JIDDU KRISHNAMURTI
Trích: Thực tại hiện tiền; Từ Hoá Hoàng Lan; NXB. Dân Trí; C.ty Xuất bản Thiện Tri Thức, 2022
“Tại sao”, một người đặt câu hỏi, “trật tự là một phẩm tính khiến cho bộ não có thể hoạt động một cách chính xác, vui vẻ, và hạnh phúc?”.
“Trật tự không được tạo ra bởi tư tưởng. Trật tự không phải là thứ mà bạn làm theo ngày này qua ngày khác, thực hành, tuân thủ. Như các dòng sông hòa vào biển cả, dòng chảy của trật tự, dòng sông có trật tự, là vô tận. Nhưng trật tự đó không thể hiện hữu nếu có bất kỳ loại nỗ lực nào, bất kỳ hình thức đấu tranh nào để đạt được, hoặc gạt bỏ sự vô trật tự sang một bên và trở thành một nề nếp, những thói quen khác nhau được định hình rõ ràng. Tất cả những Krishnamurti Thực tại hiện tiền điều đó không phải là trật tự. Xung đột là nguồn gốc của vô trật tự, là nguyên nhân chính”.
“Mọi thứ đều tranh đấu, phải không? Những cái cây đó, chúng đã đấu tranh để sinh tồn, đấu tranh để phát triển. Cây sồi phi thường ở đó đằng sau ngôi nhà này, nó đã chịu đựng nhiều cơn bão, nhiều năm mưa sa và nắng nóng, nó đã đấu tranh để sinh tồn. Đời sống là xung đột, là hỗn loạn, là bão tố. Và bạn đang nói rằng trật tự là một trạng thái mà trong đó không có xung đột, phải không? Điều đó gần như là không thể, giống như nói chuyện bằng một thứ tiếng lạ lẫm, một thứ hoàn toàn xa lạ với cuộc sống của chính mình, với cách suy nghĩ của chính mình. Nếu tôi không sỗ sàng khi hỏi: ông có sống trong trật tự mà không có bất kỳ xung đột nào không?”.
“Thưa ông, việc tìm hiểu xem người khác có đang sống mà không nỗ lực, không xung đột có thực sự quan trọng hay không? Hay ông muốn hỏi xem ông, là một con người, sống trong tình trạng vô trật tự, có thể tự tìm ra nhiều nguyên nhân – hoặc có lẽ chỉ có một nguyên nhân – của chứng rối loạn này không? Những bông hoa đó không biết đến trật tự cũng như vô trật tự, chúng chỉ tồn tại. Tất nhiên, nếu không được tưới nước, chăm sóc, chúng sẽ chết, và chết cũng là trật tự của chúng. Mặt trời chói chang và nóng nực sẽ thiêu hủy chúng vào tháng tới, và đối với chúng đó là trật tự”.
Con thằn lằn đang sưởi nắng trên tảng đá và chờ đợi lũ ruồi bay qua. Và chắc chắn chúng sẽ bay qua. Và con thằn lằn với chiếc lưỡi nhanh nhẹn sẽ nuốt chửng chúng. Đó dường như là bản chất của thế giới: những cái lớn sống dựa trên những cái nhỏ bé, và những cái lớn hơn sống dựa trên những cái lớn. Đây là vòng tuần hoàn trong thế giới tự nhiên. Và trong đó không có trật tự cũng không có vô trật tự. Nhưng đôi khi chúng ta tự biết cảm giác hoàn toàn hài hòa và cả nỗi đau, sự lo lắng, buồn phiền, xung đột. Nguyên nhân của sự vô trật tự là sự luôn trở thành – để trở thành, để tìm kiếm bản sắc, cuộc đấu tranh để là. Chừng nào bộ não, vốn bị điều kiện hoá nặng nề, còn đo lường, cái ‘nhiều’, cái ‘tốt’, chuyển động tâm lý từ chỗ này sang chỗ khác, thì nó chắc chắn phải mang lại cảm giác xung đột, và đây là sự vô trật tự. Không chỉ các từ ngữ ‘hay hơn’, ‘tốt hơn’, mà cả cảm giác, phản ứng của việc thành tựu, đạt được – chừng nào có sự phân chia, tính hai mặt này, thì ắt hẳn sẽ có xung đột. Và từ xung đột nảy sinh vô trật tự.
Có lẽ người ta rõ biết được tất cả những điều này, nhưng do bỏ qua sự rõ biết này, người ta tiếp tục theo cùng một cách từ ngày này qua ngày khác trong suốt cả cuộc đời mình. Tính nhị nguyên này không chỉ là ngôn từ mà còn có sự phân chia sâu sắc hơn như là người tư tưởng và tư tưởng, khi người tư tưởng tách khỏi chính mình. Người tư tưởng do tư tưởng tạo nên, người tư tưởng là quá khứ, người tư tưởng là kiến thức, và tư tưởng cũng được sinh ra từ tri thức. Trên thực tế không có sự phân chia giữa người tư tưởng và tư tưởng, chúng là một thể không thể tách rời; nhưng tư tưởng đã chơi một trò đùa ranh mãnh với chính nó, nó tự tách đôi. Có lẽ sự phân chia liên tục này của chính nó, sự phân mảnh của chính nó, là nguyên nhân của sự vô trật tự. Chỉ thấy, nhận ra, sự thật của điều này, rằng người nhận thức là đối tượng được nhận thức, vô trật tự chấm dứt.
Con chim nhại đã bay đi và con chim bồ câu khóc than ở đó với tiếng kêu ai oán của nó. Và bạn tình của nó nhanh chóng tới với nó. Chúng cùng nhau đậu trên sợi dây đó, im lìm, bất động, nhưng những con mắt thì chuyển động, nhìn ngó, đề phòng nguy hiểm. Chú diều hâu đuôi đỏ và những loài chim săn mồi ở đó một hoặc hai giờ trước đã bay mất. Có lẽ chúng sẽ quay lại vào ngày mai. Và như thế, buổi sáng kết thúc và mặt trời bây giờ rực rỡ và có hàng ngàn bóng râm. Mặt đất thì yên lặng còn con người thì lạc lõng và hoang mang.
—???—