DỌN DẸP LÀ BỒI DƯỠNG VẺ ĐẸP TÂM HỒN

SHOUKEI MATSUMOTO

Trích: DỌN NHÀ, DỌN CỬA, GỘT RỬA TRÁI TIM; Shoukei Matsumoto/ Hương Linh dich; NXB Lao động; 2018

Tác giả Shoukei Matsumoto là một nhà sư, tu hành tại chùa Komyo (Quang Minh) ở thị trấn Kamiya, Tokyo, Nhật Bản. Sư sở hữu bằng MBA và là giám đốc của một tổ chức phi lợi nhuận được gọi là Otera no Mirai (Học bổng Phật giáo Nhật Bản). Sư Matsumoto đã khởi xướng các dự án khác nhau để xây dựng lại cộng đồng đền chùa bị suy tàn và thu hút nhiều du khách hơn đến các địa điểm tôn giáo. Sư đã được đề cử trong danh sách Nhà lãnh đạo trẻ toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), là một trong 199 nhà lãnh đạo dưới 40 tuổi đến từ 70 quốc gia đã được yêu thích trong năm (2013) theo trang web của WEF.

Sự theo đuổi duy nhất của sư Matsumoto làm cho các ngôi chùa Phật giáo phù hợp hơn với xã hội hiện đại của Nhật Bản. Tất cả các hành động của sư đều tập trung vào việc tăng sự hấp dẫn của Phật giáo trong một đối tượng rộng lớn hơn. Nguyên tắc của sư dựa trên nguyên tắc Phật giáo, là nghệ thuật giác ngộ, và sư cho là “nhiệm vụ của tôi là làm cho mọi người giác ngộ.”

nhà sư SHOUKEI MATSUMOTO

nhà sư SHOUKEI MATSUMOTO

DỌN DẸP LÀ BỒI DƯỠNG VẺ ĐẸP TÂM HỒN

DỌN DẸP LÀ GÌ?

Từ xa xưa, người Nhật đã luôn quan niệm dọn dẹp không chỉ là một công việc lao động tầm thường và vụn vặt.

Tại các trường tiểu học và trung học cơ sở của Nhật Bản, tất cả các em học sinh đều dọn dẹp, đó là việc đương nhiên. Ở Nhật, dọn dẹp không chỉ mang ý nghĩa “lấy đi vết bẩn” mà nó còn được coi trọng giống như một sợi dây liên kết với việc “bồi dưỡng vẻ đẹp nội tại của trái tim”. Khi đến thăm các ngôi chùa, hẳn bạn cũng nhận ra bên trong chùa luôn được dọn dẹp sạch sẽ, bày trí rất tinh tế và thoáng đãng đúng không?

Đương nhiên, mục đích của việc này là để đón tiếp khách thập phương, nhưng đối với những nhà sư sinh sống và tu hành tại chùa, bản thân việc khiến ngôi chùa luôn trong trạng thái sạch đẹp là một công việc tu hành Phật đạo vô cùng quan trọng. Toàn bộ không gian được sắp xếp sạch sẽ, mọi thứ được chùi sáng bóng. Bản thân tôi khi học tập tại ngôi chùa ở Kyoto, Nhật Bản để trở thành một nhà sư, chỉ cần cách đặt, để hay thứ tự xếp chồng lên nhau của quần áo và tấm chiếu tatami bị sai lệch một chút thôi, nhất định tôi sẽ phải nhận chỉ trích từ nhà sư tiền bối – người trực tiếp giảng dạy mình.

Nếu như có cơ hội, nhất định bạn phải chiêm ngưỡng dáng hình của nhà sư trong khi dọn dẹp khuôn viên bên trong chùa.

Những nhà sư khoác bộ trang phục mặc khi lao động, cố gắng làm việc trong yên lặng, dọn dẹp tại những nơi đã được phân công. Ai nấy đều mang gương mặt tràn đầy sinh khí và hăng hái.

“Phiền phức, lằng nhằng, nói thực lòng là không muốn làm đâu, nên là thôi cứ đại khái đi cho xong.” Dọn dẹp không phải là như vậy.

Chuyện kể rằng: Một đệ tử của Đức Thích Ca Mâu Ni, nhờ vừa xướng, “Cầm lấy chổi, quét sạch bụi bẩn,” vừa tiếp tục thực hiện việc dọn dẹp bằng chiếc chổi cầm trên tay, dọn dẹp thật nghiêm túc, mà đã giác ngộ được chân lý.

Dọn dẹp, không phải là do vết bẩn, mà đó là quá trình “tu hành” để bồi dưỡng vẻ đẹp tâm hồn.

