HE. GARCHEN RINPOCHE VIII
“Đi vào con đường không xao lãng của học hỏi, tư duy, và thiền định” là dòng thứ 3 của câu kệ Trung Ấm Đời Sống và nó chứa đựng tinh túy của những câu kệ chính của Sáu Trung Ấm. Mặc dù chúng ta đã thọ nhận được những giáo lý, chúng ta vẫn chưa phát triển được sự chắc chắn về chúng. Chúng ta không tin hoàn toàn vào những giáo lý. Đã thọ nhận được những giáo lý, chúng ta đã ghi những dấu ấn tốt đẹp vào trong tâm chúng ta, nhưng do thiếu trí huệ và chánh niệm, chúng ta không hoàn toàn tin tưởng vào những giáo lý. Một số người đã phát triển một mức độ nhất định về tánh giác và niềm tin vào những giáo lý, đặc biệt là vào nghiệp. Những người khác nghi ngờ hơn. Trong quá khứ, ngay cả tôi cũng có một số nghi ngờ, bởi vì mọi người kể những câu chuyện khác nhau, và người ta không biết tin vào điều gì. Ví dụ, chúng ta nghe về những phẩm tính của các cõi Tịnh độ và sự đau khổ của các cõi thấp, các cõi địa ngục, các cõi ngạ quỷ, và vân vân. Một cách rốt ráo, chúng là một sự tạo tác của tâm. Tôi nghi ngờ rằng cõi địa ngục không thể tồi tệ như vậy nếu tất cả chỉ là tâm. Loại nghi ngờ này thực sự là một sự hiểu lầm rất nghiêm trọng. Đúng là tâm tạo ra các cõi địa ngục; chính lòng thù hận tạo ra địa ngục, và chính Bồ đề tâm tạo ra các cõi Tịnh độ. Đức Phật nói rằng thế giới con người và đời sống ở các cõi khác như một giấc mộng hay một ảo ảnh. Tuy nhiên, đây không phải là cách mà chúng ta thường tri giác những hiện tướng. Chúng ta tin vào sự thực của đời sống này. Nếu đời sống này là thật đối với bạn, thì theo cách tương tự địa ngục là thật và các cõi Tịnh độ là thật. Chúng đều là một sự sáng tạo của tâm. Nếu bạn thật sự chứng ngộ được đời sống này như một giấc mộng hoặc một ảo ảnh, và nếu bạn thật sự không nắm bắt vào bất kỳ cái thực nào, thì bạn cũng có thể thấy bản chất huyễn ảo của các cõi địa ngục và các cõi Tịnh độ. Một tâm thanh tịnh không tri giác một cõi địa ngục thật sự. Nếu không có phiền não, các cõi địa ngục không thể xuất hiện, vì tất cả những kinh nghiệm đều là những phóng chiếu của tự tâm chúng ta. Các cõi Tịnh độ là một phóng chiếu của Bồ đề tâm. Nhưng nghĩ rằng đời sống này là có thật trong khi địa ngục chỉ là tâm (và do đó không có thật) là một sai lầm lớn. Các cõi địa ngục cũng thật như đời sống này, hay chúng ta có thể nói chúng cũng giống như mộng như đời sống này. Phải hiểu rõ điểm này là điều rất quan trọng.
