ĐỒNG THANH ĐỒNG KHÍ CHỌN BẰNG HỮU TÂM LINH

ALEX KENNEDY

Trích: “ Đạo Phật Và Đạo Bằng Hữu”
Việt Dịch: Nguyễn Tiến Văn

Alex Kennedy, ông sinh 1947 tại Anh, gia nhập Dòng tu đạo Phật phương Tây năm 1973 và luôn tận tụy với việc thực hành và giảng dạy về đạo Phật. Ông có vai trò quan trọng trong việc thiết lập Trung tâm Phật giáo London và một trung tâm tu học ở Tây Ban Nha.
——-

Düdjom Rinpoche and Dilgo Khyentsé Rinpoche

TÌNH THƯƠNG ĐẠI ĐỒNG, HAY “TÌNH BẠN ĐẶC THÙ”

Sự chọn lựa có ngầm chứa trong việc kết giao. Trong hàng tỉ con người trên thế giới, chỉ có một ít có thể trở thành bằng hữu của ta. Thấy như vậy, một số người kết luận rằng đạo bằng hữu tốt nhất đi nữa cũng chẳng liên quan và có lẽ còn là một chướng ngại cho đời sống tâm linh, vốn nhắm tới tình thương vô tư, không thiên vị. Theo quan điểm này, tính đặc thù của đạo bằng hữu là không tương thích với tính đại đồng rộng lớn là lòng từ bi của Phật giáo hay đức bác ái của Kitô giáo.

Tôi nghĩ ý tưởng này là lầm lạc, nhưng nó rất có ảnh hưởng. Thậm chí ngay một nhà tư tưởng kiệt xuất như Schopenhauer (vốn đánh giá cao bằng hữu) cũng có thể viết rằng:
“Đạo bằng hữu chỉ là sự hạn chế và sự thiên vị; nó là sự hạn hẹp vào một cá nhân những gì lẽ ra phải dành cho toàn thể nhân loại, tức là sự nhìn nhận rằng bản chất của một con người và của nhân loại là đồng nhất. Hầu hết nó là một sự thỏa hiệp giữa sự thừa nhận này và thói vị kỉ.”

Đạo bằng hữu tâm linh thường bị xáo trộn bởi những nghi ngờ như vậy. Trong truyền thống Kitô giáo, nó nở hoa trong một giai đoạn vào lúc cuối thời trung cổ, tiếp nhận sự chúc phúc của các thánh Anselm và Bernard, và sự cổ võ hùng biện của Aelred ở Rievaulx trong luận văn rất có ảnh hưởng của ông là Spiritualis Amicitia (Đạo bằng hữu tâm linh). Thế nhưng, sự phục hưng này của đạo bằng hữu thời cổ đại trong bối cảnh mới của thể chế tu viện Kitô giáo phải vượt thắng sự đề kháng: những thành tố nhất định trong quy chế tu viện của thánh Benedict không thuận hảo cho đạo bằng hữu thiết thân, hoặc ít nhất cũng có thể áp dụng trong một cung cách như vậy. Chẳng hạn như sự cho phép được cất tiếng, được kiểm soát bởi các bề trên trong tu viện là những người mà quy chế thôi thúc họ hiếm khi ban cho. Đồng thời, một nhu cầu được nhận biết để ngăn cản ‘phe phái’ (một sự đe dọa tiềm năng đối với sự nhất trí của tu viện) đôi khi khiến các giới chức tu viện nghi ngờ sự trung thành thiết thân giữa các tu sĩ. Và nỗi sợ hãi về luyến ái đồng tính, vốn bị xem như một tội trọng, có lẽ cũng tác động chống lại những mối kết giao bằng hữu mật thiết. Mặc dù những quan điểm ủng hộ đạo bằng hữu của các vị Anselm, Bernard, và Aelred có tiến triển đối kháng với thứ văn hóa này trong một thời gian, cùng những mối âu lo – rằng đạo bằng hữu có tính gây chia rẽ, hoặc là một sự cám dỗ để phạm vào những tội lỗi thân xác – nổi lên trở lại vào hậu kì thời Trung cổ và rốt cuộc đã tăng trưởng mạnh đến nỗi, theo một thẩm quyền, ‘những kết giao bằng hữu thuộc bất cứ kiểu nào cũng đều bị cấm tiệt khỏi nhà tu kín’.

Một số Phật tử, cũng vậy, bác bỏ ý tưởng rằng đạo bằng hữu là thành phần, chứ khoan nói là toàn thể, của đời sống tâm linh. Đối với họ, tốt nhất nó cũng chỉ là không liên quan, và xấu nhất nó là trái ngược với tinh thần của đạo Phật. Họ nói: ‘Nó là một hình thức của sự quyến luyến’. Và như chúng ta đã thấy, có những văn bản Phật giáo, khi chỉ đọc lướt qua dường như ủng hộ cho quan điểm của họ.