RÁC LÀ GÌ?

Là vật đã bẩn, vật đã cũ, vật không thể dùng được nữa, vật không còn có ích, …

Có người coi chúng là rác, có người nhìn thấy chúng như rác. Chính bởi thế, đồ vật mới trở thành rác.

Phật giáo quan niệm rằng, miễn là đồ vật, chúng đều không có “thực thể”.

Nói tóm lại, tự thân những đồ vật đó không phải là “thực thể”.

Tuy nhiên, nếu không có thực thể, vậy thì tại sao vật đó lại tồn tại ở vị trí hiện thời?

Đồ vật tồn tại bằng cách liên kết với những đồ vật xung quanh, cùng bao bọc, cùng hỗ trợ cho sự tồn tại của nhau.

Con người cũng giống như vậy.

Những cá thể hình thành nên con người bạn, không gì khác, chính là tất cả những con người và đồ vật tồn tại bao quanh bạn. Thế nên, không được có cách nghĩ: nếu là đồ vật có ích với mình, mình sẽ coi trọng, còn lại chính là rác. Số mệnh của đồ vật không phải là thứ có thể được quyết định bằng cách đó.

Có một lần, thiền sư Thích Liên Như (Rennyo) nhặt lấy mảnh giấy rơi ở sàn nhà lên ngang tầm mắt và nói: “Mảnh giấy cũng là thứ được Đức Phật ban tặng, không được coi nó là hèn mọn.” Mỗi chúng ta cần sở hữu một trái tim ngập tràn sự cảm tạ, lòng biết ơn đối với những thứ đang tồn tại xung quanh bản thân.

Người không coi trọng đồ vật cũng sẽ không tôn trọng người khác.

Dù là thứ gì đi nữa, khi không cần đến, sẽ là rác.

Những đứa trẻ lớn lên trong khi nhìn thấy bố mẹ mình với cách suy nghĩ như thế, thì không chỉ với đồ vật, mà cũng sẽ nhìn bạn bè của mình với cảm giác giống như vậy.

Mỗi đồ vật đều ẩn chứa bên trong nó công sức lao động cũng như tấm lòng chẳng thể nào đếm xiết của những người làm ra chúng. Ngay cả khi dọn dẹp hay sắp xếp cũng vậy, đừng đối xử với đồ vật giống như chúng chỉ là một sự tồn tại đơn thuần, để rồi vứt bừa bãi tại đâu đó. Điều quan trọng là không được quên đi cảm giác biết ơn.

Tuy nhiên, không được lãng phí không có nghĩa là bạn phải mang cất tất cả mọi thứ vào trong tủ, để mặc chúng ở đó, không sờ đến. Mặc dù có thể đã được vài năm tuổi rồi đi nữa, nó vẫn là thứ mang sinh mệnh.

Những đồ vật bị cất đi ấy, nếu lấy ra bên ngoài, có thể phát huy tác dụng vốn có của mình, trở thành một võ sĩ vô cùng năng nổ trên sàn đấu. Có một sàn đấu như thế dành cho đồ vật, nhưng bạn lại cất giữ chúng ở trong hộc tủ, quên đi lúc nào không hay. Đồ vật đó sẽ chẳng còn nhìn thấy ánh sáng mặt trời. Cuộc đời của nó vậy là kết thúc.

Nếu thế, đồ vật sẽ rất đáng thương.

Hãy biết ơn những thứ đã vì bạn mà làm việc, gửi lời cảm ơn tới những người đã luôn giúp đỡ bạn trong cuộc sống, gửi tấm lòng cảm kích tới những thứ đã phát huy đầy đủ tác dụng của nó để bạn có thể tỏa sáng trong cuộc đời.

Tất cả những vật tồn tại trước mắt bạn, hãy trân trọng chúng.

KHOẢNG THỜI GIAN CỦA DỌN DẸP VÀ SẮP XẾP

Việc dọn dẹp chẳng liên quan tới thời gian.

Chỉ cần làm trong lúc rảnh rỗi là được.

Bạn có nghĩ như vậy không?

Như tôi đã nói, dọn dẹp là công việc mà khi thực hiện, nó sẽ lấy đi những đám mây mù bao trùm trong tâm khảm. Dù rất muốn cố gắng dọn dẹp nhưng vì đã là nửa đêm, nên bạn không hề muốn làm một chút nào. Ngay cả ở các ngôi chùa, sau khi trời đã về đêm, chúng tôi cũng không dọn dẹp.

Quả thực, nên dọn dẹp vào buổi sáng. Hãy làm vào thời điểm đầu tiên trong ngày, tức khi bạn thức dậy.

