ĐỜI CÓ ĐẠO THÌ RA LÀM MỌI VIỆC

Vu Đan

Trích: “Khổng Tử Tinh Hoa” (Những Điều Diệu Kỳ Từ Tư Tưởng Và Triết Lý Sống Khổng Tử); Nhà Xuất Bản Trẻ, 2010

Thực tế khi bạn đi xin việc – đặc biệt là với các công ty nước ngoài, trưởng phòng Nhân sự sẽ đưa cho bạn một bản mô tả chi tiết công việc đã được viết sẵn, ghi rõ vị trí và công việc bạn sẽ làm. Mọi người đều có một bản như vậy, từ thư ký và nhân viên đánh máy cho đến quản trị viên cấp cao.

Chúng ta luôn nói rằng những người trẻ phải làm việc chăm chỉ và thật tốt, người nào có khả năng làm công việc của ba người là giỏi nhất. Điều này rất lạ lùng và dường như đi ngược lại tinh thần quản trị doanh nghiệp hiện đại: Người chịu trách nhiệm cho một nhiệm vụ phải là người hết lòng quan tâm đến nó, theo cách này, mọi người đều hợp lại với nhau như bộ phận của một chiến lược chặt chẽ.

Khổng Tử nói: “Nếu mình không có chức vị trong một xứ, thì chẳng cần mưu tính chính sự của nước ấy.” (Luận Ngữ, XIV, 27). Nói khác đi, dù bạn đang ở vị trí nào, bạn phải làm bổn phận của mình, không được vượt quá thẩm quyền của mình mà can thiệp vào công việc của người khác, vượt quá vấn đề của mình để làm những việc mà bạn không phải làm. Thái độ chuyên nghiệp này đối với công việc là một thái độ mà xã hội hiện đại của chúng ta hẳn sẽ đặc biệt quan tâm.

Tuy nhiên, có một điều kiện được hàm ý ở đây là: “Khi ta có chức vị trong một xứ, thì phải mưu tính chính sự của xứ ấy”. Vậy thì, bạn phải quan tâm đến các vấn đề thuộc trách nhiệm của mình như thế nào?

Làm thế nào để chúng ta biết mình phải làm gì?

Khổng Tử nói rằng: “Quân tử đối với việc của thiên hạ, không có việc gì cố ý làm, không có việc nào cố ý bỏ, hễ hợp lễ nghĩa thì làm.” (Luận Ngữ, IV, 10).

Khổng Tử có ý muốn nói: Người quân tử không cố cưỡng ép, không chống đối sự việc mà không có lý do, không đòi hỏi quá cao mà cũng không nhân nhượng thái quá, không quá gần gũi mà cũng không quá lảng tránh. Tất cả mọi hành động đều theo Lễ và sự công chính. Lễ và sự công chính phải là những nguyên tắc và chuẩn mực cho việc cư xử của tất cả chúng ta.

Một khi chúng ta biết cái gì quy định cách hành động của mình, thì chúng ta phải quan tâm đến chính những hành động của ta.

Giữa “lời nói” và “việc làm”, Khổng Tử đánh giá cao “việc làm”. Khổng Tử cực kỳ cảnh giác với những người khoe khoang và phô trương.

Khổng Tử nói rằng: “Kẻ nào miệng nói lời hoa mỹ; còn mặt mày thì trau chuốt, hình dạng kiểu cách, áo quần lòe loẹt, hẳn kẻ ấy kém lòng nhân.” (Luận Ngữ, I, 3). Bạn không thể tìm thấy người có đức hạnh thực sự giữa loại người miệng nói lời hoa mỹ và có thái độ kiểu cách.

Vậy Khổng Tử ủng hộ điều gì? Rất đơn giản – nói ít, làm nhiều. Bạn phải nhiệt tình trong các hành động của mình, nhưng Ngài khuyên nên “nói năng thận trọng” – không được nói những gì bạn không thể làm. Tục ngữ có câu “Thần khẩu hại xác phàm” (Cái miệng hại cái thân), chí ít thì những lời khoác lác cũng làm giảm giá trị con người bạn, “càng nói nhiều thì càng mất nghĩa”.

Học trò của Khổng Tử là Tử Trương trong khi đi học có ý muốn làm quan hưởng lộc. Ông hỏi Khổng Tử xem mình nên làm gì. Khổng Tử nói rằng: “Nên nghe cho nhiều. Những điều mình nghe chẳng tỏ, hãy còn hồ nghi thì để qua một bên, đừng có nói. Còn những điều mình nghe được rõ ràng, mình nên nói một cách dè dặt. Như vậy, người ta ít có dịp mà quở trách mình. Nên thấy cho nhiều. Những điều mình thấy chẳng rõ, có thể nguy hại thì để qua một bên, đừng có làm. Còn những điều mình xét chẳng có hại, mình nên làm một cách dè dặt. Như vậy, mình ít có dịp phải ăn năn. Nói mà ít bị quở, làm mà ít ăn năn, bổng lộc tự nhiên ở đó rồi.” (Luận Ngữ, II, 18).

“Nên nghe cho nhiều. Những điều mình nghe chẳng tỏ, hãy còn hồ nghi thì để qua một bên, đừng có nói” có nghĩa là trước hết bạn phải biết cách lắng nghe xem người ta đang nói gì với bạn, những phần nào bạn không chắc thì phải để qua một bên. Chúng ta gọi việc học hỏi từ những gì xảy ra với ta là kinh nghiệm trực tiếp, trong khi việc học hỏi từ các kinh nghiệm của người khác, kể cả những thất bại và bất hạnh, được gọi là kinh nghiệm gián tiếp.