Giáo huấn quan trọng nhất là trưởng dưỡng và lòng tin vào tình yêu thương và lòng bi mẫn. Để trưởng dưỡng tình yêu thương đối với tất cả chúng sanh, bạn nên xem xét rằng mỗi một chúng sanh đều đã từng là cha mẹ trong những đời quá khứ. Nếu bạn quen thuộc với tư tưởng này, thì ngay cả khi bạn thấy một con côn trùng nhỏ bạn sẽ nhớ rằng đó cũng từng là mẹ của bạn. Khi bạn nhìn thấy sự đau khổ của những chúng sanh này, bạn sẽ muốn giúp họ thoát khỏi đau khổ. Ban đầu, khi chúng ta bắt đầu trưởng dưỡng tình yêu thương và lòng bi mẫn, chúng ta làm điều đó nhiều hơn bởi vì chúng ta biết rằng điều đó sẽ có lợi nhất cho chúng ta. Vì vậy, ngay từ đầu, chúng ta thật sự trưởng dưỡng tình yêu thương và lòng bi mẫn vì lợi ích chính mình bởi vì chúng ta nghĩ rằng, “Nếu tôi không trưởng dưỡng tình yêu thương, tôi sẽ không bao giờ được giải thoát khỏi sanh tử.” Mặc dù ban đầu chúng ta làm điều đó cho bản thân, khi chúng ta quen không nghĩ đến chính mình mà nghĩ đến người khác, tâm chúng ta sẽ dần dần thay đổi. Với thân và khẩu chúng ta phải thực hiện mục đích của chính mình, nhưng trong tâm, chúng ta nghĩ về người khác. Với sự tập làm quen, tâm ích kỷ từ từ sẽ chuyển thành Bồ đề tâm tương đối.
Trong một trong những đời sống quá khứ chưa được thanh tịnh của Đức Phật, ngài sanh ra là con trai của một thương gia. Người con trai này đã giết mẹ ruột của mình và một kết quả là đã sanh ra trong cõi địa ngục. Trong địa ngục ngài nhìn thấy sự đau khổ của chúng sanh địa ngục, khiến ngài khởi sanh lòng bi mẫn. Sau đó, ngài được giải thoát khỏi địa ngục. Khi bạn nghĩ về người khác, không có khái niệm về một cái tôi. Nếu không có khái niệm về một cái tôi, không có gốc rễ của đau khổ. Khái niệm về một cái tôi là nơi lưu trữ tất cả nghiệp và những dấu ấn, giống như những bộ phim được lưu trữ trên một đĩa DVD. Nếu không có cái tôi, giống như là thiếu đầu đĩa DVD và ti vi, vì vậy phim không thể được chiếu. Tương tự như vậy, không có đau khổ nào có thể được phóng chiếu mà không có niềm tin vào một cái tôi. Phương pháp trưởng dưỡng tình yêu thương là tối cao bởi vì chỉ nhờ tình yêu thương mà các cõi Tịnh độ có thể hiển lộ. Trong Kim Cương Thừa, chúng ta thực hành Bổn tôn (tiếng Tạng: Yidam). Đối với một số hành giả, hình tướng của Bổn tôn không tạo một sự khác biệt, trong khi đối với những người khác thì có sự khác biệt lớn. Ví dụ một người đàn ông có thể thích một Bổn tôn nam như ngài Quán Thế Âm và Bổn tôn nữ như ngài Tara. Nhưng thực ra không có sự khác biệt. Bạn có thể thực hành bất kỳ Bổn tôn nào bạn muốn, miễn là bạn thực hành liên tục với một Bổn tôn. Bạn cần nghĩ đến Bổn tôn đó mọi lúc, để bạn sẽ không bao giờ quên Bổn tôn đó. Nếu bạn không bao giờ quên Bổn tôn, bạn sẽ luôn luôn cảm thấy tình yêu thương lớn cho vị ấy. Một quán tưởng rõ ràng là phụ để bạn tin tưởng vào Bổn tôn. Sau đó, khi bạn gặp những khó khăn bạn sẽ có thể nhớ đến Bổn tôn. Điều này rất quan trọng. Việc nhớ đến sự thanh tịnh sẽ đến một cách tự nhiên thông qua việc tin tưởng mình chính là Bổn tôn. Nếu bạn có thể nhớ Bổn tôn, thì sau này trong trung ấm bạn sẽ cũng có thể nhớ nó, và sau đó chắc chắn rằng bạn sẽ hợp nhất vĩnh viễn với Bổn tôn – bạn sẽ trở thành Bổn tôn. Vì lý do này, giai đoạn phát sanh là rất quan trọng. Thực hành Bổn tôn có nghĩa là bạn luôn thấy mình là Bổn tôn. Nếu bạn cũng thực hành những Bổn tôn khác, bạn có thể quán tưởng họ trong không gian trước mặt bạn. Vào cuối buổi thực hành của bạn, các Bổn tôn này sau đó hòa tan vào bạn. Bằng cách này, bạn nhận được sự tự quán đảnh.