Các nhà sư tu hành tại chùa thức dậy vào sáng sớm tinh mơ, rửa mặt, thay quần áo xong xuôi, sau đó chính thức bắt đầu một ngày mới bằng công việc dọn dẹp. Nếu các nhà sư có thể đương đầu với không khí lạnh buốt vẫn còn vương sương sớm khi bình minh tới, tâm trạng của họ cũng tự nhiên trở nên cứng rắn và nghiêm túc, tất cả cùng bắt đầu một ngày mới với tinh thần làm việc đầy hứng khởi.

gột rửa trái tim

 

 

Trước khi mọi người xung quanh và cả cây cỏ muôn loài thức dậy, công việc dọn dẹp được làm trong tĩnh lặng. Khi mà mọi vật vẫn chìm trong yên lặng, chắc chắn trái tim cũng cảm thấy bình yên, đầu óc cũng trong trạng thái hoàn toàn tỉnh táo để làm mọi việc thật khéo léo. Nếu có thể kết thúc công việc don dẹp trước khi mọi người thức giấc, bạn cũng có thể sẵn sàng hướng tới công việc của ngày hôm đó.

Nhờ dọn dẹp vào buổi sáng, tâm hồn bạn sẽ cảm thấy tròn đầy, giúp bạn có được một ngày vui vẻ và hứng khởi. Ngược lại, trước khi đi ngủ vào buổi tối, hãy cùng sắp xếp lại những thứ tồn tại xung quanh bạn.

Với các tăng lữ (chỉ những sư thầy tu hành tại thiền viện), cuộc sống của họ là thực hiện việc dọn dẹp và sắp xếp đồ vật trong suốt cả một ngày, vậy nên, sắp xếp đồ vật trước khi đi ngủ là không cần thiết.

Sau khi dùng xong, phải sắp xếp gọn gàng. Nếu bạn có thể thực hiện triệt để được việc đó, dần dần, mọi thứ sẽ không còn bị vứt vương vãi và lộn xộn.

Tuy nhiên, tại các gia đình thông thường có lẽ sẽ không thể làm như vậy. Bởi thế, ít nhất hãy cất tất cả những thứ đã dùng trong ngày và xếp gọn những đồ vật đang bị vứt bừa bãi vào đúng vị trí. Hãy cố gắng dụng tâm sắp xếp mọi thứ trở về vị trí và trạng thái ban đầu ngay trong ngày hôm đó.

Sáng hôm sau, để có thể bắt tay vào dọn dẹp với tâm trạng khỏe khoắn và sảng khoái: “Nào, bắt đầu một ngày mới thôi!”, việc sắp xếp phòng ốc là rất quan trọng.

Tại thiền viện nơi tôi được chỉ dạy về những công việc trong chùa, trước khi ngủ, tôi và người bạn cùng phòng bắt buộc phải tụng bài kệ được xướng vào thời điểm kết thúc công việc của một ngày. Nếu làm việc trước khi đi ngủ tại một căn phòng đã được sắp xếp gọn gàng, tâm trạng cũng trở nên sảng khoái, có thể nhẹ nhàng điều chỉnh tâm hồn trong thư thái, ngủ một giấc thật sâu.

Đó chính là cách dọn dẹp và sắp xếp hằng ngày, nhưng điều quan trọng tôi muốn nhắn nhủ tới bạn là hãy thực hiện liên tục.

Mỗi ngày, hãy tạo thói quen dọn dẹp và sắp xếp, dù chỉ trong một khoảng thời gian ngắn thôi cũng được, hãy làm trong phạm vi mà bản thân có thể, không cần phải quá cố sức.

Ban đầu, bạn có thể gặp khó khăn trong việc dậy sớm, nhưng một khi việc dọn dẹp vào buổi sáng và sắp xếp đồ đạc gọn gàng vào buổi tối đã trở thành thói quen, cả cơ thể và tâm hồn bạn sẽ trở nên khoan khoái, trải qua mỗi ngày trong tâm trạng tràn đầy hứng khởi.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. ĐẸP TỪ TÂM LÀ CÁI ĐẸP VẸN TOÀN NHẤT
  2. CÁI ĐẸP
  3. HỌC CÁCH SỐNG ĐẸP

Bài viết khác của tác giả

  1. RÁC THẢI CÓ PHẢI THẬT SỰ LÀ RÁC?
  2. THIỀN TẬP NƠI NHÀ BẾP

Bài viết mới

  1. THỰC HÀNH BỒ ĐỀ TÂM
  2. LÒNG TỰ TRỌNG
  3. LÀM THẾ NÀO ĐỂ PHÁT KHỞI LÒNG SÙNG MỘ