“Những điều mình nghe được rõ ràng, mình nên nói một cách dè dặt” có nghĩa là bạn phải cẩn thận khi bàn luận về những gì mình đã nghe, kể cả những phần mà bạn nghĩ là mình đã hiểu rõ.

“Nên thấy cho nhiều. Những điều mình thấy chẳng rõ, có thể nguy hại thì để qua một bên, đừng có làm” nghĩa là hãy nhìn xung quanh bạn và để qua một bên những gì bạn còn chưa chắc chắn. Sự lẫn lộn cũng như hầu hết những sai lầm con người gặp phải là kết quả của một tầm nhìn bị giới hạn: Làm thế nào một con ếch ngồi đáy giếng có thể hiểu được sự bao la của đại dương hay sự cao rộng của bầu trời?

Ngay khi bạn dày dạn kinh nghiệm, bạn vẫn phải cẩn trọng trong các hành động của mình. Loại cẩn trọng trong cách cư xử này được mô tả “như đi xuống vực sâu, như đi trên băng mỏng.” (Luận Ngữ, VIII, 4).

Hãy suy ngẫm nhiều hơn, lắng nghe nhiều hơn, nhìn nhiều hơn, thận trọng trong lời nói và trong hành động của mình. Lợi ích mà bạn thu được khi thực hiện những điều này là bạn sẽ ít hối tiếc hơn. Trong thế giới này không nơi đâu có thuốc chữa trị cho những điều hối tiếc. Ngay khi một người biết họ đã làm điều gì đó sai trái, thì sự việc ấy cũng đã xảy ra rồi, và có thể là không bao giờ sửa chữa được nữa. Nếu một người tránh được việc trách móc, than phiền khi nói và tránh được những hành động có thể dẫn đến hối tiếc về sau thì chắc chắn sẽ thành công trong những gì họ đang dự định làm.

Tôi từng đọc được một câu chuyện như sau:

Ngày xưa, có một cậu bé tính hay nóng giận. Mỗi lần cáu kỉnh, cậu bé lại nói năng lỗ mãng, cục cằn với mọi người xung quanh. Cha mẹ khuyên răn nhưng cậu vẫn chưa sửa được.

Một ngày nọ, cha cậu đưa cho con trai một túi vải chứa đầy đinh và dặn, mỗi lần không giữ được bình tĩnh thì cậu cứ vác búa ra hàng rào gỗ quanh nhà và đóng lên đó một cây đinh. Vâng lời cha, hễ nổi nóng là cậu bé lại phang búa đóng một cây đinh vào hàng rào gỗ.

Mới cuối ngày đầu tiên, trên mặt gỗ đã xuất hiện 37 cây đinh. Ngày tháng trôi qua, túi đinh vơi dần, tính tình của cậu bé cũng dần thay đổi. Số đinh xuất hiện mỗi ngày trên hàng rào ít dần đi, cậu thấy mình giữ được bình tĩnh tốt hơn trước. Cuối cùng thì túi đinh cũng đã hết sạch. Cậu bé hoan hỉ thưa với cha rằng cậu đã học được cách tự kiềm chế. Người cha chỉ mỉm cười. Ông dặn con trai rằng từ nay trở đi, nếu một ngày trôi qua mà cậu không nổi nóng thì cậu được quyền nhổ bớt một cây đinh trên hàng rào. Chẳng bao lâu sau, cậu bé đưa lại cho cha một túi đinh đầy, nặng trĩu hệt như ông đã từng đưa cho cậu ngày nào.
Người cha dắt tay con trai ra hàng rào. Thật tội nghiệp, mặt gỗ phẳng phiu ngày xưa nay chi chít những lỗ đinh. Người cha nói với con trai: “Cha rất mừng là con đã biết giữ bình tĩnh. Nhưng con hãy nhìn mặt gỗ kia mà xem. Mỗi lần con nóng giận, ăn nói thô lỗ, là con đã gây ra cho những người xung quanh những nỗi đau hệt như nỗi đau mà mặt gỗ kia phải chịu đựng khi con đóng đinh vào nó. Cho dù con đã học được cách giữ bình tĩnh và đã rút đinh ra thì những lỗ đinh sâu hoắm kia vẫn còn đó.

Tương tự, dẫu con có hối cải, có xin lỗi bao nhiêu lần đi chăng nữa thì những người bị con xúc phạm không bao giờ còn cảm xúc tốt đẹp với con như xưa. Con phải nhớ rằng một lời nói cục cằn cũng tạo ra một vết thương lòng không kém một vết dao đâm, một lỗ đinh đóng vào da thịt”.

Câu chuyện trên là một sự giải thích hoàn hảo cho điều mà Khổng Tử muốn nói qua câu “Nói mà ít bị quở, làm mà ít ăn năn”.

???

Trích: “Khổng Tử Tinh Hoa” (Những Điều Diệu Kỳ Từ Tư Tưởng Và Triết Lý Sống Khổng Tử)
Tác giả: Vu Đan
Dịch giả: Hoàng Phú Phương, Mai Sơn
Nhà Xuất Bản Trẻ, 2010

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. TẠO LẬP MÔI TRƯỜNG TOÀN TÂM
  2. LÀM VIỆC MÀ KHÔNG BỊ BẢN NGÃ KHỐNG CHẾ

Bài viết khác của tác giả

  1. SỰ HÀI HÒA ĐÍCH THỰC LÀ GÌ ?

Bài viết mới

  1. TRAO MỘT LỜI KHEN
  2. CÁI NHÌN CỦA NGƯỜI KHÁC CÓ THỂ CỨU CHỮA HAY GIẾT CHẾT TA
  3. HẠNH PHÚC VÌ BIẾT ĐỦ