Dòng thứ tư của câu kệ gốc đầu tiên liên quan đến thói quen tạo ra những phóng chiếu của chúng ta và chỉ dẫn chúng ta nhớ đến con đường để chúng ta có thể thành tựu ba thân. Lời cầu nguyện đức Phổ Hiền nói về “sự biểu lộ tự nhiên của năm trí huệ.” Tất cả các hiện tượng trong sanh tử và niết bàn, tất cả những hiện tướng là những biểu hiện tự nhiên của tâm, xuất hiện như một cầu vồng. Các hiện tượng trong sanh tử và niết bàn dường như có thật đối với chúng sanh bình phàm. Những chúng sanh bình phàm bám chấp vào sự có thật của những tư tưởng của họ, không nhận biết rằng mọi thứ đều khởi sanh từ tâm của họ, và vì lý do này mà họ đau khổ, tâm của họ như một khối băng.
Tất cả những tri giác đều là tâm, và tự tâm là tánh Không. Làm thế nào để chúng ta chứng ngộ điều này? Tất cả các hiện tượng của sanh tử và niết bàn đều có tính chất của ba thân: Pháp thân, Báo thân, và Hóa thân, và có những Hóa thân thanh tịnh và bất tịnh. Trong thế giới của chúng ta, có những vị thầy tâm linh thuần hóa chúng sanh, và có những chúng sanh được thuần hóa: tất cả họ đều là những Hóa thân. Như vậy, tất cả chúng sanh trong sáu sanh tử cõi sanh tử luân hồi là những Hóa thân bởi vì họ đều có một tâm. Tâm của tất cả chư Phật và tâm của tất cả chúng sanh (có hoặc không có thân), tâm của bất kỳ chúng sanh nào và tâm của tất cả chúng sanh trong ba cõi, đều như nhau. Chính từ tâm này mà tất cả chư Phật khởi sanh. Bất cứ ai chứng ngộ bản tánh của tâm sẽ chứng ngộ nền tảng duy nhất của sanh tử và niết bàn. Những ai chưa chứng ngộ được bản tánh của tâm không thể thật sự hiểu được điều này. Đó là một điểm rất quan trọng vì tâm của bất kỳ chúng sanh nào, kể cả động vật, đều có nhân của giác ngộ, Phật tánh. Bởi vì mọi người đều có một tâm, ai cũng muốn được hạnh phúc và có những phiền não như nhau, dù là một người hay một sinh vật nhỏ bé. Chỉ do những nghiệp quả khác nhau tạm thời và những dấu ấn thói quen mà chúng sanh xuất hiện khác nhau. Đức Jigten Sumgon đã nói, “Nhân và Quả là sự biểu hiện tạm thời của những tư tưởng” Chẳng hạn, một con rắn độc là một biểu hiện của lòng căm thù, đã chín thành sau khi đã thoát khỏi địa ngục. Mặc dù đó là biểu hiện của tâm của chính mình, nó sẽ không luôn luôn như vậy. Nó sẽ ở trong hình tướng này cho đến khi nghiệp riêng biệt này chấm dứt. Khi nghiệp tiêu hết thì giống như dầu của một đèn bơ đã cháy hết. Tương tự như vậy, khi tất cả nghiệp và những dấu ấn được tiêu hết, người ta trở lại Phật