DỄ LÀ ĐÚNG

OSHO

Trích: “Đạo – Trạng Thái Và Nghệ Thuật”; Người dịch: Lê Xuân Khoa; Nhà Xuất Bản Hà Nội, 2019

Trang Tử là một trong những con người tự nhiên nhất mà thế giới từng thấy. Ông không đưa ra kỷ luật nào, ông không đưa ra học thuyết nào, ông không đưa ra giáo lí nào. Ông chỉ giải thích một điều: Nếu bạn có thể tự nhiên và bình thường, như chim chóc và cây cối, bạn sẽ nở hoa, bạn sẽ sải cánh trên bầu trời rộng lớn.

Bạn không cần phải là thánh nhân. Thánh nhân rất căng thẳng – căng thẳng hơn tội nhân. Tôi đã biết cả hai dạng người, nhưng nếu có lựa chọn, tôi sẽ chọn các tội nhân làm bầu bạn hơn là các vị thánh. Các thánh nhân là bạn tồi nhất bởi vì cặp mắt họ đầy phán xét về mọi thứ: “Bạn nên làm cái này và bạn đừng nên làm cái kia.” Và họ bắt đầu thống trị bạn, kết tội bạn, làm nhục bạn, lăng mạ bạn, bởi vì cái họ đang làm là đúng, và cái bạn đang làm thì không. Họ đã đầu độc bản chất của bạn tồi tệ đến nỗi nếu phải tìm ra tội phạm thực thì chúng sẽ ở trong các thánh nhân chứ không phải trong các tội nhân. Các tội nhân không làm hại gì nhiều cho ai.

Tôi đã thăm các nhà tù, gặp các tội phạm, và tôi đã ngạc nhiên vì họ thường là những người ngây thơ nhất. Có lẽ bởi vì ngây thơ nên họ bị bắt – những kẻ xảo quyệt đang gây những tội ác khủng khiếp hơn, nhưng chúng không bị bắt. Mọi luật đều có lỗ hổng. Những kẻ xảo quyệt tìm ra lỗ hổng trước, những người ngây thơ bị bắt bởi vì họ không có sự gian xảo đó.

Chúng ta đang sống trong một thế giới kì lạ. Tội phạm là người cai trị, tội phạm là chính trị gia, tội phạm trở thành tổng thống, phó tổng thống – bởi vì, ngoài tội phạm ra thì ai muốn quyền lực? Một con người đích thực muốn an bình, yêu thương, muốn được để yên và tự do cho chính mình. Chính ý tưởng thống trị người khác mới là tội ác.

Trang Tử nói đúng: Nếu bạn cảm thấy bất cứ căng thẳng nào, cho dù bạn đang làm gì thì nó cũng không đúng. Và ông là người duy nhất đã đưa ra một tiêu chuẩn đẹp đẽ:

Dễ là đúng.

Bắt đầu đúng và bạn dễ dàng.

Tiếp tục dễ dàng, và bạn đúng.

Cách đúng để đi dễ dàng là quên đi cách đúng và quên rằng việc đi là dễ dàng.

Hãy thư giãn để trở thành không ai cả. Hãy tự nhiên. Trở thành một phần của vũ trụ thư thái này – thư thái tới mức bạn quên tất cả về cái dễ dàng và bạn quên tất cả về cái đúng.

CON RÙA HẠNH PHÚC

Hai sứ giả được hoàng đế cử đến. Trang Tử đang câu cá. Họ đi tới chỗ ông và nói: “Hoàng đế muốn ngài trở thành tể tướng!”

Trang Tử nói: “Các vị có thấy con rùa kia không, đang quẫy đuôi trong bùn đó?”

Họ nói: “Chúng tôi có thấy.”

“Và các vị thấy nó hạnh phúc thế nào chứ?”

Họ đáp:“Hẳn rồi. Nó trông hạnh phúc khôn cùng.”

