẾN HÓA VÀ SÁNG TẠO
  2. CÂU CHUYỆN CỦA PHẬT BẢO LIÊN HOA (HOA SEN QUÝ GIÁ)
  3. SỐ PHẬN VÀ ĐỊNH MỆNH

Bài viết mới

  1. BIỂU LỘ CHÍNH MÌNH MỘT CÁCH TRỌN VẸN
  2. CHÂN LÝ CÓ THỂ CÓ ĐƯỢC BẰNG LAO ĐỘNG QUÊN MÌNH
  3. CẢM GIÁC TỰ DO, ĐƯỢC GIẢI PHÓNG BẢN THÂN