tánh, nơi chúng sanh không hiện hữu. Bất cứ ai chứng ngộ bản tánh của tâm đều chứng ngộ rằng tất cả hiện tượng của sanh tử và niết bàn có bản tánh của ba thân. Vì đó là bản tánh thật của họ, chúng sanh có thể thật sự chứng ngộ ba thân. Nếu bạn hiểu rằng ba thân là thật sự đầy đủ trong tâm bạn, thì trong khoảnh khắc đó bạn sẽ thấy ba thân thật sự thấm nhuần tất cả sanh tử và niết bàn như thế nào, vì tất cả đều là tâm. Khi bạn chứng ngộ điều đó, bạn sẽ có thể làm lợi ích cho chúng sanh mà không bao giờ mệt mỏi. Khi bạn chứng ngộ tánh Không, bạn sẽ thật sự hiểu được nỗi khổ của chúng sanh và biết cách để loại bỏ sự đau khổ của họ. Ngược lại, Nếu người ta chưa chứng ngộ tánh Không và người ta nhìn thấy nỗi thống khổ của chúng sanh, người ta sẽ phát điên. Người ta không có phương pháp, không có lối thoát. Nhưng chúng ta có phương pháp dẫn đến sự hiểu biết rằng bản tánh của tâm chúng ta thật sự có bản tánh của ba thân. Khi ba thân thành hiện thực, bạn chứng ngộ rằng nó là cái thức bao giờ cũng hiện hữu này tham gia vào mọi hoạt động trong thế giới và trong Phật pháp. Chúng ta phát triển những loại tư tưởng khác nhau, thiện hạnh và bất thiện hạnh; những hoạt động này được thực hiện bởi thức, vốn luôn ở đây. Những cái đến và đi là những tư tưởng trong tâm, nhưng tâm vẫn luôn luôn tồn tại. Hãy quán sát tâm, hãy quán sát những tư tưởng đến như thế nào và hòa tan trở lại vào trong nó. Tánh giác sáng tỏ nhận biết bất cứ điều gì khởi sanh, thì luôn luôn tồn tại. Tánh giác này không bao giờ rời khỏi hoặc bắt đầu nó luôn luôn ở đây. Đó là thức bình thường. Ngài Milarepa đã nói “Tôi không thấy thức, tôi chỉ thấy tánh giác nguyên sơ.” Khi một tư tưởng khởi sanh, hãy biết rằng nó là vô thường, xuất hiện giống như một ảo ảnh, không có bất kỳ sự hiện hữu thực sự nào. Tánh giác luôn luôn ở đó, làm nền tảng cho mọi sự kiện tâm thức; nó chứng kiến mọi sự sanh và diệt của mọi tư tưởng. Nó luôn tồn tại như nó là, không thay đổi. Nó giống như không gian, vĩnh cửu và không bị cản trở. Tánh giác này đã có mặt từ vô thủy trong sanh tử. Chúng ta chưa bao giờ và sẽ không lìa khỏi nó. Nó ở đó trong quá khứ, nó ở đó bây giờ, và sẽ luôn luôn ở đó trong tương lai. Đó là phẩm tính không thay đổi của Pháp thân như không gian. Khi bạn thấy bản tánh của thức của bạn, bạn sẽ chứng ngộ tánh giác nguyên sơ. Bạn thấy rằng tánh giác luôn luôn ở đó để bạn có thể bắt đầu. Đây là tánh giác biết rõ bản tánh của mọi sự vật hiện tượng.