Và rồi Trang Tử nói: “Ta nghe nói rằng trong cung điện của hoàng đế có một con rùa ba nghìn tuổi, đã chết, được bỏ trong lồng vàng, trang trí bằng kim cương, và được thờ phụng. Nếu các vị yêu cầu con rùa đang quẫy đuôi trong bùn này đổi vị trí, trở thành con rùa trong cung điện kia – chết, nhưng được bỏ trong lồng vàng, trang trí bằng kim cương, và được hoàng đế thờ phụng – thì liệu con rùa này có chấp nhận điều đó không?”

Các sứ giả nói: “Chắc chắn là không. Con rùa này sẽ không chấp nhận.”

Cho nên Trang Tử nói: “Thế tại sao ta nên chấp nhận? Các vị hãy đi đi! Ta đang hạnh phúc quẫy đuôi trong vùng bùn của mình, và ta không muốn tới cung điện của hoàng đế”.

Giá Trị Của Vô Dụng

Cuộc sống là biện chứng, và đó là lí do tại sao nó không logic. Logic nghĩa là cái đối lập thực sự là đối lập, còn cuộc sống thì luôn luôn ngụ ý cái đối lập trong chính nó. Trong cuộc sống, cái đối lập không thực sự là cái đối lập, nó là sự bổ sung. Không có nó thì cũng chẳng có gì. Chẳng hạn, sự sống tồn tại nhờ cái chết. Nếu không có cái chết thì không thể có bất cứ sự sống nào. Cái chết không phải kết thúc và cái chết không phải kẻ thù – ngược lại, nhờ cái chết mà có sự sống. Cho nên cái chết không nằm đâu đó ở kết thúc, nó được bao hàm ngay đây và bây giờ. Mỗi khoảnh khắc đều có phần sống và phần chết của nó; nếu không, không thể có sự tồn tại.

Huệ Tử nói với Trang Tử:

“Tất cả giáo huấn của ông đều tập trung vào cái vô dụng.”

Trang Tin trả lời:

“Nếu ông không coi trọng cải vô dụng thì ông không thể bắt đầu nói về cái hữu dụng. Chẳng hạn, mặt đất bao la rộng lớn, nhưng trên cả vùng bao la ấy, một người chỉ dùng vài thước đất mà anh ta ngẫu nhiên đứng vào lúc đó.

Bây giờ giả sử ông đột nhiên lấy đi tất cả phần đất mà anh ta không dùng, thế thì một vực thẳm sẽ mở ra khắp xung quanh chân anh ta, và anh ta đứng trong khoảng không trống rỗng mà không chỗ nào vững chắc ngoại trừ dưới chân anh ta. Liệu anh ta sẽ có thể dùng cái anh ta đang dùng trong bao lâu?”.

Huế Tử nói: “Nó sẽ chẳng còn đáp ứng bất kì mục đích nào.”

Trang Tử kết luận: “Điều này cho thấy sự cần thiết tuyệt đối của cái được cho là vô dụng.”

Có ánh sáng, có bóng tối. Theo logic, chúng là đối lập và logic sẽ nói: Nếu trời sáng thì không thể có chút bóng tối nào, nếu trời tối thì không thể có chút ánh sáng nào. Nhưng cuộc sống nói điều hoàn toàn ngược lại. Cuộc sống nói, có bóng tối là bởi có ánh sáng, có ánh sáng là bởi có bóng tối. Chúng ta có thể không thể nhìn thấy được cái còn lại khi nó lẩn trốn đầu đó trong góc.

Có im lặng bởi vì có âm thanh. Nếu hoàn toàn không có âm thanh, bạn có thể im lặng hay không? Bạn có thể im lặng như thế nào? Cần cái đối lập làm phông nền. Những người tuân theo logic luôn mắc sai lầm bởi vì cuộc sống của họ trở nên lệch lạc. Họ nghĩ về ánh sáng, rồi họ bắt đầu phủ nhật bóng tối, họ nghĩ về sự sống, rồi họ bắt đầu chống lại cái chết.

