ĐỒNG CẢM VÀ ĐẠO ĐỨC: NGUỒN GỐC CỦA SỰ VỊ THA

DANIEL GOLEMAN

Cuốn sách bán chạy nhất thế giới của Daniel Goleman đã lập luận rằng tầm nhìn của chúng ta về trí tuệ con người còn quá hạn hẹp. Tại sao vẫn có những người kém thông minh nhưng thành công hơn những người thông minh? Do họ may mắn, làm việc chăm chỉ, hay họ có những năng lực đặc biệt? Với kết quả nghiên cứu về trí não và khoa học hành vi, Goleman lý giải cho chúng ta tại sao hiệu quả công việc ở người có chỉ số EQ cao và người có chỉ số EQ bình thường lại khác biệt đáng kinh ngạc đến vậy.

Daniel Goleman, 2011, Wikipedia

Goleman 2011, ảnh từ Wikipedia

Daniel Goleman, sinh năm 1946 ở California, là tác giả và nhà báo khoa học. Trong 12 năm làm việc cho tờ The New York Times, ông chuyên viết về lĩnh vực khoa học hành vi và não bộ. Quyển sách Trí Tuệ Xúc Cảm (nguyên tác Emotional Intelligence) được nằm trong danh sách bán chạy nhất của tờ The New York Times trong một năm rưỡi, sách bán chạy nhất ở nhiều quốc gia và được dịch ra 40 ngôn ngữ khác nhau trên thế giới. Ngoài những cuốn sách về trí thông minh cảm xúc, Goleman đã viết sách về các chủ đề bao gồm tự lừa dối, sáng tạo, minh bạch, thiền định, học tập xã hội và tình cảm, sinh thái bền vững và khủng hoảng sinh thái, và tầm nhìn của Dalai Lama cho tương lai.

☘️☘️☘️

ĐỒNG CẢM VÀ ĐẠO ĐỨC: NGUỒN GỐC CỦA SỰ VỊ THA

“Đừng bao giờ tìm hiểu xem chuông nguyện hồn ai: nó nguyện hồn người đó”. Trong câu nói nổi tiếng này, John Donne diễn đạt thực chất của mối quan hệ thống nhất giữa sự đồng cảm và lòng nhân từ: cảm nhận được nỗi đau của người khác, đó là quan tâm tới chính bản thân mình. Theo nghĩa đó, đồng cảm là cái ngược lại với ác cảm. Có nên nói dối để khỏi làm tổn thương tình cảm của một người thân không? Có nên giữ lời hứa đến thăm một người bạn bị ốm hay chấp nhận một lời mời ăn trưa vào phút cuối cùng không? Có nên giả tạo duy trì sự sống của người nào đó không?

Những câu hỏi đạo đức ấy được Martin Hoffman đặt ra khi tiến hành nghiên cứu về sự đồng cảm, và ông cho rằng phán xét đạo đức bắt nguồn từ tình cảm này, do đồng cảm với những người đang khổ sở vì gặp nguy hiểm hay thiếu thốn và, do đó, chia sẻ nỗi đau khổ của họ mà người ta bị thúc đẩy tới chỗ giúp đỡ họ12. Hoffman cho rằng chính năng lực đồng cảm, đặt mình vào địa vị của người khác đưa người ta đến chỗ tôn trọng một số nguyên tắc đạo đức.

Theo Hoffman, sự đồng cảm phát triển từ thời thơ ấu. Khi được một tuổi, đứa trẻ cảm thấy buồn rầu mỗi khi nó nhìn thấy một đứa khác ngã hoặc khóc. Sau năm đầu tiên, khi nó bắt đầu biết đến sự hiện diện riêng của nó, nó cố giải khuây cho đứa bé kia bằng cách đưa một con gấu bông chẳng hạn. Từ 2 tuổi, nó bắt đầu hiểu rằng tình cảm của người khác là khác với của nó, và nó trở thành nhạy cảm hơn với những tin hiệu cho thấy người khác đang cảm thấy gì. Ở giai đoạn này, nó có thể hiểu được rằng cách tốt nhất để giúp đứa trẻ khác hết khóc có lẽ là tôn trọng bản lĩnh của nó và đừng quá chú ý tới nước mắt của nó.

Từ 2 tuổi, trẻ em bắt đầu hiểu rằng tình cảm của người khác là khác với của nó, và nó trở thành nhạy cảm hơn với những tin hiệu cho thấy người khác đang cảm thấy gì.

Sự đồng cảm đạt tới hình thức hoàn chỉnh nhất vào lúc kết thúc tuổi thơ, khi đứa trẻ hiểu rằng nỗi buồn có thể không chỉ là tình thế trước mắt mà còn là sự nhìn nhận thân phận hay vị thế của một người nào đó trong cuộc đời, đó có thể là nguồn gốc thường xuyên của sự đạu khổ. Phát triển tinh thần tới mức này, nó có thể đồng cảm với đau khổ của cả một nhóm, như những người bị loại trừ. Vào tuổi niên thiếu, sự hiểu biết này có thể làm tăng thêm niềm tin đạo đức vững chắc hướng tới ý chí đấu tranh chống lại bất hạnh và bất công.

☘️☘️☘️

Chú thích

12. Martin L. Hoffman, “Emphathy, Social Cognition and Moral Action”, Moral Behavior and Development: Advances in Theory, Research and Application, John Wiley and Sons, New York, 1984.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. TRÍ THÔNG MINH CỦA CẢM XÚC
  2. TRÍ TUỆ XÚC CẢM – NGUYÊN TẮC CHỈ ĐẠO BÊN TRONG
  3. LÀM VIỆC TRÊN NHỮNG CẢM XÚC

Bài viết khác của tác giả

  1. NGƯỜI LÃNH ĐẠO THỰC SỰ
  2. TRÍ TUỆ XÚC CẢM LÀ GÌ
  3. NÂNG ĐỠ NGƯỜI KHÁC – TRÍ TUỆ XÚC CẢM ỨNG DỤNG TRONG CÔNG VIỆC

Bài viết mới

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  3. LÀM MỘT BẬC THẦY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỀ NGHIỆP