Dòng cuối của đoạn kệ đầu nói: “Không có thời gian trên con đường để cho tâm xao lãng” Khi bạn mất tỉnh giác và trở nên bị xao lãng, bạn quên mất tình yêu thương và lòng bi mẫn. Do đó bạn phải chánh niệm. Chánh niệm biết rằng tình yêu thương và lòng bi mẫn rất quý báu. Biết được điều này, bạn sẽ không cho phép tình yêu thương và lòng bi mẫn suy yếu, ngay cả khi trả giá bằng mạng sống của mình. Ngài Milarepa đã nói: “Căn nguyên của các cõi thấp là thù hận. Do đó, hãy tu tập tính kham nhẫn ngay cả khi phải trả giá bằng mạng sống của mình”. Bạn nên nghĩ, “Ngay cả khi ai đó đã giết tôi, tôi sẽ không bao giờ từ bỏ tình yêu thương và lòng bi mẫn.” Hoạt động của chánh niệm là duy trì tình yêu thương và lòng bi mẫn. Bản chất của thiền định là thoát khỏi xao lãng. Có nói rằng thoát khỏi xao lãng là con đường của tất cả chư Phật và sự chăm chú đó là nền tảng cho mọi phẩm tính tốt đẹp. Một khi chúng ta không xao lãng, chúng ta làm gì với sự không xao lãng này? Đây thật sự là một điểm rất quan trọng, vì vậy bạn nên xem xét nó cẩn thận. Điểm cốt yếu của điều bạn cần làm với sự không xao lãng là thực sự phi thường. Công việc của bạn đưa những phóng chiếu của tâm vào con đường, là chứng ngộ ba thân. Theo Ba Mươi Bảy Pháp Tu, “Những hiện tướng là tự tâm của tôi. Ngay từ ban đầu, bản tánh của tâm giải thoát khỏi mọi thái cực của tạo tác.” Một ai đó thực hành không xao lãng thì rõ biết rằng những hiện tướng là tự tâm của mình. Chúng ta, những chúng sanh bình phàm vẫn tách biệt giữa đối tượng tri giác bên ngoài và chủ thể tri giác bên trong. Ví dụ, chúng ta nói “Tôi đến từ Mỹ,” ngụ ý sự tách biệt với những người khác, sự tách biệt giữa “tôi” và sự xuất hiện của “Mỹ.” Nhưng không có sự tách biệt thật sự. Tri giác này chỉ là một sự chế tạo của tâm thức.
Những phóng chiếu của tâm là tất cả những đối tượng bên ngoài, những tri giác của chúng ta, các hiện tượng mà chúng ta nắm bắt được khi chúng xuất hiện với chúng ta. Dường như có một tâm bên trong đang nắm bắt các đối tượng bên ngoài. Nhưng mối quan hệ thật sự giữa mối quan hệ tâm bên trong và những đối tượng bên ngoài là gì? Đôi khi có những tư tưởng bám luyến và ghét bỏ rất mạnh mẽ trong tâm, dữ dội đến mức chúng ta không thể để chúng đi, và vì vậy chúng liên tục khởi sanh trong tâm. Tại sao chúng ta không thể để chúng đi? Đó là bởi vì chúng ta tin vào sự hiện hữu thực sự của cái chúng ta tri giác được. Chúng ta tin rằng các đối tượng được tri giác bên ngoài là thật và hiện hữu riêng biệt với chúng ta. Bởi vì niềm tin này, chúng ta khởi sanh nhiều tư tưởng của bám luyến và ghét bỏ liên quan đến các đối tượng và chúng sanh bên ngoài. Chúng ta phải nhận biết rằng những tri giác này là những phóng chiếu của tâm chúng ta, và tự tâm là trống không. Vũ trụ được phóng chiếu ra bên ngoài xuất hiện với chúng ta là sự sáng tạo của nghiệp tập thể và những dấu ấn thói quen của chúng sanh. Mọi thứ đều do tâm tạo. Ví dụ, tòa nhà này mà chúng ta ở và nhận những giáo lý là được tạo ra bởi tâm. Đầu tiên, một tâm con