Đối với tôi, ý tưởng cho rằng đạo bằng hữu phần nào là trái ngược với đời sống tâm linh dường như luôn luôn là một sự hiểu lầm – có lẽ, là sản phẩm của một sự chủ trương khổ hạnh sai lạc. Từ lâu lắm mà kí ức có thể còn lưu lại, những trực giác của tôi vẫn luôn luôn ủng hộ ý tưởng rằng đạo bằng hữu nâng cao và làm phong phú đời sống, và bất kể những khả tính cao nhất của loài người có thể vươn tới đâu, đạo bằng hữu trong một cung cách nào đó phải là thành phần của những khả tính ấy. Việc tôi thực hành đạo pháp qua bao nhiêu năm nói chung đã củng cố những trực giác như vậy. Trải nghiệm và quan sát đã cho tôi thấy rằng đạo bằng hữu có chiều hướng sản sinh một sự mở rộng chứ không phải là một sự thu hẹp mối thiện cảm của chúng ta đối với nhân loại như một tổng thể. Qua trải nghiệm bền vững và đào sâu thêm về đạo bằng hữu, chúng ta học biết được để tôn trọng người khác và chính bản thân chúng ta một cách trọn vẹn hơn. Nó giúp chúng ta chữa lành những nhức nhối tâm lý, và loại bỏ những rào cản tự vệ trước đây bị khóa chặt tại chỗ. Nhờ thế, chúng ta thư thái và có được lòng tự tin, và khởi sự có một cái nhìn tích cực hơn, thiện cảm hơn, và tha thứ hơn về đồng loại nói chung.

Bởi vậy, tôi không tán đồng ý tưởng rằng đạo bằng hữu – và ít nhất trong tất cả kalyāna mitratā – là ‘sự hạn chế và sự thiên vị’. Tôi không nghĩ rằng một lối nhìn như thế là bền vững khi (trong cung cách được phác họa ở những chương trước đây) chúng ta thông hiểu đạo bằng hữu như một sự kết giao tâm từ/ mettā và sự thành tín/sraddhā.

Mettā, hay tâm từ, vừa mang tính đại đồng phổ quát vừa mang tính đặc thù. Bất cứ khi nào có thể, tâm từ phát triển một cách tự nhiên thành tương giao bằng hữu. Tất nhiên, sự phát triển ấy chỉ khả dĩ trong một số điều kiện nhất định, tức là cả hai người đều cùng cảm thấy điều đó, khi những tâm trí và những công năng của họ được phát triển với mức độ tương ứng, và khi hoàn cảnh cho phép sự thân thiết tăng trưởng giữa họ. Đạo bằng hữu như thế là một trong những kết quả của tâm từ – một thứ tăng trưởng khi tâm từ tìm được đất trồng và khí hậu thích hợp – chứ không phải là một sự hạn chế của tâm từ.

Có lẽ chúng ta sẽ nắm vững được ý tưởng này một cách minh bạch hơn qua hình tượng. Tâm từ giống như một kim tự tháp ngự trên một nền móng bao la (chúng sinh) nhưng vươn lên tới điểm cao của một vài mối quan hệ mật thiết. Điều này gợi ý bằng cách nào những kích thước đại đồng và đặc thù của tâm từ không mâu thuẫn với nhau mà hài hòa với – và thậm chí còn yêu cầu – nhau. Đặc thù phải được đặc nền móng trên bối cảnh đại đồng, cũng như đỉnh của kim tự tháp ngự trị trên đáy của nó. Nói cách khác, nếu không có một bối cảnh thiện chí đại đồng, sự tương giao bằng hữu có chiều hướng chuyên biệt, một vòng tròn hoặc một khối cầu khép kín. Ngược lại, cái đại đồng phải thăng tiến tới đặc thù: không có đạo bằng hữu, thiện chí sẽ dễ có nguy cơ mang tính lý thuyết hơn là thực sự, né tránh chiều sâu và nghĩa vụ – chỉ là một bình nguyên phẳng lặng, không đặc điểm, và không có kim tự tháp nào trong tầm nhìn.

Đạo bằng hữu tâm linh an trú không chỉ riêng trên tâm từ, mà còn – và theo một ý nghĩa, thậm chí còn nền tảng hơn – trên sraddhā/thành tín. Mọi tương giao bằng hữu đều liên quan đến sự chọn lựa, bởi nó luôn luôn căn cứ trên sự yêu thích. Điều này cũng đúng một cách tương đồng với đạo bằng hữu tâm linh, vốn căn cứ trên một loại yêu thích đặc biệt. Sraddhā/thành tín là một tình thương yêu có biền biệt; nó không lôi kéo tâm trí ta tới mọi người như nhau, mà chỉ tới những ai yêu quý kalyāna. Thế nhưng, đạo bằng hữu phát triển từ sraddhā thăng tiến lòng thương yêu đối với tất cả chúng sinh.

Một sự thỏa hiệp sẽ pha loãng mọi thứ san sẻ trong đó. Với sự kính trọng Schopenhauer, chúng ta phải nói rằng đạo bằng hữu, và đặc thù là đạo bằng hữu tâm linh, không thể được thông hiểu đúng cách như là ‘một sự thỏa hiệp’ của tình thương yêu đại đồng. Chẳng hạn, chúng ta thường không nghĩ về một cây cầu như là một sự thỏa hiệp giữa hai bờ của một con sông, hoặc cái cầu thang như là một sự thỏa hiệp giữa hai tầng lầu của một ngôi nhà.

Bình luận


Bài viết mới

  1. BA CON ĐƯỜNG
  2. DŨNG CẢM – SỨC MẠNH CỦA TRÁI TIM
  3. HÃY BIẾT CHÍNH NGƯƠI