Một truyền thống nói rằng Thượng Đế là ánh sáng, và một truyền thống khác nói rằng Thượng Đế là bóng tối. Cả hai đều sai, bởi vì cả hai đều logic; họ phủ nhận cái đối lập. Và cuộc sống quá bao la, nó mang cái đối lập trong chính mình. Cái đối lập không bị phủ nhận, nó được chứa đựng.

Một lần ai đó nói với Walt Whitman, một trong những nhà thơ vĩ đại nhất từng được sinh ra: “Whitman, anh đang mâu thuẫn với chính mình. Hôm nay anh nói điều này, ngày mai anh lại nói điều ngược lại.”

Walt Whitman cười và nói: “Tôi bao la lắm. Tôi chứa đựng tất cả những mâu thuẫn.”

Chỉ những tâm trí nhỏ bé mới nhất quán, và tâm trí càng chật hẹp thì càng nhất quán. Khi tâm trí rộng bao la, mọi thứ được bao hàm: có ánh sáng, có bóng tối, có Thượng Đế và cả ác quỷ, trong hào quang trọn vẹn của ông.

Nếu bạn hiểu tiến trình bí ẩn này của cuộc sống, tiến trình đi qua những mặt đối lập, tiến trình biện chứng – nơi mặt đối lập giúp ích, giữ cân bằng, thêm sắc thái, tạo phông nền – chỉ khi đó bạn mới có thể hiểu Trang Tử – bởi vì toàn thể tầm nhìn của Đạo dựa trên sự bổ sung của các mặt đối lập.

Hai từ “âm” và “dương” là những mặt đối lập: đàn ông và đàn bà. Hãy thử nghĩ về một thế giới chỉ toàn đàn ông hay một thế giới chỉ toàn đàn bà – nó sẽ chết.

Khoảnh khắc nó sinh ra, nó sẽ chết; không thể có chút sự sống nào trong nó. Nếu nó là một thế giới đàn bà – đàn bà, đàn bà và chỉ đàn bà, không có đàn ông – đàn bà sẽ tự vẫn.

“Bất cứ khi nào cái đối lập bị phủ nhận thì đều sẽ có rắc rối. Và đó là điều chúng ta đang làm, cho nên có quá nhiều rắc rối trên thế giới.”

Cần cái đối lập bởi vì nó hấp dẫn. Cái đối lập trở thành nam châm hút bạn, cái đối lập kéo bạn ra khỏi chính mình, cái đối lập phá vỡ nhà tù của bạn, cái đối lập làm bạn bao la. Bất cứ khi nào cái đối lập bị phủ nhận thì đều sẽ có rắc rối. Và đó là điều chúng ta đang làm, cho nên có quá nhiều rắc rối trên thế giới.

Đàn ông đã cố gắng tạo ra một xã hội về cơ bản là đàn ông, đó là lí do tại sao có quá nhiều rắc rồi – đàn bà bị từ chối: Cô ấy bị ném đi. Trong những thế kỷ trước, người ta không bao giờ nhìn thấy đàn bà ở bất cứ đâu. Cô ấy bị giấu trong những căn buồng sau nhà, thậm chí không được phép ở phòng khách. Bạn không thể gặp được cô ấy trên phố, bạn không thể trông thấy cô ấy ở những cửa hiệu. Cô ấy không phải một phần của cuộc sống.

Thế giới trở nên xấu xí bởi vì làm sao bạn phủ nhận cái đối lập được? Thế giới trở nên lệch lạc, mọi cân bằng bị mất. Thế giới đã phát điên.

Trong nhiều thế kỉ, đàn bà vẫn không được phép đi vào cuộc sống; cô ấy chưa thực sự là một phần, một bộ phận sống còn của cuộc sống. Đàn ông tham gia vào những nhóm hướng về đàn ông – những câu lạc bộ chỉ dành cho đàn ông, nơi những cậu thanh niên gặp nhau, những nhóm thị trường, chính trị, khoa học. Mọi nơi đều thiên lệch. Đàn ông thống trị, đó là lí do có quá nhiều khổ sở. Và khi một trong các cực đối lập thống trị, sẽ có khổ sở bởi vì cực còn lại cảm thấy đau đớn và tìm cách trả thù. Cho nên mọi người đàn bà đều trả thù ở nhà. Khi cô ấy không thể ra ngoài, đi vào thế giới và trả thù nhân loại, trả thù loài người, cô ấy trả thù chồng mình. Xung đột không lúc nào chấm dứt.