người tưởng tượng ra nó, nó trở thành một ý tưởng, dẫn họ đến việc xây dựng tòa nhà. Như vậy, tòa nhà này thì được tạo ra bởi tâm của con người. Tương tự như vậy, mọi thứ khác, ngay cả thân thể chúng ta, đều là một sự sáng tạo của tâm. Tất cả những gì được tạo ra, mọi thứ xuất hiện và hiện hữu, đều có bản chất là vô thường; những hiện tướng là những hiện tượng hữu vi. Do đó, chúng sẽ không hiện hữu lâu dài mà sẽ tan rã. Toàn bộ vũ trụ bên ngoài sẽ tan rã và không có một chúng sanh nào mà không tan rã. Tất cả mọi thứ sẽ sụp đổ, xuất hiện rồi lại sụp đổ. Tất cả những hiện tướng bên ngoài đều là những sáng tạo của nghiệp và những dấu ấn thói quen của chúng ta. Đôi khi chúng xuất hiện trong một thời gian dài hơn như một kết quả của một số nghiệp, nhưng cuối cùng chúng sẽ tan rã. Toàn bộ vũ trụ là sự sáng tạo của nghiệp tập thể và những dấu ấn thói quen của tất cả chúng sanh. Hiểu được điều này, bạn sẽ thấy toàn bộ vũ trụ như một giấc mộng, một sự phóng chiếu đơn thuần của nghiệp và những dấu ấn thói quen của chính bạn. Khi bạn nhìn vào người đang tạo ra tất cả những thứ ấy, chính là tâm, bạn sẽ thấy rằng tâm cũng giống như không gian. Người chứng ngộ bản tánh của tâm sẽ chứng ngộ bản tánh của toàn bộ vũ trụ và tất cả chúng sanh. Chúng ta phải chứng ngộ rằng mọi hiện tướng đều được tạo ra bởi tâm, và cái mà được tạo ra, không có sự hiện hữu cố hữu, không có bất kỳ đặc tính nào. Khi người ta nhìn vào tâm, người mà đã tạo ra tất cả những thứ ấy, nó không thể được tìm thấy. Nó không thể được nói là hiện hữu cũng như không thể được nói là không hiện hữu. Nó thoát khỏi mọi giới hạn như vậy; cuối cùng nó là trống không. Vì vậy, có nói, “tất cả mọi hiện tướng đều là tâm của chính mình.” Vũ trụ bên ngoài và chúng sanh bên trong được tạo ra bởi tâm, và khi bạn cố gắng để tìm tâm, bạn không thể tìm thấy bất cứ thứ gì có bất cứ sự hiện hữu thực sự nào. Sự không thấy bất kỳ điều gì này là chân lý tối hậu. Ngài Milarepa đã nói “Tôi không thấy những hiện tượng, tôi thấy bản tánh của những hiện tượng.” Những sự vật xuất hiện nhưng chúng không có tự tánh; chúng trống không, nhưng chúng xuất hiện. Trong Tâm Kinh có nói, “sắc là tánh Không và tánh Không là sắc. Sắc không khác với tánh Không, và tánh Không thì không khác sắc.” Các nhà khoa học nghiên cứu các hạt nguyên tử, cố gắng tìm ra thứ gì đó không thể giản lược được hoặc hoàn toàn có thể biết được, nhưng họ đã không thể. Bằng cách này, họ chạm trán tánh Không, nhưng họ chưa tìm thấy một tên cho nó. Đức Phật đã tìm một tên cho nó và gọi nó là tánh Không. Chúng ta có thể hiểu rõ điều này khi chúng ta so sánh Trung ấm Đời sống với Trung ấm Giấc mộng. Giống như trong những giấc mộng của chúng ta, mọi thứ đều do tâm tạo. Đức Phật dạy rằng vũ trụ bên ngoài thì được tạo ra bởi nghiệp chung và những khuynh hướng của chúng sanh. Ví dụ, mọi người nhìn vào hộ chiếu của họ và nghĩ rằng họ là người Mỹ hoặc người Singapore hoặc người Đức. Hàng tỷ người trên thế giới xác nhận bản thân theo cách này.
(còn tiếp)