Tại sao người vợ luôn luôn sống trong xung đột? Không phải tại người đó, nó không phải vấn đề cá nhân. Nó là sự trả thù của đàn bà, của nữ giới, của mặt đối lập bị khước từ. Và người đàn ông trong ngôi nhà, người chồng, là đại diện cho cả thế giới đàn ông, thế giới hướng về đàn ông mà cô ấy đang chiến đấu.

Bằng cách phủ nhận những mặt đối lập, bạn đang mời gọi rắc rối – và trên mọi con đường, mọi cấp độ, mọi chiều hướng, điều này giống nhau.

Trang Tử nói rằng nếu bạn khước từ cái vô ích thì sẽ chẳng có gì hữu ích trên thế giới. Nếu bạn khước từ cái vô ích, cái khôi hài, cái vui vẻ, thì không thể có bất cứ công việc hay nghĩa vụ nào. Điều này khó bởi vì chúng ta luôn nhấn mạnh vào sự hữu dụng.

Nếu ai đó hỏi bạn ngôi nhà gồm có những gì bạn sẽ trả lời là những bức tường. Và giống như người thầy của mình là Lão Tử, Trang Tử sẽ nói rằng ngôi nhà không chỉ bao gồm những bức tường mà còn bao gồm các cửa ra vào và cửa sổ. Họ nhấn mạnh vào phần kia. Họ nói rằng những bức tường là hữu dụng, nhưng tác dụng của chúng tùy thuộc vào không gian vô dụng đằng sau những bức tường. Căn phòng là khoảng không chứ không phải những bức tường. Tất nhiên, khoảng không thì miễn phí còn tường thì phải mua Khi bạn mua một ngôi nhà, bạn mua cái gì? Những bức tường, cái hữu hình, cái nhìn thấy được. Nhưng bạn có thể sống trong cái hữu hình hay không? Bạn có thể sống trong những bức tường không? Bạn phải sống trong căn phòng, trong khoảng không để trông.

Vậy thì ngôi nhà thực sự là gì? Cái trống rỗng mà bao quanh là những bức tường. Và cửa là gì? Không có gì cả – “cửa” nghĩa là không có gì cả, không tường, chỉ trống rỗng. Nhưng bạn không thể bước vào nhà nếu không có cửa; nếu không có cửa sổ thì không có mặt trời nào đi vào, không có cơn gió nào thổi qua. Bạn sẽ chết và căn nhà của bạn sẽ trở thành ngôi mộ.

Trang Tử nói: Hãy nhớ rằng ngôi nhà gồm có hai thứ: những bức tường, cái hữu hình – cái có thể mua bán, cái thực dụng – và sự trống rỗng mà những bức tường bao quanh, cái phi thực dụng mà không thể mua, không thể bán, không có giá trị kinh tế. Làm sao bạn có thể bán sự trống rỗng? Nhưng bạn phải sống trong cái trống rỗng – nếu một người cố gắng chỉ sống trong những bức tường, anh ta sẽ phát điện; không thể làm thế được. Nhưng chúng ta cứ cố gắng làm điều không thể. Trong cuộc sống, chúng ta đã chọn cái thực dụng.

Chẳng hạn, một đứa bé đang chơi và bạn nói: “Thôi đi! Con đang làm gì thế? Việc này vô dụng. Làm gì đó hữu dụng đi. Đọc hay ít nhất là làm bài tập về nhà, làm việc gì có ích đi. Đừng lang thang quẩn quanh nữa, đừng lêu lổng nữa.” Nếu bạn tiếp tục khăng khăng điều này với một đứa trẻ, dần dần bạn sẽ giết chết cái vô dụng – khi đó đứa trẻ sẽ trở thành hữu dụng, và khi một người chỉ hữu dụng thì sẽ chết. Bạn có thể sử dụng anh ta, anh ta bây giờ là một thứ máy móc – một thứ phương tiện, không còn là chính mình nữa.

Bạn thực sự là chính mình khi bạn làm một điều vô dụng – vẽ tranh nhưng không để bán mà chỉ để vui; làm vườn, chỉ để vui; nằm trên bãi biển, chẳng làm gì, chỉ để vui. Hay đùa giỡn vô thưởng vô phạt ngồi im lặng bên một người bạn.

Có nhiều việc khác có thể làm được trong những khoảnh khắc này. Bạn có thể đi mua sắm hay đi chợ, bạn có thể kiếm chút tiền. Bạn có thể biến thời gian thành tiền bạc. Bạn có thể làm tăng số dư trong tài khoản ngân hàng của mình, bởi vì những khoảng khắc này sẽ không quay trở lại. Đối với những người coi thời gian là tiền bạc, họ chỉ biết một công dụng của thời gian: chuyển đổi nó thành càng nhiều tiền càng tốt. Cuối cùng, bạn chết với một số dự lớn trong tài khoản ngân hàng, nhưng ở bên trong bạn vẫn nghèo khổ, bởi vì sự giàu có bên trong chỉ xuất hiện khi bạn có thể tận hưởng cái vô dụng.

Thiền là gì? Người ta hỏi: “Công dụng của nó là gì? Chúng tôi sẽ được gì từ nó? Lợi ích của nó là gì?” Thiền… và bạn hỏi về lợi ích ư? Bạn không thể hiểu nó bởi vì thiền là vô dụng. Khoảnh khắc tôi nói “vô dụng”, bạn sẽ cảm thấy không thoải mái bởi vì toàn bộ tâm trí bạn đã trở nên thực dụng đến mức bạn luôn luôn đòi hỏi kết quả. Bạn không thể chấp nhận rằng có điều gì đó tự nó đã có thể là một niềm vui thú.

Vô dụng nghĩa là bạn tận hưởng nó mà không có lợi ích nào, bạn hòa hợp sâu sắc trong nó và nó cho bạn phúc lạc. Nhưng khi bạn đang ở sâu trong nó, bạn không thể tích lũy phúc lạc đó, bạn không thể chất nó thành một kho tàng.

Trên thế giới có hai kiểu người: người thực dụng, đó là những nhà khoa học, kĩ sư, bác sĩ; và nhánh kia, kiểu người bổ sung, đó là các nhà thơ và kẻ lang thang – vô dụng, không làm gì hữu dụng. Nhưng họ cung cấp sự cân bằng, họ đem sự duyên dáng tới cho thế giới. Hãy nghĩ về một thế giới toàn các nhà khoa học mà không có lấy một nhà thơ – nó sẽ xấu xí xiết bao.

Khi thế giới trở nên quá thực dụng, bạn tạo ra nhiều thứ, bạn sở hữu nhiều thứ, bạn ám ảnh với mọi thứ – nhưng cái bên trong bị mất, bởi vì cái bên trong chỉ có thể nở hoa khi không có căng thẳng bên ngoài, khi bạn không đi đâu cả, khi bạn chỉ nghỉ ngơi. Khi đó cái bên trong nở hoa. Những điều vĩ đại nhất là luôn luôn xảy đến khi bạn chẳng làm gì cả. Khi bạn làm gì đó, chỉ có những điều tầm thường xảy đến.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. CHUYỂN HÓA NỖI SỢ
  2. TRƯỞNG THÀNH TÂM LINH
  3. CHỨNG NGỘ TỪ NHIỀU CÁNH CỬA

Bài viết mới

  1. SỬ DỤNG HIỆU QUẢ SIÊU NĂNG LỰC QUYỀN LỰC & TÁC ĐỘNG
  2. CÂU TRẢ LỜI ĐÃ CÓ SẮN TRONG CÂU HỎI – PHẬT GIÁO TRONG THẾ GIỚI TÂN TIẾN NGÀY NAY
  3. THẦY VÀ ĐỆ TỬ